Phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố

18/04/2023 10:42

(kiemsat.vn)
Thông tư liên tịch số 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/3/2023 giữa VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Công an về phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2023.

Ảnh minh họa.

Nguyên tắc và những hành vi bị nghiêm cấm trong phối hợp trao đổi thông tin

Công tác phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật; bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi cơ quan; được thực hiện thường xuyên, bảo đảm nắm bắt kịp thời thông tin góp phần phối hợp giải quyết vụ án đúng pháp luật…

Bên cạnh đó, những hành vi bị nghiêm cấm trong phối hợp trao đổi thông tin được quy định tại Thông tư liên tịch này, bao gồm: Thu thập, tiết lộ trái phép thông tin về tình hình, kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tài trợ khủng bố hoặc lợi dụng để thu thập, cung cấp trái phép thông tin cá nhân, thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố; sử dụng thông tin cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc thông khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố vào mục đích cá nhân hoặc mục đích khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Phạm vi trao đổi thông tin

Trong giai đoạn điều tra: Thẩm quyền điều tra vụ án hình sự (đối với những vụ án có tranh chấp về thẩm quyền); nhập, tách vụ án hình sự; những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự; việc chứng minh dòng tiền; vật chứng; giám định, định giá tài sản; việc áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn; tương trợ tư pháp về hình sự; đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can; tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can; kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ đồ vật, tài liệu; việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng và những thông tin khác trong giai đoạn điều tra mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.

Trong giai đoạn truy tố: Nhập, tách vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố; quyết định chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền; quyết định truy tố; quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung; đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ bị can; tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can; phục hồi vụ án và những thông tin khác mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.

Trong giai đoạn xét xử: Chuyển vụ án trong xét xử, bàn giao tài liệu, hồ sơ vụ án; đưa vụ án ra xét xử; xây dựng kế hoạch xét xử và phối hợp trao đổi trong việc tổ chức bảo vệ phiên tòa và những thông tin khác trong giai đoạn giai đoạn xét xử mà các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết trao đổi.

Hình thức phối hợp

Trao đổi trực tiếp: Tổ chức họp liên ngành theo các cấp độ chuyên viên hoặc lãnh đạo liên ngành, thành lập tổ, đoàn công tác liên ngành để hướng dẫn hoặc các hình thức phối hợp trực tiếp khác phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.

Trao đổi gián tiếp: Trao đổi cung cấp thông tin qua văn bản, phương tiện liên lạc điện tử và các hình thức phối hợp gián tiếp khác.

Phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố

Quá trình điều tra các tội phạm có thể là tội phạm nguồn của tội rửa tiền; quá trình điều tra tội khủng bố, Cơ quan điều tra phải điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố và kịp thời trao đổi thông tin, tài liệu cho Viện kiểm sát cùng cấp. Chậm nhất 05 ngày trước khi quyết định khởi tố vụ án về tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để phối hợp.

Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hành vi có thể là tội phạm nguồn của tội rửa tiền hoặc tội khủng bố, Viện kiểm sát phải kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin với Cơ quan điều tra, đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ dấu hiệu của tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.

Trước khi kết thúc điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp trao đổi thông tin, rà soát, đánh giá tài liệu chứng cứ và các thủ tục tố tụng của vụ án, đảm bảo hoạt động điều tra tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Điều tra viên, Kiểm sát viên phải lập biên bản trao đổi thông tin, đánh giá chứng cứ, tài liệu và lưu hồ sơ lưu của mỗi cơ quan.

Infographic: Một số điểm mới của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

(Kiemsat.vn) - Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/3/2023. Xin giới thiệu với bạn đọc một số điểm mới của Luật so với Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố

(Kiemsat.vn) - Ngày 08/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 64/QĐ-TTg ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2023.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang