Bàn về xét xử lưu động vụ án hình sự
(kiemsat.vn) Hiện nay, xét xử lưu động được xem là một trong những biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong một Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới việc đề cao quyền con người, quyền công dân đặt ra vấn đề nên duy trì các phiên tòa xét xử lưu động như thế nào để đảm bảo mục tiêu trên.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Sẽ đề xuất dừng các phiên tòa xét xử lưu động
Hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện
Thời gian qua, Báo công lý và một số báo khác đã nhiều lần đề cập đến vấn đề xét xử lưu động các vụ án hình sự và nhận định: Hiện nay, xét xử lưu động được xem là một trong những biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đông đảo quần chúng nhân dân...
Tuy nhiên, trong một Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới việc đề cao quyền con người, quyền công dân thì đặt ra vấn đề nên duy trì các phiên tòa xét xử lưu động như thế nào để đảm bảo mục tiêu trên. Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại cuộc họp báo đầu năm 2018 của Tòa án nhân dân tối cao (đăng trên báo Dân trí điện tử ngày 31/01/2018) thì việc xét xử lưu động rất tốn kém và việc tổ chức bảo vệ phiên tòa hết sức khó khăn... và hiện nay cũng có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Ảnh minh họa - internet
Nhiều ý kiến cho rằng, trước đây, do điều kiện còn khó khăn nên để tuyên truyền pháp luật, chúng ta phải đến tận nơi để xét xử, nhưng với trình độ công nghệ thông tin hiện nay, không nhất thiết phải đến tận nơi mới tiếp cận được thông tin phiên tòa. Việc đưa phiên tòa lưu động đến các nơi xảy ra vụ án thì cũng có lợi về mặt tuyên truyền nhưng cũng có những bất lợi khác. Chẳng hạn như tính nghiêm minh của phiên tòa khi xử ngoài phòng xét xử; quyền con người theo quy định của Hiến pháp, bị cáo đưa ra tòa chưa chắc đã có tội sẽ ảnh hưởng đến quyền con người, quyền của những người thân thích, cha mẹ, con cái... Vì vậy, không nên tiếp tục xét xử lưu động vụ án hình sự bởi những hệ lụy mà nó mang lại nhiều hơn là ý nghĩa về mặt tuyên truyền, giáo dục pháp luật mà nên phát huy những phương pháp khác để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chứ không nên sử dụng hoạt động xét xử để thực hiện mục đích tuyên truyền ngay tại phiên tòa, làm như vậy dễ vi phạm những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc công bằng, bình đẳng... Nên việc xét xử lưu động là vấn đề cần phải xem xét thêm.
Theo quan điểm của cá nhân, chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn, đánh giá thật đầy đủ để việc vận dụng, phối hợp giữa chuyên môn nghiệp vụ với các hoạt động tuyên truyền khác đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ nhất, nhìn nhận về mặt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, mặc dù hiện nay đã có rất nhiều kênh thông tin để đông đảo người dân theo dõi được một số vụ án, nhưng chỉ là một số; còn lại một số đông khác không theo dõi qua các kênh thông tin đó, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng dân tộc ít người và ngay ở đô thị thì việc theo dõi thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng không thể được toàn diện thông qua các kênh thông tin đại chúng hoặc trực tiếp.
Qua thực tiễn xét xử lưu động một số vụ án xảy ra tại những vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng dân tộc ít người, một số người sau khi được theo dõi trực tiếp đã thổ lộrằng, nếu không có phiên tòa đó thì có nhiều vấn đề họ không hiểu thì qua đó mới hiểu được, còn nghe hay xem qua một số nguồn tin thì có cái đúng, có cái không đúng nên không biết đâu mà tin. Đặc biệt qua xét xử lưu động vụ án hình sự, không riêng đạt hiệu quả cao về mặt nhận thức pháp luật của người dân mà còn rất hiệu quả trong việc răn đe, phòng ngừa tội phạm. Chính vì vậy, ngoài các hình thức tuyên truyền khác, thì thông qua việc xét xử lưu động vụ án hình sự, tức là kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn để tuyên truyền sẽ càng nâng cao được hiệu quả.
Thứ hai, nhìn nhận về mặt công bằng, thì xét xử công khai với xét xử lưu động đều là hình thức công khai, chỉ khác về địa điểm mà thôi; bởi vì đối tượng được phép tham dự phiên tòa không khác nhau. Nhưng việc xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án sẽ có ý nghĩa quan trọng, bởi chính những người đang sinh sống ở nơi xảy ra vụ án, một số người họ không nắm được các tình tiết cụ thể mà được nghe qua nhiều thông tin khác nhau, thuận chiều có, trái chiều cũng có nên gây ra sự tò mò, khó hiểu. Vì vậy, thông qua xét xử vụ án, họ sẽ nắm được rõ, được trực tiếp chứng kiến, giám sát việc xét xử vụ án có đúng pháp luật, đúng với tính chất, mức độ và người phạm tội hay không.
Còn xử lý nghiêm hay không nghiêm, công bằng hay không, thì dù xét xử ở đâu, công khai hay xét xử kín, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên...vẫn phải tuân theo nguyên tắc của pháp luật; khi quyết định hình phạt cũng phải cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự như nhau.
Thứ ba, nhìn nhận về góc độquyền con người, quyền công dân thì chúng ta đều phải tôn trọng. Nhà nước đã có chính sách, pháp luật để bảo đảm, nếu người nào có sự hy sinh, đóng góp cho lợi ích Quốc gia, cho xã hội thì đều được tôn vinh, nêu gương trước công chúng; nhưng chúng ta cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích Quốc gia, dân tộc, lợi ích của công dân... nếu người nào phạm tội cũng phải xử lý nghiêm khắc, công khai cho công chúng biết để rút kinh nghiệm và cũng để đảm bảo nguyên tắc “có thưởng, có phạt”.
Cho nên, khi đưa ra xét xử lưu động đối với bất kỳ vụ án nào, đối với nghi phạm nào và tại địa điểm nào, chúng ta không nên coi là vi phạm mà phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và phải được càng nhiều người dân tham dự, thì càng thể hiện được tính dân chủ cao, thể hiện được sự giám sát sâu, rộng và trực tiếp của nhân dân đối với việc xét xử vụ án. Có càng nhiều người tham dự, giám sát thì những người tiến hành tố tụng càng phải thể hiện hết trách nhiệm của mình và không thể làm sai. Còn ý nghĩ cho là bị “bêu” trước công chúng, thì dù hình thức tuyên truyền nào, việc đưa thông tin, kết quả xử lý vụ án ra công chúng đều bị coi là “bêu” rồi. Mặt khác, thời gian qua, có rất nhiều vụ án khi mới xảy ra, đối tượng nghi vấn mới bị bắt giữ thì nhiều kênh báo chí đã thông tin rộng rãi và cơ bản đầy đủ nội dung, đối tượng, thậm chí còn nhận xét, đánh giá...
Với suy nghĩ như vậy, tôi thấy cần thiết phải tiếp tục duy trì việc xét xử lưu động vụ án hình sự. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là Tòa án trước khi quyết định việc xét xử lưu động đối với vụ án nào thì phải cân nhắc, lựa chọn và phối hợp thật tốt với nhau để đảm bảo tính hiệu quả cao nhất về mọi mặt.
Khúc Văn Lâm
VKSND huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh
Xem thêm >>>
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.