Về việc xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung hộ gia đình
(kiemsat.vn) Thi hành án dân sự là tiếp nối với xét xử làm cho bản án, quyết định có hiệu lực trên thực tế. Tuy nhiên, việc xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung hộ gia đình còn có những quan điểm khác nhau về nhận thức, áp dụng pháp luật.
Một số vướng mắc khi thực hiện các quy định của BLTTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
VKSND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kiến nghị phòng ngừa về tội phạm “Giết người”
Thời gian vừa qua, trong quá trình tổ chức thi hành án đối với những vụ việc liên quan đến việc xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung hộ gia đình, giữa cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án ở nhiều địa phương còn có những quan điểm khác nhau về nhận thức, áp dụng pháp luật theo quy định giữa khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự và điểm c khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62).
Quan điểm thứ nhất, Chấp hành viên phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự.
Quan điểm thứ hai, Chấp hành viên phải thực hiện theo điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62 mà không áp dụng Khoản 1 Điều 74 Luật THADS.
Ảnh minh họa. |
Qua nghiên cứu nội hàm của các quy định nêu trên; xuất phát từ thực tiễn kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực này, Phòng 8 VKSND tỉnh Bắc Giang có quan điểm như sau:
Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án như sau:
“1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án”.
Quy định như trên cần được hiểu là chỉ khi nào Chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ, triệt để các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhưng chưa xác định được phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung và đã hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất không có thỏa thuận, thỏa thuận không được hoặc thỏa thuận vi phạm quy định của pháp luật và không yêu cầu Tòa án giải quyết và đã hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì khi đó, Chấp hành viên mới thực hiện việc yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Còn điểm c khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62 quy định về kê biên tài sản để thi hành án:
“c) Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.
Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”.
Quy định này cần được hiểu là, việc xác định phần sở hữu, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án trước hết thuộc trách nhiệm của Chấp hành viên. Có nghĩa là, Chấp hành viên phải căn cứ vào các quy định của pháp luật có liên quan, tiến hành đầy đủ, triệt để các biện pháp nghiệp vụ thi hành án theo quy định của pháp luật nhằm xác định phần quyền sở hữu, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án. Trường hợp đã xác định được phần sở hữu, phần quyền sử dụng của vợ, chồng hoặc các thành viên hộ gia đình thì Chấp hành viên phải thực hiện theo quy định tại điểm c khoàn 2 Điều 24 Nghị định 62. Trường hợp đã thực hiện đầy đủ, triệt để các biện pháp nghiệp vụ nhưng chưa đủ căn cứ để xác định và đã thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất không thỏa thuận được, không yêu cầu Tòa án giải quyết; người được thi hành án cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật thì khi đó, Chấp hành viên mới thực hiện việc yêu cầu Tòa án giải quyết theo khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi Chấp hành viên chưa tiến hành các biện pháp nhằm xác định phần quyền sở hữu, sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nếu Tòa án thụ lý giải quyết thì không những không đảm bảo căn cứ pháp lý, mà còn làm phát sinh khối lượng công việc đáng kể đối với Tòa án, Viện kiểm sát và làm cho quá trình giải quyết vụ việc thêm phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Nguyễn Thị Hồng và Ngô Văn Định
Bài viết chưa có bình luận nào.