Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố
(kiemsat.vn) Ngày 08/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 64/QĐ-TTg ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2023.
Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát
Theo Quyết định số 64/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành các đối tượng báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong phạm vi, lĩnh vực quản lý; Phối hợp tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng; thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Trưởng Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành; Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành các đối tượng báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong phạm vi, lĩnh vực quản lý tại địa phương.
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành; Phối hợp tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành theo đề nghị của Bộ Công an, NHNN, Bộ Xây dựng; thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Trưởng Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành; Phối hợp tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành theo đề nghị của Bộ Công an, NHNN, Bộ Tài chính; thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Trưởng Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành; Chỉ đạo Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành các đối tượng báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong phạm vi, lĩnh vực quản lý tại địa phương.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành; Phối hợp tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành theo đề nghị của NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng; thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Trưởng Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành; Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tại địa phương tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật phòng, chống khủng bố theo quy định của Luật Phòng, chống khủng bố tại các sở, ngành và các tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan trong phạm vi, lĩnh vực quản lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp Bộ Công an, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng rà soát các lĩnh vực, tổ chức có rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố; phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát liên ngành; Tham gia Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành theo đề nghị của Bộ Công an, NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng; thực hiện các nhiệm vụ được phân công của Trưởng Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành; Chỉ đạo các sở, ngành theo thẩm quyền tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ Công an cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước cấp tỉnh, Sở Xây dựng trong xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành.
Phối hợp trao đổi và cung cấp thông tin nghi ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố
Cũng theo Quyết định số 64/QĐ-TTg, NHNN khi tiếp nhận thông tin từ các đối tượng báo cáo và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong báo cáo liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố có nhiệm vụ: Thu thập, xử lý, phân tích thông tin về giao dịch đáng ngờ; Chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch đó đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố; Đối với các thông tin, vụ việc nghi ngờ liên quan đến rửa tiền được chuyển giao đến các cơ quan, đơn vị ngoài Bộ Công an, NHNN chỉ đạo sao gửi văn bản chuyển giao các vụ việc này về Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) để biết và cập nhật thông tin; Chỉ đạo đơn vị đầu mối thuộc NHNN phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị có liên quan trong quá trình cung cấp các thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc đảm bảo kịp thời, chính xác, bí mật.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ: Thường xuyên rà soát, trao đổi với Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng các vụ việc nghi ngờ liên quan đến rửa tiền; Chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý phối hợp chặt chẽ các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị có liên quan trong quá trình cung cấp các thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc đảm bảo kịp thời, chính xác, bí mật.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khi tiếp nhận, xử lý các thông tin giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu nghi vấn rửa tiền, tài trợ khủng bố được chuyển giao từ NHNN hoặc các vụ việc nghi ngờ thì có nhiệm vụ: Chỉ đạo đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý vụ việc phối hợp chặt chẽ đơn vị chuyển giao; nhanh chóng rà soát, xác minh, thu thập thông tin về vụ việc được chuyển giao; chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ được giao trực tiếp xác minh, xử lý triệt để vụ việc được chuyển giao; thường xuyên trao đổi diễn biến, tình hình xử lý vụ việc với đơn vị nghiệp vụ chuyển giao vụ việc;
Các đơn vị nghiệp vụ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi nhận được yêu cầu đề nghị phối hợp xác minh, trao đổi thông tin của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm rà soát, trao đổi thông tin chậm nhất trong 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị cung cấp thông tin.
Đối với các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm rửa tiền, tội phạm tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số hoạt động điều tra thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thực hiện công tác phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin theo quy định của pháp luật.
Bài viết chưa có bình luận nào.