Bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú, vụ án có được giải quyết không?

15/09/2017 03:24

(kiemsat.vn)
Theo quy định mới của BLTTDS 2015, trong trường hợp bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú, Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà vẫn tiến hành thụ lý giải quyết vụ án.

Theo quy định tại Điều 169 BLTTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung 2011 quy định thì khi Tòa án khi đã thụ lý đơn khởi kiện có kèm giấy xác nhận chứng minh nơi cư trú của bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan của chính quyền địa phương, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán tiến hành xác minh lại thì được biết bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vắng mặt khỏi địa phương trước thời điểm Tòa án thụ lý nên đã đình chỉ vụ án theo điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2004 đã được sửa đổi, bổ sung 2011; căn cứ vào khoản 2 Điều 169 BLTTDS trả lại đơn khởi kiện cho đương sự với lý do người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Bị đơn vắng mặt tại nơi cư trú, vụ án có được giải quyết không?

Hình ảnh mang tính chất minh họa – nguồn Internet

Thực trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho người khởi kiện, nhất là khi người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đi khỏi địa phương hoặc cố tình che giấu địa chỉ nơi cư trú dưới hình thức liên tục thay đổi địa chỉ cư trú nhằm trốn tránh nghĩa vụ dẫn đến vụ án không thể giải quyết được.

Kể từ ngày 1/7/2016, BLTTDS năm 2015 có hiệu lực đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc nêu trên. Cụ thể, tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung”.

Tại Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án. Theo đó, người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hướng xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như sau (Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP):

1. Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết này thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

2. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tổng đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau:

– Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 BLDS năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ trụ sở”. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi trụ sở mà không công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Trường hợp không thuộc điểm a, b khoản 2 Điều này mà Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Do đó, trong trường hợp không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án sẽ không được đình chỉ giải quyết vụ án để trả hồ sơ vụ kiện như trước đây mà phải tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng chung đã được quy định trong BLTTDS 2015. Trong trường hợp tòa không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án có thể thông qua thủ tục niêm yết để xét xử vắng mặt. Hoặc tòa án có thể thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu của các đương sự khác trong vụ án.

   Nguyễn Thị Thanh Thiện – Vũ Thị Lệ

VKSND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương

Bài có liên quan>>>

Đương sự vắng mặt, người được ủy quyền có mặt: Tòa án có hoãn phiên tòa?

  

Trao đổi bài viết: “Giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thế nào cho đúng”

(Kiemsat.vn) - Qua nghiên cứu nội dung bài viết: “Giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự thế nào cho đúng?” của tác giả Vũ Thị Minh đăng trên kiemsat.vn ngày 11/7/2017, tôi có ý kiến trao đổi như sau: Tôi chưa đồng tình toàn bộ với hai ý kiến được nêu trong bài viết.

TANDTC hướng dẫn thời hiệu khởi kiện trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu

(Kiemsat.vn) - Để đảm bảo giải quyết các tranh chấp có hiệu quả, góp phần xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, ngày 19/7/2017, TANDTC đã ban hành công văn số 152/TANDTC-PC hướng dẫn về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, trong đó có hướng dẫn thời hiệu khởi kiện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang