Cảnh báo nguy cơ cao xâm nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm dịp Tết
(kiemsat.vn) Trước tình hình động vật nhập lậu có xu hướng tràn biên vượt về Việt Nam vào dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) vừa phát đi công điện khẩn đề nghị các Bộ, ngành cùng các địa phương vào cuộc.
Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (Ảnh: ANTĐ) |
Theo Bộ NN&PTNT, từ báo cáo của các cơ quan chuyên môn thú y Trung ương, địa phương cho thấy, dịp trước và sau Tết Nguyên đán năm nay tình hình nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Điển hình tại Lạng Sơn từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 102 vụ vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép với 118.000 con gia cầm giống, 3 tấn thịt gia cầm và 26.000 quả trứng... Đây là nguy cơ gây dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân.
Để tránh tình trạng này, ngày 19/12/2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành có liên quan; Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Công điện nêu rõ, cần tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy phải lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).
Bên cạnh đó, quản lý thị trường tại địa phương cần tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam.
Bộ NN&PTNT yêu cầu Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thành lập các đoàn công tác của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Thông tin và truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tích cực triển khai thông tin, tuyên truyền nêu rõ tác hại của việc nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh biên phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và UBND các tỉnh biên giới triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo điều tra của Báo Giao thông, hiện nay đang diễn ra tình trạng “Gà Trung Quốc ồ ạt nhập lậu “biến” thành gà nội”. Hàng triệu con gia cầm được nhập lậu công khai mỗi ngày ở Chi Ma (Lạng Sơn) mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào của cơ quan chức năng. Gà giống được nhập lậu tại Chi Ma - Lạng Sơn có giá từ 3-5 nghìn đồng/con, khi mang về dưới xuôi được bán dao động từ 10 - 17 nghìn đồng/con. Gia cầm giống, trứng gia cầm được đóng khu vực đường biên, chuyển ra một số điểm ở Lộc Bình rồi lên xe ô tô đưa đi các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội…
Không chỉ vậy, các đối tượng mua bán, vận chuyển gia cầm lậu đã dùng các thủ đoạn tinh vi như sử dụng ô tô chở hàng thường xuyên đổi biển kiểm soát, thuê lực lượng “trông đường” hay còn gọi là “chim lợn” để “thông chốt”, trả tiền cho những người “bảo kê” để “làm luật”.
Xem thêm>>>
Nguy cơ virus gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam
-
1Bình Dương tổ chức Hội nghị về thể dục thể thao
-
2Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững
-
3ROX Group duy trì sức hút của “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”
-
4Ấn tượng với trải nghiệm “xanh” được Vinamilk mang đến ngày hội Việt Nam Xanh
-
5Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
-
6Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025
Bài viết chưa có bình luận nào.