Tết trên đảo Trường Sa

04/02/2019 10:00

Giữa ngàn khơi đầy nắng và gió, Tết về thị trấn Trường Sa với rất nhiều hương vị và màu sắc của bánh chưng, bánh Tét, kẹo mứt, của hoa mai, hoa đào.

Vượt qua hơn 300 hải lý với hàng nghìn con sóng dữ, chúng tôi đến đảo Trường Sa, khi mùa xuân đang tràn về. Đảo Trường Sa hiện ra như một đô thị với nhiều công trình khang trang. Những cánh hoa bàng vuông đã nở rực hồng. Cột mốc chủ quyền và người lính tiêu binh bồng súng đứng gác với khuôn mặt bừng lên trong nắng biển, trẻ trung và rắn rỏi.

Không khí Tết đối với người lính ở đảo Trường Sa dường như đến sớm hơn so với mọi nơi. Đó là khi các anh được đón nhận tấm lòng ấm áp của hậu phương hướng về hải đảo thông qua những chuyến tàu chở hàng tết ra biển đảo. Quà tết đến với người lính cũng khá đủ đầy, mang đậm hương vị ngày tết. Từ những thực phẩm tươi sống cho đến cành mai, cây quất sẽ làm sắc xuân ngập tràn trên những hòn đảo.

“Ở đây có các đồng chí, đồng đội, có các anh, các chú chỉ bảo chúng tôi. Tết ở đây rất vui, tâm trạng của tôi rất khó tả” - Binh nhất Đinh Công Mạnh đang công tác trên đảo Trường Sa chia sẻ.

tet tren dao truong sa hinh 1
Người lính Trường Sa vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Tết ở Trường Sa thật đặc biệt, không một phiên chợ Tết mà cũng chẳng có chợ hoa, nhưng không khí đón Xuân thật rộn ràng trên khắp quần đảo. Giữa mênh mông cát trắng, xen lẫn màu xanh của những tán bàng vuông, màu đỏ hồng rực rỡ của những nhành hoa giấy, màu trắng tinh khôi của hoa phong ba… tất cả như đang hòa quyện vào nhau, tô điểm cho không khí Xuân nơi trùng khơi thêm phần thú vị.

Anh Lâm Ngọc Huynh, đang ở đảo Trường Sa cho biết, khi mới chuyển ra thị trấn Trường Sa sinh sống, cuộc sống gia đình gặp khó khăn. Sự quan tâm hỗ trợ của UBND thị trấn và tình cảm của bộ đội nơi đây là chỗ dựa tinh thần vững chắc để người dân yên tâm làm ăn sinh sống. Hôm nay, anh Huynh nâng niu trái đu đủ vườn nhà trồng được dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết cẩn cáo với tổ tiên rằng: Trường Sa mãi là quê hương thứ 2 của mình.

“Bữa cơm tất niên, nhà nào cũng có một mâm cơm cúng tổ tiên. Mình cũng gói ít bánh chưng, bánh Tét và lamg ít mứt gừng, mứt dừa đơm lên bàn thờ cho không khí Tết vui tươi hơn” - anh Huynh nói.

Tết Nguyên đán năm nay, nơi đảo xa vẫn có mâm ngũ quả, kẹo mứt được gửi ra từ đất liền. Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa Lớn và các đảo nổi khác giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm tham gia “hái hoa dân chủ”. Chỉ khác đất liền là không được đi hái lộc xuân, không được cùng người thân nấu bánh chưng bên bếp than hồng”. Đặc biệt, Tết ở Trường Sa hội tụ nền văn hóa trên mọi miền đất nước, nào là những đòn bánh tét, cành mai vàng rực rỡ của phương Nam hay những đòn bánh chưng, bánh dày và cành đào đỏ thắm của phương Bắc… Tất cả tô thêm vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây.

tet tren dao truong sa hinh 2
Người lính Trường Sa được đón nhận tấm lòng ấm áp của hậu phương hướng về hải đảo.

Tình đồng chí, đồng đội sum vầy và quay quần bên mâm cỗ ngày Tết đã cho chúng tôi hiểu hơn về tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của người con đất Việt. Dù đêm giao thừa của lính đảo Trường Sa thiếu vắng không khí gia đình, nhưng bù lại các anh có tình đồng đội, đồng chí luôn kề vai sát cánh để vượt qua bao thử thách khắc nghiệt nơi đầu sóng, ngọn gió.

“Đối với lực lượng hạ sĩ quan, chiến sỹ tại đảo, hầu hết là lần đầu ra đảo, xa nhà. Anh em đã ở đâỏ lâu rồi và đặc biệt là cán bộ chỉ huy thường động viên và cố gắng tạo môi trường thân thiện, hòa đồng. Chúng tôi chuẩn bị cho anh em một cái Tết đầy đủ nhất để anh em yên tâm làm nhiệm vụ trên đảo” - Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa cho biết.

Mỗi độ Tết đến, xuân về, những tình cảm, lời động viên từ hậu phương chứa đựng trong những cánh thư  gửi đến những người lính đảo cũng giúp các anh vơi đi nỗi nhớ nhà. Vì trách nhiệm thiêng liêng, các anh sẵn sàng gác lại những tình cảm riêng tư để chắc tay súng vững vàng nơi tuyến đầu Tổ quốc./.

PC_Article_AfterShare_1

Xông đất đầu năm: Nét đẹp văn hóa Việt

(Kiemsat.vn) - Tục “xông đất” đầu năm từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong Tết cổ truyền của dân tộc. Nó thể hiên khát vọng của con người khi trời đất vào xuân: Khát vọng thịnh vượng, an khang, hạnh phúc! 
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang