Vướng mắc trong việc xử lý vật chứng là pháo nổ

18/05/2020 08:55

(kiemsat.vn)
Vấn đề xử lý vật chứng là pháo nổ hiện nay còn chưa thống nhất đã dẫn đến những vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan; đặt ra yêu cầu sớm ban hành một văn bản hướng dẫn cụ thể về quản lý vật chứng là pháo nổ.

Mặc dù đã có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ nhưng vì lợi nhuận nên hiện nay, các hành vi này ngày càng gia tăng. Theo quy định tại Điều 190 và 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì pháo nổ được quy định là mặt hàng cấm, do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo các yếu tố định lượng.

Việc bảo quản đối với vật chứng trong vụ án hình sự nói chung và vật chứng là pháo nổ nói riêng đã được quy định tại Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng (gọi tắt là Nghị định số 70/2013) ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ -  CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ  (gọi tắt là Nghị định số 18/2002), cụ thể:

Điều 5 của Nghị định số 18/2002 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013 quy định về việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp như sau: “Mỗi quân khu (và cấp tương đương) và ở Bộ Quốc phòng được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo thẩm quyền…; mỗi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh) được tổ chức một kho vật chứng trong khu vực kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh để tiếp nhận, bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy từ các cơ quan thụ lý vụ án trên địa bàn”.

Tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 18/2002 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013 quy định: Vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt như sau: Vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy được niêm phong và gửi tại kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở. Vũ khí không phải là vũ khí quân dụng được bảo quản tại các kho vật chứng”.

Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định vật chứng được xử lý như sau: “Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”.

Như vậy, các loại vật chứng vụ án là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ ngay sau khi thu giữ, phải xác định khối lượng, trọng lượng và lấy mẫu gửi giám định; cơ quan thụ lý vụ án phải thực hiện việc niêm phong và gửi vào kho vật chứng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý vụ án để bảo quản. Các kho vật chứng của Cơ quan điều tra; cơ quan Thi hành án dân sự không được phép giữ, bảo quản các loại vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ. Riêng đối với vật chứng là pháo nổ thì hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn gửi tại kho vật chứng của Cơ quan điều tra hay kho vật chứng của cơ quan Thi hành án dân sự hoặc kho vật chứng thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi thụ lý vụ án để bảo quản.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án liên quan đến vũ khí quân dụng, vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ hoặc pháo nổ hiện nay, ở một số địa phương, do Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh không có kho vật chứng nên thường gửi vào kho quản lý vũ khí của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi thụ lý vụ án để bảo quản. Từ đó, có một số bản án xét xử về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ thì Hội đồng xét xử tuyên giao cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở quản lý tiêu hủy. Theo đó, trong giai đoạn điều tra thì Cơ quan điều tra quản lý vật chứng tại kho vật chứng của Cơ quan điều tra; nhưng trong giai đoạn truy tố thì tại Điều 276 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng  kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án; trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can….”.

Như vậy, khi Viện kiểm sát truy tố chuyển hồ sơ sang Tòa án sẽ ra quyết định yêu cầu Cơ quan điều tra chuyển giao vật chứng để đảm bảo đúng thủ tục. Về vấn đề này, đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập và đang có những ý kiến không thống nhất, đó là:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối với vật chứng là pháo nổ thì Cơ quan điều tra chuyển giao vật chứng cho cơ quan Thi hành án dân sự bảo quản là đúng quy định. Bởi vì, hiện nay một số Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở chưa có kho vật chứng bảo quản và cũng chưa có quy định nào quy định Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện phải quản lý vật chứng là pháo nổ mà chỉ có quy định Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quản lý vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy từ các cơ quan thụ lý vụ án trên địa bàn.

Ý kiến thứ hai cho rằng, pháo nổ là chất nổ nên phải gửi tại kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh theo đúng hướng dẫn tại Nghị định số 70/2013. Kho vật chứng của cơ quan Thi hành án dân sự không được quản lý pháo nổ.

Tác giả đồng tình với ý kiến thứ nhất, bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 18/2002 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013 thì, mỗi quân khu (và cấp tương đương) và ở Bộ Quốc phòng được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo thẩm quyền…; mỗi Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, (sau đây gọi chung là Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh) được tổ chức một kho vật chứng trong khu vực kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh để tiếp nhận, bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy từ các cơ quan thụ lý vụ án trên địa bàn. Như vậy, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chỉ tiếp nhận, bảo quản vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy còn pháo nổ không thuộc phạm vi quản lý của kho vật chứng của Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Đồng thời, Luật quản lý, sử dụng vụ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không có quy định về việc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh và Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phải tiếp nhận, quản lý vật chứng là pháo nổ nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở. Như vậy, đối với vật chứng là pháo nổ, Cơ quan điều tra chuyển giao vật chứng cho cơ quan Thi hành án dân sự bảo quản là đúng quy định.

Từ những vướng mắc nêu trên, tác giả đề nghị, liên ngành tư pháp trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý vật chứng là pháo nổ để thống nhất chung theo hướng: Đối với vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy nếu vụ án thuộc cấp huyện thụ lý thì bàn giao cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở nhằm đảm bảo tiết kiệm chi phí và thời gian trong việc chuyển giao vật chứng. Đồng thời, khi cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa theo đúng quy định tại Điều 312 BLTTHS năm 2015. Bởi thực tế hiện nay, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện đều có các kho bảo quản vũ khí; còn đối với pháo nổ thì bàn giao cho cơ quan Thi hành án dân sự bảo quản là đúng quy định./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang