Bàn về thẩm quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can

27/11/2024 13:58

(kiemsat.vn)
Trong thực tiễn công tác vẫn còn quan điểm khác nhau về thẩm quyền điều tra, dẫn đến thủ tục tố tụng không thống nhất, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong bài viết dưới đây, tác giả xin nêu quan điểm bàn về vấn đề nêu trên để cùng bàn luận.

Hiện nay, trong thực tiễn có rất nhiều vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nhưng qua quá trình điều tra, có đủ căn cứ xác định vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh. Đối với trường hợp này, sau khi cơ quan điều tra cấp huyện ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án sẽ có công văn đề nghị VKSND cùng cấp ra quyết định chuyển hồ sơ lên Cơ quan điều tra cấp tỉnh.

Tuy nhiên, đối với một số địa phương lại yêu cầu Cơ quan điều tra cấp huyện phải đồng thời ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can, VKSND cấp huyện phải phê chuẩn các quyết định này trước khi chuyển hồ sơ lên Cơ quan điều tra cấp tỉnh.

Hai hướng giải quyết này hiện nay đang diễn ra trên thực tế xuất phát từ quan điểm khác nhau về thẩm quyền điều tra, dẫn đến thủ tục tố tụng không thống nhất, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

Ví dụ: Ngày 11/11/2023, Nguyễn Văn X có hành vi dùng dao chém anh Đinh Văn T trúng vùng đầu gây thương tích với tỉ lệ tổn thương cơ thể theo giám định là 16%. Ngày 01/01/2024, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn X về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS. Quá trình điều tra xác định được hành vi của bị can X có dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra nên đã trao đổi với VKSND huyện A. Sau khi thống nhất, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người, có văn bản xin ý kiến của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B về việc chuyển hồ sơ vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B đã có văn bản đồng ý tiếp nhận hồ sơ, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A có công văn đề nghị VKSND huyện A chuyển vụ án đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B để điều tra theo thẩm quyền. VKSND huyện A ra quyết định chuyển vụ án theo quy định.

Tuy nhiên, lúc này cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B không tiếp nhận hồ sơ do Cơ quan điều tra huyện A chuyển đến với lý do thủ tục chưa đảm bảo, yêu cầu phải bổ sung quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can cũng như thủ tục phê chuẩn đối với quyết định này. Điều này đã gây ảnh hưởng đến thời hạn chuyển hồ sơ của Cơ quan điều tra huyện A.

Quan điểm tác giả cho rằng: Việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A thay đổi quyết định khởi tố bị can và VKSND huyện A phê chuẩn quyết định thay đổi này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì không đúng thẩm quyền theo quy định của BLTTHS. Việc này phải do cơ quan Cảnh sát điều tra và VKSND tỉnh B thực hiện. Bởi lẽ, bản chất của quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can chính là hủy bỏ quyết định khởi tố bị can cũ và thay bằng quyết định khởi tố bị can mới.

Cụ thể trong trường hợp nêu trên, quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can X từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người đồng nghĩa với việc khởi tố bị can đối với X về tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 BLHS. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, khởi tố bị can chính là một trong những hoạt động điều tra, được tiến hành trong giai đoạn điều tra. Giai đoạn điều tra được xác định kể từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự cho đến khi kết thúc điều tra. Theo đó, thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của VKSND cũng tương ứng. Trong trường hợp này, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can và VKSND huyện A phê chuẩn quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện A là không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định của BLTTHS.

Điều 29 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của VKSND tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền như sau:

“1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản gửi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu xác định thẩm quyền điều tra để trao đổi về việc chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản trả lời. Tùy từng trường hợp, việc chuyển vụ án được xử lý như sau:

a) Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì Cơ quan điều tra đang điều tra có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền;

b) Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra không nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì phải có văn bản nêu rõ lý do; nếu lý do không có căn cứ thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải tiếp nhận hồ sơ vụ án khi có quyết định chuyển vụ án của Viện kiểm sát; nếu lý do không nhất trí do tranh chấp về thẩm quyền điều tra, thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án phối hợp cùng Viện kiểm sát cùng cấp báo cáo, đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết về thẩm quyền điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự.

…”

Theo hướng dẫn này, khi có căn cứ xác định vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cấp tỉnh, cơ quan điều tra cấp huyện trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp, sau khi được sự thống nhất sẽ có văn bản xin ý kiến của cơ quan điều tra cấp tỉnh. Cơ quan điều tra cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp trước khi có ý kiến. Sau khi đã có ý kiến đồng ý tiếp nhận thì phải tiếp nhận hồ sơ theo quy định. Nếu không đồng ý cũng phải có văn bản nêu rõ lý do.

Trong trường hợp này, cơ quan điều tra tuy không nêu rõ lý do trong văn bản nhưng lại có yêu cầu chỉ đạo riêng cho cơ quan điều tra cấp huyện ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát cấp tỉnh có ý kiến chỉ đạo Viện kiểm sát cấp huyện phê chuẩn quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can là không có cơ sở.

Đây là một trường hợp hiện đang xảy ra khá phổ biến trên thực tế. Tại các địa phương, xuất phát từ nhận thức và vận dụng các quy định của pháp luật khác nhau nên cũng có hai hướng giải quyết khác nhau, không thống nhất.

Trên đây là quan điểm riêng của tác giả từ vướng mắc gặp phải trong công tác thực tiễn, tác giả mong nhận được các quan điểm trao đổi của đồng nghiệp để việc thực hiện trên thực tế được thống nhất, tuân thủ quy định của pháp luật.

VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”

(Kiemsat.vn) - Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay; ngày 20/11/2024, VKSND thành phố Hà Nội phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến đến VKSND hai cấp thành phố Hà Nội vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam

(Kiemsat.vn) - Tội phạm tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động tiếp tục tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước thông qua các hình thức, thủ đoạn mới. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng mọi mặt của công tác điều tra, xử lý loại tội phạm này, đặc biệt là áp dụng biện pháp pháp luật.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang