Trao đổi việc đánh giá, sử dụng chứng cứ khi định tội danh về hành vi cố ý gây thương tích
(kiemsat.vn) Thực tiễn tố tụng, việc đánh giá, sử dụng chứng cứ trong một số vụ án về cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn có nhận thức khác nhau, dẫn đến việc định tội danh chưa thống nhất. Thông qua vụ án cụ thể, tác giả trao đổi cùng bạn đọc nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này.
Thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người cho thấy có một số trường hợp việc đánh giá và sử dụng chứng cứ chưa đầy đủ, xác đáng, dẫn đến định tội danh không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân. Trong bài viết này, tác giả nêu ra một vụ án cụ thể, nhằm trao đổi để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, được quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015. Trường hợp sau đây là một ví dụ:
Trần Thị Th, kết hôn với anh Nguyễn Văn Q, cả hai trú tại huyện V, tỉnh Y. Sau khi kết hôn, sinh được 3 con và sinh sống tại huyện V. Quá trình chung sống, năm 2019 đã xảy ra mâu thuẫn do Q ngoại tình, Th có đơn xin ly hôn. Tòa án nhân dân huyện V hòa giải, hai bên về đoàn tụ, vụ án được đình chỉ giải quyết. Khoảng tháng 3/2021, Q tiếp tục ngoại tình với chị Nguyễn Thị T. Để làm rõ sự việc, Th bảo chồng là về nhà bố mẹ đẻ ở mấy ngày, mục đích “rình” bắt quả tang việc Q ngoại tình. Đến đêm cùng ngày (tháng 5/2021) Th phát hiện anh Q đưa T về nhà mình nên đã gọi điện thoại cho chị, em họ là Trần Thị H và Lê Thị N, đều trú tại huyện V, cùng Th đi bắt quả tang. Khi đến cửa nhà mình, Th bảo N dùng điện thoại của N quay video việc bắt quả tang để làm bằng chứng rồi chuyển cho Th, còn Th dùng điện thoại của mình bật chế độ quay video phát trực tiếp thông qua ứng dụng facebook, bảo H cầm và quay với mục đích phát tán hình ảnh Th đánh ghen lên mạng xã hội nhằm làm nhục T, thì được H đồng ý; đồng thời Th dặn mọi người nếu Th bị Q đánh thì phải can ngăn.
Sau khi thống nhất, Th một mình đi vào phòng ngủ của gia đình mình đã thấy anh Q và chị T đều không mặc quần áo, đang nằm trên giường của mình để quan hệ tình dục. Do bực tức, Th đã dùng tay tát hai cái trúng mặt chị T, dùng chiếc chìa khóa xe mô tô, nhãn hiệu Honda Airblade (chiều dài cả chuôi là 09cm bản rộng nhất là 01cm, dày 0,2 cm, hai cạnh thân chìa khóa có các rãnh) đâm nhiều cái trúng vùng đầu, vùng mặt, tay của chị T và đâm trúng vùng đầu của chồng; đồng thời gọi H và N vào phòng để N quay video ghi lại sự việc, còn H dùng điện thoại quay phát trực tiếp. Sau khi bị đánh, T bỏ chạy ra đường và được Q đưa đến Trung tâm y tế huyện V điều trị.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Th chia sẻ đoạn video H đã phát trực tiếp trên facebook cá nhân của Th, kèm hình ảnh nhạy cảm của anh Q, chị T và kêu gọi mọi người chia sẻ video. Sau khi phát trực tiếp có 1.066 lượt người xem và đã có 12 lượt chia sẻ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện V đã ra Quyết định trưng cầu giám định thương tích đối với T: “Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên ở thời điểm hiện tại là: Căn cứ Thông tư số 22/2019/TT- BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, pháp y tâm thần, tổng tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 11 % (Mười một phần trăm) theo phương pháp cộng tại thông tư”.
Tại Cơ quan điều tra huyện V, Th đã trình bày toàn bộ hành vi sử dụng điện thoại quay phát trực tiếp vụ việc lên mạng xã hội như nêu trên và trình bày nguyên nhân đánh T là do việc ngoại tình của chồng đã diễn ra nhiều lần, gây bức xúc. Khi bắt gặp quả tang chồng ngoại tình với T tại nhà của mình, Th đã không làm chủ được bản thân nên đánh gây thương tích cho T. Các đồng phạm H và N đều khai nhận sự việc đúng như nội dung nêu trên. N được xác định sau khi ghi hình bằng điện thoại chỉ chuyển nội dung cho Th theo lời dặn của Th, không có ý thức phát tán làm nhục người khác, H và N không có sự bàn bạc đến gây thương tích cho T. Vụ án này có 03 quan điểm khác nhau về định tội danh đối với hành vi và hậu quả do các bị can Th và H gây ra như sau:
Quan điểm thứ nhất: Th là rủ rê H thực hiện hành vi quay video phát tán hình ảnh Th đánh ghen lên mạng xã hội cho mọi người xem, nhằm làm nhục T nên Th là chủ mưu, H là đồng phạm của Tội làm nhục người khác, quy định tại khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015. Th đã lên kế hoạch bắt quả tang Q, cố tình thực hiện hành vi sử dụng chìa khóa xe máy dài 9 cm sắc nhọn, được xác định là hung khí nguy hiểm, gây tỉ lệ tổn thương cơ thể 11% cho T nên phạm thêm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ hai: Th và H đã phạm Tội làm nhục người khác theo khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015 như quan điểm thứ nhất. Th là người sử dụng chìa khóa xe máy dài 9cm không phải là vật sắc nhọn, không phải là hung khí nguy hiểm, tỉ lệ tổn thương cơ thể 11%, cho T, nên phạm thêm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả: Th và H đã phạm Tội làm nhục người khác quy định tại khoản 2 Điều 155 BLHS năm 2015 như quan điểm thứ nhất. Trong vụ án này, Th gây ra tỉ lệ tổn thương cơ thể 11% cho T. Tuy nhiên, cần đánh giá lỗi của T là vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng. Mâu thuẫn giữa Th và Q do Q ngoại tình dẫn đến tình cảm vợ chồng giảm sút, làm Th luôn trong trạng thái tinh thần bị tổn thương. Khi đi bắt quả tang Q, Th không chuẩn bị hung khí, không bàn bạc, chỉ đạo những người đi cùng gây thương tích cho T… Sự kiện Th chứng kiến T và Q quan hệ tại nhà của mình, đã khiến trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, dẫn đến Th đã có hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của T. Trường hợp này, theo Điều 135 BLHS năm 2015, khi tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên Th mới phạm tội.
Đây là vụ án trong thực tiễn giải quyết còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Vì vậy, tác giả rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc trên Tạp chí Kiểm sát./.
-
1Về hành vi “đưa hối lộ cho công chức nước ngoài” ở một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam
-
2Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hành chính
-
3Bàn về việc xác định chủ thể kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong các trường hợp cơ quan nhà nước sáp nhập, chia, tách
-
4Những vấn đề lý luận, thực tiễn và hoàn thiện mô hình thiết chế chuyên trách chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (Kỳ II)
-
5Xác định là phạm tội chưa đạt, hay tội phạm đã hoàn thành đối với người phạm tội
Bài viết chưa có bình luận nào.