Cải cách thủ tục tố tụng dân sự trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam

18/08/2023 07:59

(kiemsat.vn)
Bài viết tập trung phân tích, chỉ rõ thực trạng, tính cấp thiết trong việc cải cách thủ tục tố tụng dân sự thời kì đổi mới tại Việt Nam. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nhằm tạo ra một hệ thống tố tụng hiệu quả, công bằng và đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và nền kinh tế.

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) ra đời chính là thành tựu, nỗ lực của các nhà lập pháp trên cơ sở kế thừa và phát triển từ 03 Pháp lệnh về thủ tục tố tụng (1989, 1994, 1996); đồng thời tiếp thu tinh hoa, ứng dụng phù hợp từ các nền văn minh như Nga, Pháp, Hoa Kỳ,… Cùng với tiến trình phát triển kinh tế, BLTTDS luôn được sửa đổi bổ sung, hướng dẫn chi tiết bởi các văn bản pháp luật, nghị quyết, thông tư,… cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự bùng nổ của mạng Internet đã tạo ra một áp lực chung cho Việt Nam trong việc nâng cấp, hoàn thiện các quy trình tự thủ tục pháp lý linh hoạt, mềm dẻo, hài hòa, thích ứng với tình hình chung nhưng vẫn chú trọng cốt lõi truyền thống, văn hóa dân tộc. 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung đề cập đến một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, biện pháp hòa giải và giải quyết tranh chấp thương mại điện tử trong tố tụng dân sự.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các đề án về cải cách tư pháp đã nhấn mạnh: “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp”. Cải cách thủ tục tố tụng dân sự là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nằm trong tiến trình cải cách tư pháp của đất nước. Thời kỳ đổi mới đòi hỏi tư duy mới về pháp luật là điều tất yếu, điều chỉnh pháp luật nội dung đồng thời pháp luật thủ tục, tố tụng cũng cần thay đổi cách tiếp cận mới. Cải cách thủ tục tố tụng dân sự nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả và hiệu lực của việc giải quyết các vụ án dân sự; rút ngắn thời gian xử lý; giảm thiểu chi phí cho người dân và Nhà nước; tăng cường minh bạch và công khai; phát huy vai trò của các bên liên quan trong quá trình xét xử.

Những thành tựu pháp luật về thủ tục tố tụng dân sự

Thứ nhất, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong tố tụng dân sự: Việc áp dụng công nghệ thông tin trong tố tụng dân sự là một trong những thành tựu đáng chú ý của Việt Nam trong thời gian gần đây, mang lại nhiều lợi ích cho quá trình tố tụng dân sự, đặc biệt là trong việc tăng cường sự minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, thời gian.

Hệ thống hồ sơ tố tụng trực tuyến là một trong những ví dụ điển hình cho việc áp dụng công nghệ thông tin trong tố tụng dân sự. Với hệ thống này, các bên liên quan có thể nộp đơn tố tụng, tài liệu và thông tin liên quan thông qua mạng, loại bỏ việc đi lại nhiều lần không cần thiết lên Tòa án. Hơn nữa còn giảm bớt áp lực các công việc hành chính, giấy tờ phức tạp cho cơ quan chức năng, tránh nguy cơ bị mất hoặc sai sót tài liệu. Quan trọng là hỗ trợ Tòa án công tác lưu trữ, kiểm kê, truy xuất hồ sơ, dễ dàng phân công, giám sát hoạt động xét xử đồng thời nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán đảm nhận vụ án. Người dân và các bên liên quan có thể tra cứu thông tin về vụ án, như tình trạng thụ lý, quyết định tố tụng và lịch trình phiên tòa, cũng như nắm rõ thông tin thời gian, địa điểm, yêu cầu mà họ phải thực hiện, đảm bảo sự công bằng và tạo niềm tin của công chúng vào hệ thống tư pháp.

Việc tống đạt, thông báo văn bản qua phương tiện điện tử cũng là một trong những ứng dụng tiên tiến của công nghệ thông tin trong tố tụng dân sự. Trước kia việc giao nhận giấy tờ rất phức tạp, Tòa án và người dân đều trong thế “bị động” , khó khăn để các bên tiếp nhận tài liệu một cách thuận tiện, tức thì vì những trở ngại khách quan như: Sai địa chỉ, nhận hộ,… Việc sử dụng công nghệ thông tin để thông báo văn bản tố tụng qua mạng đã giúp tiết kiệm thời gian và công sức so với việc gửi thư thông báo truyền thống (đúng đối tượng, đảm bảo thời hạn..). Các thông báo văn bản được gửi qua email hoặc tin nhắn điện thoại, giúp đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả trong việc thông báo thông tin quan trọng đến các bên liên quan.

Tổ chức xét xử trực tuyến là bước đột phá trong hệ thống tư pháp. Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện xét xử trực tuyến đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Tính đến nay, đã có 622 Tòa án các cấp đã tổ chức xét xử trực tuyến; giải quyết 3.614 vụ án, trong đó hình sự 2.988 vụ, dân sự 234 vụ, hành chính 245 vụ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án 147 vụ, tạo được hiệu ứng dư luận xã hội rất tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp; giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian, hoạt động xét xử được tổ chức nhanh gọn, kịp thời, tiết kiệm tài nguyên”.

Thứ hai, thúc đẩy tinh thần hòa giải và giải quyết hòa bình: Hòa giải được coi là một phương pháp giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả. Xu hướng áp dụng thủ tục hòa giải được áp dụng rất phổ biến tại các nền pháp lý văn minh khác trên thế giới chẳng hạn như ở Nga, thủ tục hòa giải được khuyến khích thực hiện ở mọi giai đoạn tố tụng, kể cả giai đoạn thi hành án dân sự; trên bốn nguyên tắc chính (bình đẳng, tự nguyện, hợp tác và bảo mật). Trong thời gian gần đây, hòa giải đã được khuyến khích và ưu tiên áp dụng trong tố tụng dân sự. Việc giúp các bên đạt được thỏa thuận và giải quyết vụ án bằng hòa giải đã giảm thiểu thời gian và tài nguyên pháp lý.

Việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được đẩy mạnh thông qua các quyết định, công văn, hội nghị trực tiếp, trực tuyến,... Những ưu điểm khi giải quyết tranh chấp hòa giải mang lại như: Ít tốn kém về thời gian, nhân lực và các chi phí tố tụng của cơ quan nhà nước, của các bên tranh chấp (vì không bắt buộc phải xác minh, thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ; nhiều trường hợp sau khi thụ lý chỉ cần một thời gian ngắn đã hòa giải thành, cũng chủ yếu do một Hòa giải viên hoặc Thẩm phán tiến hành).

Thứ ba, thủ tục tố tụng liên quan đến các tranh chấp thương mại điện tử ngày càng hoàn thiện: Theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020, Chính phủ đã đặt các mục tiêu tổng quát đến năm 2025 gồm: “Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử; Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới; Trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á”. Kết quả tại Báo cáo e-Conomy SEA 2022 cho thấy nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử như vậy, nhu cầu giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử sẽ gia tăng tương ứng, mức độ cũng phức tạp cũng phức tạp hơn nhưng Nhà nước luôn nỗ lực trong việc hoàn thiện pháp lý vững chắc, tạo cơ hội cho hạ tầng thương mại điện tử phát triển.

Khung pháp lý cho thương mại điện tử luôn được Nhà nước chú trọng xây dựng và cải tiến: Luật giao dịch điện tử, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các điều kiện, nghĩa vụ và quy trình đăng ký hoạt động đối với các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA - Certified eContract Authority); Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 47/2014/TT-BCT và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ,… cùng rất nhiều các văn bản pháp lý khác. Đặc biệt là bước ngoặt trong việc thừa nhận sử dụng dữ liệu điện tử với tính chất là một nguồn chứng cứ phục vụ việc giải quyết các tranh chấp thương mại (hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử,…) cũng như cơ chế xử lý tội phạm thương mại điện tử nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, pháp nhân trong và ngoài nước tham gia vào giao dịch thương mại điện tử. Trên thực tế, thời gian qua, khi xây dựng khung pháp luật về thương mại điện tử, Việt Nam đã tiếp thu các nguyên tắc, nội dung cơ bản của Luật Mẫu về thương mại điện tử cũng như Luật Mẫu về chữ ký điện tử do Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) ban hành.

Sự ra đời của Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam được cấp đăng ký bởi Bộ Công thương với vai trò then chốt trong việc kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong giao dịch và hoạt động thương mại tại Việt Nam cũng là một thành tựu đáng chú ý trong thời gian qua. Với những điểm nổi bật cụ thể như: Việc áp dụng quy trình khép kín, sử dụng mã băm, kết hợp chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử sau khi được chứng thực sẽ có khả năng tra cứu, xác thực tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của chủ thể ký và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho nội dung hợp đồng... Điều này cũng hỗ trợ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử. Việc áp dụng một cách chính xác và hiệu quả các thủ tục tố tụng dân sự cũng giúp tạo ra điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Khi tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng và công bằng, các bên liên quan có thể tiếp tục triển khai kế hoạch kinh doanh và đầu tư của mình một cách suôn sẻ, không bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp pháp lý.

Vẫn còn nhiều thách thức

Thứ nhất, về công nghệ: Mặc dù đã tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc xét xử nhưng còn nhiều rào cản tạm thời chưa thể tháo gỡ như: Các đương sự chưa quen việc khởi kiện, nộp tài liệu chứng cứ bằng phương tiện điện tử; đối với một số đương sự lớn tuổi, việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; do tâm lý nên nhiều người vẫn trực tiếp đến nộp đơn từ, tài liệu giấy; hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan xét xử, tố tụng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng; các sự cố khách quan khác như đường truyền, phần mềm bị lỗi gây khó khăn trong quá tình xét xử và truy xuất tài liệu.

Đặc biệt với các chứng cứ điện tử được lưu trữ trên các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, Instagram,… việc bắt buộc đăng nhập rồi xác thực chủ sở hữu tài khoản gây khó khăn cho công tác thu thập tài liệu, chứng cứ; quá trình thu thập chứng cứ cũng có thể hủy, thay đổi mà không để lại dấu vết ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, đầy đủ và chính xác của chứng cứ cũng như việc bảo quản chúng cũng rất mong manh mà pháp luật tố tụng dân sự hiện tại chưa làm rõ các vấn đề này.

Thứ hai, về thủ tục hòa giải: Tâm lý người dân còn “miễn cưỡng”, e dè khi thực hiện thủ tục hòa giải, rất nhiều trường hợp các bên không muốn hòa giải hoặc chỉ vì hòa giải là thủ tục bắt buộc nên phải tiến hành, đương sự đều muốn “thắng thua” rõ ràng gây khó khăn trong việc thuyết phục các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn ổn thỏa.

Thứ ba, về thủ tục phát sinh đến tranh chấp thương mại điện tử: Các thủ tục tố tụng đặc thù để giải quyết tranh chấp hiện tại chưa hoàn thiện. Bộ luật Tố tụng dân sự không có các quy định riêng về các trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với thương mại điện tử, không có các quy định về việc thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử nên dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh. Đa phần, việc giải quyết tranh chấp này thường được thực hiện thông qua các hệ thống riêng của các sàn, website giao dịch điện tử (tự xây dựng, công khai quy trình và tự áp dụng nên không đủ tính pháp lý hoặc lợi dụng ưu thế của mình mà đơn phương giải quyết). Nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức còn lơ là trong việc dự liệu các tình huống tranh chấp phát sinh (không xây dựng, lưu trữ, sử dụng dữ liệu điện tử đúng đắn) hoặc nếu có cũng chủ quan không dự liệu thêm các loại tài liệu giấy khác để tăng cường nguồn chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích cho mình.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, bổ sung các quy định về xét xử trực tuyến, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution – ODR), quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến đặc biệt với các sàn, website mua bán trực tuyến cần khung pháp lý thống nhất.

Với mức độ tham gia vào giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam của các cá nhân, doanh nhân, tổ chức trong và ngoài nước đang tăng lên đáng kể như hiện nay thì việc xây dựng, cải tiến các quy định về phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến là điều cần thiết (có thể không chỉ riêng biệt cho đối tượng này mà còn có thể áp dụng với các vụ án thông thường để tiết kiệm thời gian, chi phí, tài nguyên và nhân lực cho đôi bên). Ở EU, nền tảng ODR trực tuyến được sử dụng trên toàn EU, dựa trên Quy định 524/2013 của EU, đã chính thức ra mắt vào ngày 15/02/2016 (https://ec.europa.eu/) nhằm mục đích phục vụ như một điểm truy cập trực tuyến duy nhất, thân thiện với người dùng để người tiêu dùng gửi các khiếu nại thương mại điện tử của họ tới các thương nhân hoặc các công ty CADR được chứng nhận được liệt kê trên trang web của Ủy ban châu Âu. Có hai nội dung mà nền tảng ODR ở EU có thể vận hành: (1) là nơi các bên trao đổi thông tin và đàm phán (nguyên đơn gửi đơn khởi kiện trực tiếp cho bị đơn qua ODR và các bên tự trao đổi với nhau); (2) là công cụ kết nối với cơ quan giải quyết (bên thứ ba) (nguyên đơn gửi đơn đến ODR – ODR gửi cho bị đơn – bị đơn chấp nhận dùng ODR thì ODR tự động chuyển đơn đến bên thứ 3 là cơ quan giải quyết). Do đó, Việt Nam có thể học hỏi để hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại điện tử trực tuyến như trên hoặc kể cả các vụ án thông thường cũng có thể áp dụng không riêng thương mại điện tử để giảm áp lực, thời gian, chi phí.

Thứ hai, tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ công chức trong lĩnh vực tư pháp là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động tư pháp đặc biệt trong các vấn đề như công nghệ thông tin. Những chủ thể tiến hành tố tụng cần trang bị kiến thức công nghệ tương ứng mới thu thập, xử lý chứng cứ điện tử hiệu quả, xét xử trực tuyến nhanh chóng.

Thứ ba, nâng cấp cơ sở hạ tầng các thiết bị công nghệ, viễn thông đầy đủ, phù hợp để ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp trực tuyến, lưu trữ và truy xuất hồ sơ tố tụng điện tử nhanh chóng đúng với tinh thần cải cách tư pháp.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người dân trong thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại. Tổ chức các đợt tổng kết, rút kinh nghiệm hoặc các chuyên đề, Hội thảo chia sẻ kiến thức, kỹ năng mới trong việc nắm bắt tâm lý các bên... là những điểm mấu chốt trong việc điều hòa, xây dựng môi trường hòa giải thân thiện, thoải mái.

Vi phạm nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có là điều kiện hủy bỏ hợp đồng?

(Kiemsat.vn) - Bài viết nêu tình huống pháp lý và các quan điểm khác nhau về điều kiện hủy bỏ hợp đồng, tuyên bố giao dịch vô hiệu khi có bên đương sự vi phạm nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn một số nội dung trong công tác tiếp nhận, phân loại, thụ lý, xử lý và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt

(Kiemsat.vn) - Việc ban hành Hướng dẫn nhằm thực hiện thống nhất công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt; bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang