Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã

15/05/2024 14:04

(kiemsat.vn)
Hiện nay, quy định về công tác nắm bắt, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã chưa cụ thể, rõ ràng như: Chưa quy định trách nhiệm thông báo bằng văn bản của Công an cấp xã cho người tố giác, Viện kiểm sát; chưa hướng dẫn trình tự, thủ tục, cách thức thông báo việc người phạm tội đầu thú, tự thú tại Công an cấp xã cho Viện kiểm sát.

Khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm tra việc xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã

Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (Công an cấp xã) trong việc tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ, tố giác tin báo về tội phạm ban đầu được quy định như sau:

Theo khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015): “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra (CQĐT) có thẩm quyền”; Điều 44 Luật tổ chức CQĐT hình sự năm 2015 quy định: “1. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho CQĐT có thẩm quyền. 2. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho CQĐT có thẩm quyền”.

Về trách nhiệm của Công an cấp xã trong việc tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác ban đầu, theo Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 của  Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2021), thì cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Thực tế, lực lượng Công an chính quy đã được phân công về Công an cấp xã, nên pháp luật đã quy định Công an cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Đây là quy định mới, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, cách tiến hành nắm, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, nên công tác này còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất, theo khoản 5 Điều 146 BLTTHS năm 2015 thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, theo Thông tư số 01/2021, thời hạn tiếp nhận, thụ lý nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã là 07 ngày, nhưng không có quy định về trách nhiệm thông báo bằng văn bản của Công an cấp xã cho người tố giác, Viện kiểm sát.

Thứ hai, theo khoản 3 Điều 152 BLTTHS năm 2015 thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, CQĐT phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, cách thức thông báo về việc người phạm tội đầu thú, tự thú tại trụ sở Công an cấp xã cho Viện kiểm sát. Thực tế, trong các vụ án cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản… chưa có kết quả giám định tỉ lệ thương tích và kết luận định giá tài sản, có trường hợp sau khi thực hiện hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi đã đến Công an cấp xã để đầu thú, tự thú; sau đó, Công an cấp xã đã lập biên bản tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú, tự thú nhưng không thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát.

Thứ ba, theo Thông tư liên tịch số 01/2021, đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 1 thì Công an cấp xã có thẩm quyền lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai; kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc; vẽ sơ đồ, bảo vệ hiện trường; xác minh sơ bộ hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật…; trong thời hạn 07 ngày phải chuyển các tài liệu này cho CQĐT có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có một số vụ việc (đặc biệt là các vụ án cố ý gây thương tích), Công an cấp xã có sai sót trong việc vẽ sơ đồ, bảo vệ hiện trường, thu thập thiếu tài liệu, đồ vật, nhưng đã chuyển hồ sơ cho CQĐT; sau khi tiếp nhận hồ sơ, CQĐT và Viện kiểm sát phối hợp tiến hành khám nghiệm hiện trường, nhưng do thời gian đã lâu nên các dấu vết tại hiện trường bị mất, vật chứng không thu giữ được, dẫn đến quá trình giải quyết vụ việc gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát…”. Theo đó, pháp luật không quy định Công an cấp xã có trách nhiệm chuyển các biên bản, tài liệu đã thu thập được cho Viện kiểm sát. Điều này gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong việc đánh giá các biên bản, tài liệu do Công an cấp xã thu thập.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, hướng dẫn cụ thể Thông tư liên tịch số 01/2021 theo hướng: Quy định Công an cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo trong một số trường hợp cụ thể; làm rõ trách nhiệm của Công an cấp xã trong việc lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật liên quan cho cơ quan có thẩm quyền; quy định cụ thể về trách nhiệm thông báo bằng văn bản của Công an cấp xã cho người tố giác, Viện kiểm sát, trình tự, thủ tục, cách thức thông báo việc người phạm tội tự thú, đầu thú tại Công an cấp xã cho Viện kiểm sát.

Thứ hai, quy định cụ thể trách nhiệm của Công an cấp xã tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm không nhập thông tin vào hệ thống của ngành, xử lý sai thẩm quyền dẫn đến bỏ lọt tội phạm (xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự,…).

Thứ ba, đề ra kế hoạch phối hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nhằm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã (hàng năm).

Thứ tư, đa dạng hình thức, nguồn nắm, tiếp cận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Công an cấp xã: Phân công 01 cán bộ, Kiểm sát viên theo dõi từ 04 đến 05 xã trên địa bàn cập nhật số điện thoại của Trưởng Công an, lãnh đạo ủy ban, đảng ủy, hàng tuần gọi điện để nắm tình hình trị an tại các xã, các vụ việc xảy ra trên địa bàn; gắn công tác kiểm sát thi hành án hình sự tại Công an cấp xã với việc nắm, hướng dẫn các vụ việc liên quan đến giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; cử cán bộ lãnh đạo Viện tham gia giao ban thường kỳ cụm an toàn để chủ động nắm tình hình trật tự trị an trong từng cụm; cử 01 Phó Viện trưởng và 01 Kiểm sát viên thường xuyên theo dõi truyền thông, các trang mạng xã hội, dư luận xã hội về những vấn đề liên quan đến tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn huyện.

Thứ năm, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho nhân dân trên địa bàn nắm và hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp xã, Viện kiểm sát trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; trách nhiệm của từng cơ quan trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Thứ sáu, Viện kiểm sát cần thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với CQĐT Công an cấp huyện. Kiểm sát viên cần phối hợp với Đội điều tra tổng hợp của CQĐT phân loại chặt chẽ ngay từ đầu vào, hàng tuần báo cáo lãnh đạo Viện để xác định tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền xử lý của CQĐT Công an cấp huyện, trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chuyển giao cho cấp xã; trao đổi thường xuyên với Điều tra viên về các tố giác, tin báo, báo cáo ngay các vụ việc phức tạp cho lãnh đạo ngành Công an và Kiểm sát cấp mình, không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm do chậm trễ tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

 

Hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cam kết lao động trong Hiệp định EVFTA

(Kiemsat.vn) - Tiếp nhận các cam kết lao động trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và chuyển hóa các cam kết này thành pháp luật lao động trong nước để áp dụng một cách hiệu quả là yêu cầu đặt ra cho Việt Nam. Tuy đã có những thay đổi căn bản, nhưng pháp luật lao động nói chung, Bộ luật lao động năm 2019 nói riêng cần tiếp tục hoàn thiện để những cam kết về lao động theo EVFTA được triển khai trên thực tế.

Vai trò và yêu cầu đối với Viện kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp, tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cùng với xây dựng nền công tố mạnh trong thiết chế Viện kiểm sát nhân dân, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp cần tiếp tục được mở rộng về đối tượng, phạm vi kiểm sát.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang