Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự  

10/05/2017 04:00

(kiemsat.vn)
– Kỹ năng kiểm sát việc lập kế hoạch, kiểm sát chi phí, kiểm sát việc xử lý tài sản chung là những nội dung quan trọng nhất trong kiểm sát cưỡng chế thi hành án

Quyết định cưỡng chế thi hành án theo biện pháp nào thì phải ban hành theo mẫu hiện hành của biện pháp cưỡng chế đó (Mẫu theo Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp ban hành thay thế Thông tư số 09/2011/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp).

Căn cứ để ban hành quyết định cưỡng chế thi hành án phải đầy đủ, phù hợp với đúng nội dung quyết định cưỡng chế như: Khoản 5 Điều 20; Điều 71  Luật THADS; bản án, quyết định; quyết định thi hành án.

Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự  

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Kỹ năng kiểm sát việc lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án

Kế hoạch cưỡng chế thi hành án phải do người có thẩm quyền ký ban hành và đầy đủ các nội dung chính sau: Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế; biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; thời gian, địa điểm cưỡng chế; phương án tiến hành cưỡng chế; yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế; dự trù chi phí cưỡng chế.

Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án.

Kỹ năng kiểm sát chi phí cưỡng chế thi hành án

Kiểm sát viên cần căn cứ Điều 44, Điều 73 Luật THADS năm 2014, Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS, Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 (Thông tư liên tịch số 184) của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế THADS để kiểm sát các chi phí cưỡng chế thi hành án do từng đối tượng phải chi trả, mức chi cụ thể cho từng nội dung chi phí như:

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu:

a) Chi phí thông báo về cưỡng chế.

b) Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án.

c) Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, định giá lại tài sản, bán đấu giá tài sản.

d) Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án.

đ) Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu.

Chi phí cưỡng chế do người được thi hành án phải chịu:

a) Chi phí định giá lại tài sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này nếu người được thi hành án yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá.

b) Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định người được thi hành án phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

Trường hợp người được thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không đúng thì người đó phải thanh toán các khoản chi phí thực tế do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đó.

Ngân sách nhà nước bảo đảm các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

a) Chi phí họp bàn cưỡng chế do Chấp hành viên tổ chức họp với các cơ quan liên quan trước khi tiến hành cưỡng chế.

b) Chi phí cho việc bố trí phiên dịch, biên dịch trong trường hợp đương sự là người dân tộc thiểu số của Việt Nam mà không biết tiếng Việt và trường hợp đương sự là người nước ngoài.

c) Chi phí định giá lại tài sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này trong trường hợp có vi phạm quy định về định giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự.

d) Phí, chi phí bán đấu giá tài sản tài sản không thành theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ.

đ) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch này trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự.

e) Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ.

g) Chi phí cưỡng chế trong trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án. Bộ Tư pháp quy định cụ thể đối với các trường hợp này.

h) Chi phí khi đang tiến hành tổ chức cưỡng chế nhưng phải ngừng, đình chỉ vì các lý do sau:

– Do sự kiện bất khả kháng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ;

– Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.

Đối với các trường hợp tạm ngừng, đình chỉ vì các lý do chủ quan của người được thi hành án hoặc người phải thi hành án thì chi phí cưỡng chế thi hành án đến thời điểm tạm ngừng, đình chỉ do đối tượng gây tạm ngừng, đình chỉ chịu.

i) Các khoản chi cho việc áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài liệu của người phải thi hành án trong trường hợp người thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án.

k) Toàn bộ chi phí cưỡng chế và chi phí định giá, định giá lại tài sản đã thực hiện nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền huỷ toàn bộ quá trình cưỡng chế.

l) Chi phí xác minh điều kiện thi hành án (khoản 1 Điều 44 Luật THADS năm 2008 quy định trường hợp người được thi hành án có đơn yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án, người được thi hành án chịu các chi phí. Luật THADS năm 2008 đã sửa đổi, bổ sung, chi phí xác minh do Cơ quan THADS chi trả).

Về mức chi cưỡng chế thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 184.

Kỹ năng kiểm sát việc xử lý tài sản chung để thi hành án

Hiện nay, việc xác định phân chia, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án rất nhiều cơ quan THADS không thực hiện việc xác định, phân chia. Đại đa số tài sản kê biên để thi hành án là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu chung, vi phạm phổ biến khi xử lý tài sản là của hộ gia đình, trong khi người phải thi hành án là hai vợ chồng hoặc tài sản chung trong hôn nhân của hai vợ chồng nhưng người phải thi hành án chỉ là vợ (hoặc chồng). Để khắc phục tình trạng trên, khi kiểm sát hồ sơ cưỡng chế tài sản thi hành án thuộc sở hữu chung Kiểm sát viên cần chú trọng các nội dung sau:

– Căn cứ bản án, quyết định thi hành án để xác định người phải thi hành án là hai vợ chồng hay chỉ riêng vợ hoặc chồng hay nghĩa vụ liên đới thi hành án.

– Xác định xem tài sản tổ chức cưỡng chế kê biên thuộc sở hữu như thế nào, nếu của hộ gia đình thì Chấp hành viên đã xác minh tại thời điểm xác lập quyền sở hữu chung của tài sản thì hộ gia đình đó có những ai được quyền sở hữu chung với tài sản đó. Trường hợp chỉ riêng vợ hoặc chồng hoặc một người có nghĩa vụ liên đới thì xác định tài sản cưỡng chế đó trong hay ngoài thời kỳ hôn nhân để xử lý.

Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự; Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

– Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

– Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

– Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung; trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ; trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật này.”

Việc kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành với người khác được thực hiện như sau:

– Cơ quan Thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi các tài sản khác không đủ để thi hành án hoặc khi có đề nghị của đương sự tự nguyện kê biên;

– Trường hợp người phải thi hành án có chung tài sản với người khác mà đã xác định được phần tài sản, quyền tài sản của từng người thì Chấp hành viên kê biên phần tài sản, quyền tài sản của người phải thi hành án để thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự; trường hợp chưa xác định được phần quyền của người phải thi hành án thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

– Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết; trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ.

(Trích bài viết “Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án dân sự” của tác giả Đặng Ngọc Dư – Phó Vụ trưởng Vụ 11, VKSND tối cao, TCKS số: 22/2016).

Xem bài có liên quan>>>

Kỹ năng kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Vấn đề – sự kiện nổi bật tuần qua (24/7 – 28/7)

(Kiemsat.vn) - VKSNDTC và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh dâng hương tưởng niệm đồng chí Hoàng Quốc Việt; VKSNDTC gặp mặt thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ; Hội nghị trực tuyến toàn ngành KSND thông báo nhanh nội dung các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ mít tinh Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; Hạ viện Mỹ thông qua trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Triều Tiên... là những tin tức, sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Vụ 11 VKSND tối cao sơ kết công tác 6 tháng đầu năm

(Kiemsat.vn)- Sáng nay (10/7), tại trụ sở VKSND tối cao, Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang