Hình tượng con lợn trong văn hóa người Việt
(kiemsat.vn) Trong văn hóa phương Đông, con lợn (hợi) đứng cuối cùng trong bộ linh vật 12 con giáp và tượng trưng cho sự phồn thịnh, sung túc, nhàn tản. Hình ảnh của nó đã đi vào thơ ca, hội họa dân gian và trở thành một biểu tượng văn hóa, cầu nối giao tiếp giữa thần linh và con người.
Xông đất đầu năm: Nét đẹp văn hóa Việt
Tết trên đảo Trường Sa
Chùm ảnh: Những chú heo trên đường hoa Nguyễn Huệ
Con lợn trong phong tục, tập quán
Được thuần dưỡng từ rất sớm, sử dụng phổ biến, liên tục, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên con lợn (heo) cũng tạo giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa của người Việt Nam. Trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, lợn nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng của chi Hợi - chi cuối cùng, quan trọng, mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Hợi kéo dài từ 21 đến 23 giờ, là giờ cuối trong ngày, giờ lợn đi ngủ, giờ mở đầu ban đêm, con người và mọi vật cũng nghỉ ngơi. Tháng Hợi là tháng 10 âm lịch, đầu mùa đông, trời chuyển lạnh, nhiều loài cây trồng, vật nuôi cho thu hoạch sản phẩm.
Lễ rước lợn Ông Bồ ở Kiến Thụy, Hải Phòng (Ảnh: Công lý) |
Trong văn hóa dân gian, con lợn được xem là vật tổ, có những truyền thuyết nói về con lợn cứu người, lợn giúp tìm ra nguồn nước để uống, để trồng trọt chăn nuôi thoát khỏi cảnh đói khát và tuyệt chủng.
Trong các mâm cỗ cúng, nếu con gà biểu tượng cho sự trang trọng, thì con lợn thể hiện tính cộng đồng. Khi chọn một con lợn làm đồ cúng, người dân phải nuôi riêng từ 05- 07 ngày. Hằng ngày tắm rửa cho lợn, cho ăn chế độ riêng. Lúc này, lợn được người dân gọi là ông lợn, ông ỉn. Khi một vật nuôi được linh thiêng hóa như vậy, mâm cúng ấy là cách để con người giao tiếp với thần linh.
Bên cạnh đó, trong các nghi lễ đầu năm, lễ ăn hỏi, lễ cưới, con lợn là một vật cúng không thể thiếu. Thủ lợn được chọn làm lễ đưa sang nhà cô gái. Nghi lễ dâng thủ lợn lúc này tượng trưng cho sự trao duyên, gắn kết lâu bền của các cặp vợ chồng.
Những chú heo trên đường hoa Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh |
Theo phong tục tập quán Việt Nam, hình ảnh mâm xôi - lợn luộc (hoặc quay) xuất hiện trong hầu hết các sự kiện lớn nhỏ trong một đời người, từ đám cưới cho đến đám ma, đám giỗ...
Đặc biệt, trước đây, cứ mỗi dịp Tết đến, nhà nhà ở các vùng quê Việt lại rôm rả rủ nhau “đụng lợn”. Một con lợn cỡ vài chục cân, được nhiều nhà chung nhau mổ.
Lợn được mổ trước Tết vài ngày để kịp lấy thịt gói bánh chưng, làm giò chả và nấu đông. Sự quây quần, sum tụ đông vui khi đụng lợn vì thế như “khúc nhạc” dạo đầu cho Tết, khiến không khí tưng bừng và háo hức!
Ngày nay, dù không còn phổ biến ở nhiều địa phương, tục “đụng lợn” vẫn là một nét đẹp trong văn hóa Tết Việt.
Trong văn học nghệ thuật dân gian
Cũng chính vì tính gần gũi, con lợn đã đi vào các giai thoại trong dân gian, như câu chuyện “Trạng Lợn” nổi tiếng. Trạng Lợn biểu tượng cho sự phồn thực, may mắn, thuận lợi, dễ dàng.
Theo quan niệm phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, con lợn thuộc dòng Âm ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, kèm theo ý nghĩa chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. Tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng đều vẽ con heo trong tranh Tết, coi đó là con vật mang lại may mắn trong năm.
Con lợn xuất hiện trong tranh Đông Hồ |
Hình tượng con lợn được thể hiện trong tranh Đông Hồ vô cùng sống động. Tranh lợn trong tranh Đông Hồ có nhiều loại. Đó là tranh lợn đàn, biểu tượng tín ngưỡng dân gian “sinh sôi nảy nở”, no đủ, phồn thực; tranh lợn độc (toàn bộ bức tranh chỉ có hình con lợn) - “nhất khoảnh anh hùng;” và loại thứ ba là tranh lợn ăn lá dáy biểu hiện cho sự hòa hợp trong tự nhiên.
Không chỉ có trong tranh, con heo còn xuất hiện trong các chạm khắc dân gian của người Việt như điêu khắc đình làng và các tượng heo hay một vật rất thông dụng là con heo đất.
Hình ảnh con lợn cũng xuất hiện rất nhiều trong lĩnh vực văn học, nhất là trong văn học dân gian. Trong bài ca dao ''Con gà tục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng khóc ngồi/Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng'' cách thức chế biến, nấu nướng các món ăn từ thịt các con vật được thể hiện sinh động, rất dí dỏm.
Trước đây, con lợn luôn là một trong những sính lễ chính nhà gái thách cưới nhà trai. ''Mẹ ngồi thách cưới/ Tiền chẵn năm quan/Cau chẵn năm ngàn/Lợn béo năm con/Áo quần năm đôi.'' Hay ''Bao giờ gạo gánh đến nhà/ Lợn kêu ý oét mới là vợ anh''...
Như một tập tục, trẻ em cũng như người lớn đều để dành tiền lẻ trong “cái ống heo” hay “con heo đất”. Đó là con lợn đất nung với màu sắc sặc sỡ, tạo hình ngộ nghĩnh, với các cỡ to nhỏ khác nhau, rỗng lòng, có một khe hở nhỏ trên lưng. Và có hẳn một bài hát ''Con heo đất'' với những lời hát rất quen thuộc với nhiều thế hệ con trẻ: ''Mẹ mua cho em heo đất…/ Làm sao cho heo mau lớn/ Heo không đòi ăn cơm/ Heo không đòi ăn cám…/ Em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày…''./.
Những lễ hội xuân đặc sắc ở miền Bắc
Du khách nước ngoài thưởng thức Tết Việt
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.