Vướng mắc trong xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại quy định tại Điều 41 Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án

06/05/2024 13:43

(kiemsat.vn)
Thực tiễn thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 thời gian qua bộc lộ một số vướng mắc, bất cập liên quan đến xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Điều 41 của Luật này. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể để thống nhất thực hiện.

1. Một số khó khăn, vướng mắc về xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ nhất, trường hợp Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại, tại khoản 3 Điều 41 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA) năm 2020 quy định như sau: “Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Hòa giải viên phải gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết”. Trong khi đó, tại khoản 2 Điều 40 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính nhưng phần đó có liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính”.

Theo đó, có 02 vấn đề cần đặt ra là:

Một là, trường hợp các bên không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo điểm b khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả, nhưng theo khoản 3 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 thì Hòa giải viên có phải lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật HGĐTTTA năm 2020 nữa hay không? Và biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại có nội dung như thế nào, vì Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án không quy định mẫu biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại.

Hai là, tại điểm b khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định trách nhiệm của Thẩm phán chuyển quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 41 Luật HGĐTTTA lại quy định trách nhiệm của Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này; trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Hòa giải viên phải gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết. Như vậy, giữa hai điều luật có sự mâu thuẫn, khi chưa phân biệt được trách nhiệm của Thẩm phán hay Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết. Và khi chuyển đơn và tài liệu kèm theo, Thẩm phán hay Hòa giải viên có bắt buộc phải lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại theo khoản 3 Điều 41 Luật HGĐTTTA hay không?

Thứ hai, các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải chịu chi phí trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật HGĐTTTA năm 2020, gồm: “Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài”.

Tuy nhiên, nếu các bên tham gia hòa giải, đối thoại không nộp chi phí theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật HGĐTTTA thì Hòa giải viên sẽ xử lý như thế nào? Trường hợp này, Điều 40 quy định về chấm dứt hòa giải, đối thoại và Điều 41 quy định về xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa có quy định.

Thứ ba, trường hợp Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại khoản 2 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020. Tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về thành phần phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm có Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp). Khoản 2 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về thủ tục ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án như sau: “Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định…”.

Vậy Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại hoặc Thẩm phán khác do Chánh án Tòa án phân công tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật HGĐTTTA năm 2020 (sau đây gọi chung là Thẩm phán tham gia phiên họp), có bắt buộc phải là Thẩm phán ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 (sau đây gọi chung là Thẩm phán ban hành quyết định) hay không? Nếu Thẩm phán tham gia phiên họp và Thẩm phán ban hành quyết định là hai chủ thể khác nhau thì có phải Thẩm phán đã ban hành quyết định không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020 hay không?

Thứ tư, trường hợp Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật HGĐTTTA năm 2020.

Tại khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định về các trường hợp chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đối chiếu các quy định trên cho thấy, Luật HGĐTTTA năm 2020 chưa quy định về thời hạn mà Hòa giải viên phải chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015 trong trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật HGĐTTTA năm 2020. Vấn đề đặt ra là đối với trường hợp một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015, trong quá trình hòa giải, đối thoại; do Luật HGĐTTTA năm 2020 chưa quy định về thời hạn nên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, cũng như hậu quả pháp lý của việc không áp dụng hoặc áp dụng không kịp thời biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Thứ năm, về trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật này thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết (khoản 2 Điều 41 Luật HGĐTTTA).

Trong trường hợp này có hai vấn đề đặt ra là:

Một là, việc thông báo này là thông báo bằng lời nói hay bằng văn bản? Nếu Hòa giải viên thông báo bằng văn bản thì có mâu thuẫn với điểm b khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA hay không? Vì tại điểm b khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA năm 2020 quy định như sau: “Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng”.

Hai là, vấn đề thù lao cho Hòa giải viên, theo điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án, nếu Hòa giải viên hoặc Thẩm phán chỉ cần chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết, mà không ban hành quyết định/thông báo thì cơ sở nào làm căn cứ tính vụ việc đã giải quyết theo trình tự, thủ tục Luật HGĐTTTA năm 2020 để chi trả trả thù lao cho Hòa giải viên.

2. Đề xuất, kiến nghị

Một là, Luật HGĐTTTA năm 2020 cần quy định về trường hợp Tòa án ban hành quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án thì Hòa giải viên không cần phải lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại theo khoản 3 Điều 41 của Luật HGĐTTTA năm 2020. Bởi lẽ, nội dung các bên không thống nhất đã được ghi nhận trong biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật HGĐTTTA và quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án của Thẩm phán. Việc chuyển quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết nên quy định thuộc trách nhiệm của Hòa giải viên.

Hai là, đối với trường hợp các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án không nộp chi phí tại khoản 2 Điều 9 của Luật HGĐTTTA năm 2020 thì khoản 1 Điều 41 của Luật HGĐTTTA năm 2020 nên quy định bổ sung thêm trường hợp: “1. Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 9 và các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này, trừ tài liệu phải bảo mật quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này”.

Ba là, cần quy định Thẩm phán tham gia phiên họp tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật HGĐTTTA năm 2020 đồng thời là Thẩm phán ban hành quyết định tại khoản 3 Điều 32 Luật HGĐTTTA, trừ trường hợp có lý do khách quan.

Bốn là, cần quy định thời hạn, kể từ ngày chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Hòa giải viên phải có trách nhiệm chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015 trong trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật HGĐTTTA. Đặc biệt trong trường hợp một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính trong quá trình hòa giải, đối thoại thì thời hạn chuyển đơn phải phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính để đảm bảo tính kịp thời cho đương sự.

Năm là, cần quy định về trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo bằng văn bản cho các bên biết.

Về thẩm quyền xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự

(Kiemsat.vn) - Xét xử bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của TAND, Tòa án quân sự được quy định tại Điều 273 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự cho thấy việc tách, nhập vụ án để xác định thẩm quyền tố tụng trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền TAND, Tòa án quân sự còn nhiều vướng mắc dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất.

Áp dụng lẽ công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự

(Kiemsat.vn) - Lẽ công bằng là một nguồn luật, có thể được sử dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự khi chưa có luật áp dụng, không có thỏa thuận giữa các bên hay không có án lệ... Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện chế định về áp dụng lẽ công bằng là vô cùng cần thiết, góp phần tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng và chính xác, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang