Kinh nghiệm truy tìm tung tích nạn nhân trong điều tra vụ án giết người

21/11/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Thực tiễn cho thấy hoạt động truy tìm tung tích, lai lịch của nạn nhân trong điều tra vụ án giết người còn bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số vụ án do vận dụng không hiệu quả các biện pháp truy tìm tung tích nạn nhân nên không làm rõ ngay được tung tích, lai lịch của nạn nhân, làm cho quá trình điều tra mất nhiều thời gian và công sức, dẫn đến việc điều tra vụ án bị kéo dài, gặp nhiều khó khăn.

Truy tìm tung tích nạn nhân là một nhiệm vụ quan trọng trong điều tra vụ án hình sự nói chung và trong điều tra vụ án giết người nói riêng. Việc xác định chính xác tung tích, lai lịch của nạn nhân giúp giải quyết vụ án nhanh chóng, khách quan và toàn diện. Vận dụng hiệu quả các biện pháp truy tìm tung tích nạn nhân giúp Cơ quan điều tra (CQĐT) thu thập được các thông tin quan trọng về nhân thân, lai lịch, mối quan hệ của nạn nhân khi còn sống cũng như những mâu thuẫn của nạn nhân, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng giả thuyết điều tra, kế hoạch điều tra; CQĐT có thể nhanh chóng làm rõ đối tượng gây án dựa trên mối quan hệ, sinh hoạt và sử dụng thời gian của nạn nhân trước khi bị giết. Đồng thời, có thể phát hiện những phương thức, thủ đoạn che giấu tội phạm cũng như nguyên nhân, điều kiện của tội phạm giết người.

Thực tiễn cho thấy hoạt động truy tìm tung tích, lai lịch của nạn nhân trong điều tra vụ án giết người còn bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số vụ án do đặt ra giả thuyết, nhận định không đúng về nạn nhân nên không làm rõ ngay được tung tích, lai lịch nạn nhân làm cho quá trình điều tra mất nhiều thời gian và công sức, dẫn đến việc điều tra vụ án bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.

1. Một số hạn chế, thiếu sót và khó khăn, vướng mắc trong hoạt động truy tìm tung tích nạn nhân

- Trong tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm: Hoạt động điều tra ban đầu, nhất là khâu tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm còn một số hạn chế, thiếu sót. Một số trường hợp do việc triển khai lực lượng xuống hiện trường còn chậm gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu thập các dấu vết, tài liệu; ví dụ: Dấu vết máu, dấu vết đường vân, các loại đồ vật, tài sản, giấy tờ, tài liệu phục vụ cho hoạt động truy tìm tung tích nạn nhân. Đây là các thông tin quan trọng trong việc tiến hành các hoạt động để truy tìm tung tích nạn nhân như: Thông báo truy tìm tung tích nạn nhân; truy tìm tung tích nạn nhân qua các đồ vật, tài sản, phương tiện thu giữ tại hiện trường…

- Trong nhận dạng nạn nhân: Trên thực tế, một số trường hợp do tử thi đang trong giai đoạn phân hủy, thối rữa, nạn nhân bị thay đổi, biến dạng nên hoạt động thu thập vân tay phục vụ công tác trưng cầu giám định gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với các trường hợp tử thi được phát hiện trên khu vực sông, hồ thường không có giấy tờ tùy thân, bị phân hủy nặng không thu được dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng bị biến đổi không còn khả năng nhận dạng là một khó khăn rất lớn trong công tác truy tìm tung tích nạn nhân.

- Trong truy tìm tung tích nạn nhân: Xuất phát từ thủ đoạn gây án và che giấu tội phạm của các đối tượng phạm tội giết người ngày càng tinh vi; sau khi giết nạn nhân, đối tượng đã che giấu tung tích nạn nhân bằng các thủ đoạn như: Đốt xác; buộc đá, ném xác nạn nhân xuống sông, hồ để che giấu; cắt đầu ngón tay, ngón chân của nạn nhân, chặt nạn nhân thành nhiều bộ phận và phi tang ở nhiều địa điểm khác nhau; lấy hoặc tiêu hủy các loại giấy tờ liên quan đến nạn nhân gây khó khăn cho CQĐT.

- Trong công tác phối hợp giữa CQĐT và các lực lượng nghiệp vụ khác: Sự phối hợp còn mang tính hình thức nên hiệu quả truy tìm tung tích nạn nhân chưa cao. Việc phối hợp với lực lượng Công an cấp cơ sở trong việc rà soát, phát hiện người bị mất tích, người vắng mặt chưa rõ nguyên nhân vẫn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa nắm đầy đủ các vụ việc liên quan đến người bị mất tích; chưa nắm được chính xác những người ngoại tỉnh cư trú làm việc, sinh sống, học tập trên địa bàn, những người vắng mặt không rõ lý do trên địa bàn để tiến hành so sánh, đối chiếu nhằm xác định sự tương đồng giữa tử thi và những người này.

2. Một số kinh nghiệm

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của hoạt động truy tìm tung tích nạn nhân trong điều tra vụ án giết người, theo tác giả, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cần tiến hành tốt các hoạt động điều tra ban đầu để thu thập thông tin làm cơ sở cho việc truy tìm tung tích nạn nhân, cụ thể: Làm tốt công tác bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhằm thu thập những dấu vết, đồ vật, tài liệu có ý nghĩa cho việc truy tìm tung tích nạn nhân. Khi tiến hành các hoạt động điều tra tại hiện trường, cần nhanh chóng chụp ảnh, mô tả đặc điểm nhận dạng của tử thi, đặc điểm các đồ vật và phương tiện thu được trên hiện trường để ra thông báo truy tìm đến Công an các đơn vị địa phương và trên các phương tiện thông tin đại chúng để truy tìm, phát hiện.

Hai là, CQĐT cần xây dựng và ban hành quy trình truy tìm tung tích nạn nhân trong điều tra vụ án hình sự nói chung và truy tìm tung tích nạn nhân trong điều tra vụ án giết người nói riêng. Bởi, trên thực tế việc xây dựng quy trình có ý nghĩa quan trọng giúp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT kiểm tra, đánh giá chất lượng hiệu quả của công tác này cũng như nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các lực lượng. Bên cạnh đó, còn giúp Cán bộ điều tra, Điều tra viên nắm được những việc cụ thể cần phải thực hiện để triển khai hoạt động truy tìm một cách khoa học và hiệu quả.

Qua nghiên cứu và thực tiễn công tác, tác giả đưa ra quy trình thực hiện công tác truy tìm tung tích nạn nhân trong vụ án giết người theo các bước sau: (1) Thu thập thông tin về đặc điểm nhận dạng, giấy tờ, đồ vật, tài sản, phương tiện mang theo của nạn nhân thông qua việc tiến hành các biện pháp tại hiện trường như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…; (2) Thông báo cho quần chúng khu vực xung quanh hiện trường về nội dung vụ việc cũng như đặc điểm nhận dạng nhằm phát hiện người biết thông tin về nạn nhân. Nếu có người nhận ra nạn nhân thì nhanh chóng tổ chức tiến hành nhận dạng; (3) Nếu phát hiện ra các giấy tờ, đồ vật, tài sản, phương tiện mang theo của nạn nhân thì tiến hành truy tìm thông qua các loại đồ vật, tài sản và phương tiện này; (4) Ra thông báo truy tìm tung tích nạn nhân (kèm theo hình ảnh), đồng thời gửi đến Công an các đơn vị địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên các trang mạng xã hội như: Facebook, zalo… để phối hợp trong công tác truy tìm tung tích nạn nhận; (5) So sánh đặc điểm của nạn nhân với những đơn thư, trình báo về người bị mất tích hoặc những người vắng mặt chưa rõ lý do tại địa phương; (6) Qua tiến hành bước 4 và bước 5, nếu có người nhận ra tử thi thì tổ chức nhận dạng tử thi. Nếu những người này nhận ra thì cần khai thác các thông tin cơ bản về nạn nhân như họ tên, tuổi, địa chỉ, mối quan hệ của nạn nhân…; (7) Xác định và kết luận về tung tích của nạn nhân thông qua các hoạt động trưng cầu giám định ADN, trưng cầu giám định dấu vết đường vân (trong trường hợp cần thiết) và hoạt động xác minh tại địa phương.

Ba là, đối với trường hợp phát hiện tử thi đang trong giai đoạn phân hủy, việc lấy vân tay thường gặp nhiều khó khăn, do đó, cần mời cán bộ chuyên môn có nhiều kinh nghiệm tiến hành thu dấu vân tay của nạn nhân. Nếu như không còn khả năng thu dấu vết đường vân thì cần tiến hành thu mẫu ADN của nạn nhân để phục vụ công tác trưng cầu giám định sau này. Trường hợp nạn nhân bị chặt thành nhiều phần, bị cắt các đầu ngón tay, ngón chân hay bị đốt xác, nạn nhân trong thời kỳ phân hủy… làm mất hoặc thay đổi đặc điểm nhận dạng, được xác định là tình huống khó khăn, phức tạp trong truy tìm tung tích nạn nhân, đòi hỏi mỗi cán bộ phải tham gia giải quyết vụ án với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Bốn là, áp dụng đồng bộ các biện pháp công khai và bí mật trong hoạt động truy tìm tung tích nạn nhân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, CQĐT cần triệt để khai thác các công cụ, phương tiện kỹ thuật, mạng internet và mạng xã hội như zalo, facebook… để phục vụ hoạt động truy tìm tung tích nạn nhân. Chẳng hạn, trên cơ sở hình ảnh, đặc điểm nhận dạng của nạn nhân, CQĐT có thể đăng tải sơ bộ nội dung vụ việc kèm theo hình ảnh của nạn nhân lên trang mạng xã hội facebook được nhiều người dùng theo dõi giúp người dân nhanh chóng tiếp cận các thông tin liên quan đến vụ án và nạn nhân hoặc phối hợp với các cơ quan truyền thông như các báo, đài phát thanh - truyền hình của Trung ương và địa phương.

Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

(Kiemsat.vn) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy và các loại tội phạm mang lại lợi nhuận cao như buôn bán vũ khí, mua bán người, rửa tiền, tội phạm công nghệ cao... diễn biến phức tạp. Là địa bàn trọng điểm có các loại tội phạm xuyên quốc gia hoạt động ở khu vực biên giới, các cơ quan tư pháp tỉnh Quảng Ninh, nhất là Viện kiểm sát nhân dân đã đề ra nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đấu tranh với loại tội phạm này.

Bàn về việc ra quyết định thi hành án với tài sản đang tranh chấp trong thời gian kháng cáo đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

(Kiemsat.vn) - Có nhiều ý kiến khác nhau trong vụ việc Cục Thi hành án dân sự TP. HCM ra quyết định thi hành án, thực hiện kê biên 04 thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc phường 16, Quận 8, TP. HCM; đáng chú ý, đây là tài sản đang tranh chấp trong một vụ án dân sự và đương sự hiện đang kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang