Một số vướng mắc khi thực hiện các quy định của BLTTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

03/06/2024 08:58

(kiemsat.vn)
BLTTHS năm 2015 đã tạo sự thuận lợi, thống nhất cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật, tránh được sự mâu thuẫn, trùng lặp trong các quy định trước đây. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các quy định này của bộ luật trên thực tế còn một số vướng mắc nhất định, đặc biệt là áp dụng thực hiện các quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Theo đó, tại Điều 420 BLTTHS năm 2015 quy định:

“1. Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.

3. Những người quy định tại khoản 1 Điều này khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án”

Thứ nhất: Điều 420 BLTTHS năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác” và tại khoản 3 Điều 423 BLTTHS lại quy định: “Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, …”.

Tuy nhiên, các Điều luật nêu trên lại không quy định chi tiết về trường hợp nào thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định để “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác” tham gia tố tụng; trường hợp nào thì “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường”, trường hợp nào thì “Đoàn thanh niên, tổ chức khác” hoặc tất cả những người nêu trên đều phải có mặt tham gia tố tụng tại phiên tòa xét xử có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Điều này dẫn đến nhận thức và áp dụng không thống nhất quy định của pháp luật.

Thứ hai: Mặc dù việc tham gia tố tụng của “nhà trường, tổ chức” được quy định là quyền và nghĩa vụ nhưng không quy định bắt buộc những chủ thể này tham gia theo quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra; Viện kiểm sát mà chỉ có quy định quyền và sự bắt buộc có mặt của những chủ thể nêu trên tại phiên tòa trong giai đoạn xét xử.

Thứ ba: Theo quy định của pháp luật thì người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt được triệu tập tham gia tố tụng; nhưng vấn đề đặt ra là họ tham gia với tư cách gì. Hiện nay BLTTHS năm 2015 chưa có quy định tư cách tham gia tố tụng của những chủ thể này nhưng lại quy định cho họ có những quyền hết sức quan trọng, cụ thể: Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án.

Để việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được áp dụng có hiệu quả, khắc phục những bất cập, vướng mắc nêu trên, theo quan điểm của tác giả, BLTTHS cần thiết phải sửa đổi, bổ sung chi tiết một số nội dung, cụ thể :

Một là, cần có quy định cụ thể về tư cách tố tụng của các chủ thể nêu trên. Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của họ trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người dưới 18 tuổi.

Hai là, trong các trường hợp mà “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt” tham gia tố tụng, thì cần quy định ý kiến, quan điểm tranh luận của các chủ thể này tại phiên tòa phải được xem là một trong các căn cứ để quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc xem xét ý kiến quan điểm có lợi của các chủ thể này đối với người phạm tội là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Ba là, tương tự quy định về người bào chữa, cần quy định quyền của người dưới 18 tuổi trong vụ án có sự tham gia tố tụng của “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt”, theo hướng người dưới 18 tuổi được quyền yêu cầu hoặc từ chối sự tham gia tố tụng của các chủ thể nêu trên.

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng

(Kiemsat.vn) - Qua bài viết, tác giả giới thiệu một số kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng, như: Mục tiêu của hoạt động điều tra, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng; kỹ năng lấy lời khai dựa trên tìm hiểu và nắm bắt tâm lý trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục; kỹ năng điều tra kỹ thuật số.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang