Về một số bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

26/06/2024 14:23

(kiemsat.vn)
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 qua 05 năm thực hiện đã phát sinh những bất cập, vướng mắc, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo việc áp dụng quy định của pháp luật thống nhất, hiệu quả.

1. Những quy định không còn phù hợp

- Về quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án: Hiện nay, quyền khởi tố vụ án hình sự được quy định tại khoản 4 Điều 153 và đoạn 3 khoản 2 Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015). Theo đó, “Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm” (khoản 4 Điều 153 BLTTHS năm 2015); “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp” (đoạn 3 khoản 2 điều 154 BLTTHS năm 2015). Thực tiễn cho thấy, quy định trên hiện không còn phù hợp, bởi lẽ, việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó.

- Vấn đề xử lý vật chứng theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015: Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền theo quy định trong trường hợp này là cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Hải quan, cơ quan khác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn… sẽ xử lý vật chứng. Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thực hiện việc giám định lại, giám định bổ sung, đặc biệt trong trường hợp vật chứng là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản vì đã bị tiêu hủy. Vì vậy, cần có quy định bổ sung về cách bảo quản, nuôi nhốt đối với vật chứng là động vật hoang dã trong suốt thời gian điều tra vụ án.

2. Một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa cụ thể, rõ ràng

- Quy định về thành phần tham gia phiên tòa có bị cáo là người dưới 18 tuổi: Điều 420 BLTTHS năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt” và tại khoản 3 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định: “Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt,…”. Tuy nhiên, cả hai điều trên đều không quy định chi tiết trường hợp nào thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định để thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác tham gia tố tụng; trường hợp nào thì thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, trường hợp nào thì Đoàn thanh niên, tổ chức khác hoặc tất cả những người nêu trên đều phải tham gia tố tụng tại phiên tòa xét xử có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Điều này dẫn đến việc hiểu và áp dụng quy định của pháp luật không thống nhất.

Ngoài ra, các chi phí tố tụng cho thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác khi tham gia tố tụng cũng chưa được quy định; dù trong thực tế, họ phải bỏ chi phí cho việc di chuyển đến phiên tòa và bị mất thu nhập trong khoảng thời gian tham gia phiên tòa.

- Vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn: Theo Điều 456 BLTTHS năm 2015, để áp dụng thủ tục rút gọn phải đáp ứng đủ 04 điều kiện, đó là: (a) Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; (b) Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; (c) Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; (d) Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng. Nếu không đáp ứng đủ 04 điều kiện nêu trên thì không được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà phải giải quyết theo thủ tục chung. Tuy nhiên, trong thực tế, có trường hợp đáp ứng được các điều kiện: Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng; như tội phạm là tội phạm nghiêm trọng, nhưng thuộc trường hợp phạm tội đơn giản hoặc người phạm tội đầu thú mà không phải tự thú nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết. Thêm vào đó, hiểu như thế nào là “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng” phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Đây là quy định tùy nghi nên nhận thức và áp dụng hai điều kiện này chưa thống nhất, dẫn đến có những vụ án nội dung, tính chất tương tự nhau, nhưng có trường hợp áp dụng, có trường hợp lại không áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.

3. Một số bất cập, vướng mắc khác

- Về thời hạn bị hại yêu cầu khởi tố: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định thời hạn bị hại yêu cầu khởi tố mà trong đó, bị hại được quyền yêu cầu khởi tố, nghĩa là họ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án bất cứ lúc nào, không bị giới hạn về mặt thời gian. Nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015 mà vì một lý do nào đó bị hại chưa yêu cầu khởi tố, nhưng cũng không thể hiện ý chí là không yêu cầu khởi tố vụ án thì vụ án sẽ chưa thể được giải quyết. Những trường hợp này Cơ quan điều tra không thể ra quyết định khởi tố vụ án vì chưa có yêu cầu khởi tố của bị hại, cũng không thể ra quyết định không khởi tố vụ án khi hết thời hạn giải quyết tin báo, vì không có căn cứ.

- Về thời hạn xét đơn ân giảm: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định thời hạn xét đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành trong trường hợp người bị kết án có đơn xin sớm thi hành án tử hình gây khó khăn cho công tác quản lý người bị kết án tử hình trên thực tế.

- Việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giam: Theo Điều 113, Điều 119 BLTTHS năm 2015, đối tượng áp dụng biện pháp bắt bị can, bị cáo để tạm giam và biện pháp tạm giam là bị can, bị cáo. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 329, khoản 3 Điều 347 và Điều 391 BLTTHS năm 2015, đối tượng áp dụng biện pháp này không chỉ là bị can, bị cáo mà còn bao gồm cả người bị kết án (trong trường hợp đang chấp hành bản án nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại thì lúc này phạm nhân đã bị thay đổi tư cách tố tụng là bị can hoặc bị cáo nên không mâu thuẫn với Điều 113, 119 BLTTHS năm 2015).

Ngoài ra, thực tiễn giải quyết các trường hợp phạm nhân được trích xuất là bị can, bị cáo trong vụ án khác còn mâu thuẫn giữa việc áp dụng quy định tại Điều 119 BLTTHS năm 2015 với quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Bởi nếu cơ quan tiến hành tố tụng không ban hành lệnh, quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với phạm nhân trích xuất thì không có cơ sở thực hiện việc phân loại quản lý giam giữ, đảm bảo việc giải quyết vụ án; trong khi đó, việc áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp này lại không thỏa mãn quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với trường hợp phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, người già yếu, bị bệnh nặng, phụ nữ có thai (nếu phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù mà cơ quan tố tụng còn ban hành lệnh, quyết định áp dụng biện pháp tạm giam thì sẽ bị chồng chéo lệnh).

- Về thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam: Theo quy định tại Điều 119 BLTTHS năm 2015, những người có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam bao gồm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án và Hội đồng xét xử. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 391 BLTTHS năm 2015, chủ thể áp dụng biện pháp tạm giam còn có Hội đồng giám đốc thẩm. Trong khi đó, giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử. Vì vậy, không thể đồng nhất “Hội đồng xét xử” với “Hội đồng giám đốc thẩm” trong quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam.

- Về việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giam người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi: Quy định tại Điều 419 BLTTHS năm 2015 vẫn còn chung chung: “Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết”; “chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả”. Ngoài ra, thời hạn tạm giam chưa thể hiện được sự phân hóa theo nhóm tuổi trong quy định của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, các biện pháp ngăn chặn khác như: Đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú… chưa được đề cập trong Điều 419 BLTTHS năm 2015 dành riêng cho người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.

4. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

- Về quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án: Cần xem xét bỏ quyền khởi tố vụ án của Tòa án và việc này cần thực hiện theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc sửa đổi và bãi bỏ nói trên có thể thực hiện ngay trong phạm vi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

- Vấn đề xử lý vật chứng theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015: Điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi theo hướng bổ sung cụm từ “định giá” vào điều luật, cụ thể: “Vật chứng là động vật hoang dã hoặc thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định, định giá phải giao ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

- Về thành phần tham gia phiên tòa có bị cáo là người dưới 18 tuổi: Điều 420 BLTTHS năm 2015 cần có quy định cụ thể về tư cách tố tụng của các chủ thể. Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của họ trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người dưới 18 tuổi; quy định về chi phí cho “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt” khi họ tham gia tố tụng trong vụ án như trường hợp chi phí tố tụng cho người làm chứng.

- Về áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 456 BLTTHS năm 2015: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Người phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó đầu thú, tự thú” để áp dụng thủ tục rút gọn trong trường hợp người phạm tội đầu thú cho phù hợp với thực tiễn. Cần quy định cụ thể các điều kiện: “Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” và “người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng”, quy định tại điểm b và d khoản 1 Điều 456 BLTTHS năm 2015.

Ngoài ra, cần hoàn thiện quy định về căn cứ, thẩm quyền, thời hạn tạm giam; quy định về việc áp dụng biện pháp bắt, tạm giam người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi; bổ sung quy định về thời hạn bị hại yêu cầu khởi tố hoặc không yêu cầu khởi tố; lượng hóa các thời hạn quy định có tính định tính trong BLTTHS bằng các thời hạn cụ thể; bổ sung quy định thời hạn xét đơn ân giảm của Chủ tịch nước trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm; hoàn thiện thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành trong trường hợp người bị kết án tử hình có đơn xin sớm thi hành án tử hình.

Cần sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (được quy định trong 06 điều luật - từ Điều 223 đến Điều 228 Chương XVI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện.

Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kháng nghị tái thẩm

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2015 về kháng nghị tái thẩm cho thấy vẫn còn một số bất cập như đối tượng của kháng nghị tái thẩm quá rộng; quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm chưa hợp lý về kỹ thuật lập pháp; quy định về thời hạn kháng nghị tái thẩm chưa điều chỉnh hết các trường hợp phát sinh trên thực tế; chưa quy định trường hợp Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tái thẩm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang