Giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người ở trong nước
(kiemsat.vn) Giai đoạn trước năm 2019, mua bán người tại Việt Nam chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ). Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước như mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Ở một số nơi có tình trạng mua bán trẻ sơ sinh “núp bóng” các tổ chức tự phát mang danh thiện nguyện. Vì vậy, công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người ở trong nước cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa.
Không tự nguyện thi hành án, chuyển nhượng toàn bộ tài sản cho người khác có phạm tội không?
Tư pháp phục hồi trong pháp luật hình sự Cộng hòa Pháp và kinh nghiệm cho Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “thượng tôn hiến pháp, pháp luật” và ý nghĩa trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay
1. Thực trạng tội phạm mua bán người ở trong nước và nguyên nhân
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người (MBN) tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều hình thái mới xuất hiện, trong đó nổi lên tình trạng người Việt Nam bị mua bán ở trong nước. Số vụ án MBN trong nước những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng, được phát hiện, điều tra, truy tố ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Điều này cho thấy sự phổ biến của hình thái MBN này tại Việt Nam. Mặc dù công tác đấu tranh với tội phạm MBN luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng, nhưng việc phòng ngừa tội phạm MBN trong nước còn bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Tội phạm MBN trong nước chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu tội phạm hình sự nói chung và MBN nói riêng, nhưng lại có xu hướng gia tăng những năm gần đây. Điển hình, năm 2022, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, toàn quốc xảy ra 40 vụ MBN trong nước (chiếm 45% tổng số vụ MBN). Kết quả khảo sát gần đây về tình hình MBN trong nước cho thấy, tội phạm này xảy ra ở mức phổ biến. Thực tiễn, số vụ án MBN trong nước được phát hiện, điều tra, truy tố chỉ là phần nổi; độ ẩn của tội phạm MBN trong nước được đánh giá là cao. Hình thái MBN trong nước tại Việt Nam nổi lên một số vấn đề đặc trưng như: Mua bán người là trẻ sơ sinh, MBN dưới 16 tuổi, MBN để bóc lột lao động trên tàu cá, MBN để bóc lột trong quán karaoke.
Thực trạng tội phạm MBN trong nước xảy ra phổ biến, phức tạp xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể là:
Thứ nhất, sự xuất hiện và bùng phát dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam từ năm 2020 đến hết năm 2022 đã ảnh hưởng đến hoạt động của các đối tượng phạm tội MBN. Việc thực hiện chính sách cách ly xã hội, siết chặt quản lý biên giới, chính sách “Zero Covid” ở nhiều quốc gia khiến hiện tượng đưa người Việt Nam bán ra nước ngoài như những năm trước đó gần như không thực hiện được. Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều khu vực khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam bị phong tỏa, nhiều khu du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải đóng cửa. Tuy nhiên, tại một số địa phương, hoạt động kinh doanh quán karaoke vẫn diễn ra bình thường và có nhu cầu sử dụng nhân viên. Do đó, nhiều chủ quán karaoke trở thành người tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao nhân viên quán của mình cho các chủ quán nơi khác để nhận một khoản tiền nhất định.
Đặc biệt, hệ quả của đại dịch Covid-19 tác động lớn tới vấn đề thất nghiệp tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, hoạt động cầm chừng ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động. Do đó, địa bàn tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trong nội địa thường là những khu vực có kinh tế phát triển, các vùng đô thị có nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; khu du lịch, khu vực khai thác quặng mỏ các loại… Bởi lẽ, những khu vực này thu hút nhu cầu sử dụng lao động, có nhiều điều kiện về việc làm cho người lao động đang thất nghiệp ở các địa bàn khác. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều người không có việc làm, dẫn đến tình trạng MBN trong nước gia tăng, được “trá hình” dưới hình thức hợp đồng lao động, nhưng thực chất là bị bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, cơ sở lao động (xưởng sản xuất, hầm mỏ, tàu cá...) với đồng lương ít ỏi và bị bóc lột sức lao động…
Thứ hai, sự phát triển không đồng đều về kinh tế - xã hội giữa các vùng trung tâm đô thị, thành phố với khu vực nông thôn, miền núi làm phát sinh nhiều vụ án MBN trong nước. Bởi lẽ, tại những vùng nông thôn, miền núi, việc làm cho người dân còn thiếu, không tạo ra thu nhập ổn định; trình độ học vấn, dân trí còn thấp, kinh tế gia đình khó khăn, nên thường dễ bị đối tượng MBN trong nước lừa gạt giới thiệu, tìm kiếm việc nhẹ lương cao ở thành thị và dẫn đến trở thành nạn nhân. Tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, nhất là với vùng sâu, vùng xa; tình trạng thiếu việc làm và tác động của phong tục, tập quán cũng khiến một bộ phận người dân bị đối tượng MBN dụ dỗ, lừa gạt.
Thứ ba, sự xuất hiện và bùng nổ mạng xã hội trở thành công cụ hữu hiệu để các đối tượng MBN trong nước thực hiện việc tìm kiếm, tuyển mộ nạn nhân dễ dàng, nhanh chóng. Thông qua phương thức trực tuyến, đối tượng phạm tội có thể tiếp cận, khai thác thông tin của nạn nhân thông qua mạng xã hội, các web đen và nền tảng nhắn tin, hẹn hò. Mạng xã hội bị sử dụng như một công cụ dụ dỗ, thực hiện các hành vi xâm hại, đe doạ các nạn nhân là những người thiếu hiểu biết. Thông qua những mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Tiktok, Zalo…, tội phạm MBN tiếp cận nhóm phụ nữ, trẻ em gái hoặc những người mà chúng tin rằng có thể dễ dàng dụ dỗ. Khi đã xác định được mục tiêu, chúng bắt đầu kết nối với nạn nhân bằng cách gửi lời mời kết bạn, bình luận hoặc bày tỏ cảm xúc ở bài đăng của nạn nhân. Do vậy, việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm MBN càng trở nên khó khăn và phức tạp, khi người phạm tội đang dần thành thạo công nghệ, sử dụng mạng xã hội nhuần nhuyễn.
Thứ tư, trình độ nhận thức của nạn nhân còn hạn chế, thiếu thông tin và kỹ năng sống, điều kiện kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thậm chí có tâm lý hám lợi là những nguyên nhân dẫn đến tội phạm MBN trong nước gia tăng; một số nạn nhân thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình, lối sống hưởng thụ là những yếu tố thuận lợi để đối tượng MBN trong nước lợi dụng tiếp cận và lừa gạt.
Thứ năm, công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực như quản lý người nước ngoài, xuất nhập cảnh, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài... còn sơ hở, để tội phạm MBN trong nước lợi dụng hoạt động. Một số bộ, ngành và địa phương còn chưa chú trọng công tác phòng, chống MBN và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; chưa hiểu rõ nguy cơ và hậu quả do tội phạm MBN gây ra. Việc giáo dục đạo đức và chấp hành pháp luật ở phạm vi gia đình và xã hội còn hạn chế, khiến một bộ phận người dân có lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật để phạm tội. Công tác thu thập thông tin, dự báo tình hình tại một số địa phương chưa sát sao, chưa cụ thể, nên hiệu quả phòng ngừa chưa cao. Lực lượng có chức năng trực tiếp trong phòng, chống MBN (Công an, Biên phòng) còn mỏng, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, trong khi địa bàn quản lý rộng, nhiều lĩnh vực có nguy cơ xảy ra MBN. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn gặp khó khăn do nhiều nạn nhân không đủ thủ tục xác minh theo quy định; nạn nhân không muốn tiết lộ thông tin cá nhân, không cộng tác để làm thủ tục hỗ trợ; nạn nhân là người dân tộc thiểu số, không thông thạo tiếng phổ thông, trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật hạn chế. Vì vậy, việc phát hiện vụ án MBN trong nước có nơi, có lúc diễn ra chậm hoặc chưa xử lý kịp thời; đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ sáu, một số quy định của pháp luật về phòng, chống MBN đã bộc lộ bất cập, hạn chế, nhất là liên quan đến công tác xử lý tội phạm MBN, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Những chế định này là rào cản lớn đối với các cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm MBN trong nước.
2. Một số giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người trong nước
Từ những phân tích về nguyên nhân của tội phạm MBN trong nước, công tác phòng ngừa tội phạm này cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tội phạm MBN, trong đó tập trung khắc phục những vấn đề sau: Thay đổi tên Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thành “MBN dưới 18 tuổi” để bảo vệ diện nạn nhân rộng hơn và phù hợp với pháp luật quốc tế; nghiên cứu bổ sung chế định về hành vi mua bán bào thai; sửa đổi các điều 150, 151 BLHS năm 2015 theo hướng độc lập về các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, tiếp nhận trong cấu thành mặt khách quan của tội phạm MBN, MBN dưới 16 tuổi; bổ sung chế định về không trừng phạt đối với hành vi phạm tội của nạn nhân là hệ quả trực tiếp của tội phạm MBN; xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp phạm tội chưa đạt để phân biệt với giai đoạn chuẩn bị của tội phạm MBN; bổ sung quy định về mục đích nhân đạo trong cấu thành tội phạm MBN và MBN dưới 16 tuổi; chủ động xây dựng thêm các án lệ để làm cơ sở cho việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án MBN, MBN dưới 16 tuổi.
Hai là, xây dựng và triển khai các biện pháp kinh tế - xã hội nhằm hạn chế nguồn gốc phát sinh của tội phạm MBN, đặc biệt là yếu tố xuất phát từ điều kiện sống của nạn nhân và người phạm tội; đảm bảo nguồn lực kinh tế, phúc lợi và an sinh xã hội của người dân, hạn chế những yếu tố tiêu cực, nguyên nhân dẫn đến tội phạm nói chung và MBN nói riêng, cụ thể như: Giải quyết, tạo điều kiện về việc làm cho người lao động, giúp họ cải thiện cuộc sống; chính quyền các địa phương cần quan tâm đến số lượng hộ nghèo thực tế trên địa bàn, nắm rõ nguyên nhân để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng hộ nghèo như đào tạo nghề, dạy nghề…; hỗ trợ vốn kinh doanh để giảm bớt khó khăn về kinh tế, nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực miền núi, nông thôn.
Ba là, tăng cường quản lý về nhân khẩu, thường trú, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn, chủ động phát hiện dấu hiệu nghi vấn liên quan đến các hiện tượng thu gom trẻ sơ sinh; chăm sóc, nuôi dưỡng người bán thận trong khu dân cư...; thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, các cơ sở đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, trung tâm môi giới việc làm...; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, khu vực giáp biên giới nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi MBN; tích cực kiểm tra, quản lý các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm có điều kiện về an ninh, trật tự như quán karaoke, mát-xa, vũ trường, sàn nhảy…, để chủ động phát hiện dấu hiệu của tội phạm MBN trong nước.
Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm MBN trong nước. Cụ thể: Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đổi mới, áp dụng linh hoạt phương pháp và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng thụ hưởng; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân phát sinh tội phạm mới; chỉ ra các dấu hiệu, nguy cơ trở thành nạn nhân và cách phòng tránh; sử dụng mạng xã hội làm phương tiện truyền thông phòng, chống tội phạm; phối hợp với người dẫn dắt dư luận (KOLs) tích cực, phù hợp với chủ đề phòng, chống MBN trong nước để tạo hiệu ứng mạnh cho công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, phát động phong trào toàn dân đấu tranh, tham gia phòng, chống tội phạm MBN trong nước; đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường xây dựng mới chuyên trang, chuyên mục, tin bài bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc ít người; truyền thông trực tiếp tại các địa phương có nguy cơ là địa bàn hoạt động của người phạm tội để truyền tải các thông tin cụ thể, dễ hiểu, giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm.
Các cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và người thân khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân; trang bị kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội; đề cao cảnh giác với những thủ đoạn của các đối tượng phạm tội như đưa đi làm ăn xa và hứa hẹn có công việc nhẹ lương cao hoặc môi giới lấy chồng nước ngoài...; khi phát hiện hành vi phạm tội hoặc các đối tượng nghi vấn có hành vi MBN trong nước, cần kịp thời báo tin cho các cơ quan chức năng.
Năm là, siết chặt công tác quản lý nhà nước về cung cấp dịch vụ internet để phòng tránh các nguy cơ xảy ra tội phạm MBN trong nước, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông cần phát hiện, ngăn chặn các trang thông tin điện tử (websites), quảng cáo trên mạng xã hội hàm chứa các nội dung có liên quan đến MBN nói chung và MBN trong nước nói riêng như các hội, nhóm về mua bán thận, đẻ thuê, mang thai hộ…; xử lý nghiêm cá nhân hoặc tổ chức có dấu hiệu vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau như rút giấy phép kinh doanh, cấm kinh doanh, xử lý hành chính, xử lý hình sự…
Sáu là, các cơ quan thực thi pháp luật cần tích cực phối hợp, chủ động phát hiện, đấu tranh xử lý tội phạm MBN trong nước triệt để, đặc biệt là triệt phá các đường dây MBN trong nước có tính tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp; xét xử lưu động các vụ án MBN trong nước trọng điểm để tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của quần chúng nhân dân.
Như vậy, phòng, chống MBN trong nước là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và cốt lõi trong phòng, chống tội phạm nói chung ở Việt Nam. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, tình hình tội phạm MBN trong nước diễn biến còn phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do đó, đòi hỏi các cơ quan chức năng chủ động nâng cao khả năng đấu tranh với loại tội này, đặc biệt là phải coi trọng hoạt động phòng ngừa.
Nguyễn Văn Oanh
Hạn chế trong quy định và thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ góc nhìn cạnh tranh quy phạm pháp luật
-
1Hạn chế trong quy định và thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ góc nhìn cạnh tranh quy phạm pháp luật
-
2Tư tưởng Hồ Chí Minh về “thượng tôn hiến pháp, pháp luật” và ý nghĩa trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay
-
3Giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người ở trong nước
Bài viết chưa có bình luận nào.