Làm giả tài liệu hay sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?
(kiemsat.vn) Qua nghiên cứu một số vụ án về hành vi thuê người làm giả, sau đó sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng kiểm xe giả để tham gia giao thông cho thấy, việc định tội danh trong các vụ án còn khác nhau. Do đó, cần vận dụng một cách linh hoạt nội dung án lệ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
Một số vấn đề pháp lý về thành lập doanh nghiệp qua vụ án “Vạn Thịnh Phát”
Nội dung vụ án:
Nguyễn Hoàng A được Sở giao thông vận tải thành phố C cấp giấy phép lái xe hạng E có giá trị đến ngày 01/01/2022. Do hết ngày 01/01/2022, A không đủ điều kiện về tuổi (trên 55 tuổi) để được cấp giấy phép lái xe hạng E, nên thông qua các mối quan hệ A, được giới thiệu Nguyễn Văn N (không rõ nhân thân, địa chỉ) có khả năng làm giả giấy phép lái xe. Ngày 12/12/2021, A gặp và thỏa thuận với N việc làm giả giấy phép lái xe bằng cách hạ tuổi của A xuống, N đồng ý; A cung cấp cho N ảnh và giấy phép lái xe cũ, thỏa thuận làm với giá 1 triệu đồng. Khoảng 01 tuần sau thì N đưa cho A giấy phép lái xe hạng E giả (thay đổi thông tin năm sinh, ngày cấp, thời điểm hết hiệu lực). Ngày 10/5/2022, A điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh B chặn dừng kiểm tra phương tiện; A xuất trình giấy phép lái xe giả thì bị phát hiện.
Hiện nay, việc định tội danh đối với hành vi của A còn nhiều quan điểm trái chiều, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của A phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), bởi các lý do:
Thứ nhất, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi làm một cách bất hợp pháp tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức bằng những phương thức, thủ đoạn khác nhau, có thể là in phun màu, sao chụp,… để tạo ra một tài liệu, giấy tờ giống nội dung tài liệu, giấy tờ thật.
Trong tình huống này, N hoàn toàn không có thẩm quyền cấp đổi giấy phép lái xe nhưng đã sử dụng các máy móc, trang thiết bị để tạo ra giấy phép lái xe cho A với thông tin giống giấy phép lái xe thật, chỉ khác về năm sinh, ngày cấp, thời điểm hết hiệu lực. Hành vi của N đã phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. A biết N chỉ có thể làm giả giấy tờ nhưng A vẫn thuê N thực hiện và chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân. Như vậy, A đã thể hiện sự thống nhất về mặt lý trí và ý chí, mong muốn cùng thực hiện hành vi phạm tội với N, nên xác định A đồng phạm với N về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Thứ hai, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi sử dụng tài liệu, giấy tờ giả do mình tạo ra hoặc thuê người khác tạo ra hoặc biết tài liệu, giấy tờ đó là giả để thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi của chủ thể sử dụng giấy tờ giả cấu thành tội phạm khi và chỉ khi họ sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật (hình sự, dân sự hoặc hành chính,…).
Khi bị Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, A đã xuất trình giấy phép lái xe giả nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Hành vi của A đã thỏa mãn 02 yếu tố là sử dụng tài liệu, giấy tờ giả và thực hiện hành vi trái pháp luật hành chính - đối phó với Cảnh sát giao thông để không bị xử phạt hành chính về hành vi “không có giấy phép lái xe” theo điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 28/11/2021) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100/2019). Vì vậy, hành vi của A đã phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của A chỉ phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; không phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, hành vi A thuê N làm giả giấy phép lái xe thuộc trường hợp đồng phạm theo Điều 17 BLHS năm 2015, nên A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức như đã phân tích ở trên.
Thứ hai, khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015 quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.
Việc A biết rõ giấy phép là giả nhưng vẫn sử dụng nhằm đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông (mục đích trái pháp luật) đã có dấu hiệu phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả là không đáng kể, do thực tế hành vi này không gây ra thiệt hại về vật chất hay phi vật chất cho cá nhân hoặc tổ chức, mục đích sử dụng chỉ là để đối phó với lực lượng chức năng. Vì vậy, không cần thiết xem hành vi này là tội phạm và không cần xử lý A về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Thay vào đó, chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính đối với A về hành vi sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định số 100/2019.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Hành vi của A phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; không phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ, A thực hiện một chuỗi hành vi liên tục, trong đó hành vi thuê N làm giả giấy phép lái xe là tiền đề để A sử dụng vào mục đích chính là đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông, để không bị xử phạt do không có giấy phép lái xe theo quy định. Hơn nữa, trong trường hợp này, do không xác định được người trực tiếp làm giả (người thực hành), nên không có cơ sở xác định sự thống nhất ý chí, sự bàn bạc, thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, không đủ căn cứ kết luận A đồng phạm với N về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, mà chỉ xác định A phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Quan điểm thứ tư cho rằng: Hành vi của A không phạm tội, mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019. Bởi lẽ, hành vi của A không đồng phạm với N về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; hành vi sử dụng tài liệu giả không phải là tội phạm và không cần bị xử lý hình sự (theo các căn cứ được nêu tại các quan điểm trên).
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai: Hành vi của A phạm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; không phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, bởi lẽ:
Thứ nhất, Án lệ số 18/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Án lệ số 18/2018) quy định: “Phan Thành H và Từ Công T còn có hành vi phạm tội như sau: Bị cáo Từ Công T biết rõ bị cáo Phan Thành H chưa có giấy phép lái xe hạng FC và chưa đủ tuổi để cấp giấy phép lái xe hạng FC, nhưng Từ Công T đã thuê một người ở Hải Phòng (T không biết rõ họ tên và địa chỉ) làm giấy phép lái xe hạng FC giả, số 520144004729 có ảnh của Phan Thành H, nhưng mang tên Lưu Văn C đưa cho Phan Thành H sử dụng nhằm lừa dối cơ quan chức năng khi điều khiển xe trên đường. Khi có giấy phép lái xe giả do Từ Công T cung cấp, Phan Thành H đã hai lần sử dụng giấy phép lái xe giả để lừa dối Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi và Công an huyện L, tỉnh Hà Tĩnh. Hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả lừa dối cơ quan chức năng nêu trên của Phan Thành H thì Từ Công T đều biết”. Hội đồng xét xử phúc thẩm và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xác định việc xét xử T và H về Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức là có căn cứ, đúng pháp luật.
Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”.
Mặc dù Án lệ số 18/2018 liên quan trực tiếp đến hành vi giết người đang thi hành công vụ trong tội giết người, nhưng trong thực tiễn tố tụng, cần áp dụng linh hoạt các nội dung của Án lệ này đối với hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để đảm bảo các tình huống pháp lý tương tự được giải quyết như nhau.
Thứ hai, liên quan đến hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông, Tòa án nhân dân tối cao trao đổi với Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên tại Công văn số 71/TANDTC-V1 ngày 03/8/2020; Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định tại Công văn số 2915/VKSTC-V7 ngày 21/7/2023 đều xác định hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông không phạm tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, mà chỉ là vi phạm hành chính.
Nguyễn Đức Huy
Những điểm mới về phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng, hòa giải theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
Bàn về thẩm quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can
-
1Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
-
2Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
-
3Những điểm mới về phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng, hòa giải theo luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
-
4Bàn về thẩm quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can
-
5Một số vấn đề pháp lý về thành lập doanh nghiệp qua vụ án “Vạn Thịnh Phát”
-
6Bàn về việc tổng hợp hình phạt đối với người được hưởng án treo phạm tội mới
-
7Làm giả tài liệu hay sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?
Bài viết chưa có bình luận nào.