Tư pháp phục hồi trong pháp luật hình sự Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam

27/03/2025 14:02

(kiemsat.vn)
“Tư pháp phục hồi cung cấp một không gian bí mật, an toàn và tự nguyện để nói chuyện và thảo luận về những uất hận, cảm xúc và kỳ vọng của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội và hậu quả của nó”. Qua việc phân tích quy định của pháp luật hình sự Pháp về tư pháp phục hồi, tác giả đưa ra một số khuyến nghị có giá trị tham khảo cho Việt Nam.

Thuật ngữ “tư pháp phục hồi” (TPPH) có thể hiểu: “Là một quá trình, theo đó tất cả các bên có liên quan đến một hành vi phạm tội cụ thể cùng nhau giải quyết hậu quả của hành vi phạm tội và những tác động của nó đối với tương lai”. Tác giả John Braithwaite thì cho rằng TPPH là “một quá trình mà tất cả các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi sự bất công có cơ hội thảo luận về việc họ đã bị ảnh hưởng bởi sự bất công như thế nào và quyết định những gì nên làm để sửa chữa thiệt hại. Với tội phạm, tư pháp phục hồi là ý tưởng rằng, bởi vì tội ác gây tổn thương, công lý sẽ được chữa lành. Theo đó, các cuộc trò chuyện với những người đã bị tổn thương và với những người đã gây ra tổn hại phải là trọng tâm của quá trình. Pháp đã bắt đầu mở rộng cách thức giải quyết xung đột bằng phương thức khác mang tính nhân đạo mà không cần xét xử. Đồng thời, điều chỉnh các quy tắc cơ bản của thủ tục tố tụng hình sự đương đại cho phù hợp. Chính vì thế, TPPH đã được lồng ghép vào cuộc cải cách pháp luật hình sự của Pháp năm 2014. “Tư pháp phục hồi cung cấp một không gian bí mật, an toàn và tự nguyện để nói chuyện và thảo luận về những uất hận, cảm xúc và kỳ vọng của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội và hậu quả của nó”. Hiện nay, cả Pháp và EU đều kết hợp chính sách tập trung vào hòa giải, việc hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội được khuyến khích. Vì vậy, TPPH đang dần phát triển và có chỗ đứng trong hệ thống pháp luật của Pháp.

1. Cơ sở pháp lý của tư pháp phục hồi ở Cộng hòa Pháp

Kể từ những năm 1970, cuộc khủng hoảng trong hệ thống tư pháp hình sự và việc công nhận nạn nhân là một phần tất yếu cho một phiên tòa công bằng, đã dẫn đến việc đánh giá lại các phương pháp tiếp cận truyền thống trong phòng ngừa, trấn áp và xử lý tội phạm. Pháp đã chứng kiến sự phát triển từng bước của TPPH, mặc dù còn manh mún, nhưng ngày càng phát triển.

Các nhà lập pháp của Pháp gần đây đã tán thành TPPH và luật hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp (có hiệu lực ngày 01/10/2014).

Theo Điều 10-1 Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp, TPPH được quy định như sau:

“Trong bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào và ở tất cả các giai đoạn của thủ tục, kể cả trong quá trình thi hành bản án, nạn nhân và người phạm tội đều có thể tiếp cận biện pháp TPPH, với điều kiện các tình tiết vụ án đã được thừa nhận.

Biện pháp TPPH là bất kỳ biện pháp nào cho phép nạn nhân cũng như thủ phạm của một hành vi phạm tội tham gia tích cực vào việc giải quyết những khó khăn do hành vi phạm tội gây ra, và đặc biệt là vào việc bồi thường thiệt hại về bất kỳ tính chất nào do việc phạm tội gây ra. Biện pháp này chỉ có thể được thực hiện sau khi nạn nhân và thủ phạm đã nhận được thông tin đầy đủ về vụ việc và đồng ý tham gia một cách rõ ràng. Nó được thực hiện bởi một bên thứ ba độc lập được đào tạo cho mục đích này, dưới sự kiểm soát của cơ quan tư pháp hoặc, theo yêu cầu của cơ quan quản lý trại giam. Quy trình này được giữ bí mật, trừ khi các bên có thỏa thuận khác hoặc khi lợi ích lớn hơn liên quan đến nhu cầu ngăn chặn hoặc trấn áp tội phạm, biện minh cho thực tế là thông tin liên quan đến việc thực hiện tiến trình đó cần được Công tố viên lưu ý”.

Việc tham gia vào một biện pháp phục hồi (cuộc họp phục hồi) có thể được đề xuất cho các nạn nhân và thủ phạm của tội phạm hình sự (bất kể tình trạng của họ) ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào. Đối với nạn nhân, luật pháp công nhận, thứ nhất, quyền được thông báo về việc áp dụng các biện pháp TPPH ngay từ khi bắt đầu tố tụng hình sự (Điều 10-2 Bộ luật Tố tụng hình sự); thứ hai, quyền được đề nghị áp dụng các biện pháp TPPH. Cơ hội tham gia vào biện pháp TPPH cho đến khi kết thúc thủ tục hình sự, ngay cả trong khi thi hành bản án (Điều 707-IV, 2° Bộ luật Tố tụng hình sự).

Luật này được hướng dẫn bằng thông tư ban hành ngày 15/3/2017.

2. Các biện pháp tư pháp phục hồi ở Cộng hòa Pháp

Nhìn chung có rất nhiều mô hình hoạt động TPPH ở Pháp, có thể chia thành các biện pháp sau:

- Biện pháp hòa giải phục hồi: Biện pháp này là một quá trình đối thoại, có thể bao gồm một cuộc gặp mặt trực tiếp hoặc dưới hình thức một lá thư hoặc video, với sự có mặt của Điều phối viên được đào tạo, giữa nạn nhân và người phạm tội. Cuộc họp là cơ hội để thảo luận về hậu quả của tội ác đã gây ra hoặc phải gánh chịu, một cách hoàn toàn bí mật. Quá trình đối thoại này diễn ra sau khi có sự chuẩn bị thích hợp.

- Cuộc họp giữa tù nhân - nạn nhân/người bị kết án - nạn nhân: Cuộc gặp giữa tù nhân - nạn nhân trong môi trường mở hoặc khép kín được thực hiện bằng cách mời một nhóm người bị giam giữ và một nhóm người từng là nạn nhân của một hành vi phạm tội (tương ứng tối thiểu 04 người), những người không liên quan trong một vụ án, đến gặp nhau. Trong 05 cuộc họp toàn thể và 01 cuộc họp đánh giá, họ thảo luận về những hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Những cuộc gặp gỡ này cũng có thể diễn ra bên ngoài nhà tù, giữa một nhóm người bị kết án và một nhóm nạn nhân. Đây là cuộc gặp gỡ giữa nạn nhân và người bị kết án.

- Hội nghị phục hồi: Hội nghị phục hồi nhằm mục đích cho phép tổ chức một cuộc họp tự nguyện quy tụ những người thân và những người đáng tin cậy đối với nạn nhân và người phạm tội. Tức là, ngoài sự gặp gỡ trực tiếp giữa nạn nhân và người phạm tội, còn có sự tham gia của người thân của họ. Hội nghị này cho phép xem xét các phương thức hỗ trợ mà môi trường gia đình và xã hội có thể cung cấp cho những người có liên quan. Hội nghị này đặc biệt phù hợp với người chưa thành niên.

- Vòng tròn phục hồi: Vòng tròn phục hồi rất phù hợp đối với những vụ việc không thể áp dụng thủ tục tố tụng chính thức để xử lý (sự việc chưa được xác lập đầy đủ, lệnh bác bỏ vụ án, phán quyết vô tội hoặc bản án phán quyết trắng án).

- Vòng tròn hỗ trợ và trách nhiệm giải trình: Chỉ dành riêng cho những người đã phạm tội có tính chất tình dục, bị cô lập về mặt xã hội và có nguy cơ tái phạm cao; diễn ra sau khi họ ra tù, bất kể trong trường hợp nào (bán tự do, thả có điều kiện).

- Vòng tròn hỗ trợ và nguồn lực: Liên quan đến những người đã phạm tội không liên quan đến tình dục, đặc biệt là tội ác chống lại con người và tài sản; nhằm mục đích hỗ trợ người thụ hưởng lấy lại quyền tự chủ cá nhân và xã hội trước sự chứng kiến ​​​​của 03 hoặc 04 người được gọi là “Tình nguyện viên cộng đồng” và 01 Điều phối viên.

3. Điều kiện để thực hiện tư pháp phục hồi ở Cộng hòa Pháp

Kể từ năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp cho phép những người bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội được thông báo về việc tham gia các biện pháp TPPH. Tư pháp phục hồi đã mang đến cơ hội cho nạn nhân, người phạm tội, cộng đồng một không gian chia sẻ, lắng nghe, giao tiếp, tôn trọng quyền và lựa chọn của họ. Điều phối viên (Tình nguyện viên) chuẩn bị những công việc cần thiết để những người tham gia quyết định xem họ có sẵn sàng giao tiếp, trao đổi và kèm theo những điều kiện nào, trước khi cuộc họp phục hồi diễn ra. Đồng thời, cũng cần đảm bảo an toàn cho hệ thống và tuân thủ nguyên tắc: Công nhận sự thật khách quan, khả năng dừng quá trình TPPH bất cứ lúc nào, hỗ trợ người tham gia bởi các Điều phối viên được đào tạo cẩn thận và cần sự bảo mật tuyệt đối. Bởi mục tiêu duy nhất của TPPH là cung cấp cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tội phạm một không gian an toàn để đối thoại và tôn trọng tất cả những người tham gia.

Theo Điều 10-1, Bộ luật Tố tụng hình sự Pháp ngày 15/8/2014, bất kỳ nạn nhân hoặc người phạm tội nào đều có thể được áp dụng biện pháp TPPH ở tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự, nhưng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định: (1) Sự thật đã được thừa nhận; (2) Nạn nhân và người phạm tội đã nhận được thông tin đầy đủ về biện pháp này; (3) Họ đồng ý tham gia một cách rõ ràng; (4) Người trung gian hòa giải được thực hiện bởi bên thứ ba độc lập được đào tạo bài bản; (5) Chịu sự kiểm soát của cơ quan tư pháp hoặc, theo yêu cầu của cơ quan quản lý trại giam; (6) Phải đảm bảo bí mật.

Cụ thể, điều kiện (1): Tại Điều 10-1 của Tiêu đề sơ bộ của Bộ luật Tố tụng hình sự về đảm bảo việc sử dụng các biện pháp TPPH, yêu cầu mọi người tham gia phải thừa nhận sự thật vụ án và không được phủ nhận chúng. Việc thừa nhận sự thật của những người tham gia (nạn nhân - người phạm tội) là cần thiết nhưng không được đồng hóa với việc thú nhận tội lỗi hoặc tự buộc tội và không được sử dụng chúng làm bằng chứng phạm tội để chống lại người phạm tội trong phiên tòa hình sự. Thay vào đó, chỉ cần có sự im lặng hoặc không phủ nhận là đã thỏa mãn điều kiện. Tuy nhiên, cách tiếp cận nhanh chóng này có thể không đạt hiệu quả phục hồi một cách sâu sắc.

Điều kiện (2): Người tham gia phải được thông báo đầy đủ về biện pháp, việc thực hiện, bảo đảm, hậu quả, lợi ích và giới hạn của biện pháp đó. Việc thông báo rõ ràng sẽ giúp cho các bên đánh giá khả năng và quyết định tham gia hay không.

Điều kiện (3): Việc cung cấp sự đồng ý rõ ràng sẽ đảm bảo sự tham gia tích cực trong suốt quá trình và có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào. Nếu các bên thấy không thể hòa giải hoặc không cần thiết để tham gia thì họ có thể dừng lại, điều này không làm mất tác dụng phục hồi của quá trình này, vì mục tiêu ban đầu là cuộc gặp gỡ cá nhân.

Điều kiện (4): Cần có bên thứ ba độc lập, được đào tạo bài bản, rõ ràng để tiến hành hòa giải, thương lượng trong TPPH; có kiến thức và kỹ năng cụ thể (bao gồm: Phỏng vấn, lắng nghe, quản lý nhóm và soạn thảo thỏa thuận phục hồi, thực hiện và theo dõi các quy định, thiết lập các khuôn khổ chung cho người tham gia). Người hướng dẫn đảm bảo sự tôn trọng và công bằng, độc lập với người tham gia và việc tham gia cuộc họp phục hồi là miễn phí. Thông tư ngày 15/3/2017 xác nhận rằng tính độc lập của Điều phối viên là một mệnh lệnh mang tính chức năng, được thể hiện thông qua việc ủy quyền cho các cơ quan hành chính hoặc cá nhân. Mặc dù luật và thông tư không quy định cụ thể việc đào tạo Điều phối viên nhưng có danh sách các tổ chức cung cấp chương trình đào tạo thường xuyên cho những người hành nghề TPPH. Khóa đào tạo được phát triển vào năm 2015, bao gồm một khóa học tích hợp với 04 học phần kéo dài 30 giờ, cấp chứng chỉ “người hỗ trợ TPPH” và “huấn luyện viên TPPH”.

Điều kiện (5): Luật quy định cơ quan tư pháp hoặc cơ quan quản lý nhà tù giám sát các biện pháp phục hồi, giống như một cuộc kiểm toán. Việc giám sát này kiểm tra việc tuân thủ các nguyên tắc luật hình sự và quyền của người tham gia. Việc này được thực hiện trước và sau các cuộc họp, đảm bảo các điều kiện pháp lý được tôn trọng và không can thiệp vào thủ tục hình sự. Người thực hành phải giải quyết mọi vấn đề liên quan đến sự can thiệp và vi phạm tiềm ẩn trong quy trình.

Điều kiện (6): Việc thực hiện các biện pháp TPPH đòi hỏi mức độ bảo mật cao, nguyên tắc này là không có ngoại lệ, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hoặc việc vi phạm bí mật là cần thiết để ngăn chặn hành vi phạm tội tiếp theo có thể gây nguy hiểm cho người tham gia. Công tố viên là người duy nhất nhận được báo cáo này. Do đó, quá trình và nội dung trao đổi được đảm bảo với mức độ bảo mật cao. Hệ quả tất yếu của nguyên tắc này là cấm đề cập đến việc tham gia hoặc không tham gia cuộc họp phục hồi vào các cuộc tranh luận tiếp theo trong tố tụng hình sự. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng biện pháp TPPH, từ đầu đến cuối quá trình, hoàn toàn được bảo mật.

4. Khuyến nghị cho Việt Nam

Việc áp dụng TPPH ở Pháp đem lại rất nhiều lợi ích, thông qua cuộc khảo sát quốc gia về TPPH ở Pháp được công bố vào năm 2021, cho thấy mức độ hài lòng của những người tham gia rất tích cực. Đối với nạn nhân, lợi ích của TPPH thể hiện ở việc: Cảm giác được lắng nghe, được thấu hiểu; giảm cảm giác xấu hổ, sợ hãi và tội lỗi; cảm giác lấy lại được quyền lợi trong cuộc sống. Đối với người phạm tội, lợi ích TPPH mang lại là họ nhận thức về hậu quả của hành động mà họ đã gây ra đối với nạn nhân và trách nhiệm giải trình; phát triển các kế hoạch tương lai; tự trọng hơn. Lợi ích thực tế mà TPPH ở Pháp mang lại cho các bên là cơ sở để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, góp phần nâng cao vai trò của các bên bị ảnh hưởng như: Nạn nhân, người phạm tội trong vụ án hình sự…

Qua phân tích quy định của pháp luật hình sự Pháp về TPPH, tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, Pháp đã từng bước ghi nhận TPPH vào pháp luật hình sự, cụ thể là trong Bộ luật Tố tụng hình sự bằng biện pháp hòa giải trong tố tụng hình sự (Điều 10-1). Điều này khẳng định Pháp chấp nhận TPPH với vai trò của nó “để bảo đảm sự bảo vệ của xã hội, ngăn chặn việc tái phạm và khôi phục lại sự cân bằng xã hội, đồng thời tôn trọng quyền lợi của nạn nhân” (Điều 130 - 1 Bộ luật Hình sự Pháp). Việt Nam chưa công nhận TPPH là một thể chế chính thức trong pháp luật hình sự, nhưng vẫn thấy “tinh thần” của TPPH thông qua quy định về hòa giải tại khoản 3 Điều 29 và hòa giải tại cộng đồng áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo tác giả, cần chính thức ghi nhận TPPH vào hệ thống pháp luật Việt Nam thông qua Luật hình sự hoặc quy định trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên nhằm thể hiện sự đa dạng trong các hình thức xử lý tội phạm.

Thứ hai, có thể học hỏi kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp trong việc xây dựng mô hình/hình thức áp dụng các biện pháp TPPH; các hình thức TPPH đa dạng như hòa giải phục hồi, hội nghị phục hồi, vòng tròn phục hồi, cuộc họp giữa nạn nhân và người phạm tội, vòng tròn hỗ trợ và trách nhiệm giải trình, vòng tròn hỗ trợ và nguồn lực. Việc lựa chọn một hình thức phù hợp và cho phép áp dụng đa dạng sẽ giúp các bên liên quan có nhiều cơ hội lựa chọn tham gia vào TPPH.

Thứ ba, tiếp thu kinh nghiệm của Pháp liên quan đến điều kiện để thực hiện TPPH như: Điều kiện về sự thật đã được thừa nhận, về cung cấp thông tin cho người tham gia, về đồng ý tham gia của các bên liên quan, chịu sự kiểm soát của cơ quan tư pháp hoặc, theo yêu cầu của cơ quan quản lý trại giam, phải đảm bảo bí mật, người trung gian hòa giải được thực hiện bởi bên thứ ba độc lập được đào tạo bài bản… Việc quy định rõ ràng điều kiện giúp việc áp dụng khả thi hơn.

Thứ tư, cho phép và đào tạo Hòa giải viên, Hỗ trợ viên đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ TPPH, bởi đây là lực lượng quan trọng quyết định việc thành bại của chương trình. Đồng thời, vận động các tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ tài trợ, xã hội hóa nhằm mục đích đạt được hiệu quả và thành công cho chương trình TPPH.

Nguyễn Văn Tròn

Không tự nguyện thi hành án, chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho người khác có phạm tội không?

(Kiemsat.vn) - Người phải thi hành án đang phải thi hành bản án nhưng đã chuyển nhượng tài sản duy nhất của mình cho người khác và không tự nguyện thi hành án, dẫn đến mất khả năng thi hành án. Có nhiều quan điểm không thống nhất về cách xử lý đối với hành vi này. Tác giả cho rằng, Chấp hành viên cần khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng để xử lý tài sản và thi hành án cho người được thi hành án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang