Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng
(kiemsat.vn) Qua bài viết, tác giả giới thiệu một số kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng, như: Mục tiêu của hoạt động điều tra, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng; kỹ năng lấy lời khai dựa trên tìm hiểu và nắm bắt tâm lý trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục; kỹ năng điều tra kỹ thuật số.
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm tra, xác minh sơ bộ nguồn tin về tội phạm của Công an cấp xã
Kinh nghiệm xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án hình sự
Bảo đảm hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại và bóc lột tình dục ngày một gia tăng. Khu vực Đông Nam á, trong đó có Việt Nam tiếp tục là điểm đến mà các đối tượng phạm tội hướng tới để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục và bóc lột tình dục trực tiếp hoặc trên không gian mạng. Các đối tượng tội phạm lợi dụng những thành tựu của công nghệ thông tin và không gian mạng vào mục đích phạm tội của mình, đó là các công nghệ: Mạng xã hội, các ứng dụng phát trực tuyến (live-streaming) trên các thiết bị thông minh, các địa chỉ chia sẻ video và các trang web đen… Không gian mạng vô hình trung trở thành môi trường mà các em bị xâm hại, bị bóc lột tình dục. Trong bối cảnh đó, các Điều tra viên, Kiểm sát viên cần xác định đúng mục tiêu của hoạt động điều tra và nắm được những kiến thức về công nghệ cũng như tâm lý trẻ em để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng.
1. Mục tiêu của hoạt động điều tra tội phạm xâm hại trẻ em
Theo pháp luật của Hoa Kỳ, việc xác định chính xác mục tiêu của hoạt động điều tra tội phạm xâm hại trẻ em sẽ giúp cho hoạt động điều tra trong từng vụ án cụ thể đi đúng hướng, xác định được những nhiệm vụ phải hoàn thành để bảo đảm xử lý đúng người đúng tội và ngăn chặn tội phạm tiếp tục diễn ra. Theo đó, mục tiêu chính của hoạt động điều tra tội phạm xâm hại trẻ em gồm:
- Xác định được nạn nhân của tội phạm và cắt đứt vòng xâm hại đối với nạn nhân: Đây được coi là mục tiêu hàng đầu của hoạt động điều tra, chỉ cần xác định có nạn nhân, Cơ quan điều tra sẽ triển khai các biện pháp bảo vệ nạn nhân, đưa nạn nhân ra khỏi vòng xâm hại mà các đối tượng phạm tội đang áp đặt đối với nạn nhân. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của lực lượng thực thi pháp luật là bảo vệ tính mạng và sự an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần cho các nạn nhân. Để triển khai hoạt động bảo đảm an toàn cho nạn nhân, Cơ quan điều tra Hoa Kỳ thường phối hợp chặt chẽ với Trung tâm quốc gia hỗ trợ trẻ em bị mất tích và bị xâm hại (NCMEC) để giải cứu nạn nhân ngay tại hiện trường và kịp thời tiến hành các biện pháp hỗ trợ, chăm sóc cần thiết cho nạn nhân.
- Xác minh đối tượng phạm tội và thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hình sự đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật: Quá trình điều tra, các đặc vụ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến hoạt động lấy lời khai của nạn nhân, tạo tâm lý tin tưởng cho các nạn nhân để các em có thể khai báo đầy đủ thông tin giúp Cơ quan điều tra nhanh chóng xác định được đối tượng phạm tội.
- Xác minh các mạng lưới, nền tảng công nghệ mà các đối tượng phạm tội đang sử dụng để xâm hại trẻ em, đặc biệt là các hành vi được thực hiện trên không gian mạng và tiến hành các biện pháp điều tra kỹ thuật đánh sập các mạng lưới mà các đối tượng đang sử dụng trên không gian mạng nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại đối với các nạn nhân khác và ngăn ngừa hoạt động phạm tội tiếp tục diễn ra; xác định quy mô xâm hại (điều này có ý nghĩa giúp Cơ quan điều tra nhận diện được số lượng nạn nhân thực sự của tội phạm, ngoài nạn nhân đang trình báo đến Cơ quan điều tra). Để có thể làm thay đổi một cách lâu dài và căn cơ các không gian mạng và phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng, cơ quan thực thi pháp luật cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật, phân tích dữ liệu, kể cả cài cắm đặc tình để có thông tin tình báo về mạng lưới tội phạm.
2. Một số kỹ năng điều tra tội phạm xâm hại trẻ em
Theo kinh nghiệm của Hoa Kỳ, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng, các Điều tra viên cần trang bị một số kỹ năng điều tra tội phạm xâm hại trẻ em dựa trên cơ sở nghiên cứu tâm lý tội phạm, tâm lý nạn nhân và kỹ thuật số hiện đại mà các đối tượng phạm tội đã và đang lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể:
Một là, xác minh thủ đoạn dụ dỗ (grooming) của các đối tượng phạm tội:
Các giai đoạn của thủ đoạn dụ dỗ bao gồm:
Lựa chọn nạn nhân: Ở giai đoạn này, các đối tượng phạm tội thường xuất hiện và tiếp cận nạn nhân trên các mạng xã hội, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, tìm hiểu thông tin cá nhân của nạn nhân và đưa ra những thông tin cá nhân giả của mình cho nạn nhân.
Xây dựng niềm tin: Đối tượng phạm tội tạo cho mình một vỏ bọc như một người bạn thân thiện, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với nạn nhân, đưa ra lời khuyên và hỗ trợ cho nạn nhân, tạo được tâm lý tin tưởng cho nạn nhân, tặng quà và thể hiện sự quan tâm đối với nạn nhân, tăng dần dần cấp độ thân mật đối với nạn nhân.
Thao túng tâm lý và cô lập: Sau khi đã tạo dựng lòng tin với nạn nhân, đối tượng phạm tội sẽ cô lập về mặt tình cảm của nạn nhân, giữ bí mật và độc quyền mối liên hệ giữa đối tượng phạm tội với nạn nhân, hủy hoại niềm tin của nạn nhân với mọi người xung quanh kể cả người thân và chỉ tin đối tượng phạm tội, từ đó cô lập nạn nhân, kiểm soát các kênh liên lạc của nạn nhân trên mạng và tiến tới cô lập con người nạn nhân với xung quanh.
Thăm dò ranh giới: Sau khi cô lập được nạn nhân, đối tượng phạm tội sẽ từng bước tiến hành giới thiệu cho nạn nhân những tài liệu, hình ảnh chứa nội dung khiêu dâm, tình dục, để nạn nhân dần dần làm quen với những nội dung đó, đến khi nạn nhân đã chấp nhận và lệ thuộc vào những tài liệu, nội dung đó thì đối tượng phạm tội sẽ thực hiện các hành vi tiếp theo.
Kiểm soát và xâm hại: Ở giai đoạn này, các đối tượng phạm tội thực hiện việc độc chiếm và tạo áp lực cả trên không gian mạng và thể chất của nạn nhân, đe dọa sẽ tung những hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân lên mạng xã hội hoặc phát tán cho người thân, bạn bè của nạn nhân để làm nhục nạn nhân và khống chế nạn nhân trong vòng xâm hại. Rất nhiều gia đình, đến giai đoạn này khi con đã bị xâm hại nặng nề và khủng hoảng tinh thần do liên tục bị thúc ép, đe dọa phải tự quay clip sex để cung cấp cho các đối tượng phạm tội thì mới phát hiện ra con mình đã trở thành nạn nhân của các nhóm tội phạm xâm hại trẻ em trên không gian mạng.
Hai là, lấy lời khai ban đầu (Minimal facts interview).
Ngay sau khi giải cứu hoặc tiếp cận nạn nhân, Điều tra viên cùng nhân viên của Trung tâm quốc gia hỗ trợ trẻ em bị mất tích và bị xâm hại (NCMEC) sẽ có các biện pháp ổn định về tâm lý và chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân, đồng thời khẩn trương lấy lời khai ban đầu của nạn nhân, nội dung câu hỏi tập trung vào vấn đề chính cần làm rõ để nhanh chóng xác định được đối tượng phạm tội, làm rõ hành vi phạm tội, nền tảng công nghệ mà các đối tượng phạm tội đã sử dụng để xâm hại nạn nhân, như: Chuyện gì đã xảy ra? Hình thức xâm hại? Ai là nạn nhân (tên, tuổi, địa chỉ, những người sống cùng nạn nhân - để không loại trừ trường hợp chính những người này lại là người thực hiện hành vi phạm tội và những vấn đề tiền sử bệnh lý của nạn nhân)? Ai là người thực hiện hành vi xâm hại? Việc xâm hại diễn ra ở đâu?... Việc lấy lời khai ban đầu cần được thực hiện nhanh chóng, hạn chế việc hỏi đi hỏi lại nạn nhân, việc lấy lời khai nhiều lần đối với nạn nhân có thể sẽ làm tổn hại nạn nhân nghiêm trọng hơn do làm nạn nhân thêm sợ hãi vì phải nhớ lại những trải nghiệm không tích cực của bản thân, hoặc làm cho nạn nhân nghĩ rằng mình không được tin tưởng, các điều tra viên không tin điều mình nói...
Ba là, lấy lời khai có giá trị chứng cứ (Forensic interview).
Sau hoạt động lấy lời khai ban đầu, Điều tra viên có thể lựa chọn thời gian, địa điểm phù hợp (tránh những địa điểm có thể làm nạn nhân nhớ lại sự kiện mình bị xâm hại, có thể bố trí phòng hỏi thân thiện tại Cơ quan điều tra để tiến hành lấy lời khai đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục). Đối với hoạt động lấy lời khai có giá trị chứng cứ, Điều tra viên có thể đặt ra những câu hỏi gợi mở để nạn nhân tự tường thuật lại toàn bộ quá trình từ khi bị tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo đến khi bị thao túng, kiểm soát và xâm hại. Muốn làm được điều đó, Điều tra viên cần tạo ra một bầu không khí thân thiện, cởi mở, để nạn nhân cảm thấy yên tâm, tin tưởng khi tường thuật lại sự việc.
Bốn là, xác minh hoạt động xâm hại tình dục qua hình thức phát trực tuyến (live-streaming).
Thực tế cho thấy, trong rất nhiều vụ việc, các đối tượng phạm tội lợi dụng hình thức phát trực tuyến để buộc nạn nhân nhất là trẻ em thực hiện các hoạt động khiêu dâm theo thời gian thực tế trên không gian mạng cho một hoặc rất nhiều người xem cùng một lúc. Các đối tượng phạm tội lợi dụng trẻ em và nền tảng số để thu tiền của người xem đối với các buổi phát trực tuyến khiêu dâm và thực tế đã thu được rất nhiều lợi nhuận từ hành vi này. Vì lợi nhuận lớn như vậy, nên khi nạn nhân đã rơi vào vòng xâm hại và bị các đối tượng phạm tội thao túng, cô lập, kiểm soát sẽ liên tục bị các đối tượng đe dọa phải gửi clip khiêu dâm hoặc phát trực tuyến và trở thành công cụ kiếm tiền cho các đối tượng phạm tội. Phía Hoa Kỳ có đội ngũ trinh sát dày dặn kinh nghiệm và đội ngũ Điều tra viên có trình độ cao về kỹ thuật số và an ninh mạng mới có thể thâm nhập vào các trang web đen để có thông tin gia nhập mạng lưới người xem (để lọt được vào mạng lưới người xem nhằm phát hiện được đối tượng phạm tội và nạn nhân của tội phạm, các trinh sát viên của Hoa Kỳ cũng phải trải qua quá trình xét duyệt tư cách đầy thử thách của các đối tượng phạm tội mới có thể làm chúng tin tưởng). Hiện nay, các nền tảng số được các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều nhất để thực hiện hoạt động xâm hại tình dục trẻ em bằng hình thức live streaming rất đa dạng, có thể kể đến như: Periscope, TikTok, Live.Me, Omegle, Chatroulette, Zoom, GoToMeeting, Webex...
Năm là, mã hóa đầu cuối hay bảo mật hai lớp (End-to-end Encryption hay còn gọi là E2EE).
Đây là một biện pháp bảo đảm dữ liệu được bảo mật trong suốt quá trình truyền từ người gửi đến người nhận và thường được sử dụng trong các ứng dụng tin nhắn, email, các nền tảng mạng xã hội để bảo mật những thông tin nhạy cảm khỏi bị phát hiện, lộ lọt. Chính bởi tính năng này, các đối tượng phạm tội thường sử dụng các ứng dụng có mã hóa đầu cuối như Imesage, Line, Signal, Telegram... để liên lạc và truyền tải nội dung khiêu dâm cho nhau nhằm tránh khỏi sự phát hiện của các lực lượng chức năng. Cơ quan điều tra cần có chuyên môn về công nghệ mới có thể giải mã để thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.
Sáu là, kỹ thuật phân tích dữ liệu lưu trữ trên đám mây (Digital Forensic analysis of Cloud-Based Storage data).
Dữ liệu đám mây được hiểu một cách đơn giản là dữ liệu người dùng được lưu trữ trên phần cứng của người khác. Dữ liệu đám mây tồn tại dưới dạng các format như: Máy tính, dữ liệu của các ứng dụng trên các thiết bị di động, sao chép dự phòng (backup) từ dữ liệu của các thiết bị di động, dữ liệu Internet vạn vật, dữ liệu người dùng trên Dropbox, Google... Thực tế nhiều vụ án cho thấy, các đối tượng phạm tội ngoài việc sử dụng các nền tảng trực tuyến còn sử dụng dữ liệu đám mây để lưu trữ rất nhiều file dữ liệu chứa nội dung khiêu dâm để mua đi bán lại cho nhiều người dùng kiếm lời, thậm chí nhiều buổi phát trực tuyến cũng được chúng ghi chép lại để lưu trữ thành file dữ liệu trên đám mây nhằm phục vụ cho mục đích phạm tội. Cơ quan điều tra cần có chuyên môn về công nghệ mới có thể giải mã để thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.
3. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
Điều tra viên, Kiểm sát viên trực tiếp giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng cần có kiến thức về các loại hình tội phạm, phương thức, thủ đoạn phạm tội, nền tảng công nghệ và những tính năng công nghệ mà các đối tượng phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Có như vậy, mới có thể điều tra, xác minh, thu thập đúng hướng và chứng minh được hành vi phạm tội của các đối tượng, đồng thời cần phối hợp tốt với các Điều tra viên, Công tố viên nước ngoài điều tra, thu thập chứng cứ, đặc biệt là dữ liệu điện tử để giải quyết vụ án.
Việc nắm bắt tâm lý tội phạm và tâm lý trẻ em là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nhanh chóng truy vết để xác minh đối tượng và lấy được lời khai chính xác của nạn nhân ngay từ ban đầu. Đối với việc lấy lời khai qua cầu truyền hình đối với những trẻ em là nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục, Cơ quan điều tra nên thận trọng trong việc áp dụng bởi nhiều lý do, như: Tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt trên đường truyền trong quá trình lấy lời khai và vô hình trung một lần nữa làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của các em; hoặc có thể việc lấy lời khai qua cầu truyền hình sẽ làm các em phải nhớ lại những buổi phát trực tuyến khiêu dâm trước đây, sẽ tạo thêm tổn thương tinh thần cho các em; hoặc việc lấy lời khai qua cầu truyền hình do không có sự tiếp xúc từ đầu với các em, chưa tạo dựng được niềm tin với nạn nhân, khi đặt câu hỏi sẽ dễ làm các em sợ hãi, hoang mang.
Nguyễn Cẩm Tú - Tăng Ngọc Kim Mỹ
Giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến yêu cầu tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Vướng mắc khi áp dụng tình tiết “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
4VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
5Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.