Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo quy định mới

20/02/2017 10:20

(kiemsat.vn)
Ngày 02/02/2016, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 51/QĐ/VKSTC-V12 kèm theo “Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”, thay thế Quy chế số 59 và Quyết định số 487.

Căn cứ các quy định mới của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 và các đạo luật về tư pháp mới được ban hành năm 2015, cũng như kế thừa những quy định còn phù hợp của Quy chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát (ban hành kèm theo Quyết định số 59/2006-QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 06/02/2006 của Viện trưởng VKSND tối cao) (gọi tắt là Quy chế số 59) và Quyết định số 487/QĐ-VKSNDTC-V7 ngày 04/9/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao giao nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Ngày 02/02/2016, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 51/QĐ/VKSTC-V12 kèm theo “Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”, thay thế Quy chế số 59 ngày 06/02/2006 và Quyết định số 487 ngày 04/9/2008. Quy chế gồm 7 chương, 25 điều, nội dung quy định về tất cả các khâu trong lĩnh vực công tác tiếp công dân; tiếp nhận đơn, phân loại đơn, xử lý đơn đến công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Quy chế này có nhiều điểm mới về nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của Viện kiểm sát (VKS) trong kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, chú trọng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, về áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án… trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

– Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

– Thẩm quyết giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự; trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức VKSND và Chương về khiếu nại, tố cáo Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

– Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định như sau:

Khiếu nại hành vi, quyết định của kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó viện trưởng Viện kiểm sát cấp nào do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp đó giải quyết. Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết mà khiếu nại tiếp thì Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên là quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

Khiếu nại hành vi, quyết định; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới do Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên; Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp củaViện kiểm sát cấp nào do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết.

Về nhiệm vụ và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Quy chế “tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp” (ban hành kèm theo Quyết định số 51 nêu trên, gọi tắt là Quy chế số 51) có nhiều quy định mới về nhiệm vụ và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị chủ trì, cụ thể:

Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết các khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp mình, bao gồm :

– Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Viện trưởng VKSND cấp dưới thuộc thẩm quyền, kết quả giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính;

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Viện trưởng của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính…

– Đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu giúp Viện trưởng giải quyết: Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại hành vi, quyết định quản lý, giáo dục phạm nhân; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân; khiếu nại hành vi, quyết định của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình; hành vi, quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền; kết quả giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình; hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Đơn vị Kiểm sát thi hành án dân sự có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu giúp Viện trưởng giải quyết các khiếu nại hành vi, quyết định, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình; hành vi, quyết định; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền; kết quả giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền trong kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Các đơn vị nghiệp vụ khác có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, tham mưu giúp Viện trưởng giải quyết: Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra cùng cấp đó được Viện kiểm sát phê chuẩn; kết quả giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp đối với khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Cán bộ điều tra, Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra…

Về trách nhiệm phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo đề nghị của đơn vị chủ trì giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đơn vị nghiệp vụ khác và Viện kiểm sát cấp dưới có nhiệm vụ: Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo; giải trình bằng văn bản với người có thẩm quyền giải quyết về hành vi, quyết định bị khiếu nại, tố cáo; trường hợp VKS cấp dưới hoặc cơ quan có thẩm quyền khác giải trình, thì các đơn vị nghiệp vụ khác có ý kiến bằng văn bản đối với việc giải trình; tham gia xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo; thẩm định nội dung khiếu nại, tố cáo và chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo; phối hợp thực hiện các thủ tục khác của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các đơn vị chủ trì giải quyết khiếu nại theo quy định tại các điểm b, c, và d khoản 1 Điều 13 và Điều 16 có trách nhiệm thông báo việc thụ lý và kết quả giải quyết khiếu nại về đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cùng cấp để theo dõi, tổng hợp chung.

Về xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đó có hiệu lực pháp luật

Điều 14 Quy chế số 51 đã nêu rõ các bước xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đó có hiệu lực pháp luật nhưng người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đó được giải quyết, đây là nội dung mới so với Quy chế số 59 từ việc xác định loại đơn, điều kiện kiểm tra, xử lý đơn, trình tự kiểm tra, thủ tục kiểm tra cho đến khi kết thúc việc kiểm tra đối với loại đơn này.

Theo điểm b khoản 1 Điều 14 Quy chế số 51 thì đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đó có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát chỉ được xem xét kiểm tra khi có một trong những điều kiện sau: “Đơn bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan, sai; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lónh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở Trung ương hoặc địa phương”.

Yêu cầu đối với Kiểm sát viên khi kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

Để thực hiện tốt các quy định tại Quy chế số 51 trong công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKSND, đòi hỏi Kiểm sát viên được giao thực hiện nhiệm vụ này trước hết phải là người có kinh nghiệm, tâm huyết, có trách nhiệm nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của bộ luật, luật, các quy định pháp luật khác có liên quan để vận dụng trong quá trình giải quyết đối với mỗi loại đơn có nội dung khiếu nại, tố cáo khác nhau. Từ thực tiễn giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên cần thực hiện theo các thao tác sau:

Một là, Kiểm sát viên phải đọc, nghiên cứu kỹ nội dung đơn công dân trình bày để nhận biết được công dân cần giải quyết khiếu nại, hay tố cáo nội dung gì, nếu chưa hiểu rõ những nội dung trong đơn thì phải trực tiếp làm việc ghi lại toàn bộ nội dung công dân yêu cầu. Sau khi đã rõ các nội dung, Kiểm sát viên đề xuất việc phân loại đơn để trình Lãnh đạo Viện cho ý kiến phối hợp với phòng nghiệp vụ có liên quan giải quyết.

Hai là, Kiểm sát viên phải có văn bản yêu cầu các đơn vị đã giải quyết trước đó cung cấp hồ sơ cùng các tài liệu có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, xác minh những nội dung liên quan để làm rõ và có căn cứ việc giải quyết (nếu thấy cần thiết).

Ba là, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu có liên quan và kết quả xác minh, Kiểm sát viên của đơn vị nghiệp vụ có liên quan viết đề xuất trình Lãnh đạo Viện phụ trách, nội dung đề xuất phải phản ánh đầy đủ nội dung, căn cứ pháp luật áp dụng, quan điểm về việc giải quyết. Lãnh đạo Viện duyệt đề xuất của Kiểm sát viên phải có quan điểm chỉ đạo cụ thể đối với đề xuất của Kiểm sát viên.

Bốn là, sau khi Lãnh đạo Viện phụ trách đã phê duyệt đề xuất, Kiểm sát viên thực hiện việc ra quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo trình Lãnh đạo Viện ký.

Năm là, kết thúc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Kiểm sát viên thực hiện các thao tác tiếp theo như gửi quyết định cho người khiếu nại, người bị khiếu nại và VKSND cấp trên có thẩm quyền, đối với người tố cáo có yêu cầu thông báo kết quả giải quyết tố cáo thì Kiểm sát viên gửi văn bản thông báo kết quả cho người tố cáo.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được lập hồ sơ, ghi số bút lục và lưu trữ theo quy định của pháp luật

Trên đây là những điểm mới của Quy chế số 51 và một số yêu cầu đối với Kiểm sát viên khi kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp. Việc ban hành Quy chế này có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nhận thức một cách kỹ lưỡng để áp dụng vào  thực tiễn trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát.

Đoàn Mạnh Phong

VKSND tỉnh Hưng Yên.

Nguồn: TCKS số 13

khiếu nại luật tố cáo

    Hiện chưa có bình luận(comment) nào. Mời bạn bình luận!

    • Hay nhất
    • Cũ Nhất
    • Mới nhất

      Tin khác đã đăng

      • Một số yêu cầu sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can của Kiểm sát viên 07/12/2017
      • Mất nhiều thời gian đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 07/12/2017
      • VKSND Tp. Đà Lạt kiến nghị tăng cường phòng, chống ma túy trước Festival hoa 01/12/2017
      • Kinh nghiệm ứng dụng excel để theo dõi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; điều tra, truy tố 30/11/2017
      • Kỹ năng kiểm sát giải quyết vụ án “giết người” không quả tang 16/11/2017

      Kỷ niệm về một lá đơn

      (Kiemsat.vn) – "Cám ơn các cán bộ của Viện kiểm sát nhiều lắm; cán bộ đã giúp tôi hiểu nhiều thêm về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân; cho tôi thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cơ quan Viện kiểm sát đối với người dân như tôi...".

      Thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp

      (Kiemsat.vn) - Khoản 3 Điều 13 Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của VKSND tối cao về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKS.
      (0) Bình luận

      Bài viết chưa có bình luận nào.

      lên đầu trang