Khó khăn, vướng mắc trong áp dụng một số quy định của BLTTDS năm 2015 khi tiến hành kiểm sát

21/10/2016 10:51

(kiemsat.vn)
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành cơ bản tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đến nay qua quá trình triển khai thực hiện cũng còn một số quy định chưa rõ ràng, khó khăn trong quá trình giải quyết đối với các vụ án riêng biệt, cần có các văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất; cụ thể:

Thứ nhất, về thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 203 BLTTDS

Tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
d) Đưa vụ án ra xét xử.”

Như vậy, trong thời hạn chuẩn bị xét xử nếu có một trong các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 BLTTDS thì mặc dù thời hạn chuẩn bị xét xử còn Tòa án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hay phải đợi hết thời hạn chuẩn bị xét xử mới ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án? Nếu vẫn còn thời hạn chuẩn bị xét xử mà Toà án ban hành quyết định tạm đình chỉ thì số lượng án dân sự bị tạm đình chỉ là rất lớn, nó sẽ tăng đột biến vào mỗi dịp tổng kết năm của ngành Toà án. Hơn nữa, khi mới vừa thụ lý vụ án, sau đó phát sinh những căn cứ được quy định tại Điều 214 BLTTDS, Thẩm phán sẽ ban hành quyết định tạm đình chỉ trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử có thể kéo dài từ 04 tháng đến 06 tháng. Khi đã tạm đình chỉ vụ án, Thẩm phán thường có tâm lý chờ “Căn cứ tạm đình chỉ không còn” mà không có sự tác động để sớm ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, làm cho vụ án bị kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Cần có hướng dẫn theo hướng: Đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, phải hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả đã gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử) mà có một trong các căn cứ quy định tại Điều 214 BLTTDS thì Thẩm phán mới được ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Thứ hai, về việc thụ lý vụ, việc dân sự khi chưa có điều luật để áp dụng

Toà án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự; khoản 1, khoản 2 Điều 45 của BLTTDS.

Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Trên thực tế, một vụ án dân sự có căn cứ pháp luật để giải quyết còn kéo dài, qua nhiều cấp xét xử nhưng đương sự vẫn tiếp tục kháng cáo, Viện kiểm sát vẫn tiếp tục kháng nghị.

Vậy, một vụ án chỉ áp dụng lẽ công bằng để giải quyết thì chắc chắn vụ án sẽ rất khó giải quyết. Bởi vì, lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải. Vậy như thế nào được coi là lẽ phải? Lẽ phải đó được mọi người trong xã hội thừa nhận. Có nghĩa là trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán phải triệu tập mọi người đến làm việc để xác định lẽ công bằng để áp dụng giải quyết vụ án dân sự.

Vậy, những người đó là bao nhiêu người và trong số những người được triệu tập làm việc họ có những quan điểm khác nhau về vụ việc đó thì phải giải quyết như thế nào? Cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc áp dụng “Lẽ công bằng” trong giải quyết vụ án dân sự.

Thứ ba, về việc tham gia của Viện kiểm sát tại phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại nhưng không quy định thời hạn Tòa án phải gửi thông báo mở phiên họp cho Viện kiểm sát, đồng thời, đại diện VKS có phát biểu ý kiến tại phiên họp nhưng không quy định cụ thể phát biểu ý kiến bằng miệng hay phải gửi bản phát biểu bằng văn bản như trường hợp VKS tham gia phiên tòa, phiên họp khác?

Thứ tư, quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được do một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải theo quy định tại khoản 4 Điều 207 BLTTDS. Trường hợp ngay sau khi nộp đơn khởi kiện, đương sự có đề nghị không tiến hành hòa giải thì Tòa án có tiến hành các thủ tục thông báo phiên hòa giải như các vụ án thông thường hay không?

VKSND huyện Trảng Bom
VKSND tỉnh Đồng Nai

Hiểu thế nào về “im lặng” trong hình sự, dân sự?

(Kiemsat.vn) – Qua các phương tiện thông tin đại chúng, rất nhiều người đã từng nghe cụm từ “quyền im lặng”, vậy sự khác biệt giữa “im lặng” trong dân sự và “quyền im lặng” trong hình sự là như thế nào?

Kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự

(Kiemsat.vn) - So với BLTTDS năm 2004, BLTTDS 2015 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang