Một số vấn đề pháp lý về thành lập doanh nghiệp qua vụ án “Vạn Thịnh Phát”
(kiemsat.vn) Trên cơ sở phân tích hành vi vi phạm của các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, tác giả nêu một số hạn chế, bất cập của pháp luật về thành lập doanh nghiệp; qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về thành lập doanh nghiệp thời gian tới.
VKSND tối cao phê chuẩn Quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Thủ đoạn phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm
Hạn chế, bất cập của pháp luật về thành lập doanh nghiệp qua vụ án Vạn Thịnh Phát
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm đã thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm thâu tóm Ngân hàng SCB, rút tiền từ Ngân hàng SCB phục vụ cho mục đích cá nhân.
Trong đó, đáng chú ý là các phương thức, thủ đoạn như:
- Thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê, nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ rút, nộp tiền để tạo lập hồ sơ vay vốn khống;
- Câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB;
- Lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB và lập phương án rút, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân. Từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/01/2022, Ngân hàng SCB đã giải ngân cho 1.366 khách hàng (gồm 710 cá nhân, 656 tổ chức) liên quan đến trách nhiệm của Trương Mỹ Lan vay 2.527 khoản với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng; đến ngày 17/10/2022, còn 875 khách hàng (gồm 440 cá nhân, 435 tổ chức) vay 1.284 khoản tổng cộng 525.480 tỷ đồng, còn dư nợ 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi).
Kết quả lấy lời khai các cá nhân đứng tên khoản vay, đứng tên người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đều xác định không biết các khoản vay trên mà được các cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thuê để ký khống. Kết quả xác minh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng thể hiện các pháp nhân đứng tên vay vốn đều mới thành lập, phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa xác định chỉ thành lập pháp nhân nhằm mục đích vay vốn, toàn bộ thành viên góp vốn, người đại diện theo pháp luật đều được đi thuê, phù hợp với biên bản giao nộp tổng cộng 600 giấy đăng ký kinh doanh (bản chính) và 715 con dấu công ty do 11 nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao nộp cho cơ quan điều tra khi vụ việc bị phát hiện.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt án tử hình. |
Có thể thấy, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã lợi dụng quy định “thông thoáng” của pháp luật về thành lập doanh nghiệp để lập nên hàng trăm công ty “ma” nhằm thực hiện hành vi phạm tội. Điều này phản ánh một số hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về thành lập doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, chưa đảm bảo và cũng không có cơ chế xác minh tính chính xác của các thông tin đăng ký kinh doanh do cá nhân, tổ chức tự cung cấp.
Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cụ thể hóa quy định nêu trên của Hiến pháp, tại Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (gọi tắt là Nghị định số 01/2021) quy định tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam; quyền này được Nhà nước bảo hộ; nghiêm cấm cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong khi tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp (trừ các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020).
Chủ thể thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo. Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp, không giải quyết tranh chấp giữa các thành viên, cổ đông của công ty với nhau hoặc với tổ chức, cá nhân khác hoặc giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân khác. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp có thể được gửi trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua mạng thông tin điện tử.
Như vậy, khi có nhu cầu kinh doanh, cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đơn giản, nhanh chóng, bằng nhiều hình thức khác nhau; tự cung cấp các thông tin cần thiết theo quy định và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó mà không cần có bất kì xác minh hay chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nào (trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định pháp luật).
Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chỉ cần nộp đủ giấy tờ pháp lý của cá nhân theo quy định, không cần xác minh về nghề nghiệp, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ… Thực tế, để vận hành được một doanh nghiệp có hiệu quả thì người đứng đầu cần phải có trình độ, được đào tạo bài bản cả về chuyên môn lẫn kỹ năng, nghiệp vụ, thậm chí doanh nghiệp được thành lập hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với chuyên môn mà họ được đào tạo và nghề nghiệp họ đang làm, thậm chí là đã có kinh nghiệm nhiều năm. Nếu không có cơ chế kiểm tra, xác minh về những yếu tố nhân thân của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì không thể hạn chế được tình trạng nhờ người, thuê người đứng tên thành lập doanh nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm phía sau. Người được thuê không cần có chuyên môn, không qua đào tạo, không cần kinh nghiệm làm việc mà chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân và nhận thù lao từ người thuê, mọi hoạt động còn lại của doanh nghiệp thì họ không biết đến.
Phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát có khoảng 3.000 người, gồm hơn 200 luật sư và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong vụ án. |
Về vốn, yếu tố bắt buộc phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp là vốn điều lệ (trừ một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định). Luật doanh nghiệp năm 2020 không quy định giới hạn số vốn điều lệ tối thiểu, tối đa, do đó, chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể đăng ký số vốn điều lệ bất kì mà không cần chứng minh. Về thời hạn góp vốn, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế, sau thời hạn nêu trên, các công ty chỉ cần nộp một bảng xác nhận đã góp đủ vốn điều lệ cho cơ quan đăng ký thành lập doanh nghiệp mà không cần chứng minh về số vốn thực góp, do đó, không thể tránh khỏi tình trạng vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ là một con số trên giấy tờ còn trên thực tế thì hoàn toàn không có.
Về trụ sở, địa điểm kinh doanh, đây cũng là yếu tố bắt buộc phải có khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Theo đó, trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử. Trụ sở chính không được đặt tại nhà chung cư có mục đích để ở, không bắt buộc phải diễn ra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể, có thể đặt tại trụ sở chính hoặc tách biệt với trụ sở chính. Như vậy, Luật doanh nghiệp năm 2020 không giới hạn số lượng doanh nghiệp được đăng ký cùng một địa chỉ trụ sở hoặc cùng một địa điểm kinh doanh, dẫn đến tình trạng một tòa nhà, một văn phòng... có thể được sử dụng làm trụ sở chính, địa điểm kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp, trong đó, có những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thực tế và có những doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, xác minh.
Lợi dụng “kẽ hở” pháp luật trên, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan đã yêu cầu Nguyễn Ngọc Dương và Nguyễn Phương Anh (Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) chỉ đạo Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân và Trần Thị Kim Chi (Công ty cổ phần Natural Land) là đầu mối chính tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu rút vốn. Thực chất các công ty này không hoạt động kinh doanh, để tránh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, một số nhân viên kế toán được giao quản lý, báo cáo thuế, nghe điện thoại theo số đã đăng ký, quản lý con dấu như một công ty đang hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan còn câu kết và chỉ đạo các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật hoặc được giao quản lý các công ty thực tế có hoạt động kinh doanh trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thành lập thêm nhiều công ty “ma”, tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB để Trương Mỹ Lan và các đối tượng này cùng sử dụng.
Thứ hai, không giới hạn số lượng công ty mà một cá nhân, tổ chức có thể thành lập hoặc cá nhân đứng tên đại diện theo pháp luật.
Theo quy định tại Điều 17 thì Luật doanh nghiệp năm 2020 không hạn chế số lượng công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, công ty cổ phần mà một cá nhân, tổ chức có quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngoại trừ các trường hợp cá nhân, tổ chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Điều này dẫn đến việc hình thành nên hệ thống doanh nghiệp chằng chịt, chồng chéo, bề ngoài tuy độc lập nhưng bên trong lại có mối liên hệ phức tạp với nhau. Các doanh nghiệp được thành lập trong cùng một hệ sinh thái sẽ thực hiện những hoạt động, nhiệm vụ khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau nhằm qua mặt cơ quan chức năng, gây khó khăn cho việc phát hiện và truy vết dòng tiền.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chia làm 04 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma” tại Việt Nam và mạng lưới công ty nước ngoài. Nhóm định chế tài chính, trong đó có Ngân hàng SCB đóng vai trò đặc biệt quan trọng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên. Nhóm các công ty “ma” được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công… Mạng lưới công ty tại nước ngoài phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa “nhà đầu tư nước ngoài” đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.
Mỗi khi cần rút tiền của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Các cá nhân và đại diện pháp nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ Ngân hàng SCB số tiền đặc biệt lớn.
Để hợp thức việc rút tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân, nhằm cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập để thực hiện giải ngân, chuyển tiền vào các tài khoản của các cá nhân, pháp nhân “ma” nhằm thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền. Đối với trường hợp Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản của các cá nhân được thuê đứng tên khoản vay hoặc đứng tên thụ hưởng tiền vay thì các cá nhân này sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Đối với trường hợp Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản của các công ty “ma” thụ hưởng tiền theo phương án vay, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thực hiện việc “giải quỹ” bằng cách lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, sử dụng nhiều cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để ký rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền lòng vòng vào tài khoản của các công ty trong nhóm, cuối cùng chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của Trương Mỹ Lan. Kết quả điều tra xác định khi tiền ra khỏi Ngân hàng SCB đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền) từ các cá nhân, pháp nhân được giải ngân theo các phương án vay vốn nêu trên.
Thứ ba, chế tài xử phạt đối với hành vi kê khai không trung thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp còn hạn chế và chưa đủ sức răn đe, chưa mang tính phòng ngừa hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp để được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của tổ chức có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tuỳ theo tính chất và mức độ hành vi vi phạm. Đối với cá nhân thì mức phạt tiền bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức). Mức phạt nêu trên còn thấp, chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh đối với các cá nhân, tổ chức được thuê, nhờ đứng tên thành lập công ty “ma”.
Tại vụ án Vạn Thịnh Phát, có 1.153 cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB, 692 pháp nhân đứng tên vay, nhận tiền tại Ngân hàng SCB và 399 cá nhân, tổ chức khác có liên quan tới vụ án mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nhờ có sự giúp đỡ và đồng ý đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên hồ sơ vay của các cá nhân, tổ chức đó thì Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm mới có thể xây dựng nên một hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát quy mô, chằng chịt và dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như trên.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ những nhận định và phân tích nêu trên, để hoàn thiện quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về thành lập doanh nghiệp, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp, kiến nghị cụ thể như sau:
Một, tăng cường kiểm soát thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp thông qua việc thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu thông tin đăng ký doanh nghiệp và thông tin cụ thể của người thành lập doanh nghiệp, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tương tự như Việt Nam, quy định pháp luật Singapore về thành lập doanh nghiệp cũng thông thoáng, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình; hình thức đăng ký trực tuyến với các bước đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, tuy nhiên, trường hợp cần thiết, chủ thể đăng ký thành lập doanh nghiệp cần phải bổ sung các tài liệu hỗ trợ khác để xác minh thêm tính chính xác của thông tin được cung cấp, một số hồ sơ đăng ký có thể được chuyển đến cơ quan chính phủ khác để kiểm tra thêm trong một số trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện kiểm tra bổ sung, thời gian kiểm tra bổ sung có thể mất vài tuần. Như vậy, theo quy định của pháp luật Singapore về thành lập doanh nghiệp thì trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh phát hiện dấu hiệu khả nghi, bất thường trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh thêm trong một khoảng thời gian nhất định dài hơn so với quy định.
Có thể thấy rằng việc kiểm tra, xác minh thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu là hợp lý, giúp cơ quan đăng ký kinh doanh xác định được tính chính xác của các thông tin do chủ thể đăng ký thành lập doanh nghiệp cung cấp; góp phần hạn chế tình trạng nhờ người đứng tên thành lập doanh nghiệp mà không hoạt động kinh doanh, chỉ là công cụ để vi phạm pháp luật. Do đó, đề xuất tăng cường quyền kiểm tra, xác minh thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh của Việt Nam. Trường hợp phát hiện dấu hiệu khả nghi sau khi được kiểm tra, xác minh thì cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho cá nhân, tổ chức, đồng thời đưa trường hợp này vào mục lưu ý để kiểm tra thường xuyên trong quá trình doanh nghiệp hoạt động về sau.
Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký kinh doanh cần phải thiết lập hệ thống lưu trữ dữ liệu thông tin đăng ký doanh nghiệp và thông tin cá nhân của người thành lập doanh nghiệp và kết nối hệ thống này với hệ thống dữ liệu quốc gia. Mặc dù Luật doanh nghiệp năm 2020 đã ghi nhận nghĩa vụ của người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh khi có yêu cầu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có hướng dẫn chi tiết và công khai về những trường hợp yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp, do đó, khi hệ thống lưu trữ dữ liệu thông tin đăng ký doanh nghiệp được thiết lập và được kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư thì trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh cần xác minh thông tin cá nhân của người thành lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì có thể tra cứu kịp thời, nhanh chóng.
Hai, giới hạn số lượng doanh nghiệp tối đa mà một cá nhân được phép làm đại diện theo pháp luật trong một thời gian nhất định.
Nhằm hạn chế tình trạng thành lập doanh nghiệp ồ ạt, trong đó có những doanh nghiệp “ma” được thành lập như công cụ để thực hiện các nhiệm vụ liên quan với nhau trong một hệ sinh thái khép kín, cần xem xét quy định giới hạn về số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân được phép làm đại diện theo pháp luật. Đặc biệt chú ý thêm lịch sử đại diện theo pháp luật của một cá nhân đối với các doanh nghiệp trước đó. Khi đã thiết lập được hệ thống lưu trữ dữ liệu thông tin đăng ký doanh nghiệp và thông tin cá nhân của người thành lập doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể dễ dàng tra soát tự động số lượng và tình trạng hoạt động của các công ty mà một cá nhân làm đại diện theo pháp luật. Cần lưu ý đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính và lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp đó có mối liên hệ với nhau hay không.
Ba, thiết lập quy trình giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Luật doanh nghiệp năm 2020 không giới hạn về số lượng doanh nghiệp được đăng ký cùng một địa chỉ; cho phép trụ sở chính và địa điểm kinh doanh có thể ở cùng một nơi hoặc ở những nơi khác nhau; không quy định về cơ quan có thẩm quyền kiểm tra trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhằm kịp thời phát hiện cũng như hạn chế tình trạng công ty “ma” có đăng ký nhưng không hoạt động thì cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký thông qua hệ thống quốc gia về dữ liệu dân cư. Các chủ sở hữu các địa chỉ kinh doanh ở địa phương sẽ nắm bắt và thông báo về hoạt động thực tế của doanh nghiệp so với đăng ký kinh doanh, từ đó, cơ quan đăng ký kinh doanh kịp thời phát hiện và báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các doanh nghiệp “ma”.
Bốn, ban hành quy định về báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp siêu nhỏ.
Theo quy định tại Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12//2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ thì không bắt buộc lập báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế và sẽ nộp thuế thông qua doanh thu bán hàng hoặc thu nhập tính thuế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các công ty “ma” không nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ để lách thuế, rửa tiền hoặc thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật khác. Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về doanh nghiệp, kinh doanh, kịp thời phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường, thì kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ cũng cần thực hiện báo cáo tài chính theo quy định.
Ngoài ra, khi cá nhân, tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp với quy mô siêu nhỏ thì cần chú ý đến số vốn điều lệ của doanh nghiệp có tương thích hay không với khả năng tài chính của chủ sở hữu; phạm vi, quy mô hoạt động của doanh nghiệp; chi phí hoạt động thực tế sau khi thành lập; dự án kinh doanh ký kết với đối tác,... Đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo về doanh nghiệp “ma” để đưa vào diện cần kiểm tra, xác minh.
Năm, bổ sung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không ngăn chặn việc thành lập doanh nghiệp “ma”; tăng mức phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi tiếp tay cho việc thành lập doanh nghiệp “ma”.
Tham khảo kinh nghiệm tại Châu Âu, việc kiểm soát công ty “ma” được thực hiện gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng, rửa tiền và các tội phạm có liên quan. Chính phủ Vương quốc Anh gần đây đã cải cách các quy định về trách nhiệm pháp lý doanh nghiệp, theo đó, các công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế do các nhà quản lý cấp cao thực hiện và quy định một tội phạm hình sự mới đối với pháp nhân là “không ngăn chặn gian lận” (pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không ngăn chặn hành vi gian lận của những người có liên quan, bao gồm nhân viên công ty, công ty con và bên thứ ba, vì lợi ích của công ty, khách hàng).
Như vậy, qua vụ án Vạn Thịnh Phát, mặc dù chưa xác định được hành vi vi phạm của Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm diễn ra tại Ngân hàng SCB với sự tiếp tay của một nhóm người nhất định là có vì lợi ích của pháp nhân hay chỉ vì lợi ích của cá nhân hoặc một nhóm người, để phòng ngừa hành vi phạm tội tương tự trong tương lai, xét thấy cần bổ sung thêm trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong trường hợp không ngăn chặn hoặc không thực hiện các biện pháp, quy trình cần thiết để ngăn chặn hành vi gian lận của những người có liên quan, bao gồm nhân viên công ty, công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty và bên thứ ba vì lợi ích của công ty, khách hàng của công ty. Đồng thời, xem xét tăng mức phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức kê khai không trung thực hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; bổ sung trách nhiệm pháp lý hành chính hoặc hình sự đối với cá nhân, tổ chức cho thuê hoặc giúp cá nhân, doanh nghiệp khác thành lập công ty “ma”, đứng tên hồ sơ vay vốn khống. Qua đó, tăng cường sức răn của pháp luật cũng như hạn chế tình trạng đứng tên thành lập doanh nghiệp, gián tiếp tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Bài viết chưa có bình luận nào.