Hương vị Tết
(kiemsat.vn) Bắt đầu từ 23 tháng Chạp, khi người lớn tấp nập chuẩn bị mâm cơm cúng ông Táo, khi bọn trẻ mừng vui vì sắp không phải... tới trường, ấy là lúc bắt đầu thấy Tết. Lũ chúng tôi thấy lòng chộn rộn và háo hức lạ thường.
Cảnh báo nguy cơ cao xâm nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm dịp Tết
Những lời chúc Tết Dương lịch 2019 hay và ý nghĩa nhất
Những mẫu trái cây “độc”, lạ hút khách dịp Tết Kỷ Hợi 2019
Cả nhà tất bật chuẩn bị cho ngày Tết (minh họa) |
Tiễn ông Táo về trời
Mỗi năm, khi tiết trời se lạnh, sóng nước lăn tăn từ những cơn gió chướng là không khí Tết bắt đầu ùa về khắp tận hang cùng ngõ hẻm. Nhà nhà rộn ràng, tất bật với mâm cơm cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Theo phong tục của người dân quê tôi, Táo quân được cho là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là cầu nối của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà. Hằng ngày, Táo quân ghi lại những công - tội, tốt - xấu của mọi người để trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, để thưởng cho cái tốt và phạt cái xấu.
Vì vậy, để được Táo quân phù trợ, ai cũng muốn làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời thật long trọng với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.
Tới ngày này, các gia đình dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp, chuẩn bị tươm tất mâm cơm và đồ mã để tiễn các ông về trời. Trong đồ Lễ không thể thiếu cá Chép - linh vật đưa các ông lên chầu. Sau khi cúng lễ xong, các gia đình mang cá ra sông hoặc ra ao... thả với ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá Chép hóa rồng" và cá Chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công.
Mâm cơm tiễn ông Táo được chuẩn bị tươm tất (minh họa) |
Gói bánh chưng
Sau Lễ tiễn ông Táo, hoạt động có ý nghĩa và được lũ trẻ chúng tôi náo nức đón chờ có lẽ là ngày cả nhà quây quần để cùng nhau gói Bánh chưng. Đây là loại bánh chứa đựng tinh hoa đất trời, được làm ra từ 5 nguyên liệu chính tượng trưng cho ngũ hành: Màu vàng của nhân đậu (Thổ), màu đỏ của thịt heo (Hỏa), màu trắng của gạo nếp (Kim), màu đen của hạt tiêu (Thủy) và màu xanh của lá dong (Mộc).
Để làm ra thứ bánh thơm ngon ấy, các bà, các mẹ phải dậy sớm, lựa chọn những chiếc lá dong xanh mướt, rồi về rửa sạch, lau khô từng lá. Sau tất cả các công đoạn chuẩn bị gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn ướp tiêu thì đến màn gói bánh. Lúc này, vui nhất cũng vẫn là lũ trẻ con chúng tôi, chạy ra chạy vào ngó nghiêng để đòi 1 chiếc bánh con con cho riêng mình và đánh dấu để tránh nhầm lẫn, thất lạc.
Ngày Tết ở nông thôn quan trọng nhất là nồi bánh chưng, người lớn, trẻ em quây quần bên nồi bánh nghi ngút khói, ấm tình thân. Việc ngồi trông bánh, tiếp củi và nghe ông bà kể nhiều chuyện xưa luôn hấp dẫn trẻ con trong nhà, đứa nào cũng háo hức chờ đợi chiếc bánh của riêng mình.
Háo hức chờ bánh của riêng mình (minh họa) |
Bày mâm ngũ quả
Những ngày cận Tết, các gia đình bắt đầu lo sắm sửa, bày biện trên bàn thờ tổ tiên. Một thứ không thể thiếu trong việc thờ cúng ngày Tết ấy là Mâm ngũ quả. Đây là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt. Mâm ngũ quả có ý nghĩa quan trọng, trước là thờ cúng tổ tiên, sau là để cầu mong một năm mới bình an, may mắn, hạnh phúc, an khang, phú quý hơn năm trước.
Người miền Bắc quê tôi bày Mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông, thường phối theo 5 màu: Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng). Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.
Mâm ngũ quả cúng gia tiên (minh họa) |
Thăm mộ ông bà tổ tiên
Ở quê tôi, những ngày giáp Tết, theo phong tục truyền thống thì khi con cháu trong gia đình đã tề tựu đông đủ sẽ cùng nhau đi thăm mộ, lễ tạ Thổ thần, đắp thêm đất hoặc sửa sang nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Thường khi đó, gia đình mang theo hương hoa, quả để làm lễ cúng mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.
Đây là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt, thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng của con cháu đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất. Đồng thời, cầu mong các vị Thổ thần phù hộ cho các vong linh người thân an cư nơi mộ địa và không bị quỷ thần chiếm đoạt mộ phần.
Thăm mộ ông bà tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu (minh họa) |
Cúng tất niên
Ngày cuối cùng của năm cũ được gọi là ngày Tất niên, ngày này có thể là 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày toàn gia cùng nhau sum họp để ăn bữa cơm cuối cùng của năm cũ. Ngày này, các nhà thường chuẩn bị mâm cơm tươm tất để thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn tết cùng gia đình, đồng thời để tiễn một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới.
Mâm cỗ cúng tất niên vào chiều ngày 30 Tết ngoài ý nghĩa tiễn biệt năm cũ còn là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.
Sau bữa cơm Tất niên, có những gia đình ngồi quây quần bên nhau, ôn lại những việc đã làm và chưa làm được trong năm qua và cùng nhau chia sẻ, góp ý để rút kinh nghiệm cho những việc chưa tốt, bỏ qua cho nhau những lỗi lầm, sai trái với ý niệm “Giận đến chết Tết cũng thôi” để chào đón một năm mới nhiều may mắn.
Mâm cơm cúng Tất niên (minh họa) |
Đón giao thừa
Công việc cuối cùng để chào đón năm mới là việc chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa hay còn gọi là Lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (thời gian quan trọng khi đất trời giao hòa) người ta đặt những thức cúng lên bàn thờ gia tiên, thắp hương tưởng niệm, mời ông bà về nhà cùng con cháu vui Xuân. Các ngày tiếp theo, các gia đình đều cúng cơm cho đến hết Tết, làm lễ tiễn ông bà thì việc thờ cúng gia tiên trong ngày Tết mới coi là xong.
Qua giao thừa, bước sang năm mới, các gia đình thường chọn những người có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó đến “xông đất” để mong một năm mới nhiều may mắn, vui vẻ và sung túc.
Ngoài tục xông đất, đầu năm mới, các gia đình sẽ cùng nhau xuất hành, hái lộc, lễ chùa đầu năm,… Tất cả thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà và để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.
Cả gia đình quây quần bên mâm cơm giao thừa (minh họa) |
Ngày nay, phần vì kinh tế đã phát triển nên cái ăn đã không còn quan trọng và cầu kỳ như xưa, phần vì các thực phẩm Tết rất dễ tìm mua tại các cửa hàng, siêu thị nên không có nhiều nhà còn giữ được nếp quê: Gói bánh chưng, bánh tét; làm mứt; dựng nêu, mổ thịt… Các gia đình không còn được tận hưởng cảm giác náo nức bên nồi bánh chưng, Tết dường như mất đi phần nào phong vị đậm đà.
Tôi vẫn nhớ Tết xưa, ấy là dịp cả gia đình, dòng họ quây quần, lo ăn lo mặc bù cho cả năm thiếu thốn nên không khí luôn náo nức, tưng bừng. Bữa cơm Tất niên, Giao thừa đều luôn có mặt đông đủ cả gia đình, cùng gửi đến nhau những lời chúc Xuân mới tốt đẹp.
Trang hoàng nhà cửa đón năm mới (minh họa) |
Xông đất, chúc Tết đầu năm (minh họa) |
Tết nay, lớp trẻ thiên về hưởng thụ, đúng nghĩa ăn chơi. Việc mua sắm cho ngày Tết đã dễ dàng hơn vì hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích đã có đủ. Chỉ cần đi một vòng là các gia đình trẻ đã lo xong cái Tết, không còn phải tất bật chuẩn bị như trước. Thời khắc giao thừa, thay vì tụ họp bên gia đình, nhiều người lựa chọn đi chơi ngoài phố, đón không khí Giao thừa tưng bừng, nhộn nhịp với pháo hoa.
Tết nay là mùa du lịch cao điểm. Nhiều gia đình chọn việc hành hương, nghỉ dưỡng ở một nơi xa trong những ngày Tết để kết thúc một năm tất bật, bộn bề công việc. Nghỉ xả hơi mấy ngày Tết, làm tươi mới bản thân để rồi lại bắt đầu cho một năm mới nhiều kế hoạch, nhiều lo toan.
Bất kể lựa chọn đón Tết theo phong tục cổ truyền hay hiện đại, ngày Tết vẫn luôn mang ý nghĩa vô cùng nhân văn và sâu sắc trong mỗi người Việt Nam chúng ta. Đây là khoảng thời gian được xem là nhộn nhịp nhất, ấm áp và ý nghĩa nhất của cả một năm. Mọi người tạm gác công việc chính để dành thời gian sum họp, đoàn viên bên gia đình và người thân; là cơ hội để mọi người thể hiện sự yêu thương, quan tâm, gửi đến nhau những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất; bỏ qua cho nhau những giận hờn, mâu thuẫn để tạo nên một không gian thuận hòa, nồng ấm trọn vẹn. Đó thực sự là những thời gian ý nghĩa và ấm áp riêng của mỗi người, mỗi nhà và chỉ cảm nhận được vào dịp Tết mà thôi.
Tục cúng Táo Quân và những điều nên biết
Bỏ Tết nguyên đán có dễ không?
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Cơ hội vàng sở hữu căn liền kề đẳng cấp tại Danko City
-
3Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
4Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
5Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
6ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
Bài viết chưa có bình luận nào.