Đuổi đánh người thi hành công vụ để giải cứu bạn thì phạm tội gì?

09/05/2017 10:58

(kiemsat.vn)
Thấy B bị tổ tuần tra áp giải về trụ sở để giải quyết vụ việc; C, D là bạn của B đã dùng hung khí đánh người thi hành công vụ, gây tổn hại 25% sức khỏe. Vậy B,C,D phạm tội gì?

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Thực hiện Kế hoạch tuần tra của Chủ tịch UBND xã D, huyện K, tỉnh T, khoảng 21h ngày 25/12/2016, tổ tuần tra Công an xã D gồm 4 đồng chí do đồng chí M làm tổ trưởng, đi trên 02 xe mô tô, thực hiện tuần tra trên tuyến đường liên thôn (từ thôn 1 đến thôn 2 thuộc địa bàn xã D), thì phát hiện Trần Văn B, Nguyễn Văn C và Bùi Văn D đi trên 02 xe mô tô ngược chiều không đội mũ bảo hiểm, lạng lách và rú còi xe.

Thấy vậy đồng chí M chỉ đạo tổ tuần tra đuổi theo, yêu cầu B, C và D dừng xe để kiểm tra và nhắc nhở. Trong quá trình nhắc nhở, kiểm tra, B đã có lời lẽ lăng mạ tổ tuân tra Công an xã, nên tổ tuần tra yêu cầu và áp tải đưa B cùng xe mô tô do B điều khiển về trụ sở UBND xã D để tiến hành làm việc.

Thấy B bị tổ tuần tra đưa về trụ sở UBND xã nên Nguyễn Văn C và Bùi Văn D điều khiển xe mô tô quay trở về nhà D tại thôn 2, xã D lấy 02 thanh kiếm bằng kim loại dài 80cm, bản rộng 5cm và 02 đoạn tuýp sắt Φ 3cm, dài 60cm, quay trở lại UBND xã D với mục đích đuổi đánh, chống đối lại lực lượng Công an xã D để giải cứu B. Khi đến UBND xã, C và D cầm theo các hung khí mang theo chạy vào phòng làm việc của Công an xã và hô “đánh bỏ mẹ chúng nó đi”, lúc này tại phòng làm việc B đang làm việc với 04 đồng chí Công an xã, thấy D và C cầm hung khí xông vào, B vùng dậy và giật từ tay D một đoạn tuýp cùng C, D đuổi đánh 04 đồng chí Công an xã. Do bị B, C, D đuổi đánh nên cả 04 đồng chí chạy theo lối cửa sau của phòng làm việc ra ngoài sân, ra đến ngoài sân (cách phòng làm việc khoảng 15m) thì B đuổi kịp đồng chí M nên B dùng đoạn tuýp sắt vụt 02 nhát vào cánh tay phải đồng chí M, còn C và D tiếp tục đuổi theo 03 đồng chí Công an chạy ra ngoài đường. Sau đó B, C, D lên 01 xe mô tô bỏ chạy về nhà. Kết quả giám định đồng chí M bị gãy cẳng tay phải, tổn hại sức khỏe là 25%, các đồng chí Nguyễn Đức N, Bùi Văn B và Lê Đức P không bị thương tích gì.

Hiện có 03 quan điểm giải quyết vụ việc nêu trên như sau:

Quan điểm 1: Cho rằng hành vi của B, C, D phạm tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 104, Điều 257 BLHS. Vì B, C, D cùng tiếp nhận ý chí từ nhau là đuổi đánh 04 đồng chí công an xã nên cả 03 đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích” (hành vi gây thương tích đối với đồng chí M) và cùng đồng phạm về tội “Chống người thi hành công vụ” (hành vi đuổi đánh 03 đồng chí Công an N,B,P nhưng không đánh được, đối với hành vi đuổi đánh đồng chí M).

Quan điểm 2: Cho rằng hành vi của B, C, D phạm tội “Cố ý gây thương tích”; tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 104; Điều 245; Điều 257 BLHS. Lập luận như quan điểm 1 và bổ sung do hành vi của các đối tượng đã làm cản trở hoạt động bình thường của Công an xã nên phạm thêm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Quan điểm 3: Cho rằng hành vi của B, C, D phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104 BLHS. Vì mục đích các đối tượng là đánh và giải cứu B nên chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo quan điểm của tôi ở tình huống này để định tội đối với B, C, D, chúng ta cần xác định “khách thể của tội phạm bị xâm phạm là gì?”

Theo tôi ở tình huống này, khách thể của tội phạm là sức khỏe của đồng chí M và việc thực hiện nhiệm vụ của các đồng chí công an. Do đó tôi đồng tình với quan điểm 1 cần phải khởi tố để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử B, C, D về tội “Cố ý gây thương tích” và tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 và khoản 1 Điều 257 BLHS. Bởi lẽ hành vi của các đối tượng đã thỏa mãn các dấu hiệu phạm tội của 02 tội nêu trên. C và D đã bàn bạc về việc mang hung khí để “đuổi đánh lực lượng công an xã để giải cứu cho B”, mặc dù B không được bàn bạc nhưng khi thấy C, D mang hung khí đến B đã giật tuýp sát từ C, đuổi đánh lực lượng Công xã. Như vậy B đã tiếp nhận ý chí từ C, D và thực tế B chính là người trực tiếp gây thương tích cho đồng chí M. Do đó với việc đồng chí M bị thương tích 25% nên B, C, D cùng đồng phạm về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104, còn với 03 đồng chí công an xã bị đuổi đánh nhưng không bị thương tích thì B, C,D cùng đồng phạm về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 257 BLHS, vì cả 03 đã có hành vi đuổi, cản trở việc thi hành công vụ của 03 đồng chí này.

Nguyễn Hữu Cảnh

Thanh tra VKSNDTC

Chống người thi hành công vụ gây thương tích dưới 11% xử lý theo tội danh nào?       

(Kiemsat.vn) - Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án chống người thi hành công vụ cho thấy có một số quan điểm không thống nhất về việc áp dụng điều luật đối với hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ với tỷ lệ dưới 11%.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang