Cha mẹ của bị cáo chưa thành niên có phải chịu án phí dân sự sơ thẩm

25/10/2018 11:25

(kiemsat.vn)
Trong thực tiễn hiện vẫn còn quan điểm khác nhau về việc cha mẹ của bị cáo từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có phải chịu án phí hay không trong trường hợp bị cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại.

Trong các vụ án hình sự, tùy thuộc vào độ tuổi của bị cáo chưa thành niên mà cha mẹ của bị cáo tham gia tố tụng với tư cách khác nhau. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5686 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”. Từ quy định này thấy rằng:

- Nếu bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 15 tuổi thì cha, mẹ của họ được xác định là bị đơn dân sự. Bởi vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do bị cáo gây ra trong trường hợp này được xác định là của cha, mẹ bị cáo. Nếu bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 15 tuổi đang trong thời gian trường học trực tiếp quản lý thì trường học được xác định là bị đơn dân sự; còn cha mẹ hoặc người giám hộ của bị cáo là người đại diện theo pháp luật của họ.

- Nếu bị cáo là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ của họ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bởi vì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do bị cáo gây ra trong trường hợp này được xác định là trước tiên là của bị cáo. Cha mẹ hoặc người giám hộ của bị cáo chỉ bồi thường thay cho bị cáo phần còn thiếu nếu bị cáo không có tài sản hoặc không có đủ tài sản để bồi thường. Ngoài ra, cha mẹ hoặc người giám hộ của bị cáo còn được xác định là người đại diện theo pháp luật của bị cáo.

Ảnh minh họa

Như vậy, cha mẹ của bị cáo là người chưa thành niên tham gia tố tụng ngoài tư cách là người đại diện hợp pháp của bị cáo thì họ còn tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự hoặc là người có có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Tại điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án về (Nghị quyết số 326) thì “Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định tại Điều 26 và Điều 27 của Nghị quyết này”. Theo đó, trong vụ án hình sự nếu người có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại thì phải chịu án phí dân sự theo quy định tại Điều 26 Nghị quyết số 326.

Tuy nhiên trong thực tiễn hiện vẫn còn quan điểm khác nhau về việc cha mẹ của bị cáo từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có phải chịu án phí hay không trong trường hợp bị cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại. 

Ví dụ:

Ngày 12/5/2018, bị cáo Nguyễn Văn A, sinh ngày 12/7/2001 trộm cắp của bà Trần Thị H số tiền 130 triệu đồng. A bị xét xử về Tội trộm cắp tài sản theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015. Về trách nhiệm dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên như sau: “Buộc bị cáo Nguyễn Văn A bồi thường cho bà Trần Thị H số tiền 130 triệu đồng. Trường hợp, bị cáo Nguyễn Văn A không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường đủ số tiền 130 triệu đồng cho bà H thì cha mẹ của bị cáo A là ông Nguyễn Hoàng B và bà Lê Thị C phải tiếp tục bồi thường cho bà H cho đến khi đủ số tiền 130 triệu đồng”. Án phí dân sự sơ thẩm là 6.500.000 đồng. Vụ án này có quan điểm khác nhau về việc ai phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Quan điểm thứ nhất: Bị cáo Nguyễn Văn A phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Bởi vì A là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Cho nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định trước tiên là của A. Còn cha mẹ của A chỉ có nghĩa vụ bồi thường phần còn thiếu nếu như A không có tài sản hoặc không đủ tài sản đề bồi thường cho bà H trong giai đoạn thi hành án. Nếu buộc cha mẹ của A phải chịu án phí thì không hợp lý bởi vì tại thời điểm xét xử chưa xác định là cha mẹ của A có bồi thường cho bà H hay không. Việc này chỉ xác định được trong giai đoạn thi hành án.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả: Bị cáo Nguyễn Văn A và cha mẹ bị cáo A là ông B và bà C phải cùng chịu án phí dân sự sơ thẩm. Bởi vì trách nhiệm bồi thường trong vụ án này là trách nhiệm liên đới, không phải là trách nhiệm của riêng bị cáo. Do đó, trong giai đoạn thi hành án, nếu bị cáo có tài sản bồi thường toàn bộ số tiền 130 triệu đồng cho bà H thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ thu tiền án phí từ bị cáo A. Nếu bị cáo A có tài sản nhưng không đủ để bồi thường 130 triệu đồng cho bà H và phần còn lại cha mẹ của A bồi bồi thường tiếp thì A và cha mẹ của A sẽ phải chịu án phí tương ứng với số tiền mà họ bồi thường hoặc giữa A và cha mẹ A có thỏa thuận chịu án phí thì nghĩa vụ nộp án phí do cơ quan thi hành án dân sự xem xét theo quy định pháp luật. Còn nếu A không có tài sản nào để bồi thường cho bà H thì cha mẹ A phải bồi thường toàn bộ 130 triệu đồng cho bà H và họ phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.

Rất mong đồng nghiệp và bạn đọc cùng thảo luận, trao đổi.

Xem thêm>>>

Án phí chia tài sản chung của vợ chồng được tính như thế nào?

Mức án phí yêu cầu tuyên giao dịch bảo đảm vô hiệu?

Có tính án phí trên phần nghĩa vụ trả nợ không?

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang