Kỹ năng chuẩn bị bài phát biểu của Kiểm sát viên trong giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm vụ án dân sự
(kiemsat.vn) Bài phát biểu của Kiểm sát viên là văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về toàn bộ quá trình xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Thông qua bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, khẳng định được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát. Đây là nguồn tài liệu quan trọng cho Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét để ra bản án có căn cứ, đúng pháp luật.
Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự
Trao đổi việc đánh giá, sử dụng chứng cứ khi định tội danh về hành vi cố ý gây thương tích
Bàn về thẩm quyền xét xử trường hợp phạm tội trong khu vực Quân đội quản lý, bảo vệ
Theo Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên ngoài việc phát biểu về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án, thì còn phát biểu quan điểm giải quyết về nội dung vụ án, để Hội đồng xét xử xem xét, quyết định trước khi tuyên án. Phát biểu của Kiểm sát viên được sử dụng làm căn cứ để Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị sau phiên tòa.
Qua thực tiễn xét xử nhận thấy, vụ án dân sự có sự tham gia của Viện kiểm sát có quá trình đầu tư, nghiên cứu hồ sơ cẩn thận, kỹ càng thì bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đạt chất lượng cao, nội dung đáp ứng yêu cầu công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Dưới đây là một số nội dung Kiểm sát viên cần chuẩn bị để xây dựng bài phát biểu đạt chất lượng cao, hiệu quả:
1. Chuẩn bị bài phát biểu của Kiểm sát viên trong giai đoạn sơ thẩm vụ án dân sự
Kiểm sát viên thực hiện các bước về hoạt động của mình trước, trong và sau phiên tòa theo Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của VKSND tối cao (Quy chế số 364/2017), Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của VKSND tối cao. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định về phát biểu theo Điều 262 BLTTDS năm 2015, Điều 23 Quy chế số 364/2017 (việc hỏi, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa); đồng thời, Kiểm sát viên phải sử dụng đúng Mẫu số 24/DS ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của VKSND tối cao về mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp (Quyết định số 204/2017).
Thứ nhất, trước khi tham gia phiên tòa:
Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xem xét chi tiết thủ tục tố tụng và đối chiếu với các quy định của BLTTDS năm 2015, tránh bỏ sót các vi phạm về mặt tố tụng.
- Về tố tụng: Kiểm sát viên cần xem xét kỹ việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án về thẩm quyền thụ lý, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp; xác định tư cách pháp lý và mối quan hệ giữa những người tham gia tố tụng, cụ thể như sau:
Đối với việc thụ lý đơn khởi kiện, Kiểm sát viên phải xem xét điều kiện khởi kiện, các chứng cứ theo từng trường hợp kèm theo đơn khởi kiện; quá trình giải quyết vụ án có đương sự nào thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện không; việc thụ lý vụ án, thông báo thụ lý vụ án phải đúng quy định tại các điều 195, 196 BLTTDS năm 2015. Kiểm sát viên cũng cần xem xét thẩm quyền thụ lý vụ án có đúng quy định tại các điều từ 26 đến 40 BLTTDS năm 2015 hay không, trong đó cần phân tích rõ cơ sở để chứng minh là vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án thụ lý.
Kiểm sát viên cần phân tích căn cứ để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu vấn đề gì; quan hệ pháp luật tranh chấp phát sinh theo yêu cầu của nguyên đơn; Tòa án xác định đúng bản chất quan hệ tranh chấp chưa; đối với việc xác định tư cách pháp lý và mối quan hệ giữa những người tham gia tố tụng, ngoài xác định tư cách pháp lý theo đơn khởi kiện, trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu do các bên cung cấp, cần xác định đúng và đầy đủ tư cách những người tham gia tố tụng.
Ngoài ra, Kiểm sát viên cần xem xét chủ thể bị ảnh hưởng quyền lợi; yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; việc Tòa án yêu cầu đương sự nộp đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập, nộp tạm ứng án phí đối với những yêu cầu này theo quy định của pháp luật. Về chứng cứ, Kiểm sát viên cần nắm được chứng cứ, tài liệu đương sự đã xuất trình, Tòa án thu thập (việc ghi lời khai, lấy lời khai, xem xét thẩm định tại chỗ, trưng cầu giám định, định giá tài sản, yêu cầu cung cấp chứng cứ, ủy thác thu thập chứng cứ…); quá trình thu thập chứng cứ của Tòa án đúng thủ tục luật định; tính có căn cứ và hợp pháp của những tài liệu, chứng cứ đó; thủ tục hòa giải và mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp chứng cứ theo đúng quy định tại các điều từ 205 đến 211 BLTTDS năm 2015 về hòa giải (chú ý những vụ án không được hòa giải tại Điều 206, những vụ án không tiến hành hòa giải được tại Điều 207 BLTTDS năm 2015); thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải đúng với quy định tại các điều 203, 220 BLTTDS năm 2015.
- Về nội dung vụ án: Để làm tốt công tác đề xuất hướng giải quyết vụ án, mỗi Kiểm sát viên cần nắm rõ quy định của pháp luật, đề nghị Tòa án làm rõ các tình tiết trước khi tiến hành phiên tòa. Thực tế, rất nhiều vụ án Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên nhận thấy chưa đủ căn cứ để đề xuất hướng giải quyết vụ án cũng như không đủ cơ sở để Tòa án ban hành một bản án, quyết định cụ thể. Vì vậy, Kiểm sát viên cần có công văn yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ theo Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS.
Để làm rõ quan hệ tranh chấp, Kiểm sát viên phải nắm vững các điểm cơ bản sau: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; quan hệ pháp luật tranh chấp phát sinh theo yêu cầu của nguyên đơn; tính chất và nội dung tranh chấp; cách thức Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, tư cách tham gia tố tụng của đương sự. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cũng cần làm rõ các vấn đề liên quan như: Yêu cầu phản tố của bị đơn; yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan; quá trình giải quyết vụ án có đương sự thay đổi nội dung hoặc yêu cầu khởi kiện (nếu có); tính có căn cứ và hợp pháp của những tài liệu, chứng cứ mà các đương sự đã cung cấp; việc đánh giá và sử dụng chứng cứ vào việc giải quyết vụ án. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề nêu trên, Kiểm sát viên mới có thể đề xuất quan điểm giải quyết vụ án một cách đúng đắn.
Thứ hai, tại phiên tòa:
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải theo dõi để đảm bảo Thẩm phán chủ tọa điều hành phiên tòa, trình tự, thủ tục khai mạc phiên tòa, giải thích các quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng trong vụ án, Thư ký phổ biến nội quy phiên tòa đúng với quy định của BLTTDS năm 2015.
Đặc biệt, phải đảm bảo hoạt động tranh tụng trong tố tụng dân sự theo quy định BLTTDS năm 2015. Thực tế, nhiều phiên tòa, Thẩm phán thường đặt luôn các câu hỏi cho đương sự mà không thực hiện đúng quy định về tranh tụng, tức là phải giải thích cho các đương sự hiểu và cho các bên đặt câu hỏi với nhau trước để làm sáng tỏ việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp còn vấn đề chưa được các bên làm rõ hoặc các bên không hỏi nữa nhưng Hội đồng xét xử xét thấy còn vấn đề thì mới bắt đầu hỏi. Kiểm sát viên phải chú ý vấn đề này để đảm bảo các quy định của BLTTDS năm 2015 được thực hiện nghiêm chỉnh và bản án, quyết định của Tòa án thực sự là kết quả của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
Về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên cần nhận xét về việc chấp hành nguyên tắc xét xử, thành phần của Hội đồng xét xử; các trường hợp phải thay đổi người tiến hành tố tụng...
Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng phải đúng theo quy định của pháp luật, cụ thể: Nguyên đơn (Điều 71); bị đơn (Điều 72); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 73); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự (Điều 76); người làm chứng (Điều 78); người giám định (Điều 80); người phiên dịch (Điều 84); người đại diện (Điều 86)…
Không chỉ vậy, Kiểm sát viên phải kịp thời và linh hoạt bổ sung các diễn biến tại phiên tòa vào bài phát biểu. Muốn thực hiện tốt nội dung này, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ; lập sẵn đề cương xét hỏi và dự kiến tình huống phát sinh tại phiên tòa; chú ý quan sát diễn biến phiên tòa; có kỹ năng phân tích, nhận định đầy đủ, chính xác diễn biến phiên tòa để củng cố hoặc điều chỉnh kịp thời quan điểm giải quyết vụ án. Tại bài phát biểu, Kiểm sát viên cần thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát đối với các lời khai, yêu cầu của đương sự và lời trình bày của Luật sư tại phiên tòa; xác định những yêu cầu và lời trình bày đó có căn cứ hay không, viện dẫn điều luật làm căn cứ giải quyết vụ án, giúp bài phát biểu sát, đúng và thống nhất với quan điểm đề xuất về đường lối giải quyết vụ án.
2. Chuẩn bị bài phát biểu của Kiểm sát viên trong giai đoạn phúc thẩm vụ án dân sự
Tương tự giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên chuẩn bị bài phát biểu theo Quy chế số 364/2017, Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 363/QĐ-VKSTC ngày 12/10/2020 của VKSND tối cao. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên thực hiện đúng quy định về phát biểu theo Điều 306 BLTTDS năm 2015, Điều 37 Quy chế số 364/2017 (việc trình bày, hỏi, tranh luận, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm) và phải sử dụng đúng Mẫu số 27/DS ban hành kèm theo Quyết định số 204/2017.
Bên cạnh đó, Kiểm sát viên phải phát biểu về từng trường hợp cụ thể: Chỉ có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; chỉ có kháng cáo của đương sự; có kháng cáo và kháng nghị phúc thẩm; phạm vi kháng cáo, kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm; những thay đổi, bổ sung đối với kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm (nếu có). Kiểm sát viên cần lưu ý trường hợp có kháng nghị phúc thẩm thì phải chú ý xem xét thật kỹ nội dung, phạm vi kháng nghị sao cho phù hợp với quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo Điều 5 BLTTDS năm 2015, trừ trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Tóm lại, bài phát biểu của Kiểm sát viên là một văn bản pháp lý quan trọng của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát trong toàn bộ quá trình xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm; thể hiện quan điểm về toàn bộ việc chấp hành pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng. Thông qua bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, khẳng định được vị trí, vai trò của Viện kiểm sát. Đây là nguồn tài liệu quan trọng cho Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét để ra bản án có căn cứ và đúng pháp luật. Do vậy, cần chuẩn bị tốt bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và vị thế của Viện kiểm sát tại phiên tòa dân sự./.
Hoàn thiện pháp luật về sử dụng lao động trẻ em ở Việt Nam
Những lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế tại tòa án cấp sơ thẩm
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.