Quy định về tội phạm môi trường ở một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu

16/01/2025 21:41

(kiemsat.vn)
Từ kinh nghiệm của Pháp và Đức - hai quốc gia tiêu biểu trong Liên minh Châu Âu và cùng thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, tác giả kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về tội phạm môi trường, trong đó bao gồm việc mở rộng nguồn quy định tội phạm, hình phạt và sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Tội phạm về môi trường trong pháp luật hình sự Cộng hòa Pháp

Các quy phạm pháp luật hình sự của Pháp tập trung chủ yếu trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1994 (BLHS mới thay thế cho BLHS Napoleon năm 1810).

Các tội phạm về môi trường - với tính chất là tội phạm “phi truyền thống” - không chỉ được quy định trong BLHS Pháp mà còn được quy định chủ yếu ở các đạo luật chuyên ngành. Ví dụ, đối với những quy định liên quan đến ô nhiễm không khí hoặc nước cần phải tham khảo các quy định cụ thể trong Bộ luật Môi trường (BLMT) của Pháp. Việc xác định người chịu trách nhiệm hình sự cũng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ biển như Luật số 76-599 và Luật số 76-600 ngày 07/07/1976, hay Luật số 77-530 ngày 26/5/1977 về trách nhiệm của chủ tàu đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu…

Tội phạm về môi trường tại Phần I - Quyển IV BLHS Pháp quy định các các hành vi xâm phạm lợi ích cơ bản của quốc gia, nhà làm luật đã đưa ra định nghĩa về “lợi ích cơ bản của quốc gia”, trong đó bao gồm cả vấn đề “cân bằng giữa (việc khai thác) các tài nguyên thiên nhiên và vấn đề (bảo vệ) môi trường”. Nói cách khác, việc bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự được xác định có vai trò quan trọng, ngang hàng với việc bảo vệ các lợi ích thiết yếu khác, như sự độc lập chủ quyền hoặc an ninh quốc gia. Điều này thực tế được tiếp tục nhấn mạnh trong một đoạn trích dẫn của Hiến chương về môi trường năm 2005 và có giá trị hiến định. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng việc không quy định một chương riêng, hay những điều luật riêng biệt về tội phạm môi trường trong BLHS để áp dụng trực tiếp (tức là không có những điều luật chỉ quy định về các hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường, hay làm phá huỷ, ô nhiễm môi trường) có thể làm giảm các mục đích bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự.

Mặc dù không có chương riêng hay điều luật riêng biệt quy định về tội phạm môi trường, nhưng một số điều luật liên quan trong các chương khác nhau của BLHS Pháp có thể được áp dụng để xử lý những hành vi gây ảnh hưởng xấu tới môi trường như Điều 421-2 (hành vi khủng bố sinh học), Điều 322-1 (hành vi phá hủy, làm biến dạng và gây thiệt hại) và Điều R.635-8 (hành vi vứt bỏ xác xe hoặc rác, chất thải, vật liệu và các đồ vật khác được vận chuyển trên xe). Một số điều luật khác có thể áp dụng khi có hành vi gây thiệt hại liên quan tới môi trường như Điều 223-1 (gây nguy hiểm cho người khác do cố ý vi phạm các nghĩa vụ về an toàn) và các Điều 221-6, 222-19 và 222-20 (liên quan đến Tội giết người và các tội vô ý xâm phạm sự toàn vẹn thân thể của con người).

Theo đó, Điều 421-2 BLHS Pháp quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi khủng bố sinh học - là hành vi gây tác động rất lớn tới môi trường. Tuy nhiên, điều khoản này không nhằm mục đích trừng phạt hành vi gây ô nhiễm thông thường mà tập trung nhằm trừng phạt hành vi gây ô nhiễm và đủ dấu hiệu của hành động khủng bố. Những hành vi tương tự nhưng không liên quan đến hoạt động khủng bố hay đe doạ khủng bố thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này. Cụ thể, Điều 421-2 BLHS Pháp quy định: “Hành vi cố ý liên kết với một cá nhân hoặc tổ chức thương mại đưa bất kỳ loại chất nào có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người hoặc động vật hoặc môi trường tự nhiên vào không khí, trên mặt đất, trong lòng đất, trong thực phẩm hoặc các thành phần của nó, hoặc đưa vào vùng biển, kể cả vùng lãnh hải, nhằm mục đích gây rối nghiêm trọng trật tự công cộng thông qua đe dọa hoặc khủng bố đều được coi là hành động khủng bố”. Quy định này được các nhà làm luật đặt ra như một sự phản ứng trước nỗi lo đối với phong trào khủng bố sử dụng hóa chất và các chất phóng xạ.

Bên cạnh đó, hành vi được mô tả tại các Điều 322-1 và R.655-8 (như phá hủy, làm biến dạng đường giao thông, đường công cộng, hay vứt bỏ trái phép một số loại rác thải, chất không hợp vệ sinh được vận chuyển bằng xe) là hành vi có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường công cộng. Trong khi đó, các hành vi phạm tội theo các điều luật còn lại là hành vi vi phạm nghĩa vụ an toàn (trong đó có nghĩa vụ bảo vệ, bảo đảm an toàn về môi trường). Cụ thể, Điều 223-1 quy định hành vi vi phạm các nghĩa vụ về an toàn với lỗi cố ý và dẫn đến hậu quả “người khác gặp nguy cơ tử vong hoặc bị thương ngay lập tức có khả năng dẫn đến thương tật vĩnh viễn”. Điều 221-6, 222-19 và 222-20 cũng quy định các hành vi vi phạm các nghĩa vụ về an toàn nhưng với lỗi cố ý hoặc vô ý và dẫn đến hậu quả “cái chết người khác”, “khiến người khác không có khả năng làm việc” (một phần hoặc toàn bộ trong thời gian nhất định).

Chủ thể chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về môi trường theo BLHS Pháp bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Cụ thể:

Đối với cá nhân phạm tội, theo các điều luật nói trên, hình phạt có thể là phạt tù hoặc phạt tiền (trừ Điều R.635-8 chỉ quy định hình phạt tiền). Trong các quy định liên quan đến tội phạm môi trường, tội có tính chất nghiêm trọng nhất và phải chịu mức hình phạt cao nhất đó là Tội khủng bố sinh học (Điều 421-2 BLHS Pháp). Theo đó, cá nhân phạm tội có thể chịu hình phạt tù đến 20 năm và phạt tiền với mức 350.000 euro. Trong trường hợp hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả là một hay nhiều người chết, người thực hiện có thể chịu hình phạt tù chung thân và phạt tiền 750.000 euro. Ngoài hình phạt chính, cá nhân phạm tội về môi trường có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như không được sử dụng hoặc tịch thu vật, tịch thu động vật, đóng cửa cơ sở, niêm yết quyết định xử lý trên báo chí hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ tội phạm nào, và tội phạm về môi trường cũng không nằm ngoài phạm vi đó. Theo nguyên tắc chung, hình phạt đối với pháp nhân là phạt tiền, với mức tối đa là gấp 05 lần mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp hành vi phạm tội là trọng tội thì số tiền phạt mà pháp nhân phải chịu là 1.000.000 euro. Ngoài ra, pháp nhân cũng có thể phải chịu một số hình phạt bổ sung như: Giải thể, cấm thực hiện hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp, chịu sự giám sát tư pháp, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở pháp nhân, loại khỏi thị trường, cấm vĩnh viễn hoặc tạm thời việc kêu gọi tài trợ công khai, cấm phát hành séc hoặc sử dụng thẻ thanh toán, tịch thu tài sản pháp nhân hoặc tài sản được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cấm nhận viện trợ từ phía khu vực công hoặc hình phạt bồi thường…

Tội phạm về môi trường trong các luật chuyên ngành ở Pháp:

- Bộ luật Môi trường Pháp:

Bộ luật Môi trường Pháp là luật chuyên ngành có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc quy định tội phạm về môi trường, bổ sung cho các quy định của BLHS. Trong BLMT Pháp, trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường được quy định trong các quyển và các chương khác nhau. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm được áp dụng theo một số điều khoản chung ở Quyển 1 BLMT Pháp (Điều L.173-1, L.173-2 và L.173-3) và các hành vi phạm tội cụ thể sẽ bị truy cứu nếu như thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại các điều khoản khác liên quan đến từng thành phần môi trường khác nhau. Theo đó, Bộ luật này đặt ra trách nhiệm hình sự đối với rất nhiều hành vi vi phạm khác nhau như: Hành vi phát tán, thải hay xả thải các chất nguy hiểm, chất bức xạ ion hóa vào không khí, đất, nước; các hành vi vi phạm quy định về quản lý, vận chuyển chất thải; vi phạm các quy định liên quan đến việc tạo ra và khai thác vật liệu hạt nhân hay các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động, thực vật hoang dã...

Theo quy định của BLMT Pháp, hành vi vi phạm thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường (quy phạm pháp luật hành chính hay quyết định hành chính) có thể chịu trách nhiệm hình sự mà có thể không đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra trên thực tế. Ví dụ, hành vi thực hiện chuyển giao chất thải mà không tuân thủ các thủ tục hành chính; bất kỳ hành vi can thiệp nào vào việc bảo tồn các loài động vật không phải vật nuôi; tạo ra, khai thác và các hành vi khác liên quan đến lắp đặt hạt nhân cơ bản cũng như vận chuyển các chất phóng xạ được thực hiện mà không tuân thủ các quy định hành chính… Nhà làm luật cũng không quy định định lượng cụ thể thiệt hại là bao nhiêu mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông thường, các hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức cao nhất là hình phạt tù đến 05 năm (Điều L.173-3 BLMT Pháp) và luôn kèm theo hình phạt tiền, với mức cao nhất là 150.000 euro (Điều L.415-3 BLMT Pháp về bảo vệ động, thực vật hoang dã và Điều L.596-11 BLMT Pháp liên quan đến vật liệu hạt nhân). Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi phạm tội được thực hiện bởi một nhóm có tổ chức, như được định nghĩa tại Điều 132-71 BLHS Pháp, hình phạt cao nhất là 07 năm tù và phạt tiền 750.000 euro (Điều L.415-6 BLMT Pháp).

Chủ thể chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về môi trường được quy định tại các luật chuyên ngành nói chung và BLMT Pháp nói riêng, theo nguyên tắc chung của pháp luật hình sự Pháp, bao gồm cả cá nhân và pháp nhân. Đồng thời, BLMT Pháp cũng không có bất kỳ quy định nào tuyên bố thừa nhận hay loại trừ trách nhiệm hình sự của người quản lý công ty đối với các tội phạm được thực hiện bởi những nhân viên dưới quyền. Trách nhiệm hình sự của công ty và trách nhiệm hình sự của người quản lý công ty là độc lập. Việc công ty phải chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự cá nhân của người quản lý công ty. Trên thực tế, Tòa án thường áp dụng suy đoán lỗi đối với người quản lý công ty do người này được trao quyền lực về điều hành, quyết định và tổ chức. Như vậy, thực tiễn xét xử đã tạo ra một thông lệ là đặt gánh nặng trách nhiệm hình sự lên vai của người quản lý công ty đối với các tội phạm được thực hiện bởi nhân viên dưới quyền. Toà án tuyên bố rằng, người quản lý công ty có quyền hạn và phương tiện điều hành, quản lý công ty nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường không những là nghĩa vụ của công ty mà còn là nghĩa vụ của cá nhân người quản lý công ty. Người quản lý công ty chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Nói cách khác, việc không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ quản lý, giám sát các tiêu chuẩn môi trường trong lĩnh vực kinh doanh của công ty đã dẫn đến sự suy đoán lỗi của người quản lý công ty. Để tránh bị kết tội, người quản lý công ty phải chứng minh việc mình đã ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền chỉ có hiệu lực nếu người được ủy quyền đã được chuyển giao thẩm quyền, phương tiện và quyền hành cần thiết cho nhiệm vụ của mình.

- Các luật về môi trường mới được ban hành:

Trong những năm gần đây, Pháp đã ban hành và thông qua nhiều luật mới liên quan đến môi trường, trong đó có chứa những quy phạm về tội phạm môi trường. Luật số 2020-1672 ngày 24/12/2020 liên quan đến Văn phòng công tố Châu Âu, công lý môi trường và tư pháp hình sự chuyên ngành đã đưa ra quy định về các loại tội phạm môi trường mới, mở rộng định nghĩa về các tội phạm môi trường hiện có. Luật số 2021-1104 ngày 22/8/2021 về chống biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng phục hồi đã mở rộng phạm vi tội phạm về môi trường, như bằng việc tội phạm hoá những hành vi mới gây nguy hiểm cho môi trường, gây ô nhiễm môi trường (chất lượng thực vật, động vật, không khí, đất hoặc nước). Đặc biệt, trong luật này, các nhà làm luật ở Pháp đã tội phạm hoá hành vi diệt chủng sinh học, điều này giúp Pháp trở thành quốc gia EU đầu tiên quy định tội phạm diệt chủng sinh học. Các hành vi gây nguy hiểm/ô nhiễm môi trường nếu được cố ý thực hiện trên diện rộng và thời gian dài thì cấu thành hành vi diệt chủng sinh học. Hành vi diệt chủng sinh học có tính chất nghiêm trọng nhất có thể bị phạt tù lên tới 10 năm và phạt tiền 4.500.000 euro hoặc với mức gấp 10 lần lợi nhuận mà người gây thiệt hại thu được.

2. Tội phạm về môi trường trong luật hình sự Cộng hoà liên bang Đức

Tương tự như ở Pháp, BLHS cũng được coi là nguồn quan trọng nhất của pháp luật hình sự Đức. Tuy nhiên, có thể khẳng định, nguồn của pháp luật hình sự quốc gia này không chỉ có BLHS mà còn trong các văn bản pháp luật. Điều 1 BLHS Cộng hoà Liên bang Đức quy định: “Một hành vi chỉ có thể bị xử phạt nếu việc bị xử phạt đã được luật quy định trước khi hành vi được thực hiện”. Ngoài ra, có một số lượng lớn các luật thuộc tất cả các lĩnh vực của pháp luật chứa đựng các quy phạm pháp luật quy định hành vi bị đe doạ bị xử lý bằng hình phạt, tuy nhiên, hình phạt trong luật chuyên ngành có mức độ nhẹ hơn, chủ yếu là phạt tiền hoặc tù có thời hạn với mức thấp.

Tội phạm về môi trường được quy định tại một chương riêng trong BLHS Đức và một số đạo luật chuyên ngành về môi trường, như Luật bảo tồn thiên nhiên liên bang hay Đạo luật săn bắn.

Tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự Đức:

Phần lớn luật hình sự về môi trường của Đức được đưa vào Chương 29 (Điều 324 - 330d) của BLHS Đức với nội dung “Các tội xâm phạm môi trường”. Bộ luật Hình sự Đức không đưa ra định nghĩa “tội phạm về môi trường” hay “tội xâm phạm môi trường”. Theo các quy định tại Chương 29 BLHS Đức, tội phạm về môi trường bao gồm: Gây ô nhiễm nước (Điều 324); gây ô nhiễm đất đai (Điều 324a); gây ô nhiễm không khí (Điều 325); gây tiếng ồn, gây chấn động và gây ra tia không phóng xạ (Điều 325a); xử lý chất thải trái phép (Điều 326); vận hành trái phép các thiết bị (Điều 327); xử lý bất hợp pháp các chất phóng xạ, các chất và vật nguy hiểm khác (Điều 328); gây nguy hại cho các khu vực cần được bảo vệ (Điều 329); các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của tội phạm về môi trường (Điều 330); gây nguy hiểm qua việc làm thoát ra chất độc (Điều 330a). Một số hành vi vi phạm khác liên quan đến môi trường cũng được quy định tại Chương 28 BLHS Đức, bao gồm: Làm thoát ra những tia phóng xạ (Điều 311) và chế tạo có lỗi một thiết bị kĩ thuật hạt nhân (Điều 312). Bên cạnh đó, Chương 29 BLHS Đức cũng quy định về trường hợp hối cải tích cực (Điều 330b), các biện pháp tịch thu đồ vật có liên quan đến việc thực hiện tội phạm (Điều 330c) và một số khái niệm được sử dụng trong chương này (Điều 330d).

Tương tự ở Pháp, các hành vi phạm tội về môi trường trong BLHS Đức phụ thuộc khá nhiều vào vào luật hành chính môi trường của quốc gia này (thủ tục hành chính, quyết định hành chính) và cả quy định về pháp luật môi trường chung trong khối Liên minh Châu Âu. Theo đó, hành vi không thể bị hình sự hóa nếu nó tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn của luật hành chính môi trường, như có giấy phép do cơ quan hành chính về môi trường cấp. Ngược lại, việc không tuân thủ luật hành chính môi trường có thể dẫn đến hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ, theo Điều 324a, 325, 325a BLHS Đức, hành vi liên quan chỉ cấu thành tội phạm nếu nó là hành vi “vi phạm nghĩa vụ theo luật hành chính môi trường”.

Tuỳ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm môi trường, tội phạm theo quy định của BLHS có thể yêu cầu có hậu quả cụ thể (như Điều 330a) hoặc không đòi hỏi có hậu quả cụ thể mà chỉ cần hành vi có khả năng gây nguy hiểm (như các điều 326 và 327). Tuy nhiên, đa phần các hành vi phạm tội được quy định tại chương này không đòi hỏi phải có hậu quả cụ thể trên thực tế mới truy cứu trách nhiệm hình sự. Hai lý do cơ bản để nhà làm luật lựa chọn cách quy định như vậy đó là: (i) Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường thông qua việc rút ngắn thời gian phát hiện và xử lý tội phạm, không thể đợi đến khi xảy ra thiệt hại nghiêm trọng mới xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự; (ii) Nếu quy định hậu quả là thiệt hại cụ thể xảy ra trên thực tế thì rất khó có đủ bằng chứng để chứng minh hành vi đó đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhất là với các cá nhân riêng lẻ, không có tổ chức.

Khác với luật hình sự Pháp, chủ thể chịu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự Đức chỉ có cá nhân/người từ đủ 14 tuổi trở lên, không thuộc trường hợp không có năng lực lỗi do rối loạn tâm thần và đã thực hiện hành vi phạm tội, có thể là hành vi phạm tội hoặc hành vi tòng phạm (hành vi xúi giục, hành vi giúp sức) khi hành vi đó không thuộc trường hợp có căn cứ biện hộ/căn cứ hợp pháp. Như vậy, ở Đức, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự nói chung và trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về môi trường nói riêng.

Về hình phạt, theo quy định của BLHS Đức, các tội phạm về môi trường thông thường phải chịu hình phạt tiền và/hoặc hình phạt tù với mức cao nhất là 03 hoặc 05 năm tùy vào quy định của điều luật tương ứng. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của một tội phạm môi trường (Điều 330 BLHS Đức) như gây nguy hại cho một nguồn nước mà hậu quả không thể khắc phục được hoặc có thể khắc phục được với phí tổn rất lớn hoặc phải sau một thời gian dài, hay gây ra cái chết của một người… thì mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Đồng thời, theo nguyên tắc chung về xử phạt trong luật hình sự Đức, ngoài hình phạt tù hoặc phạt tiền, người thực hiện tội phạm về môi trường còn có thể bị áp dụng các biện pháp hình sự khác như tịch thu và thu lại (Điều 73, 74 BLHS Đức) hay cấm hành nghề (Điều 70 BLHS Đức).

Tội phạm về môi trường trong luật chuyên ngành ở Đức:

Bên cạnh các quy định trong BLHS Đức, hành vi phạm tội về môi trường còn được quy định trong một số đạo luật chuyên ngành khác, cụ thể:

- Điều 71 và 71a  Đạo luật bảo tồn thiên nhiên liên bang quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội chống lại các loài được bảo vệ.

- Điều 38 và 38a Đạo luật săn bắn liên bang quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết và săn bắt trái phép một số loài động vật hoang dã, cũng như việc sở hữu và buôn bán các loài động vật hoang dã được bảo vệ theo quy định của Đạo luật bảo vệ động vật hoang dã liên bang.

Theo nguyên tắc chung của luật hình sự, cá nhân/người từ đủ 14 tuổi trở lên, không thuộc trường hợp không có năng lực lỗi do rối loạn tâm thần và đã thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại các luật chuyên ngành nói trên với điều kiện hành vi đó không thuộc trường hợp có căn cứ biện hộ thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt đối với các hành vi phạm tội theo các “luật hình sự thứ cấp” này là phạt tiền hoặc phạt tù, với mức cao nhất là 05 năm tù.

3. Khuyến nghị hoàn thiện quy định về tội phạm môi trường trong pháp luật hình sự Việt Nam

Tội phạm về môi trường được quy định tại Chương XIX BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015). So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi trong các quy định về tội phạm môi trường. Tuy nhiên, do tội phạm về môi trường là một trong những tội phạm phi truyền thống, loại tội phạm mới khó nhận diện, khó kiểm soát vì tính chất, diễn biến phức tạp, kéo dài có tính liên vùng, liên lãnh thổ nên việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa các quy định về tội phạm môi trường là cần thiết.

Qua nghiên cứu quy định về tội phạm môi trường trong pháp luật hình sự Pháp và Đức, tác giả rút ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về tội phạm môi trường trong pháp luật hình sự Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần mở rộng nguồn quy định tội phạm và hình phạt nói chung, tội phạm về môi trường nói riêng theo hướng không chỉ có BLHS mà bao gồm cả các luật chuyên ngành nhằm kịp thời ứng phó với những tội phạm thường xuyên thay đổi, đảm bảo tính linh hoạt khi áp dụng để xử lý tội phạm có tính chuyên ngành cao. Có thể thấy, cả Pháp và Đức đều quy định tội phạm và hình phạt đối với tội phạm nói chung và tội phạm về môi trường nói riêng trong cả BLHS và các luật chuyên ngành; có những sửa đổi, bổ sung các quy định về tội phạm môi trường nhằm khắc phục những khó khăn trong thực tiễn thi hành và hoàn thiện pháp luật quốc gia phù hợp với luật chung của Liên minh Châu Âu khi có yêu cầu. Cụ thể, trên cơ sở Chỉ thị số 2008/99/EC ngày 19/11/2008 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu về việc bảo vệ môi trường thông qua luật hình sự, cả Pháp và Đức đã có nhiều sửa đổi liên quan đến tội phạm về môi trường trong cả BLHS và các luật chuyên ngành có quy định tội phạm này, kịp thời bổ sung nhiều hành vi phạm tội trong bối cảnh mới.

Thứ hai, cần mở rộng phạm vi hành vi được quy định tại Điều 235 BLHS năm 2015 (Tội gây ô nhiễm môi trường). Hiện nay, Tội gây ô nhiễm môi trường mới được áp dụng với hành vi thải khí và bụi, mà chưa có quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường về tiếng ồn. Trong khi đó, hành vi vi phạm này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS Đức. Mặc dù hiện nay, quy định tội phạm về môi trường liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn có thể gây khó khăn nhất định trong thực tiễn bởi việc xác định tải lượng ô nhiễm là tương đối phức tạp, có thể vượt quá khả năng của cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, việc nghiên cứu áp dụng trong tương lai dài hơn là vấn đề cần được đặt ra.

Thứ ba, cần sửa đổi các quy định tội phạm về môi trường theo hướng không định lượng cụ thể mức thải lượng của hành vi vi phạm. Mặc dù hiện nay, BLHS năm 2015 đã có sự thay đổi, chuyển nhiều tội có cấu thành vật chất sang cấu thành hình thức, nhưng trong hành vi của tội phạm đã được định lượng hóa cụ thể. Ví dụ, điểm a khoản 1 Điều 23 BLHS năm 2015 quy định “Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại…”. Tuy nhiên, trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau (cả nguyên nhân khách quan và chủ quan) mà các cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm đã đạt mức định lượng theo cấu thành tội phạm của các tội phạm về môi trường, đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, ở Pháp và Đức, đối với các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, các nhà làm luật hầu như không chọn cách quy định theo hướng định lượng mức cụ thể để xác định hành vi vi phạm đủ cấu thành tội phạm hay không. Điều này vừa góp phần bảo đảm tính linh hoạt trong áp dụng pháp luật hình sự, vừa tránh việc phải thường xuyên sửa đổi BLHS nếu có thay đổi trên thực tiễn dẫn đến cần thay đổi mức định lượng cho phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm. Đây là một trong những kinh nghiệm có giá trị tham khảo để hoàn thiện quy định về tội phạm môi trường ở Việt Nam.

ThS. Doãn Nhật Linh

Một số giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(Kiemsat.vn) - Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…; đòi hỏi các cơ quan chức năng có giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình mới.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang