Một số bất cập về thẩm quyền của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển
(kiemsat.vn) Từ kết quả nghiên cứu và thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thẩm quyền của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội Biên phòng và lực lượng Cảnh sát biển, tác giả phân tích, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”
Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng
Hoàn thiện Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về vị trí, vai trò của các chức năng tố tụng hình sự cơ bản
1. Một số vướng mắc, bất cập
- Về thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các loại tội phạm:
Theo quy định tại Điều 32 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 (Luật tổ chức CQĐTHS năm 2015) thì Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng được tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349, 350 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý. Điều 35 Luật tổ chức CQĐTHS năm 2015 quy định Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển được tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 188, 189, 227, 235, 236, 237, 242, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309, 311, 346, 347, 348 BLHS năm 2015 xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát biển quản lý.
Những quy định trên là cần thiết và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định của pháp luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng và lực lượng Cảnh sát biển tác giả nhận thấy, đây là những lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; trật tự, an toàn trên biển; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên các vùng biển; địa bàn hoạt động có tính đặc thù là xa các nơi đặt trụ sở của các cơ quan chính quyền Nhà nước, địa hình nhiều nơi hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn, chỉ những phương tiện đặc thù mới đến được.
Do đó, việc pháp luật giới hạn các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển chỉ được điều tra một số loại tội phạm nêu trên có thể ảnh hưởng đến tính kịp thời, làm hạn chế công tác đấu tranh, xử lý với một số hành vi phạm tội khác có thể xảy ra trên địa bàn biên giới, như: Hành vi liên quan đến hoạt động sản xuất, buôn bán tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (thuốc lá, pháo nổ…); hành vi liên quan đến vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Các hành vi phạm tội có thể xảy trên các vùng biển như: Buôn bán hành cấm; vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; cướp biển; vi phạm quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép…. Nhưng, do không có thẩm quyền tiến hành xác minh, điều tra các loại hành vi phạm tội này, trong khi các Cơ quan điều tra có thẩm quyền thường ở rất xa nơi xảy ra hành vi phạm tội hoặc nơi phát hiện hành vi phạm tội, nên các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển sẽ khó khăn, lúng túng trong việc thông báo, chuyển giao tài liệu, hồ sơ liên quan đến hành vi phạm tội.
- Về thẩm quyền trưng cầu giám định chưa có sự thống nhất giữa các quy định của pháp luật:
Điểm b khoản 1 Điều 32 và điểm b khoản 1 Điều 35 Luật tổ chức CQĐTHS năm 2015 quy định: Khi giải quyết các vụ án có tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển được quyền trưng cầu giám định. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) quy định về quyền hạn của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển lại không quy định thẩm quyền được trưng cầu giám định. Sự không thống nhất trong quy định của pháp luật dẫn đến trong thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển gặp khó khăn, vướng mắc.
- Về thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn (như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ); việc thực hiện một số hoạt động điều tra (như triệu tập, hỏi cung bị can, người làm chứng, chuyển vụ án,…)
Thứ nhất, chưa có sự thống nhất trong quy định về thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015 thì những người có thẩm quyền của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp khi có đủ căn cứ xác định người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, bao gồm: Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng; Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 39 BLTTHS năm 2015 lại quy định người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển nêu trên chỉ được áp dụng biện pháp ngăn chặn khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng; còn các trường hợp khác như tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì pháp luật lại không quy định những người này được áp dụng biện pháp ngăn chặn. Điều này thể hiện sự thiếu thống nhất trong các quy định của BLTTHS năm 2015.
Về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp quy định tại Điều 110 BLTTHS năm 2015 cũng còn bất cập. Theo đó, việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 BLTTHS năm 2015, cụ thể: Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
Có ý kiến cho rằng, quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người là chưa phù hợp trong trường hợp tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng. Bởi trong thực tiễn, trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp ở ngoài biển như vậy, không thể xác định được xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt giữ.
Thứ hai, chưa có sự thống nhất giữa các các điều luật trong BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền của Thủ trưởng, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc thực hiện một số biện pháp điều tra như triệu tập bị can, hỏi cung bị can, khám nghiệm hiện trường, khám xét, kết luận điều tra, truy nã, cụ thể:
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 39 BLTTHS năm 2015, cấp trưởng, cấp phó của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển có quyền triệu tập, hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng, người bị hại; tổ chức khám nghiệm hiện trường; khám xét, thu giữ, tạm giữ vật chứng, tài liệu liên quan đến vụ án; khoản 4 Điều 39 BLTTHS năm 2015 quy định Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển có quyền hỏi cung bị can. Tuy nhiên, tại các điều 182, 183, 185,188, 193 và Điều 198 BLTTHS năm 2015 lại quy định việc triệu tập, hỏi cung bị can, ghi lời khai người làm chứng, bị hại, việc khám xét, việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét do Điều tra viên tiến hành mà không đề cập đến cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện các biện pháp điều tra này.
Tương tự, theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 39 BLTTHS năm 2015, khi tiến hành điều tra các vụ tội phạm ít nghiêm trọng, quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển được kết luận điều tra, đề nghị truy tố hoặc kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra; quyết định tạm đình chỉ điều tra; quyết định phục hồi điều tra. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 tại Điều 229 quy định về tạm đình chỉ điều tra, Điều 230 quy định về đình chỉ điều tra, Điều 233, 234 quy định về bản kết luận điều tra và Điều 235 quy định về phục hồi điều tra chỉ quy định chủ thể thực hiện các quyền này là Cơ quan điều tra mà không đề cập đến Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Vậy Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được tạm đình chỉ điều tra, được phục hồi điều tra trong trường hợp nào? Những quy định về bản kết luận điều tra có bắt buộc áp dụng đối với Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không? Khi vụ án có các yếu tố dẫn đến bắt buộc phải tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra thì xử lý thế nào? Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuy đã quy định về thẩm quyền của Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng lại chưa quy định việc thực hiện những quyền hạn trên như thế nào...
Ngoài ra, theo các điều 39, 164, 231 BLTTHS năm 2015 thì các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển không có thẩm quyền ra các quyết định truy nã. Nếu trong quá trình điều tra mà bị can trốn, không biết bị can đang ở đâu, thì các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết những tình huống này thế nào? Đây chính là những nội dung còn vướng mắc trong thực tiễn thực hiện BLTTHS năm 2015 cần được nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện.
Thứ ba, chưa có quy định về thay đổi người có thẩm quyền tố tụng trong Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Chương III BLTTHS năm 2015 quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Như vậy, cấp trưởng, cấp phó và Cán bộ điều tra trong các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo quy định tại Điều 49 BLTTHS năm 2015 thì người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp: (1) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; (2) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó; (3) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 chỉ quy định cụ thể các trường hợp và trình tự, thủ tục thay đổi người tiến hành tố tụng là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Kiểm tra viên, Thư ký Tòa án mà không quy định cụ thể các trường hợp và quy trình thay đổi đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều 4 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong thực hiện một số quy định của BLTTHS cũng chỉ quy định về thay đổi người tiến hành tố tụng, mà không đề cập đến việc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc pháp luật không quy định cụ thể những trường hợp phải thay đổi và quy trình, trình tự, thủ tục thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra dẫn đến thiếu căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan này thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ, cũng như làm cho các cơ quan này gặp vướng mắc khi thực hiện trình tự, thủ tục thay đổi người có thẩm quyền tố tụng trong trường hợp bắt buộc phải thay đổi theo quy định của BLTTHS năm 2015.
Thứ tư, chưa có quy định về tiêu chí, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Quân đội nhân dân.
Theo quy định của khoản 4 Điều 40, khoản 3 Điều 41 BLTTHS năm 2015 thì Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Quân đội nhân dân (QĐND) nói chung, Cán bộ điều tra của các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển là những người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trong đó có một số quyền hạn rất quan trọng như: Tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với Cán bộ điều tra của Bộ đội biên phòng và lực lượng Cảnh sát biển còn có thêm quyền hạn: Hỏi cung bị can; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ. Đây là những quyền hạn thực tế chỉ có Điều tra viên của Cơ quan điều tra mới được thực hiện.
Như vậy, so với quyền hạn Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra, tác giả nhận thấy quyền hạn của Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong QĐND, Cán bộ điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển phải tiến hành nhiều hoạt động tố tụng quan trọng, do đó đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật và có kỹ năng nghiệp vụ điều tra. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra được quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 5 Điều 46, khoản 1 Điều 59 Luật tổ chức CQĐTHS năm 2015; Thông tư số 299/2017/TT-BQP ngày 19/12/2017 của Bộ Quốc phòng về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và Cán bộ điều tra trong QĐND. Nhưng, chưa có quy định về tiêu chí, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong QĐND. Đây là bất cập cần được bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, cần nghiên cứu bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra của các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển đối với một số loại hành vi phạm tội có thể xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý; trên các vùng biển và thềm lục địa của nước ta do Cảnh sát biển quản lý. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển kịp thời thực hiện các biện pháp tố tụng theo quy định để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, người phạm tội có liên quan đến địa bàn và lĩnh vực quản lý của các cơ quan này.
Thứ hai, cần nghiên cứu, thống nhất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 và điểm b khoản 1 Điều 35 Luật tổ chức CQĐTHS năm 2015 với quy định tại khoản 3 Điều 39 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền trưng cầu giám định của các Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển. Để thống nhất quy định của pháp luật, đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 39 BLTTHS năm 2015 thẩm quyền trưng cầu giám định của các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển khi giải quyết các vụ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển có thẩm quyền trưng cầu giám định.
Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào BLTTHS năm 2015 thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp của những người có thẩm quyền thuộc các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển gồm: Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng; Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015 và khoản 2 Điều 39 BLTTHS năm 2015; cần sửa đổi, bổ sung bảo đảm sự thống nhất trong quy định của BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền của cấp trưởng, cấp phó, Cán bộ điều tra của các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển trong việc thực hiện một số biện pháp điều tra như triệu tập bị can, hỏi cung bị can, khám nghiệm hiện trường, khám xét, tạm giữ đồ vật khi khám xét được quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 39 với quy định tại các điều 182, 183, 185, 188, 193, 198 BLTTHS năm 2015; cần sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền về kết luận điều tra, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra của các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển với thẩm quyền của Cơ quan điều tra được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 39 với quy định tại các điều 229, 230, 233, 234, 235 BLTTHS năm 2015.
Thứ tư, cần sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 về các trường hợp phải từ chối hoặc thay thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong đó, bổ sung quy định về các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là cấp trưởng, cấp phó của các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trong đó có cấp trưởng, cấp phó của các Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển) quy định tại Điều 49 BLTTHS năm 2015 về các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tương tự như quy định tại các Điều 51, 52, 53, 54 BLTTHS năm 2015 về thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; thay đổi Thư ký Tòa án.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn bất cập như: Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 113 BLTTHS năm 2015 về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người (trường hợp tàu biển đang ở trên biển, không thể xác định được xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt giữ). Bổ sung quy định của pháp luật về tiêu chí, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cách chức Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong QĐND.
Về việc xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung hộ gia đình
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.