Quy định mới của BLTTHS năm 2015 về yêu cầu giám định
(kiemsat.vn) Một điểm mới quan trọng của Bộ luật này là quy định quyền của đương sự hoặc người đại diện của họ tự mình yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.
Một số vướng mắc trong thi hành pháp luật về đất đai
Trao đổi về thực hiện đóng dấu bút lục tài liệu trong hồ sơ vụ án hình sự
Những điểm mới về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về yêu cầu giám định là quy định hoàn toàn mới so với BLTTHS năm 2003.
1. Tại khoản 1 Điều 207 quy định:
“1. Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Một điểm mới quan trọng của Bộ luật này là quy định quyền của đương sự hoặc người đại diện của họ tự mình yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Quy định quyền này là nhằm bảo đảm cho đương sự hoặc người đại diện của họ có điều kiện thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phù hợp với quy định của Luật giám định tư pháp.
Bộ luật này quy định quyền yêu cầu giám định của đương sự hoặc người đại diện của họ nhưng chưa có quy định về nội dung văn bản yêu cầu giám định và thủ tục yêu cầu giám định nên vấn đề này được thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp năm 2012.
2. Tại khoản 2 Điều 207 quy định:
“Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật giám định tư pháp”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật giám định tư pháp năm 2012 thì “Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm... nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”.
BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định mà dẫn chiếu đến Luật giám định tư pháp. Theo quy định của Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012 thì người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ sau: “1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
2. Người yêu cầu giám định có quyền: a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu; b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định; c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định; d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ: a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp; b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định. 4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”
Qua nghiên cứu quy định mới của BLTTHS năm 2015 về yêu cầu giám định, chúng tôi thấy rằng quy định này có hạn chế như sau: Bộ luật này thiếu vắng quy định về trách nhiệm xem xét, quyết định trưng cầu giám định của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trong khi quy định đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (*) trưng cầu giám định, thì Bộ luật này lại chỉ đặt ra trách nhiệm xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định cho cơ quan tiến hành tố tụng là chưa đầy đủ, vì thiếu quy định về trách nhiệm xem xét, quyết định trưng cầu giám định của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Khoản 1 Điều 207).
Ngoài ra, có sự không thống nhất trong quy định của Bộ luật này (khoản 1 Điều 207) với Luật giám định tư pháp năm 2012 (khoản 1 Điều 22). Điều 207 Bộ luật này hạn chế quyền đề nghị trưng cầu giám định của đương sự hoặc người đại diện của họ trong trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong khi đó, Điều 22 Luật giám định tư pháp lại chỉ hạn chế quyền này của đương sự hoặc người đại diện của họ trong trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo, mà không hạn chế với người bị bắt, người bị tạm giữ.
Nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, trong thời gian tới khi tiến hành sửa đổi Luật giám định tư pháp, theo chúng tôi cần sửa đổi quy định liên quan của Luật giám định tư pháp theo hướng phù hợp với nội dung tại Điều 207 Bộ luật này.
(*) Theo điểm a khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Xem thêm>>>
06 nội dung phối hợp trong công tác giám định tư pháp
BLTTHS năm 2015 khắc phục tình trạng bị hại từ chối giám định
-
1Làm giả tài liệu hay sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?
-
2Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề "Tự do ngôn luận để chống phá Đảng, Nhà nước"
-
3Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
-
4Các bị can có phạm tội hủy hoại tài sản?
-
5Các biện pháp hình sự phi hình phạt theo pháp luật hình sự Cộng hòa liên bang Đức
Bài viết chưa có bình luận nào.