Xác định các chủ thể và điều kiện để chủ thể được hưởng di sản theo thời hiệu
(kiemsat.vn) Pháp lệnh thừa kế và các Bộ luật Dân sự (BLDS) trước đây không quy định di sản hết thời hiệu khởi kiện sẽ xử lý như thế nào? thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai? ai có quyền quyết định vấn đề này? Bộ luật Dân sự năm 2015 đã khắc phục được vấn đề này.
Hiệu lực của giao dịch dân sự không tuân thủ hình thức theo Bộ luật Dân sự 2015
Điều kiện bảo vệ người thứ ba ngay tình
Xác định các chủ thể và điều kiện để chủ thể được hưởng di sản theo thời hiệu (tiếp theo)
Theo khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015, di sản hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản sẽ thuộc quyền sở hữu của một trong ba đối tượng là người thừa kế đang quản lý di sản; người đang chiếm hữu di sản hoặc nhà nước.
Hình ảnh mang tính chất minh họa
1. Về chủ thể là người thừa kế đang quản lý di sản
Tại khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 đã quy định rất rõ là hết thời hạn yêu cầu chia di sản “thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Như vậy, có thể hiểu phần di sản hết thời hiệu khởi kiện đang do người thừa kế quản lý thì người thừa kế được quyền sử dụng, được sở hữu đối với tài sản là di sản thừa kế.
Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện: Nếu tài sản đó theo quy định của pháp luật phải kê khai, đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng thì khi người thừa kế này đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh là di sản đó đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, và họ là người thừa kế đang quản lý di sản hết thời hiệu thừa kế, không có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải thực hiện việc đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu cho người thừa kế đó.
Đối với Tòa án nhân dân: Trong trường hợp có tranh chấp, có thể tranh chấp thừa kế như đã quá thời hiệu khởi kiện nhưng các thừa kế vẫn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế; hoặc người khởi kiện chứng minh còn thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế do thuộc trường hợp quy định tại Điều 156, 157 BLDS;
– Các chủ thể tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 155;
– Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Các trường hợp nói trên nếu đương sự khởi kiện, xuất trình những tài liệu, chứng cứ cơ bản của từng loại quan hệ pháp luật đang tranh chấp thì Tòa án phải thụ lý, tùy thuộc diễn biến của vụ án, tài liệu, chứng cứ thu thập được và yêu cầu của mỗi bên Tòa án có quyết định tương ứng. Muốn có phán quyết chính xác, Thẩm phán phải nắm vững những quy định trong BLDS năm 2015 và luật khác có liên quan.
Trong thực tế, các Tòa án sẽ tiếp tục gặp trường hợp người khởi kiện yêu cầu chia thừa kế thì thời hiệu khởi kiện không còn, do luật đã có thay đổi khác trước Tòa án không đương nhiên xác định hết thời hiệu, đình chỉ giải quyết yêu cầu chia thừa kế như thời gian vừa qua, là vấn đề cần phải lưu ý.
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế “… thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”, vậy “người thừa kế” trong quy định này được hiểu như thế nào là đúng? Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định những người thừa kế thành những hàng thừa kế khác nhau và thứ tự hưởng thừa kế tại Điều 651.
Theo quy định của BLDS năm 2015 thì người thừa kế chỉ bao gồm các cá nhân, vậy người thừa kế có bao gồm tổ chức không? bởi vì, khối di sản hết thời hiệu có thể đang do nhiều đối tượng quản lý, có đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất quản lý, có phần di sản đang do người ở các hàng thừa kế sau quản lý, có phần di sản không do người thừa kế quản lý, mà do người ngoài gia tộc quản lý, thì ai sẽ được hưởng khối di sản hết thời hiệu đó? “Người thừa kế” có phải tuân theo thứ tự hưởng tài sản hết thời hiệu tương tự như quy định tại khoản 3 Điều 651 là không có người thừa kế nào ở hàng thứ nhất đang quản lý di sản, thì người thừa kế ở hàng thừa kế sau đang quản lý di sản mới được quyền hưởng di sản hay không? khối di sản hay một phần di sản đã được định đoạt theo di chúc thì việc xác định hết thời hiệu và xác định “người thừa kế” được hưởng di sản hết thời hiệu có gì khác so với phần di sản không được định đoạt theo di chúc hay không? Thuật ngữ “đang quản lý di sản” cần phải hiểu, phải giải thích như thế nào là đúng với tinh thần của luật? “đang quản lý” có gì khác với người “đang chiếm hữu” không?…
Tác giả không đồng tình với ý kiến cho rằng người thừa kế chỉ là cá nhân, không có tổ chức; ý kiến này chỉ đúng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, nhưng nếu thừa kế theo di chúc sẽ phụ thuộc ý chí của người lập di chúc. Do đó, “người thừa kế” đề cập trong Điều 623 BLDS năm 2015, đề nghị cơ quan có thẩm quyền phải hướng dẫn, giải thích theo hướng bao gồm cá nhân, tổ chức. Khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế mà phần di sản do tổ chức quản lý thì di sản thuộc về tổ chức đang quản lý di sản đó. Song, cần phải phân biệt khi nào một tổ chức được coi là “người thừa kế” và được hưởng di sản hết thời hiệu theo quy định tại đoạn thứ nhất của khoản 1 Điều 623; khi nào tổ chức không phải là “người thừa kế” và chỉ được hưởng phần di sản hết thời hiệu do tổ chức đang quản lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 là điều cần lưu ý để không bị nhầm lẫn, nếu nhầm lẫn sẽ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong đường lối xử lý vụ án.
Tại khoản 1 Điều 623 BLDS khi đề cập đến đối tượng là người thừa kế thì nhà làm luật dùng thuật ngữ người đang “quản lý di sản”, khi đối tượng đó không phải là người thừa kế nhà làm luật dùng thuật ngữ người đang “chiếm hữu” di sản đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế mới thuộc quyền sở hữu của các chủ thể đó. Vậy giữa hai thuật ngữ “quản lý”, “chiếm hữu” có nội dung khác nhau hay giống nhau?
Qua nghiên cứu Từ điển luật học(1) và BLDS năm 2005(2) đều có một điểm chung coi chiếm hữu hoặc quyền chiếm hữu đã bao hàm “quản lý” còn BLDS năm 2015 không coi việc chiếm hữu bao hàm quản lý.
Quản lý với ý nghĩa là sự tác động của chủ thể tới đối tượng quản lý là di sản thừa kế; người thừa kế có thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản như các chủ thể khác đang chiếm hữu tài sản là di sản thừa kế, nhưng người thừa kế có thể không trực tiếp chiếm hữu di sản vẫn được công nhận là đang quản lý di sản; ví dụ người thừa kế cho người khác thuê, mượn, nhờ trông coi, bảo quản hộ, thuê người quản lý di sản, thuê người trông coi, bảo quản, khai thác công dụng của di sản… mặc dù người đang “chiếm hữu” trực tiếp di sản là các đối tượng đang thuê hoặc người trông coi, bảo quản hộ tài sản là di sản thừa kế…, nhưng họ không phải là người quản lý di sản theo nghĩa của đoạn một khoản 1 Điều 623, nên không thể công nhận cho những chủ thể đó được sở hữu phần di sản hết thời hiệu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623, mà phải coi người thừa kế mới là người đang quản lý di sản, được sở hữu tài sản là di sản thừa kế hết thời hiệu như quy định tại đoạn thứ nhất khoản 1 Điều 623 là: “… Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó…”.
Như vậy, “người thừa kế” là một loại chủ thể có thể được hưởng phần di sản hết thời hiệu (dù có thể ở thời điểm hết thời hiệu họ không trực tiếp nắm giữ, không trực tiếp chiếm hữu di sản nhưng vẫn được coi là người đang quản lý di sản).
Điều kiện để người thừa kế được hưởng di sản theo thời hiệu:
Người thừa kế là một thuật ngữ để chỉ tất cả những người ở hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba, người được hưởng di sản theo di chúc. Luật không quy định thứ tự các thừa kế được sở hữu di sản hết thời hiệu, mà chỉ quy định chung là người thừa kế đang quản lý di sản. Như vậy, theo quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 623, chỉ cần những chủ thể thỏa mãn các điều kiện thì có thể xác định với tư cách “người thừa kế” được sở hữu tài sản là di sản thừa kế hết thời hiệu, đó là: Thứ nhất, chủ thể phải là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, hoặc thuộc diện được thừa kế theo di chúc; thứ hai, tại thời điểm hết thời hiệu chủ thể đó phải là người đang quản lý di sản.
Sở dĩ xác định “tại thời điểm hết thời hiệu” là một trong những tiêu chí cho điều kiện thứ hai vì từ “đang” là từ chỉ thì hiện tại, cái đang hiện hữu, đang diễn ra, đang tồn tại chứ không phải thì quá khứ hay thì tương lai. Do đó, việc người thừa kế đang quản lý di sản có ý nghĩa quan trọng. Nếu trước khi hết thời hiệu mà có người thừa kế từng có thời gian dài quản lý di sản, nhưng tại thời điểm hết thời hiệu lại không “quản lý di sản” thì cũng không thuộc diện được sở hữu di sản hết thời hiệu.
Qua thực tiễn có trường hợp phức tạp, khó xác định ai là người thừa kế đang quản lý di sản hết thời hiệu, ví dụ: Ông A đã trực tiếp quản lý di sản là nhà đất trên 20 năm, đến năm thứ 28, 29 vì phải đi làm ăn xa, ra nước ngoài chăm con… nên đã nhờ hoặc thuê một thừa kế khác (ông B) trong cùng hàng thừa kế hoặc hàng thừa kế khác trông coi di sản; khi người này trở về người thừa kế được nhờ hoặc thuê trông giữ di sản không giao trả lại, và viện dẫn theo đoạn đầu khoản 1 Điều 623 để cho rằng mình được hưởng di sản theo thời hiệu.
Trong ví dụ này, nếu chỉ nhìn thực tế tại thời điểm hết thời hiệu ông B (được nhờ trông coi di sản) là người trực tiếp chiếm hữu di sản, trông coi bảo quản di sản nhưng xem xét theo bản chất của sự việc thì phải xác định ông A người đã nhờ ông B trông coi mới là người đang quản lý di sản, ông B tuy có thời gian trông coi, giữ gìn chiếm hữu di sản trên thực tế, nhưng ông chỉ là người thực hiện hành vi theo một hợp đồng gửi giữ có đền bù hoặc không có đền bù. Nói cách khác, ông B chỉ là một “công cụ” do ông A sử dụng, vậy không thể công nhận ông B là chủ thể đích thực trong quan hệ đó, lỗi của ông A là đã giao di sản cho ông B cũng là một thừa kế vào thời điểm nhạy cảm dẫn đến tranh chấp.
Những trường hợp tương tự như thế này phức tạp nhất là vấn đề chứng cứ của vụ án, ông A có cung cấp được chứng cứ chứng minh cho quan hệ gửi giữ hay ủy quyền quản lý di sản không? nếu có đủ căn cứ thì phải công nhận ông A mới là người được hưởng di sản theo thời hiệu. Ngược lại, ông A không chứng minh được thì phải công nhận ông B là người quản lý di sản ở thời điểm hết thời hiệu.
Trường hợp này có công nhận cho người thừa kế được hưởng di sản hết thời hiệu khởi kiện không? Quan điểm của tác giả người thừa kế (ông A) mới là chủ thể được hưởng di sản thừa kế hết thời hiệu, vì ông mới chính là người thừa kế đang quản lý di sản.
Đối với người thừa kế, luật không đòi hỏi điều kiện về thời gian quản lý di sản bao nhiêu lâu, tức là không cần phải chiếm hữu liên tục 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản mới được sở hữu di sản hết thời hiệu như với chủ thể khác, mà luật chỉ đòi hỏi tại thời điểm hết thời hiệu người thừa kế phải là người đang quản lý di sản.
…
(Còn tiếp)
(Trích bài “Xác định các chủ thể hưởng di sản theo thời hiệu và điều kiện để chủ thể được hưởng di sản theo thời hiệu” của tác giả Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tạp chí Kiểm sát số 02/2017).
Bài có liên quan>>>
Thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản
Có áp dụng thời hiệu yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?
TANDTC hướng dẫn thời hiệu khởi kiện trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu
Có được nhờ người khác trả nợ thay?
-
1Vướng mắc về đánh giá chứng cứ khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
2Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
-
6Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
7VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
Bài viết chưa có bình luận nào.