Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

23/05/2018 16:47

(kiemsat.vn)
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình không những được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người, mà mỗi quốc gia thành viên đều phải tuân thủ thực hiện những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo vệ quyền con người tại quốc gia thành viên.

Điều 38 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình để nhằm bảo đảm cho quyền tự do của mỗi cá nhân đều được tôn trọng và được bảo vệ theo quy định của luật, theo đó:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

BLDS năm 2015 quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là một quy định cần thiết, quan trọng và là một điểm nhấn phản ánh quan điểm lập pháp và trình độ lập pháp ở Việt Nam hiện nay. Nhân tố con người được bảo đảm thực hiện có hiệu quả và thể hiện rõ nhất bản chất của nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều 12 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc quy định: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân.

Ảnh minh họa

Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy. Quyền con người được bảo đảm thực hiện đối với mỗi cá nhân cư trú trong phạm vi lãnh thổ đất nước mình, mà còn được bảo vệ trong trường hợp lưu trú tại một quốc gia khác.

Tại Điều 14 Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc quy định: “Không ai được phép can thiệp một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện vào cuộc sống gia đình, đời tư, nhà cửa, thư tín hoặc các phương thức giao tiếp khác”… Điều 44 Công ước này quy định: “Thừa nhận gia đình là một tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền được xã hội và nhà nước bảo vệ…”.

1. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Cá nhân là một thực thể của tự nhiên và là chủ thể của quan hệ xã hội. Cá nhân với tư cách chủ thể độc lập trong quan hệ xã hội, quan hệ dân sự, kinh tế, lao động, thương mại và các quan hệ khác trong phạm vi thời gian và không gian nhất định. Do vậy mỗi cá nhân có đời sống riêng tư, nội hàm của đời sống riêng tư có bí mật cá nhân.

Về đời sống riêng tư của cá nhân: Là tập hợp các yếu tố tạo thành nét riêng đặc thù, độc lập, không thể trộn lẫn và mang dấu ấn của riêng cá nhân, không thể trộn lẫn với người khác. Đời sống riêng tư của cá nhân có đặc điểm riêng biệt của cá nhân trong quá trình sống, thời gian sống, sự trải nghiệm trong các quan hệ xã hội mà hình thành và mang dấu ấn riêng của cá nhân. Đời sống riêng tư là một quan hệ phản ánh đời sống của một cá nhân có tính độc lập và với tư cách chủ thể trong các quan hệ xã hội ổn định hoặc không ổn định trong không gian và thời gian xác định được. 

Về bí mật cá nhân: Bí mật cá nhân là tổng thể các quan hệ quá khứ, các thông tin liên quan đến cá nhân mang tính chất chi phối các quan hệ cụ thể của cá nhân mà bị bộc lộ sẽ gây cho cá nhân những bất lợi hoặc dễ gây ra sự hiểu lầm ở các chủ thể khác, mà bản chất của yếu tố bí mật cá nhân không gây ra bất kỳ một thiệt hại nào cho chủ thể khác.

Đời sống riêng tư và bí mật cá nhân là hai thành tố hợp thành bí mật đời tư của cá nhân, là quyền nhân thân gắn với cá nhân được pháp luật bảo hộ.

Về bí mật gia đình: Là những thông tin về vụ việc, tài liệu liên quan đến các quan hệ giữa các thành viên của gia đình với nhau có mối quan hệ hữu cơ đến truyền thống nhiều đời hay một đời về huyết thống, về bệnh lý, về năng lực trí tuệ của các thành viên có tính hệ thống, nếu bị bộc lộ sẽ gây ra sự bất lợi cho các thành viên gia đình trong các quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật khác thuộc nhiều lĩnh vực. Bí mật gia đình được giữ kín, nếu tất cả các thành viên trong gia đình có ý thức không muốn bộc lộ, thì không chủ thể nào có quyền xâm phạm. 

Khoản 1 Điều 38 BLDS năm 2015 là một phương tiện và là một căn cứ pháp lý trong việc bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bất khả xâm phạm.

Quyền riêng tư được hiểu là không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Với sự phát triển của mạng internet và những tiện ích của nó trong đời sống của cá nhân, cộng đồng, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ đời tư, bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân đã ngày càng phát sinh những vấn đề phức tạp, bởi sức lan tỏa của những thông tin trên mạng internet. Những thông tin liên quan đến cá nhân, thông qua hệ thống mạng xã hội như Facebook về mặt tích cực mang lại những hiệu quả cao từ các thông tin cá nhân được bộc lộ về quan điểm sống, về tình yêu, việc làm, về những tấm gương điển hình, về văn hóa, vui chơi, giải trí. Nhưng không ít trường hợp, mạng xã hội bị lạm dụng để công khai nhiều thông tin, sự kiện liên quan đến cá nhân, tổ chức trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội gây ra những phản cảm cho người xem, người nghe khi sử dụng mạng xã hội… và thậm chí những người vi phạm pháp luật sử dụng mạng xã hội để kích động, để nói sai sự thật nhiều vấn đề nóng được nhiều người quan tâm và hệ quả của những thông tin này đã gây ra những biến đổi về nhận thức, đánh giá sai lệch một sự kiện hay một cá nhân, tổ chức cụ thể. 

Thực trạng trên mạng xã hội ở Việt Nam trong những năm trở lại đây đã tồn tại nhiều thông tin làm lộ bí mật đời tư của một cá nhân, làm lộ bí mật của một gia đình… ngoài ý chí của cá nhân và những gia đình bị làm lộ. Nhiều người đã không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình không hiểu quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện quan điểm cá nhân, tự do báo chí… vì vậy đã vô tình hay hữu ý làm lộ quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác, đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. Dư luận xã hội lan truyền nhanh chóng; gây nhiễu và lệch hướng cho một số bộ phận người thiếu thận trọng hoặc không trải nghiệm cuộc sống và hạn chế về nhận thức đã bị các luồng dư luận lôi kéo và nhấn chìm, mất phương hướng điều khiển hành vi trong các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, để xác định được những cá nhân, tổ chức tung tin thất thiệt trên mạng xã hội làm lộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác thật sự phức tạp, vì có những tên ảo, địa chỉ ảo. Việc xác định chủ thể trên mạng xã hội đã có hành vi trái pháp luật là xâm phạm đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác thật sự khó khăn, do vậy, không có căn cứ pháp lý để có thể quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có hành vi trái pháp luật này.

Những câu hỏi được đặt ra là trong những trường hợp cụ thể, Nhà nước có quyền can thiệp đến điện thoại, thư tín của cá nhân để nhằm chống khủng bố không? Về quyền riêng tư là một khái niệm khó xác định.

Vì khái niệm này được phân loại như một sự lựa chọn, một chức năng, một ước vọng, một quyền, một điều kiện hay một nhu cầu của cá nhân. Có cách hiểu quyền riêng tư là quyền được một mình, có cách hiểu quyền này theo nghĩa hẹp hơn là quyền kiểm soát các thông tin về bản thân. Một khái niệm dung hòa thì là sự tự do khỏi sự can thiệp không hợp lý và không mong muốn vào các hoạt động mà xã hội thừa nhận là thuộc về phạm vi tự chủ của cá nhân. Phạm vi tự chủ của cá nhân là những hành động không làm ảnh hưởng đến tự do của người khác, nơi một người cách ly với những người khác để tạo nên một cuộc đời mình như mong muốn và ước vọng của cá nhân.

Việc giữ kín nội dung thư tín, điện tín, điện thoại, tin nhắn… người thứ ba không thể biết, ngoài người gửi thư, điện tín, gọi điện thoại, nhắn tin… và người nhận những tin thông qua các hình thức này được biết.

Về thư tín, trách nhiệm giữ an toàn và bí mật thuộc về cơ quan bưu chính. Hiến pháp và các đạo luật khác ở Việt Nam có quy định về bí mật thư tín, điện tín, điện thoại, tin nhắn… của cá nhân được bảo đảm an toàn và đảm bảo tính bí mật về nội dung. Không cá nhân nào có quyền xâm phạm đến thư tín, điện tín, điện thoại, tin nhắn… của cá nhân khác nếu không được sự đồng ý của cá nhân gửi thư tín, điện tín, gọi điện thoại, gửi tin nhắn và bên nhận những thông tin đó. Hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện tín, nội dung đàm thoại, nội dung tin nhắn của cá nhân là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền nhân thân của chủ thể, thì cá nhân, pháp nhân có hành vi xâm phạm các quyền nhân thân này có trách nhiệm dân sự là xin lỗi, bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần… Việc khám xét, bóc mở thư tín, điện tín, tin nhắn của cá nhân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Những hành vi nghe trộm nội dung điện thoại, bóc mở để đọc, sao chụp dưới mọi hình thức tin nhắn, điện tín, thư tín hay ghi âm nội dung đàm thoại của người khác là hành vi trái pháp luật và người thực hiện các hành vi trái pháp luật này phải bồi thường.

Điều 38 BLDS năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền  con người gồm các quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là chuẩn mực pháp lý, là căn cứ viện dẫn để giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến các hành vi trái pháp luật, hành vi cố ý xâm phạm đến quyền về đời sống riêng tư của cá nhân, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.     

2. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình bất khả xâm phạm

Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư của cá nhân, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là các quyền nhân thân bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 BLDS năm 2015 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Quyền về đời sống riêng tư

Đời sống riêng tư của cá nhân là những sự việc, quan hệ liên quan đến cá nhân, mà cá nhân giữ cho riêng mình, thể hiện sự chủ động, tự do và tự mình thực hiện các hành vi để phục vụ cho đời sống của riêng mình. Sự khép kín của đời sống riêng tư của cá nhân mà cá nhân không muốn chia sẻ, bộc lộ cho người khác biết và cá nhân xem như những lợi ích tinh thần của bản thân và tự mình, duy nhất mình có quyền thủ đắc và tự cân bằng cuộc sống trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Các quan hệ xã hội khác mà cá nhân luôn luôn chủ động, tự chủ giữ gìn trong đời sống riêng tư về nơi ở, quan hệ liên quan đến cá nhân. Đời sống riêng tư của cá nhân là những lợi ích tinh thần của cá nhân có mối liên hệ với tài sản hoặc không có mối liên hệ với tài sản. Đời sống riêng tư của cá nhân là quyền nhân thân tuyệt đối của cá nhân. Đời sống riêng tư của cá nhân như một sự lựa chọn tự thân của cá nhân, tuy rằng các yếu tố khác trong quan hệ xã hội và trong bản thân của sự sống nhân loại luôn luôn có sự tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống riêng tư của cá nhân.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Nếu xét về mặt xã hội và tâm lý thì đời sống riêng tư của một cá nhân là sự lựa chọn, có thể có sai lầm và có thể phù hợp với thói quen, sự trải nghiệm, rèn luyện và nhận thức về cuộc sống hiện thực của cá nhân như một chức năng, như một ước vọng hay một nhu cầu đơn thuần về tinh thần của cá nhân. Sự tự mình, cho mình và chỉ riêng mình với mục đích và quan niệm sống của cá nhân tồn tại khách quan trong xã hội hiện đại và được tôn trọng, bảo vệ bằng pháp luật.

Xét về mặt quan hệ pháp lý, quyền về đời sống riêng tư của cá nhân là quyền do luật định. Việc thực hiện quyền này và mức độ thực hiện đến đâu là do chính cá nhân định đoạt bằng hành vi của mình, vì mình, cho riêng mình và tự do hưởng dụng những lợi ích nào đó cho riêng mình, chỉ là của mình và không ai được xâm phạm.

Quyền về đời sống riêng tư còn được xem như một điều kiện liên quan đến không gian và thời gian sống của cá nhân và là nhu cầu cần thiết nhằm phục vụ cho cuộc sống của cá nhân trong một hoặc nhiều lĩnh vực, nhiều mối quan hệ pháp luật và quan hệ xã hội thông thường khác. Quyền về đời sống riêng tư còn là quyền tự chủ, độc lập, tự do, làm chủ hành vi của cá nhân trong quan hệ xã hội không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác. Sự độc lập bản thân của cá nhân thực hiện một mong muốn, một ước vọng tự do nhằm tránh và cố tránh tối đa khỏi sự can thiệp của người khác một cách vô cớ, không hợp lý đối với thói quen của cá nhân. Vì vậy, quyền về đời sống riêng tư của cá nhân được hiểu là một phạm trù pháp lý nhằm đảm bảo cho cá nhân thực hiện được các lựa chọn cho một cách sống, thể hiện chức năng để đạt một ước vọng, một điều kiện sống nhằm thỏa mãn những nhu cầu sống, tư duy, hành động phù hợp với quy định của pháp luật về đời sống riêng tư của cá nhân.

Đời sống riêng tư của cá nhân được hiểu theo nghĩa hẹp: Là quyền của cá nhân tự mình hành xử các hành vi nhằm đáp ứng trực tiếp nhu cầu sống độc lập theo cách lựa chọn của bản thân tạo ra những điều kiện thuận lợi để thực hiện đời sống riêng tư không làm phiền ai và không muốn ai làm phiền mình, đồng thời, cá nhân tự ngăn chặn các hành vi cản trở đến đời sống riêng tư của mình và có quyền khởi kiện dân sự khi đời sống riêng tư của mình bị người khác cản trở có tính thường xuyên, có hệ thống.

Quyền về bí mật cá nhân

Quyền bí mật cá nhân là quyền dân sự, là quyền nhân thân gắn với cá nhân bất khả xâm phạm và bất khả chuyển giao. Những bí mật của cá nhân theo tính chất phụ thuộc mật độ và tính chất của các quan hệ xã hội khác. Bí mật cá nhân thuộc về bí mật đời tư là những thông tin, những quan hệ trong quá khứ và hiện tại của cá nhân và cá nhân không muốn bộc lộ công khai.

Bí mật cá nhân liên quan đến nhiều yếu tố xã hội và pháp luật.

Về những quan hệ liên quan đến cá nhân và những thông tin về cá nhân phát sinh trong đời sống xã hội hay từ chính bản thân cá nhân mà cá nhân muốn giữ kín, không bộc lộ. Những hành vi thu thập, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật cá nhân phải được cá nhân đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn bí mật và bất khả xâm phạm

Trong thời đại hiện nay, do sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin, nên cơ sở dữ liệu chứa đựng những thông tin rất quan trọng liên quan đến cá nhân dễ bị người khác quan tâm và muốn biết những nội dung cần thiết nhằm thực hiện một việc có lợi cho mình. Vì cơ sở dữ liệu là một tập hợp các bản ghi hoặc tệp có mối liên hệ lôgic với nhau và được lưu giữ trên máy tính và dễ bị lạm dụng. Vì vậy, cơ sở dữ liệu điện tử liên quan đến cá nhân được pháp luật bảo hộ. Chỉ trong những trường hợp luật định thì việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử của cá nhân mới được thực hiện phục vụ cho việc bảo đảm an ninh quốc gia về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đối ngoại và quốc phòng, như theo dõi các đối tượng có âm mưu gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức và cá nhân hoặc theo dõi cá nhân có nguy cơ phạm tội hoặc nhằm chống khủng bố. 

Các bên trong việc xác lập, thực hiện hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được

Quy định tại khoản 4 Điều 38 BLDS năm 2015 nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng lòng tin của nhau trong quan hệ hợp đồng để nhằm mục đích trục lợi và ngăn chặn người thứ ba nếu biết được các thông tin liên quan đến cá nhân là chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng để thực hiện hành vi nhằm mục đích không trong sáng, gây thiệt hại về danh dự, uy tín của cá nhân là chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng.

3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự của người có hành vi xâm phạm quyền riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình

Có hành vi trái pháp luật

 Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là các quyền dân sự. Mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự ngang nhau, do các quyền nhân thân này được pháp luật bảo vệ theo cơ chế pháp luật. Các quyền nhân thân về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình bất khả xâm phạm. Hành vi xâm phạm đến các quyền nhân thân này là hành vi trái pháp luật. Người có hành vi xâm phạm các quyền nhân thân của cá nhân trái pháp luật phải chịu trách nhiệm dân sự như xin lỗi, cải chính, bồi thường thiệt hại và căn cứ vào hành vi gây thiệt hại và nếu động cơ của chủ thể gây thiệt hại, mức độ thiệt hại là nghiêm trọng thì người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thiệt hại về lợi ích tinh thần

Những thiệt hại về quyền nhân thân do hành vi trái pháp luật gây ra được xác định là hành vi làm tổn thất về tinh thần cho cá nhân, gia đình công dân xác định được, người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người bị thiệt hại. Những khoản bồi thường thiệt hại do quyền nhân thân bị xâm phạm là bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần theo quy định tại Điều 592 BLDS năm 2015.

a) Bồi thường thiệt hại về tài sản: Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật định.

b) Bồi thường tổn thất về tinh thần: Người có hành vi trái pháp luật xâm phạm các quyền nhân thân về danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân ngoài khoản bồi thường thiệt hại về tài sản xác định được, còn có trách nhiệm bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người có quyền nhân thân bị xâm phạm gánh chịu. Mức bồi thường do tổn thất về tinh thần có thể do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì người bị tổn thất về tinh thần do các quyền nhân thân bị xâm phạm được bồi thường mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại thời điểm bồi thường (khoản 2 Điều 592 BLDS năm 2015).

Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và thiệt hại về vật chất, về tinh thần cho người bị thiệt hại

Quan hệ này là mối quan hệ phổ biến, quan hệ biện chứng giữa hành vi gây thiệt hại xảy ra. Hành vi gây thiệt hại về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là nguyên nhân của thiệt hại về vật chất và những tổn thất về tinh thần của người bị thiệt hại. Việc xác định mối quan hệ nhân quả này cần phải xác định các yếu tố là quyền riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như đã phân tích ở mục 2.

Người có hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của cá nhân là người có lỗi

Lỗi có thể là vô ý hoặc cố ý. Cho dù người xâm phạm đến các quyền nhân thân này có lỗi do vô ý hoặc cố ý đều có trách nhiệm bồi thường. Người xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình có lỗi cố ý và có tính hệ thống thường xuyên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xác định hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thỏa mãn 04 điều kiện trên thì người có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho người bị thiệt hại, tính chất của trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng./.

(Trích bài viết: "Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình" của PGS.TS Phùng Trung Tập, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát số 02/2018).

Xem thêm>>>

Tiết lộ thông tin đời sống riêng tư của trẻ em sẽ bị phạt nặng

 

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang