Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kháng nghị tái thẩm

24/06/2024 14:09

(kiemsat.vn)
Thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2015 về kháng nghị tái thẩm cho thấy vẫn còn một số bất cập như đối tượng của kháng nghị tái thẩm quá rộng; quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm chưa hợp lý về kỹ thuật lập pháp; quy định về thời hạn kháng nghị tái thẩm chưa điều chỉnh hết các trường hợp phát sinh trên thực tế; chưa quy định trường hợp Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tái thẩm.

1. Vướng mắc trong quy định của pháp luật tố tụng hình sự về kháng nghị tái thẩm

1.1. Đối tượng của kháng nghị tái thẩm

So với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ hơn về đối tượng của kháng nghị tái thẩm: Là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật “của Tòa án”. Về lý thuyết, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không khó để xác định; nhưng quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì không đơn giản vì trong quá trình tố tụng hình sự, Tòa án ban hành rất nhiều quyết định. Đến nay, chưa có văn bản pháp luật nào chính thức giải thích “quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” bao gồm những loại quyết định nào. Điều 6 Dự thảo 1 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao năm 2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTHS, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm có giải thích về đối tượng bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không đề cập đến đối tượng bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Câu hỏi đặt ra là có cần thiết xây dựng một điều luật trong BLTTHS hoặc trong văn bản hướng dẫn thi hành liệt kê cụ thể tất cả các quyết định của Tòa án có thể bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm hay chỉ quy định riêng lẻ mang tính dẫn chiếu trong từng điều luật điều chỉnh về từng loại quyết định của Tòa án? Rõ ràng, khi tập hợp tất cả các loại quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thể bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vào một điều luật sẽ khoa học hơn và tạo sự thống nhất về nhận thức, thuận tiện hơn cho hoạt động áp dụng pháp luật.

Trong khoa học pháp lý, có nhiều quan điểm khác nhau về các quyết định là đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm, nhưng quyết định là đối tượng của kháng nghị tái thẩm thì chưa có nhiều nghiên cứu. Nếu chỉ xem xét ở góc độ đặc điểm pháp lý thì đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm là giống nhau. Do đó, việc tìm hiểu một số quan điểm về các quyết định của Tòa án thuộc đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm là cần thiết.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, tất cả các quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đều là đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm, không kể quyết định đó là do Hội đồng xét xử, Chánh án, Phó Chánh án hay Thẩm phán ban hành.

Quan điểm thứ hai cho rằng, đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm chỉ là các quyết định giải quyết thực chất vụ án, không phải là các quyết định nhằm đảm bảo việc xét xử.

Quan điểm thứ ba liệt kê các quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, bao gồm: Quyết định về áp dụng pháp luật; quyết định về mức hình phạt và biện pháp chấp hành hình phạt; quyết định áp dụng các biện pháp tư pháp như kê biên tạm giữ tài sản, tịch thu vật và tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm và bồi thường thiệt hại; các quyết định giám đốc thẩm.

Những quan điểm trên đều có điểm hạn chế nhất định. Quan điểm thứ nhất mở rộng quá mức phạm vi các quyết định của Tòa là đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm; quan điểm thứ hai không rõ ràng vì chưa xác định tiêu chí để phân biệt quyết định giải quyết thực chất vụ án với các quyết định đảm bảo việc xét xử. Quan điểm thứ ba liệt kê chưa đầy đủ các quyết định của Tòa là đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm.

Khoản 1 Điều 6 Dự thảo 1 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao liệt kê các quyết định là đối tượng bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bao gồm:

... “c) Quyết định giám đốc thẩm (trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao);

d) Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

đ) Quyết định bắt buộc chữa bệnh;

e) Quyết định buộc người được hưởng án treo chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo;

g) Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;

h) Quyết định miễn thi hành chấp hành án phạt tù;

i) Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện;

k) Quyết định giảm thời gian thử thách của án treo, cải tạo không giam giữ;

l) Quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước hạn có điều kiện;

m) Quyết định miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án”.

Những quyết định trên của Tòa án, về lý thuyết, cũng đồng thời là những quyết định có thể bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Trong số đó, có rất nhiều loại quyết định ban hành trong giai đoạn thi hành án hình sự (THAHS) như: Miễn chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện,… Chưa kể đến việc sử dụng thuật ngữ chưa chính xác (có thể chỉ là lỗi kỹ thuật) và liệt kê thiếu một số quyết định trong Điều 6 của Dự thảo, việc xem những quyết định của Tòa án ban hành trong giai đoạn THAHS là đối tượng của kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và từ đó “vay mượn” quy định của pháp luật tố tụng hình sự để xem xét lại là chưa thật sự phù hợp về lý luận.

Về nguồn gốc và bản chất, thủ tục tái thẩm được xây dựng để xét lại những bản án, quyết định của Tòa án đưa ra để giải quyết vụ án về nội dung trong quá trình tố tụng hình sự. Quá trình này chấm dứt khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật vì các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự đã không còn. Trong khi đó, THAHS là hoạt động mang tính hành chính - tư pháp hình sự, chịu sự điều chỉnh của pháp luật THAHS. Những quyết định của Tòa án trong THAHS dựa trên những sự kiện pháp lý xảy ra sau khi đã giải quyết xong vụ án nên không thể dùng thủ tục tái thẩm để xem xét lại cho dù có tình tiết mới cho thấy các quyết định đó là không đúng. Tình tiết mới trong tái thẩm phải được hiểu là “những sự kiện, tài liệu xuất hiện và tồn tại ngay tại thời điểm giải quyết vụ án (ngay trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử) chứ không thể là những tình tiết mới xuất hiện sau khi đã giải quyết vụ án”.

1.2. Căn cứ kháng nghị tái thẩm

Căn cứ kháng nghị là một nội dung quan trọng của thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự nói chung, giúp phân biệt với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Điều 398 BLTTHS năm 2015 cũng ghi nhận 04 căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như Điều 290 BLTTHS năm 2003 nhưng từng căn cứ đã được sửa đổi, bổ sung đầy đủ và phù hợp hơn với tính chất của thủ tục tái thẩm, cụ thể:

“1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;

2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;

3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án”.

Quy định về 04 căn cứ kháng nghị tái thẩm trên thực chất là sự giải thích cụ thể hơn cho quy định “tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó” của Điều 397 BLTTHS năm 2015 về tính chất của tái thẩm. Quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm của BLTTHS năm 1988 (Điều 261) và BLTTHS năm 2003 (Điều 291) đã được hai tác giả Trần Văn Độ, Vũ Gia Lâm đánh giá và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của hai tác giả này, kết hợp với việc phân tích những quy định tại Điều 398 BLTTHS năm 2015 và qua thực tiễn áp dụng cho thấy, những vấn đề sau cần tiếp tục được xem xét, hoàn thiện:

Thứ nhất, hai nhóm căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015 xét về bản chất là giống nhau vì cùng đề cập đến tình tiết các loại nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự (liệt kê tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015) bị giả mạo hoặc không đúng sự thật. Do đó, về kỹ thuật lập pháp, việc tách thành hai khoản như hiện nay có thật sự cần thiết không, dựa trên cơ sở nào và nhằm mục đích gì cần phải được làm rõ.

Thứ hai, các loại nguồn chứng cứ liệt kê tại khoản 1 và khoản 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015 là chưa đầy đủ. Nhà làm luật có thể đã chọn những loại nguồn chứng cứ “quan trọng” để đưa vào quy định tại hai khoản này. Tuy nhiên, về lý thuyết và đặc biệt là thực tiễn áp dụng cho thấy ngoài những nguồn chứng cứ như “lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật” (khoản 1 Điều 398) thì lời khai của những người tham gia tố tụng khác cũng có thể không đúng sự thật làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Trên thực tế, chính lời khai của người bị buộc tội không đúng sự thật (dùng họ tên của một người khác, chủ yếu là người trong gia đình hoặc chứng minh nhân dân nhặt được) đã được sử dụng làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm phổ biến nhất. Theo khảo sát của nhóm tác giả thì có đến 20/35 quyết định tái thẩm của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp (chiếm tỉ lệ 57,14%) liên quan đến hành vi khai báo gian dối của bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà Tòa án đã không biết được khi ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị. Ngược lại, khảo sát 35 quyết định tái thẩm trên cho thấy không có kháng nghị nào sử dụng căn cứ “lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật” (khoản 1 Điều 398 BLTTHS năm 2015). Như vậy, thực tiễn đã chứng minh những nguồn chứng cứ được ghi nhận rõ ràng thì hiếm khi sử dụng; ngược lại nguồn chứng cứ là lời khai của người bị buộc tội không được quy định trực tiếp nhưng lại được sử dụng phổ biến như một căn cứ để kháng nghị tái thẩm.

Tương tự, nếu so sánh với khoản 1 Điều 87 thì khoản 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015 đã liệt kê thiếu một số loại nguồn chứng cứ như: Biên bản trong hoạt động khởi tố, thi hành án; dữ liệu điện tử; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác. Có thể lập luận rằng cụm từ “chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác” trong khoản 3 Điều 398 BLTTHS năm 2015 đã bao hàm những loại nguồn chứng cứ vừa đề cập. Tuy nhiên, nếu chấp nhận lập luận này sẽ thể hiện sự không nhất quán về kỹ thuật lập pháp vì khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015 đã liệt kê cụ thể tên gọi của các loại nguồn chứng cứ trước khi có một quy định dự phòng ở điểm g khoản này là “các tài liệu, đồ vật khác”.

1.3. Thời hạn kháng nghị tái thẩm

Thứ nhất, về phạm vi các hướng kháng nghị tái thẩm.

Điều 401 BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau:

“1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật Hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Theo quy định trên thì kháng nghị tái thẩm về phần hình sự được chia thành hai hướng: (i) Không có lợi; (ii) Có lợi cho người bị kết án. Tương ứng với hai hướng này là hai loại thời hạn kháng nghị tái thẩm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế nhóm tác giả phát hiện ngoài hai hướng trên còn có trường hợp kháng nghị tái thẩm không ảnh hưởng đến người bị kết án nhưng lại ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.

Thứ hai, về thời hạn kháng nghị tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị án.

Theo khoản 1 Điều 401 BLTTHS năm 2015 thì kháng nghị tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải thỏa mãn 02 điều kiện, đó là: (1) Chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự và (2) Thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện. Đối với điều kiện thứ nhất, nhà làm luật đã không đề cập đến những tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 28 BLHS năm 2015. Có thể suy luận rằng do những tội phạm này không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên mặc nhiên điều kiện thứ nhất của thời hạn kháng nghị tái thẩm không đặt ra. Tuy vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ và toàn diện của pháp luật, vấn đề này nên xem xét lại.

Đối với điều kiện thứ hai, hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định rõ Viện kiểm sát trong trường hợp này là Viện kiểm sát nào. Nếu áp dụng Điều 403 BLTTHS năm 2015 và dẫn chiếu đến Điều 375 BLTTHS năm 2015 về thủ tục tiếp nhận thông báo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì vẫn chưa rõ. Điều 375 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1. Khi nhận được thông báo bằng văn bản thì Tòa án, Viện kiểm sát phải vào sổ nhận thông báo.

2. Khi người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trình bày trực tiếp về vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải lập biên bản; nếu người thông báo cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải lập biên bản thu giữ. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

3. Tòa án, Viện kiểm sát đã nhận thông báo, lập biên bản phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết”.

Như vậy, nếu thực tiễn xảy ra trường hợp Viện kiểm sát không có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm (VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự khu vực) lại nhận được thông tin về tình tiết mới thì thời điểm này có phải là thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị tái thẩm không? Hay phải tính từ khi Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm nhận được thông báo từ Viện kiểm sát cấp dưới? Đây không phải vấn đề lớn vì trong thực tiễn, đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm thường được gửi cùng lúc đến rất nhiều cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, xét về khía cạnh lập pháp, vấn đề này nên được quy định rõ hơn để nhận thức và áp dụng pháp luật tố tụng hình sự một cách thống nhất.

Thứ ba, về thời hạn kháng nghị tái thẩm khi Viện kiểm sát phải chờ kết quả giải quyết của Tòa án.

Theo số liệu thống kê của VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 05 năm (2016 - 2020), VKSND cấp cao giải quyết được 133 đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm. Trong đó, Viện trưởng ban hành 58 quyết định kháng nghị, 36 Thông báo không kháng nghị và theo dõi kết quả giải quyết của Tòa án là 36 vụ. Như vậy, đối với 36 đơn đề nghị này thì Viện kiểm sát chưa thể rút được hồ sơ chính để nghiên cứu mà phải chờ theo dõi kết quả giải quyết từ Tòa án và thời hạn kháng nghị tái thẩm (theo hướng không có lợi cho người bị kết án) có thể hết 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

Căn cứ Điều 403 dẫn chiếu đến Điều 376 BLTTHS năm 2015 quy định về chuyển hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì: “Trường hợp Tòa án và Viện kiểm sát cùng có văn bản yêu cầu thì Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ cho cơ quan yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau biết”. Tại khoản 3 Điều 53 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSND tối cao ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) cũng có quy định: “Trường hợp Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án thông báo đã chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm thì Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển hồ sơ phải theo dõi kết quả giải quyết của Tòa án. Trường hợp Tòa án không kháng nghị, nếu thấy có căn cứ kháng nghị thì Viện kiểm sát tiếp tục có văn bản yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị”. Do vậy, đối với trường hợp Tòa án đang thụ lý giải quyết đơn đề nghị đã có văn bản rút hồ sơ trước thì Viện kiểm sát chỉ có thể theo dõi kết quả giải quyết của Tòa án.

Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 15 Quyết định số 625/QĐ-CA ngày 06/9/2016 của Chánh án TAND tối cao ban hành Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại TAND thì thời hạn giải quyết văn bản đề nghị giám đốc thẩm đối với vụ việc phức tạp không quá 12 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc. Trong trường hợp này, nếu Tòa án rút hồ sơ trước và giải quyết văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm thì thời hạn kháng nghị tái thẩm của Viện kiểm sát sẽ hết. Giải quyết trường hợp này, thực tế giữa TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế phối hợp số 01/2019/QCPH-VKSCC-TACC ngày 13/9/2019 về phối hợp công tác giữa hai đơn vị. Trong đó, quy định phương thức phối hợp trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bằng nhiều hình thức khác nhau như gửi công văn đề nghị, trao đổi trực tiếp, tổ chức họp cơ quan... nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị và tạo cơ chế giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tồn tại phát sinh trong thực tiễn phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa hai cơ quan. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về thời hạn kháng nghị tái thẩm đối với trường hợp đặc biệt này để có cách giải quyết thống nhất.

1.4. Trường hợp rút một phần kháng nghị tái thẩm

Theo Điều 403 BLTTHS năm 2015 thì các thủ tục khác về tái thẩm được thực hiện theo các quy định về thủ tục giám đốc thẩm. Điều 381 ghi nhận quyền bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị giám đốc thẩm trước và tại phiên tòa. Tuy nhiên, điều luật này chỉ quy định về cách giải quyết đối với trường hợp bổ sung, thay đổi và rút toàn bộ kháng nghị; đối với trường hợp rút một phần kháng nghị thì chưa đưa ra hướng giải quyết. Trong khi đó, khoản 3 Điều 342 BLTTHS năm 2015 về thủ tục kháng nghị phúc thẩm đã quy định trường hợp khi rút một phần kháng nghị tại phiên tòa và cách giải quyết của Hội đồng xét xử phúc thẩm. Điều này cho thấy quy định của BLTTHS năm 2015 đầy đủ, toàn diện.

Trường hợp rút một phần kháng nghị tái thẩm về lý thuyết mặc dù hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra trong thực tế. Tùy thuộc vào phạm vi và mức độ ảnh hưởng của tình tiết mới, Viện kiểm sát có thể kháng nghị tái thẩm đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy không loại trừ khả năng sau khi kháng nghị tái thẩm toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát mới phát hiện ra căn cứ để rút một phần kháng nghị của mình. Do đó, cần bổ sung quy định điều chỉnh trường hợp này.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, về đối tượng của kháng nghị tái thẩm:

Trên cơ sở Điều 6 Dự thảo 1 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cần bổ sung một điều tương tự liệt kê những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thuộc đối tượng bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Trong đó, cần loại trừ những quyết định do Tòa án ban hành trong quá trình THAHS; đồng thời, tiến hành rà soát, chỉnh sửa các quy định hiện nay của BLTTHS năm 2015, Luật THAHS năm 2019, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và các văn bản khác có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với tính chất của thủ tục tái thẩm. Đối với những quyết định này cần nghiên cứu ghi nhận ngay trong Luật THAHS năm 2019 thủ tục giải quyết chung đối với những trường hợp phát hiện có sai sót nghiêm trọng bất kể vì lý do gì. Đề xuất trên sẽ dẫn đến nhiều thay đổi của khung pháp lý tố tụng hình sự và THAHS hiện hành nhưng phù hợp về lý luận và khắc phục hạn chế trong công tác lập pháp hiện nay là lấy “sự thuận tiện trong áp dụng pháp luật” làm mục đích chính mà không xuất phát từ nguồn gốc, bản chất của vấn đề.

Thứ hai, về căn cứ kháng nghị tái thẩm:

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 398 BLTTHS năm 2015 theo một trong hai phương án sau:

- Phương án 1:

“Điều 398. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ:

1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người tham gia tố tụng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;

2. Vật chứng, dữ liệu điện tử, biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác hoặc những tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

3. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;

4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án”.

Phương án này có ưu điểm là không làm xáo trộn quá nhiều cấu trúc và nội dung của Điều 398; liệt kê cụ thể, đầy đủ hơn các loại nguồn chứng cứ và tạo sự tương thích với quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, không giải quyết được những hạn chế như đã phân tích ở tiểu mục 2.2 của bài viết.   

- Phương án 2:

“Điều 398. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ:

1. Có căn cứ chứng minh các nguồn chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật này bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án;

3. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án”.

Phương án này sẽ làm thay đổi lớn về cấu trúc và nội dung của Điều 398 BLTTHS năm 2015. Mặc dù vậy, nếu sửa đổi, bổ sung theo hướng đó sẽ giúp khắc phục được những hạn chế như đã phân tích ở phần trên, quy định mang tính khái quát, cô đọng và khoa học hơn. Có tác giả cho rằng quy định về tình tiết biên bản các hoạt động tố tụng bị giả mạo có vẻ không phù hợp với tính chất của tái thẩm bởi vì những biên bản này do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập theo biểu mẫu và trình tự, thủ tục luật định; vì vậy, nếu có giả mạo thì đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng - một trong những căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm (khoản 2 Điều 371 BLTTHS năm 2015). Chúng tôi không hoàn toàn tán thành quan điểm này vì trong trường hợp biên bản tố tụng bị giả mạo nhưng nếu Thẩm phán, Hội thẩm không biết nên đã ra bản án, quyết định sai thì đó vẫn là căn cứ kháng nghị tái thẩm. Có như vậy thì khi xác định vấn đề trách nhiệm của cá nhân những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là Thẩm phán và Hội thẩm đối với các sai phạm xảy ra trong quá trình giải quyết vụ án mới đảm bảo được sự công bằng và đúng đắn. Hơn nữa, cụm từ “bị giả mạo hoặc không đúng sự thật” được áp dụng cho tất cả các loại nguồn chứng cứ liệt kê tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS năm 2015 chứ không chỉ giới hạn cho các biên bản tố tụng. Về lý thuyết, vẫn có trường hợp biên bản tố tụng không bị giả mạo nhưng nội dung lại không đúng sự thật mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm không biết nên đã sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

Thứ ba, về thời hạn kháng nghị tái thẩm:

Chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 401 BLTTHS năm 2015 cụ thể như sau:

“Điều 401. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

“1. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

2. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại Điều 28 Bộ luật Hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

3. Thời hạn kháng nghị tái thẩm trong những trường hợp khác không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

4. Trong trường hợp Viện kiểm sát đang theo dõi kết quả giải quyết của Tòa án thì thời hạn kháng nghị tái thẩm không quá 02 năm kể từ ngày Viện kiểm sát có thẩm quyền nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

5. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Tại khoản 2 Điều 401 BLTTHS năm 2015, cần bổ sung cụm từ “có thẩm quyền” sau cụm từ “Viện kiểm sát” để giúp nhận thức chính xác và thống nhất hơn thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị tái thẩm. Theo đó, thời hạn này được tính kể từ khi Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện. Điều này là hợp lý vì chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm mới có quyền ra quyết định xác minh những tình tiết mới (khoản 1 Điều 399 BLTTHS năm 2015). Ngoài ra, để nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát tiếp nhận thông tin về tình tiết mới trong việc nhanh chóng chuyển thông tin này đến Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm, VKSND tối cao cần ban hành quy định nội bộ cụ thể, chặt chẽ về vấn đề này. Những kiến nghị khác về nội dung Điều 401 BLTTHS năm 2015 là nhằm bổ sung quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề xuất hiện trong thực tiễn như đã trình bày tại tiểu mục 2.3 của bài viết.

Thứ tư, về trường hợp rút một phần kháng nghị tái thẩm:

Đối với trường hợp này, nhóm tác giả đề xuất bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 381 BLTTHS năm 2015 như sau:

“Điều 381. Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị

1… (Giữ nguyên)

2… (Giữ nguyên)

3… (Giữ nguyên)

4. Trường hợp rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến phần kháng nghị khác thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến phần kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử nhận định về việc rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm phần kháng nghị đó.

Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm cho những người quy định tại khoản 1 Điều 380 của Bộ luật này và Viện kiểm sát cùng cấp”.

Đề xuất trên nhằm bổ sung quy phạm pháp luật còn thiếu hiện nay của BLTTHS năm 2015 để điều chỉnh trường hợp rút một phần kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị tái thẩm. Đề xuất này được xây dựng trên cơ sở tham khảo quy định tại Điều 342 và Điều 348 BLTTHS năm 2015 về rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm; đình chỉ xét xử phúc thẩm. Mặc dù tính chất của các thủ tục này là khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới để có phương án giải quyết phù hợp nhất.

PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - ThS. Đinh Thị Phượng

Hoàn thiện quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

(Kiemsat.vn) - Quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Ghi nhận việc hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng trước thời gian xét xử trong bản án; chỉ được gia hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử khi có quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; cho phép kê biên tài sản đối với người khác không phải người bị buộc tội.

Cần sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

(Kiemsat.vn) - Thực tiễn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (được quy định trong 06 điều luật - từ Điều 223 đến Điều 228 Chương XVI Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang