Hành vi của Nguyễn Viết C cấu thành tội chống người thi hành công vụ

03/11/2017 10:41

(kiemsat.vn)
Qua hành động và thái độ không hợp tác thì C đã đạt được mục đích là làm cho Đoàn công tác không thể thi hành được nhiệm vụ, nên hành vi của C đã đủ dấu hiệu cấu thành tội chống người thi hành công vụ.

Trước tiên cần phải xác định người thi hành công vụ bao gồm những ai? Theo đó người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, nhân viên của các cơ quan nhà nước, hoặc các tổ chức đang thi hành nhiệm vụ được các cơ quan, tổ chức đó giao cho, hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung… và người thi hành công vụ, phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật.

Hành vi của Nguyễn Viết C cấu thành tội chống người thi hành công vụ

Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Thứ hai, phải xác định thế nào là hành vi chống người thi hành công vụ? Chống người thi hành công vụ, là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi chống lại người thi hành công vụ là hành vi xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức và có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự , nhân phẩm, uy tín của chính những người thi hành công vụ.

Trở lại với nội dung vụ việc, có thể thấy đây là lỗi cố ý trực tiếp nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ. Cụ thể, C đã biết ông A là Thẩm phán đang thụ lý để giải quyết vụ việc của mình, vì giữa hai người đã có một lần gặp nhau để làm việc tại trụ sở Tòa án. Ông A tới nhà C cùng với Đoàn công tác để thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự đều đảm bảo và theo đúng pháp luật, trước khi tới Đoàn công tác cũng đã thông báo trước cho C, nên C không thể nói là không biết ai và đến nhà làm gì.

Hành vi cản trở người thi hành công vụ của C ở đây là đã có những lời nói khó nghe xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ công tác, hơn nữa có thái độ chống đối với những hành động không hợp tác cùng ông A (Thẩm phán) và đuổi Đoàn công tác ra khỏi nhà, làm cho Đoàn công tác không thực thi được nhiệm vụ như: hắt cốc nước sôcôla, chỉ tay vào mặt ông A… Những hành vi này của C tuy chưa gây ra thiệt hại gì cho Đoàn công tác, nhưng về tính chất hành vi, có thể thấy đây là một sự xem thường và xúc phạm tới nhiệm vụ, công việc và danh dự, uy tín của người đang thực thi công việc. Hơn nữa đó là sự xem thường kỷ cương, pháp luật của nhà nước.

Qua những hành động và thái độ không hợp tác như vậy thì C đã đạt được mục đích là làm cho Đoàn công tác không thể thi hành được nhiệm vụ. Nên hành vi của C đã đủ dấu hiệu cấu thành tội chống người thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ.

Cao Văn Huynh

TAQS khu vực 2 Quân Khu 4, Thừa Thiên – Huế

Bài viết có liên quan >>>

Tội Chống người thi hành công vụ hay tội Làm nhục người khác?

B, C, D phạm tội Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng

(Kiemsat.vn) – Theo tác giả, hành vi của B,C,D đã trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, làm trở ngại cho hoạt động bình thường của người thi hành công vụ, nên phạm cả hai tội.

Đuổi đánh người thi hành công vụ để giải cứu bạn thì phạm tội gì?

(Kiemsat.vn) - Thấy B bị tổ tuần tra áp giải về trụ sở để giải quyết vụ việc; C, D là bạn của B đã dùng hung khí đánh người thi hành công vụ, gây tổn hại 25% sức khỏe. Vậy B,C,D phạm tội gì?
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang