Xông đất đầu năm: Nét đẹp văn hóa Việt
(kiemsat.vn) Tục “xông đất” đầu năm từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong Tết cổ truyền của dân tộc. Nó thể hiên khát vọng của con người khi trời đất vào xuân: Khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc!
Tục cúng Táo Quân và những điều nên biết
Xử lý nghiêm tiêu cực trong cấp giấy phép lái xe, xét nghiệm ma túy với lái xe
Bỏ Tết nguyên đán có dễ không?
Xông đất đầu năm - phong tục cổ truyền được lưu giữ qua bao thế hệ (Ảnh: internet) |
“Xông đất” còn có cách gọi khác là “đạp đất”, “xông nhà”…
Theo quan niệm dân gian, sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vận thế của vạn vật đều đổi sang một chu kỳ mới. Vận mệnh của mỗi người và ngôi nhà mà họ đang sinh sống cũng được coi là hoàn toàn thay đổi. Người bước chân vào ngôi nhà đầu tiên trong năm mới được coi là "sứ giả" mang theo may mắn và sự tốt lành cho chủ nhà cũng như các thành viên trong gia đình. Bất cứ ai cũng muốn được người tử tế, tốt tính đến xông đất nhà mình. Họ muốn trở nên tốt lành, thiện hảo hơn năm cũ. Nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn trong ngày mồng Một Tết thì cả năm sẽ thuận lợi. Với ý nghĩa ấy nên những người đến thăm và chúc tết gia đình sau thời khắc giao thừa, hay vào sáng mùng 1 Tết luôn rất quan trọng.
Ở một số địa phương miền Bắc và miền Trung, người xông nhà phải có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi "tứ hành xung". Tuy nhiên, ở miền Nam chỉ cần những người có tên gọi mang ý nghĩa chúc phúc như: Phúc, Lộc, Thọ, Kim, Ngân… hoặc người có sự thành công, thông minh, làm ăn phát đạt.
Sau thời khắc giao thừa, trong mùi hương trầm thoang thoảng ấm cúng, nhà nhà sum họp và mở rộng cánh cửa, người đến xông đất cùng gia chủ rót tách trà ngon, mời nhau chiếc bánh ngọt hay uống một ly rượu, rồi cùng cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau trong năm mới.
Người xông nhà chúc Tết thường lưu lại nhà gia chủ trong khoảng 10-15 phút. Tùy nhà, tùy người mà có lời chúc riêng. Nếu nhà có cha mẹ già sẽ chúc “Bách niên giai lão,” “tăng phúc tăng thọ;” nếu là người buôn bán thì mong “buôn may bán đắt,” “làm ăn phát đạt,” “làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái;” gặp trẻ em thì mừng các bé “hay ăn chóng lớn,” “học hành đỗ đạt”…
Một cách khác để xông đất sau giờ giao thừa là để người thân trong gia đình tự xông lấy. Người ta chọn một người "dễ vía" ra khỏi nhà từ lúc chưa hết giờ trừ tịch và dự lễ tại đình chùa, sau đó xin hương hái lộc. Lúc trở về nhà đã bước sang năm mới, người này tự “xông nhà”, mang sự tốt lành về cho gia đình.
Tục xông đất đầu năm là mỹ tục cần lưu giữ của người Việt, ở một khía cạnh nào đó nó mang ý nghĩa gắn chặt tình cảm và hướng thiện. Người đi xông đất có niềm vui đã làm được việc phước, chủ nhà thì mãn nguyện với niềm tin gia đạo mình sẽ may mắn, an khang, thịnh vượng suốt năm./.
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.