Khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi

16/03/2017 03:49

(kiemsat.vn)
Về vướng mắc khi áp dụng Điều 23, 24 BLDS năm 2015, theo tác giả: Chỉ cần TAND xác định đó là trường hợp: Người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi mà không cần Cơ quan giám định giải thích.

Thứ nhất, về việc giải quyết vụ việc: Nội dung bài không thể hiện thời gian TAND huyện thụ lý vụ việc. Tuy nhiên, dựa trên nội dung về thời gian Hội đồng giám định Y khoa tỉnh K ban hành biên bản, kết luận giám định đối với bà L.M.C vào ngày 14/12/2016 thì vụ việc này đã được TAND huyện thụ lý trước thời điểm 01/01/2017. Do đó, cần áp dụng quy định của BLDS năm 2005 để giải quyết vụ việc này.

Tại Biên bản giám định số 57/GĐYK-Sk ngày 14/12/2016 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh K thể hiện: Bà L.M.C chậm phát triển tâm thần mức độ vừa, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Qua đó, kết luận bà L.M.C bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Đồng thời, qua xác minh xác định được bà L.M.C không nghiện ma túy, không nghiện các chất kích thích khác dẫn tới phá tán tài sản gia đình.

Ở đây, bà L.M.C không mất đi hoàn toàn khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, mà do mắc bệnh về tâm thần nên chỉ là bị “hạn chế” trong khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Hạn chế ở đây được hiểu là việc bà L.M.C không thể tự mình xác lập, thực hiện đầy đủ và đúng đắn các quyền và nghĩa vụ dân sự.

Đối chiếu với các quy định của BLDS năm 2005, không có quy định về trường hợp người bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà chỉ có quy định về việc người không thể nhận thức và điều khiển hành vi (người mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22 BLDS năm 2005) và quy định về người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23 BLDS năm 2005). Do đó, Tòa án đã thụ lý vụ việc phải ra quyết định không chấp nhận đơn yêu cầu của ông L.D.N về việc yêu cầu tuyên bố bà L.M.C bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, trao đổi về áp dụng Điều 23, 24 BLDS năm 2015 về các vụ việc có nội dung tương tự vụ việc nói trên.

Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017, bổ sung quy định về Người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi (Điều 23) là: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan, trên cơ sở giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Như vậy, căn cứ để xác định người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi trước hết phải thỏa mãn 02 nội dung:

Người đã thành niên: Theo quy định tại Điều 20 BLDS năm 2015 người đã thành niên là người đủ 18 tuổi.

Do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự: Là trường hợp người đó có các khuyết tật về thể chất, sức khỏe hoặc các bệnh về tinh thần tác động đến khả năng, nhận thức và điều khiển hành vi của người đó không được đầy đủ nhưng chưa đến mức không thể nhận thức và điều khiển hành vi.

Đối chiếu với nội dung kết luận giám định của Hội đồng giám định Y Khoa tỉnh K: Bà L.M.C bị chậm phát triển tâm thần mức độ vừa, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Điều này được hiểu là việc bà L.M.C vẫn có một phần khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, tuy nhiên, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của bà LMC không đầy đủ và mức độ của bà L.M.C vẫn chưa đến mức không thể nhận thức và làm chủ được hành vi.

Do đó, khi giải quyết các vụ việc có nội dung tương tư như trên, thì TAND xác định đó là trường hợp: Người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi mà không cần phải yêu cầu Cơ quan giám định giải thích rõ về nội dung kết luận giám định.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi của tôi. Rất mong được các đồng chí, đồng nghiệp cùng trao đổi.

Văn Chiến

VKSND huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk

Nhặt được của rơi không trả bị xử lý như thế nào?

Chị tôi đánh rơi một chiếc túi xách trong đó có 1 chiếc điện thoại và 1 ví tiền. Vài hôm sau thì chị tôi liên lạc được với người nhặt được chiếc túi và chị muốn chuộc lại. Tuy nhiên, họ không đồng ý trả lại. Vậy, việc không trả lại tài sản cho người bị mất thì có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?

Luật sư được yêu cầu bào chữa có quyền từ chối không?

Con tôi (17 tuổi)  lấy trộm một chiếc điện thoại trị giá 5 triệu đồng tại cửa hàng bán điện thoại. Cửa hàng đã báo với cơ quan công an. Đồng chí Điều tra viên nói rằng cháu thuộc trường hợp được cơ quan tiến hành tố tụng mời Luật sư để bào chữa. Xin hỏi, Luật sư được mời có quyền từ chối bào chữa cho con tôi không (vì hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, không có điều kiện thuê Luật sư)?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang