Chu Văn C và Nguyễn Văn S phạm tội gì?

28/05/2020 15:02

(kiemsat.vn)
Trong giải quyết án hình sự, việc định tội danh có ý nghĩa quan trọng, là tiền đề để phân hóa trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt. Định tội danh chính xác giúp giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, tránh được oan, sai; góp phần giải quyết vụ án hình sự một cách công bằng, chính xác, đồng thời làm cơ sở cho việc áp dụng hình phạt và các biện pháp ngăn chặn, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh, đặc biệt đối với những vụ án mà hành vi phạm tội của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu khách quan của hai hay nhiều tội phạm. Đối với những vụ án thuộc những trường hợp này, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng trong định tội, phải dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích, tổng hợp từng yếu tố của vụ án, áp dụng các văn bản pháp luật liên quan một cách chính xác thì mới định tội danh đúng. Dưới đây là vụ án cụ thể:

Chu Văn C có cơ ở sản xuất hương nhãn hiệu ĐT và ĐS tại thôn L (nhãn hiệu hương ĐT, ĐS đều không đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ). Khoảng cuối tháng 11/2019, C tìm hiểu thị trường thấy các loại hương gồm: Nhãn hiệu GN (loại 100 que hương/01thẻ) của Cơ sở sản xuất hương trầm GN; nhãn hiệu TH (loại hương trầm đặc biệt) của Cơ sở sản xuất hương TH và nhãn hiệu NH (loại hương thơm cuốn tàn) của Cơ sở sản xuất hương NH được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá bán cao hơn hương nhãn hiệu ĐT, ĐS của C. C nảy sinh ý định mua bao bì giả nhãn mác của 03 nhãn hiệu hương nêu trên rồi sử dụng hương của C sản xuất cho vào các bao bì giả đóng gói để bán ra thị trường nhằm tăng lợi nhuận kinh doanh. C thỏa thuận với Nguyễn Văn S là sẽ sản xuất giả 03 loại hương nhãn hiệu GN, TH và NH, S mua đem đi bán thì C sẽ lấy giá rẻ: Hương nhãn hiệu GN là 7.700đ/thẻ; hương nhãn hiệu TH và hương nhãn hiệu NH đều 3.800đ/thẻ. Trong tháng 12/2019, C đã sản xuất rồi bán cho S 900 thẻ hương giả nhãn hiệu TH (loại hương trầm đặc biệt), 900 thẻ hương giả nhãn hiệu NH (loại hương thơm cuốn tàn) và 680 thẻ hương giả nhãn hiệu GN (loại 100 que hương/01thẻ) với tổng số tiền là 12.076.000 đồng. Sau đó, S đã đem số hương giả trên đến bán ở khu vực huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Sáng ngày 12/01/2010, C bán cho S 6.800 thẻ hương giả nhãn hiệu GN với giá là 52.360.000 đồng, cùng ngày S thuê xe ô tô tải vận chuyển 6.800 thẻ hương giả nhãn hiệu GN đến khu danh thắng T để bán thì bị Công an tỉnh V kiểm tra, phát hiện thu giữ. 

Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh V tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, địa điểm là xưởng sản xuất hương và nhà ở của C thu giữ: 55 thẻ (bó) hương nhãn hiệu GN; 200 thẻ (bó) hương nhãn hiệu NH; 2.950 thẻ (bó) hương nhãn hiệu TH; 1.100 thẻ (bó) hương nhãn hiệu TH. Tổng giá trị của 6.864 thẻ hương giả nhãn hiệu GN, 2.961 thẻ hương giả nhãn hiệu TH và 200 thẻ hương giả nhãn hiệu NH thu giữ của C và S theo kết luận định giá là 104.395.000 đồng.

Ngày 06/02/2020, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh V ra Quyết định trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định xác định các thẻ hương nhãn hiệu GN, TH, NH thu giữ của S và C. Ngày 12/02/2020 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an từ chối giám định, lý do: Không có các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu hóa học, vật lý) nên không đủ điều kiện giám định (hiện Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành tiêu chuẩn việt nam về hương nên trên bao bì đều không thể hiện chỉ tiêu chất lượng, sản phẩm). Tại Kết luận giám định số NH041- 20TC.TP/KLGĐ ngày 25/02/2020 của Viện khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ kết luận: Sản phẩm hương gắn dấu hiệu GN, TH, NH là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm hương thắp của các hộ kinh doanh GN, TH, NH.

Quá trình giải quyết tin báo, có hai quan điểm khác nhau về định tội danh đối với Chu Văn C và Nguyễn Văn S như sau:

Ý kiến thứ nhất: Chu Văn C và Nguyễn Văn S có dấu hiệu phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, quy định tại điểm a, khoản 1, điều 192 Bộ luật Hình sự. Điều luật quy định:

Người nào sản xuất, buôn bán … hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây … thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000đ hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng…”

Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được hiểu như sau:

Hành vi sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác để làm ra hàng giả.

Hành vi buôn bán hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng giả vào lưu thông.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì hàng giả là:

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, cụ thể: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không  được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.  

Tem, nhãn, bao bì giả (Theo Khoản 9, Điều 3, NĐ 185/NĐ-CP thì “tem, nhãn, bao bì giả’ gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng... của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác).

Chu Văn C không được sự ủy quyền hay cho phép của các cơ sở sản xuất hương chính hãng nhãn hiệu GN, TH, NH (các cơ sở này đều được nhà nước bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm hương của mình) sản xuất, đóng gói sản phẩm của mình. Chỉ vì hám lợi, Chu Văn C đã chủ động mua vỏ bao bì in sẵn nhãn hiệu, biểu tượng giả các nhãn hiệu hương GN, TH, NH sau đó cho hương của cơ sở mình sản xuất vào các bao bì này để đóng gói thành 10.025 thẻ hương thành phẩm giả nhãn hiệu GN, TH, NH trị giá 104.395.000 đồng để bán ra thị trường nhằm thu lời bất chính, nên hành vi của C cấu thành tội “Sản xuất hàng giả”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Văn S dù biết rõ Chu Văn C sản xuất hương giả các nhãn hiệu GN, TH, NH nhưng vì hám lợi nên đã mua 6.809 thẻ hương giả nhãn hiệu GN và 11 thẻ hương giả nhãn hiệu TH của C với trị giá 81.785.000 đồng đem đi chào hàng và bán lại cho người tiêu dùng để thu lợi bất chính, nên hành vi của S cấu thành tội “Buôn bán hàng giả”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Ý kiến thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Hành vi của Chu Văn C có dấu hiệu phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình Sự. Điều luật quy định:

Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý  đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn đại lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Chu Văn C không được các cơ sở sản xuất hương GN của hộ kinh doanh Vũ Cao G đã được nhà nước bảo hộ theo theo GCNĐKNH số 267922; hương TH của hộ kinh doanh Bùi Thị H theo GCNĐKNH số 193850 và hương NH của hộ kinh doanh NH theo GCNĐKNH số 245718 ủy quyền hay cho phép để sản xuất hương bán ra thị trường nhưng C đã sử dụng trái phép các nhãn hiệu hương được bảo hộ nêu trên nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các nhãn hiệu này để tăng lợi nhuận kinh doanh và không xác định được chất lượng hương do C sản xuất với chất lượng hương của 03 nhãn hiệu hương GN, TH, NH sản xuất nên không có căn cứ xác định quyền lợi của người tiêu dùng có ảnh hưởng hay không mà chỉ xác định được hành vi của C đã làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp. Do vậy, hành vi của C thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội xâm phạm sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 226 BLHS. Trị giá số hương C sản xuất giả 03 nhãn hiệu GN, TH, NH là 104.395.000 đồng và thu lợi bất chính dưới 100.000.000đ nên hành vi của C chưa đủ định lượng cấu thành tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp”, quy định tại điểm a khoản 1 Điều 226 BLHS. Nguyễn Văn S mặc dù biết rõ hương các nhãn hiệu GN, TH, NH do C sản xuất là giả nhãn hiệu của các cơ sở hương chính hiệu nhưng S vẫn mua rồi đem bán để thu lợi bất chính. Hành vi của S không xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hương GN, TH, NH được nhà nước bảo hộ nên không cấu thành tội phạm. 

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả. 

Nguyễn Văn A có phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm?

(Kiemsat.vn) - Do nhận thức về thuật ngữ tên khoa học của loài mà thực tiễn còn ý kiến khác nhau đối với việc xác định voi châu Phi có phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hay không? Hành vi mua bán lông đuôi voi châu Phi có cấu thành tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm không?

Những bất cập và kiến nghị hoàn thiện các quy định về quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án hành chính

(Kiemsat.vn) - Nhằm bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thực thi một cách nghiêm minh thì việc Tòa án ra quyết định buộc thi hành án là một trong những giải pháp hữu hiệu. Bài viết phân tích một số bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật về quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, đồng thời đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang