Trao đổi về bài viết: “Không chấp nhận kháng nghị của VKS – TAND tỉnh H đã đúng pháp luật?”

26/10/2016 08:19

(kiemsat.vn)
Sau khi đọc bài viết: "Không chấp nhận kháng nghị của VKS - TAND tỉnh H đã đúng pháp luật?" trên Kiemsat.vn ngày 06/10/2016, tác giả Trần Kim Tuyến ở VKSQS Khu vực 41 và tác giả Lê Văn Quang ở VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã có ý kiến trao đổi về vụ việc cụ thể như sau:

Tác giả Trần Kim Tuyến cho rằng:

Về nội dung vụ án, rõ ràng Lê Ngọc M phạm tội “Chứa mại dâm” được quy định tại Điều 254 BLHS là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, xét về các tình tiết trong vụ án như: “Ngoài hành vi đã nêu, Cơ quan điều tra còn xác định Lê Ngọc M trước đây đã nhiều lần tổ chức chứa mại dâm cho các đối tượng khác nhưng chưa bị xử lý”.

Tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 2 Điều 254 Bộ luật Hình sự về “phạm tội nhiều lần đối với tội chứa mại dâm” như sau:

“4.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a. Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn);

b. Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian;

c. Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau.

4.2. Không coi là phạm tội nhiều lần trong các trường hợp sau đây:

a. Chứa mại dâm một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục;

b. Chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thỏa thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian”.

Đối chiếu với hướng dẫn nêu trên, trong trường hợp này, phải áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” đối với Lê Ngọc M theo điểm c khoản 2 Điều 254 BLHS mới đúng.

– Lê Ngọc M đã có 01 tiền án (ngày 04/8/2005 bị Tòa án nhân dân thành phố P xử phạt 48 tháng tù về tội “Chứa mại dâm” theo khoản 2 Điều 254 BLHS).

Người phạm tội chứa mại dâm thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 254 Bộ luật Hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 254 Bộ luật Hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội chứa mại dâm. Như vậy, phải áp dụng tình tiết “tái phạm nguy hiểm” là tình tiết định khung hình phạt đối với Lê Ngọc M theo điểm e khoản 2 Điều 254, chứ không phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

Từ sự phân tích nêu trên, căn cứ vào các tình tiết của vụ án được nêu ra, thì phải áp dụng áp dụng điểm c, e khoản 2 Điều 254; Điều 33; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 để để truy tố, xét xử Lê Ngọc M phạm tội “Chứa mại dâm”. Khi quyết định hình phạt đối với Lê Ngọc M, M đã phạm vào 2 tình tiết định khung tại khoản 2 Điều 254, tình tiết giảm nhẹ của M không đáng kể, xử phạt 36 tháng tù (dưới khung hình phạt từ năm năm đếm mười lăm năm của khoản 2) theo tôi là quá nhẹ so với tính chất nghiêm trọng của người phạm tội.

Như vậy, trong vụ án này, VKSND tỉnh H có quyết định kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh H xét xử phúc thẩm hủy án án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật là hoàn toàn có căn cứ./.

Tác giả Lê Văn Quang có ý kiến như sau:

Với nội dung vụ án thì Cáo trạng số 118 ngày 26/10/2010 của VKSND thành phố P truy tố Lê Ngọc M về tội “Chứa mại dâm” theo khoản 1 Điều 254 BLHS và Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2010/HSST ngày 23/11/2010 TAND thành phố P áp dụng khoản 1 Điều 254; Điều 33; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS xử phạt Lê Ngọc M mức án 36 tháng tù giam là không có căn cứ bỏ lọt hành vi phạm tội trước đó đối với Lê Ngọc M.

Bởi lẽ: Tại tiểu mục 4.2 Mục 4 Nghị quyết số 06/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 của BLHS như sau:

Không coi là phạm tội nhiều lần trong các trường hợp sau đây:

a. Chứa mại dâm một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục.

b. Chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng nhóm đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thỏa thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian.

Như vậy, lần chứa mại dâm ngày 05/7/2010 của Lê Ngọc M bị bắt quả tang thuộc trường hợp phạm tội theo khoản 1 Điều 254 BLHS.

Còn những lần phạm tội trước đó trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã xác định được Lê Ngọc M trước đây đã nhiều lần tổ chức chứa mại dâm cho các đối tượng khác nhưng chưa bị xử lý. Bởi vì những lần chứa mại dâm trước đó tuy không bắt được quả tang và không thu giữ được vật chứng, nhưng căn cứ vào lời khai của người mua dâm, người bán dâm và lời nhận tội của M thì có đủ cơ sở để kết tội M phạm tội nhiều lần.

Như vậy, xét thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm đã đầy đủ nhưng Cáo trạng số 118 ngày 26/10/2010 của VKSND thành phố P truy tố Lê Ngọc M về tội “Chứa mại dâm” theo khoản 1 Điều 254 BLHS và Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2010/HSST ngày 23/11/2010 TAND thành phố P áp dụng khoản 1 Điều 254; Điều 33; điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS xử phạt Lê Ngọc M mức án 36 tháng tù giam là không có căn cứ, đã bỏ lọt hành vi phạm tội trước đó nên Kháng nghị số 02 ngày 15/12/2010 của VKSND tỉnh H kháng nghị Bản án hình sự sơ thẩm số 117/HSST ngày 23/11/2010 của Tòa án nhân dân thành phố P để xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại là có căn cứ./.

Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong giai đoạn truy tố và vấn đề nâng cao chất lượng bản cáo trạng

(Kiemsat.vn) - Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì VKSND có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thể chế hóa quy định này, Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và BLTTHS năm 2015 đã có những quy định rất cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS trong từng giai đoạn tố tụng hình sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang