Một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam
(kiemsat.vn) Tội phạm tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được dự báo sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động tiếp tục tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước thông qua các hình thức, thủ đoạn mới. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng mọi mặt của công tác điều tra, xử lý loại tội phạm này, đặc biệt là áp dụng biện pháp pháp luật.
Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
1. Một số yêu cầu và khó khăn trong áp dụng biện pháp pháp luật khi xử lý tội phạm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam
Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), hành vi tuyên truyền chống Nhà nước được quy định tại Điều 117: “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam”. Áp dụng pháp luật trong điều tra vụ án xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG) của cơ quan an ninh điều tra là hoạt động mang tính tổ chức, quyền lực nhà nước. Cơ quan an ninh điều tra sử dụng quyền lực nhà nước để ban hành những quyết định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện đối với cá nhân có hành vi phạm tội xâm phạm ANQG. Các quyết định này luôn thể hiện ý chí đơn phương của cơ quan An ninh điều tra, mà không phụ thuộc vào ý chí của đối tượng bị áp dụng. Áp dụng pháp luật được xem là sự tiếp tục thể hiện ý chí nhà nước trong quá trình điều chỉnh pháp luật, nên trong một số trường hợp, áp dụng pháp luật còn phục vụ cho những mục đích chính trị nhất định.
Luật ANQG năm 2004 và Luật công an nhân dân (CAND) năm 2018 đã quy định biện pháp pháp luật là 01 trong 07 biện pháp để bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Biện pháp pháp luật có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong việc điều tra làm sáng tỏ vụ án xâm phạm ANQG, mà còn nhằm giải quyết các yêu cầu chính trị, đối ngoại, pháp luật, nghiệp vụ với mục đích cao nhất là bảo vệ ANQG. Do đó, áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm xâm phạm ANQG không được thực hiện một cách máy móc, cứng nhắc, mà cần được vận dụng linh hoạt, hiệu quả.
Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 08/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác công an trong tình hình mới đã xác định lực lượng CAND được thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang, biệt phái cán bộ sang các ngành để làm nhiệm vụ có liên quan đến ANQG, trật tự an toàn xã hội theo quy định của pháp luật. Để tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp bảo vệ ANQG và giữ gìn trật tự an toàn xã hội, khoản 1 Điều 15 Luật ANQG năm 2004 quy định: “Các biện pháp cơ bản bảo vệ ANQG bao gồm vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang”; khoản 14 Điều 16 Luật CAND năm 2018 quy định: Lực lượng CAND được “áp dụng các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ ANQG, giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.
Thực tiễn, việc áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã được vận dụng linh hoạt và đạt hiệu quả cao trong tất cả các khâu của quá trình điều tra vụ án, từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ cho tới kết thúc điều tra, lập hồ sơ, đề nghị hình thức xử lý... Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xử lý vụ án tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan An ninh điều tra còn gặp phải những khó khăn như:
Thứ nhất, việc áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn chịu nhiều sức ép của yêu cầu chính trị, đối ngoại. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội này không chỉ đơn thuần phải tuân thủ các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, mà vấn đề quan trọng là phải thực hiện tốt nhất yêu cầu chính trị, đối ngoại.
Thứ hai, quá trình áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm luật tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam thường có sự can thiệp của các thế lực thù địch. Chúng sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như đài phát thanh, các báo chí, mạng xã hội;... không chính thống; lập các trang web, hội nhóm trên Facebook, Telegram;... để lôi kéo các đối tượng chống phá, thậm chí tổ chức cả các hội thảo, hội nghị quốc tế và kết nối trực tuyến với các thành phần chống phá ở nước ngoài. Các thế lực thù địch cũng tìm cách tiếp cận thân nhân của các đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam để lôi kéo, kích động những người này có lời nói và việc làm chống lại chính quyền, gây rối, gây ảnh hưởng xấu, cản trở quá trình điều tra, xử lý tội phạm.
Thứ ba, một số Điều tra viên, cán bộ điều tra còn nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ ANQG, trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội xâm phạm ANQG, nhất là phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; việc vận dụng các quy định của pháp luật trong quá trình điều tra, đề nghị xử lý các đối tượng phạm tội có lúc, có nơi còn thiếu linh hoạt, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp giữa cơ quan An ninh điều tra với các cơ quan khác trong một số vụ việc, giai đoạn điều tra, xử lý đối tượng còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả, có lúc còn lúng túng;…
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Trong thời gian tới, tuyên truyền chống nhà nước vẫn là một trong những phương thức, thủ đoạn của hoạt động phá hoại tư tưởng nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các đối tượng phản động trong nước tiếp tục móc nối với các thế lực thù địch ở nước ngoài để tiến hành các hoạt động phá hoại trên tất cả các lĩnh vực như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng;… trong đó phá hoại về văn hóa, tư tưởng vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, tình hình tội phạm tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam sẽ có những diễn biến phức tạp cả về đối tượng cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội. Để áp dụng biện pháp pháp luật trong điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam đạt hiệu quả cao, chủ động trước những thay đổi theo hướng ngày càng phức tạp của tình hình tội phạm, theo tác giả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần nắm vững và vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, các hoạt động thu thập chứng cứ và hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cụ thể:
- Trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan An ninh điều tra phải hết sức thận trọng khi quyết định các vấn đề như: Có khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng tội danh tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam hay không; thời điểm khởi tố khi nào; trường hợp chuyển đổi tội danh thì căn cứ khởi tố có đảm bảo không và khởi tố về tội gì; phạm vi khởi tố;...
- Trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cần linh hoạt, sáng tạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc ngăn chặn hành vi phạm tội của đối tượng, đồng thời phục vụ tốt các yêu cầu chính trị, đối ngoại và nghiệp vụ trong quá trình điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
- Trong áp dụng các hoạt động thu thập chứng cứ, cơ quan An ninh điều tra phải chú ý thực hiện ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu cho đến khi kết thúc điều tra; không chỉ thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, mà còn cần thu thập tài liệu, chứng cứ về các tội danh khác có liên quan; thu thập cả tài liệu, chứng cứ buộc tội và tài liệu, chứng cứ gỡ tội; thu thập chứng cứ bằng nhiều biện pháp khác nhau.
- Khi hoàn thiện hồ sơ, đề nghị hình thức xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cần chú ý: Quá trình điều tra phải tập trung làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam và các hành vi phạm tội khác của đối tượng (nếu có); hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị xử lý đúng với tội danh mà đối tượng đã thực hiện nếu việc đưa đối tượng ra xét xử có mục đích là để răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật; đối với trường hợp do yêu cầu về chính trị, đối ngoại hoặc nghiệp vụ thì có thể củng cố, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý đối tượng về các tội khác hoặc xem xét chuyển sang xử lý bằng các hình thức khác, nhưng vẫn phải hoàn thiện hồ sơ vụ án về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam để xử lý khi cần thiết.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan An ninh điều tra với các cơ quan, đơn vị chức năng trong điều tra, xử lý đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm. Các đối tượng phạm tội luôn nhận được sự hậu thuẫn từ bên ngoài hoặc can thiệp trực tiếp vào quá trình điều tra, xử lý của cơ quan An ninh điều tra. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan An ninh điều tra với các đơn vị chức năng như: Lực lượng trinh sát, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, để quá trình điều tra, xử lý đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam được thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể:
- Với lực lượng trinh sát an ninh: Cơ quan An ninh điều tra cần thường xuyên trao đổi và xử lý thông tin về việc chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam về: Những tài liệu dùng làm căn cứ khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn; các hoạt động thu thập chứng cứ; thông tin về các hoạt động trinh sát đã và đang tiến hành xét thấy cần trao đổi với lực lượng điều tra; xác định mục tiêu, hướng thu thập tài liệu, lựa chọn các biện pháp đối sách với từng đối tượng đang đấu tranh; tính toán để chuyển hóa tài liệu trinh sát thành chứng cứ;…
- Với Viện kiểm sát, Tòa án: Cơ quan An ninh điều tra cần chủ động trao đổi thông tin với Viện kiểm sát về những vấn đề liên quan đến khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn…, nhằm phục vụ các hoạt động tố tụng và giám sát quá trình điều tra; chủ động phối hợp với Viện kiểm sát thẩm định các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan An ninh điều tra đã thu thập, chứng minh về hành vi phạm tội của đối tượng đã khởi tố, phục vụ cho việc định hướng điều tra tiếp theo và xử lý đối tượng phạm tội khi kết thúc điều tra; chủ động phối hợp với Viện kiểm sát để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh;…
Trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu chính trị, đối ngoại và nghiệp vụ, kết quả điều tra về hành vi phạm tội của đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan An ninh điều tra cần phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án về chủ trương, hình thức xử lý đối tượng phạm tội. Việc phối hợp có thể được tiến hành ngay từ khi tiếp xúc hồ sơ vụ án, đánh giá, nhận định về tài liệu, chứng cứ, về tội danh, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội. Cơ quan An ninh điều tra cũng cần chủ động phối hợp với Tòa án để thống nhất áp dụng một số hình phạt bổ sung được quy định trong BLHS năm 2015 như trục xuất, quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân đối với đối tượng phạm tội.
- Với các đơn vị chức năng khác như cơ quan ngoại giao, cơ quan ngôn luận, các cơ quan nhà nước khác;…: Cơ quan An ninh điều tra cần phối hợp tiến hành các hình thức tuyên truyền như tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để định hướng dư luận trong và ngoài nước; cung cấp thông tin có liên quan đến quá trình điều tra vụ án để cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cơ quan tư tưởng, ngôn luận cần chọn và đăng bài viết phê phán, phản bác lại quan điểm sai trái của các đối tượng. Việc chọn thời điểm, hình thức và nội dung của vụ án đưa ra tuyên truyền trước công luận cần được tính toán cụ thể, cẩn thận, không làm ảnh hưởng xấu đến quá trình điều tra vụ án, có tác dụng định hướng dư luận, nhưng vẫn phải đảm bảo bí mật điều tra.
Trương Thanh Hà - Dương Đức Quỳnh
Bài viết chưa có bình luận nào.