Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”

27/05/2024 10:00

(kiemsat.vn)
Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” mâu thuẫn với các quy định về nồng độ cồn trong văn bản pháp luật chuyên ngành, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.

1. Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau khi áp dụng tình tiết “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) đối với việc xử lý Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ví dụ: Hoàng Văn T có giấy phép lái xe hạng A1 theo quy định. Ngày 08/8/2020, T điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 98B3-66xxx vi phạm quy tắc an toàn giao thông (đi không đúng phần đường), nên xe mô tô do T điều khiển đâm vào bà Lê Thị C đang đi bộ sang đường. Hậu quả bà C tử vong. Thời điểm T điều khiển xe mô tô gây tai nạn cho bà C, trong hơi thở có nồng độ cồn là 0,085mg/1 lít khí thở. Đối với vụ việc trên, có 02 quan điểm giải quyết khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn T về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, T đã làm chết 01 người và nồng độ cồn trong hơi thở thấp. Bên cạnh đó, theo điểm c khoản 6, điểm c khoản 8 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100/2019) thì: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, thì bị phạt tiền từ 06 triệu đồng đến 08 triệu đồng; điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, thì bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. Theo tinh thần của Nghị định số 100/2019, có thể hiểu rằng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện trên đường có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của xử phạt hành chính thì mới thuộc trường hợp bị xử lý theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015; nếu nồng độ cồn vẫn trong mức độ của xử phạt vi phạm hành chính thì cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn T về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, khoản 6 Điều 5 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định: 

“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống tác hại của rượu, bia:

“... 6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Khoản 1 Điều 35 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định: 

“1. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo đó, người điều khiển xe mô tô tham gia giao thông vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả chết người, nếu trong hơi thở có nồng độ cồn, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 35 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008; do đó, pháp luật nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nhận thức rằng người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trong mức độ của xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c khoản 6, điểm c khoản 8 Điều 5 Nghị định số 100/2019 thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 để xử lý là không đúng. Bởi lẽ, quy định tại Nghị định số 100/2019 chỉ áp dụng đối với trường hợp chưa gây ra thiệt hại (là vi phạm pháp luật hành chính), còn nếu gây ra thiệt hại như: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì dù nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông chưa vượt quá mức quy định tại điểm c khoản 6, điểm c khoản 8 Điều 5 Nghị định số 100/2019 vẫn bị xử lý theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn vướng mắc khi áp dụng pháp luật, bởi theo tinh thần của điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 thì nồng độ cồn phải vượt quá mức quy định. Nói cách khác, pháp luật cho phép sử dụng rượu, bia nhưng nồng độ cồn phải ở mức độ quy định, nếu vượt quá là vi phạm. Điều này mâu thuẫn với khoản 1 Điều 35 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019: Chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là vi phạm pháp luật, là hành vi bị nghiêm cấm.

2. Kiến nghị, đề xuất

Để bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, tác giả đề xuất sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 theo hướng: Bỏ cụm từ “vượt quá mức quy định”. Cụ thể như sau: “Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ… 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm… b. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”, để phù hợp với Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 100/2019, từ đó nâng cao hiệu quả trong đẩy lùi tai nạn giao thông.

Giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến yêu cầu tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(Kiemsat.vn) - Khi giải quyết vụ án tranh chấp đất đai liên quan đến yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần xác định rõ nguồn gốc đất tranh chấp, người đang quản lý, sử dụng trực tiếp, hiện trạng và các tài sản trên đất, các giao dịch dân sự đã đáp ứng đủ các điều kiện hay chưa, hình thức và nội dung của hợp đồng có tuân thủ đúng pháp luật dân sự, pháp luật đất đai không… Đó là nội dung được đề cập trong bài viết.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang