Làm thế nào để khắc phục tình trạng bị hại từ chối giám định

08/04/2017 15:51

(kiemsat.vn)
Bị hại trong các vụ, việc hình sự không hợp tác với Cơ quan điều tra, từ chối giám định, nên không có cơ sở để xác định tỉ lệ thương tích làm căn cứ cho việc khởi tố vụ án hình sự, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Từ chối giám định trong vụ án cố ý gây thương tích

Theo thống kê của VKSND tỉnh Bình Định trong 5 năm (2012 – 2016), số vụ, việc gây thương tích mà Cơ quan điều tra không xử lý được do người bị hại từ chối giám định thương tật, chiếm tỷ lệ 69,4% so với số vụ CQĐT tiến hành thụ lý để giải quyết.

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Trong số vụ cố ý gây thương tích, người bị hại từ chối giám định thương tật thì có nhiều vụ gây thương tích do các nhóm thanh niên sử dụng hung khí, có tính chất côn đồ, gây thương tích cho nhiều người với tính chất nghiêm trọng, nhưng khi Cơ quan điều tra thụ lý tin báo về tội phạm, tiến hành điều tra, xác minh thì sau đó người bị hại đã từ chối phối hợp cung cấp thông tin về nội dung vụ, việc và từ chối cả việc giám định thương tật; điển hình như sau:

Do có mâu thuẫn từ trước, nên khoảng 20h00’ ngày 12/6/2016 nhóm thanh niên gồm 14 đối tượng do Lê Trung K (sinh năm 1999), ở thôn T, xã N, huyện A cầm đầu đi trên 05 xe mô tô, cầm theo 13 tuýp sắt và 01 thanh kiếm cùng nhau đi đến nhà của Nguyễn Công T (sinh năm 1998), ở cùng thôn để đánh nhóm bạn của T đang ngồi nhậu tại nhà của T.

Khi đến nơi, một số đối tượng xông vào nhà của T dùng tuýp sắt và kiếm đánh trúng vào người và đầu của N gây thương tích. Thấy vậy, ông Nguyễn Ngọc A (sinh năm 1951) và Nguyễn Ngọc B (sinh năm 1974), là ông ngoại và cậu của T ra can ngăn thì bị nhóm của K dùng tuýp sắt và kiếm đánh trúng vào lưng của ông A và ông B. Hậu quả: N bị chấn thương sọ não, ông A và ông B bị thương ở lưng. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra Công an thị xã A đã có cơ sở chứng minh các đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, bản thân người bị hại đã bị những thương tích cụ thể trên người, mắt thường cũng có thể nhìn thấy rõ. Nhưng khi quyết định trưng cầu giám định đối với họ thì người bị hại làm đơn từ chối giám định tỉ lệ thương tật và yêu cầu không khởi tố vụ án.

Trong vụ cố ý gây thương tích nêu trên cho chúng ta thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc; các đối tượng tụ tập theo kiểu băng nhóm, sử dụng nhiều loại hung khí nguy hiểm; thực hiện hành vi có tính chất côn đồ, hung hãn và gây thương tích cho nhiều người. Nạn nhân bị các vết thương tại vị trí trọng yếu trên  cơ  thể (chấn thương sọ não, thương tích ở gan…), Cơ quan điều tra Công an huyện đã tiến hành thụ lý để điều tra, xử lý về hành vi của bọn chúng. Nhưng sau đó, phía đối tượng đã dùng tiền, bồi thường thỏa đáng cho bị hại, đồng thời nhờ người khác tác động làm cho nạn nhân nghe theo hay đe dọa, trả thù… nên khi Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định thương tích thì nạn nhân đã từ chối, không hợp tác. Do đó, tin báo về tội phạm cố ý gây thương tích trong trường hợp nghiêm trọng rơi vào bế tắc, dẫn đến Cơ quan điều tra buộc phải ra quyết định không khởi tố vụ án. Trong trường hợp này, tội phạm dễ bị bỏ lọt; đối tượng có hành vi côn đồ, coi thường tính mạng, sức khỏe và xem thường pháp luật không được xử lý triệt để mà còn gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân.

Từ chối giám định trong vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

Trong 5 năm (2012 – 2016), theo thống kê của VKSND tỉnh Bình Định, số vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Định mà Cơ quan điều tra không xử lý được do người bị hại từ chối giám định thương tật chiếm tỷ lệ 69,7% so với tổng số vụ mà CQĐT tiến hành thụ lý, giải quyết.

Cũng theo thống kê, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, tuy nạn nhân không tử vong, nhưng hành vi đó đã gây ra  thương tích  khá  nặng cho họ, có nhiều trường hợp rất nghiêm trọng, hậu quả để lại đã làm nạn nhân bị tàn phế. Nhưng sau đó, do được bồi thường thỏa đáng nên họ nghĩ đây là việc rủi ro, ngoài ý muốn, bất cẩn trong cuộc sống nên chấp nhận yêu cầu của người gây tai nạn và bãi nại không yêu cầu xử lý hình sự, nên từ chối giám định thương tích.

Trong thực tiễn xử lý các vụ tai nạn giao thông đường bộ thì có nhiều trường hợp người gây ra tai nạn hoàn toàn có lỗi, thậm chí điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe theo quy định, sử dụng chất kích thích, phóng nhanh, vượt ẩu, xem thường tính mạng và tài sản của người khác, nhưng sau khi xảy ra tai nạn thì phía đối tượng đã thỏa thuận bồi thường hay nhờ người khác tác động với nạn nhân để họ từ chối việc giám định nhằm trốn tránh việc xử lý của pháp luật. Vấn đề này làm cho việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ kém hiệu quả; kỷ cương, phép nước bị coi thường.

Một số kiến nghị

Cần thiết phải quy định rõ và cụ thể về nghĩa vụ của người bị hại trong việc giám định thương tích nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm cho việc xử lý tội phạm triệt để, chống bỏ lọt tội phạm; trên cơ sở đó chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

– Tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 111/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 về Công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác Thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm” và Chỉ thị công tác hàng năm của Viện trưởng VKSND tối cao đối với Ngành KSND; góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

– Liên ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung các điều luật và xây dựng các thông tư liên tịch; phối hợp với Viện Pháp y Quốc gia – Bộ Y tế thống nhất việc trưng cầu giám định và giám định thương tích trên hồ sơ (nếu có); quy định cụ thể việc xử lý đối với trường hợp người bị hại từ chối giám định thương tích, phù hợp với thực tiễn, mang tính thống nhất và bảo đảm thời điểm thực hiện với các quy định của BLTTHS năm 2015 (khi có hiệu lực).

– Tăng cường về nhân lực, gắn với hiệu quả  chất lượng  công  việc, cho nên đề  nghị cần  phải có  những  chuyên gia  đầu ngành xây dựng một số chuyên đề nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực hình sự nói chung và lĩnh vực này nói riêng. Tập huấn chuyên sâu về công tác kiểm sát hình sự cho các KSV; tổng hợp những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để có kiến nghị, rút kinh nghiệm trong toàn ngành; bố trí KSV có kinh nghiệm về công tác hình sự thực hiện công tác tác này, đồng thời có biện pháp ổn định về tổ chức cán bộ, thực hiện chuyên môn hóa trong công tác kiểm sát hình sự để tránh xáo trộn về con người và nhiệm vụ chuyên môn nhằm giải quyết tốt các yêu cầu chỉ tiêu công tác của ngành đề ra hàng năm. Ngoài ra bổ sung thêm các phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong thời gian đến.

– Kiểm sát viên cần phải đánh giá, phân loại vụ việc khi tiếp nhận tin báo để có hướng giải quyết ngay từ đầu. Khi giải quyết vụ, việc hết sức chú ý đến phương pháp vận động, thuyết phục, đối thoại trao đổi với người bị thương tích, đi đôi với việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tố tụng gắn liền với việc chấp hành nghĩa vụ công dân tại địa phương, góp phần thực hiện đúng các quy định pháp luật hình sự trong đời sống xã hội.

Huỳnh Kim Bình

VKSND tỉnh Bình Định

Giám định viên kỹ thuật hình sự được bồi dưỡng 500.000 đồng/ngày

(Kiemsat.vn) – Bồi dưỡng 500.000 đồng/ngày/người đối với những người làm công việc giám định tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

“Chồng em làm nghề Kiểm sát”

(Kiemsat.vn) - Em đã cảm nhận được những bước chân thầm lặng của các anh, các chị làm nghề Kiểm sát cũng vất vả, nhọc nhằn và cũng lắm gian truân để soi cho mọi người chân lý sáng niềm tin, góp phần giữ vững bình yên cho cuộc sống.
lên đầu trang