Vướng mắc trong việc xử lý hành vi đánh bạc dưới hình thức đá gà

28/05/2023 08:00

(kiemsat.vn)
Hành vi đánh bạc diễn ra phổ biến với nhiều hình thức đa dạng, tinh vi, ngoài việc xử lý người tổ chức đánh bạc thì người tham gia đánh bạc cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức “đá gà” hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất trong thực tiễn.

Nội dung vụ án:

Khoảng 08 giờ ngày 27/3/2022, H, Q, M và T tổ chức đánh bạc dưới hình thức đá gà thắng thua bằng tiền tại sân nhà H. Con gà của M và con gà của Q được lựa chọn cho vào sới gà để đá với nhau.

H đã tổ chức cho 41 người tham gia cá cược dưới hình thức đá gà thắng thua bằng tiền với tổng số tiền mà những người tham gia đánh bạc là 647 triệu đồng, để được hưởng 70% trong tổng số 10% tiền thắng giữa các kèo cá cược; Q đã ghi biện gà được 49 kèo cá cược cho 17 người tham gia đánh bạc với tổng số tiền là 419 triệu đồng, để được hưởng 30% trong tổng số 10% tiền thắng giữa các kèo cá cược; M đã ghi biện gà được 41 kèo cá cược cho 24 người tham gia đánh bạc với tổng số tiền là 227 triệu đồng, để được hưởng 30% trong tổng số 10% tiền thắng giữa các kèo cá cược; T sử dụng đồng hồ treo tường để canh giờ, báo hiệu bắt đầu và kết thúc các hiệp đá gà để được hưởng lợi số tiền 200 nghìn đồng sau khi trận gà kết thúc.

H tham gia cá cược 13 kèo, theo tỉ lệ 5 triệu đồng ăn 2,5 triệu đồng; H đã dùng số tiền là 164 triệu đồng để cá cược trong tổng số tiền các con bạc cá cược là 225 triệu đồng; L tham gia cá cược 12 kèo, L dùng số tiền 57,5 triệu đồng để cá cược trong tổng số tiền các con bạc cá cược là 99 triệu đồng; Đ tham gia cá cược 15 kèo, Đ dùng số tiền 46,5 triệu đồng để cá cược trong tổng số tiền các con bạc cá cược là 93,3 triệu đồng… Đến khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, khi trận đá gà đang diễn ra thì bị Tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thành phố N phát hiện và bắt quả tang.

Cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Q truy tố bị can H về Tội đánh bạc và Tội tổ chức đánh bạc, quy định tại các điểm b, d khoản 2 Điều 321, điểm d khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015); Q, M, T về Tội tổ chức đánh bạc quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 322 BLHS; L, Đ về Tội đánh bạc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015. Ngoài ra, tại sới gà còn có một số người tham gia đánh bạc nhưng không rõ thông tin, địa chỉ, đã bỏ trốn, được Q, M ghi trong biện gà, Cơ quan điều tra đang xác minh làm rõ, khi nào bắt giữ được sẽ xử lý sau.

Việc xác định số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc là tổng số tiền các bị cáo cá cược với nhau trong trận đá gà (ví dụ: Số tiền đánh bạc của H ở kèo thứ nhất là 05 triệu đồng cộng với 2,5 triệu đồng là 7,5 triệu đồng,… tổng cộng 13 kèo là 225 triệu đồng) làm căn cứ định tội cũng như xác định điều khoản truy tố. Vấn đề này hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc xác định số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc như trên là có căn cứ. Trong vụ án này, việc các con bạc cá cược trực tiếp với nhau được thua bằng tiền với hình thức đá gà không có chủ bạc (nhà cái) thì dựa trên tinh thần tại khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 BLHS năm 1999 (gọi tắt Nghị quyết số 01/2010).

Theo đó, điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP quy định: … “4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”.

Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này quy định: … 3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc bao gồm:

a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc”.

Bên cạnh đó, Mục 13 Công văn số 89/TANDTC- PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử để xác định số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc (Công văn số 89/2020) hướng dẫn: Trong vụ án đánh bạc, tùy vào vụ việc cụ thể mà xác định trách nhiệm hình sự và mức hình phạt của các bị cáo. Cụ thể: Đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm...) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc.

Ngoài ra, quan điểm này cũng cho rằng để xác định hành vi đánh bạc dưới hình thức đá gà mà nếu chỉ có sự được thua bằng tiền giữa những người chơi đá gà với nhau thì phải xác định đó là chiếu bạc. Nếu có người đứng ra làm cái và những người chơi đá gà được thua bằng tiền với người đó thì xác định là đánh bạc dưới hình thức cá độ.

Do đó, cần xác định số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc trong vụ án trên là tổng số tiền của những người cùng cá cược với nhau.

Quan điểm thứ hai cho rằng, xét tính chất hành vi và hình thức đánh bạc trong vụ án này, các con bạc cá cược thắng - thua bằng tiền với hình thức “đá gà” theo tỉ lệ thắng, thua tự giao kèo với nhau, về bản chất hình thức cá độ tương tự như đua ngựa... Trong quá trình thực hiện hành vi cá cược, các con bạc chưa thực hiện việc giao nhận tiền mà số tiền cá cược thể hiện trên tờ biện gà, sau khi trận đấu gà kết thúc người ghi biện có trách nhiệm thu tiền của người thua đưa lại cho người thắng nên không xác định đây là số tiền thu trực tiếp tại chiếu bạc. Do đó, các con bạc không cá cược với chủ bạc, tuy nhiên việc xác định số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc trong vụ án này cần áp dụng quy định điểm b Mục 5.1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010.

Điểm b Mục 5.1 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010 quy định: “Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ”. Do đó, trong vụ án này khi trận đá gà chưa kết thúc, Cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn thì số tiền dùng vào việc đánh bạc của từng bị cáo là tổng số tiền họ bỏ ra cá độ.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, trong vụ án trên, các con bạc cá cược với nhau thông qua người trung gian (ghi biện); kết quả thắng - thua chỉ được xác định khi có con gà thắng thì trách nhiệm của người ghi biện phải thu tiền của người thua chung cho người thắng và giữ lại 10% tiền hoa hồng theo quy ước. Như vậy, trận đá gà đang diễn ra thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt quả tang (chưa có kết quả thắng - thua). Việc xác định số tiền đánh bạc đối với từng bị can sẽ liên quan trực tiếp đến vấn đề áp dụng pháp luật quy định tại Điều 321 BLHS năm 2015. Ví dụ trường hợp của Đ, Viện kiểm sát xác định số tiền bị cáo Đ dùng vào việc đánh bạc là tổng số tiền đặt cược và thắng cược là 93,3 triệu đồng nên bị can Đ bị truy tố về Tội đánh bạc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015; nếu chỉ xác định số tiền dùng vào việc đánh bạc theo quan điểm thứ hai thì số tiền bị can Đ dùng vào việc đánh bạc là 46,5 triệu đồng thì bị can Đ chỉ bị truy tố về Tội đánh bạc quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015.

Trong vụ án này, kết quả trận đá gà đang diễn ra thì bị bắt quả tang (chưa phân định thắng - thua), nếu như kết quả thua thì sẽ không nhận được số tiền cá cược (Ví dụ cược 05 triệu đồng ăn 03 triệu đồng, kết quả thắng nhận được 03 triệu đồng từ người thua; nếu thua phải chung cho người thắng 05 triệu đồng), việc cộng tổng số tiền cá cược khi chưa phân định kết quả thắng - thua trong trận đá gà như trên là hoàn toàn bất lợi cho từng bị can. Như vậy, cần xác định trong trường hợp cá độ đá gà trong vụ án trên tương tự như trường hợp người chơi số đề, cá độ… không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

Ngoài ra, trong vụ án này, nhiều đối tượng khác tham gia đánh bạc đã bỏ trốn, đến nay không xác định được thông tin, lai lịch nhưng số tiền cá cược của những người này thể hiện trong tờ biện gà được Q và M ghi lại. Về nội dung này còn có các quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc xác định cả số tiền những người tham gia cá cược không xác định lai lịch, thông tin làm căn cứ truy tố các bị can H, Q, M và T về Tội tổ chức đánh bạc là bất lợi cho các bị can.

Quan điểm thứ hai cho rằng, số tiền ghi trên 02 tờ biện gà là chứng cứ khách quan, các bị can ghi biện xác định nội dung tờ biện gà là đúng diễn biến thực tế hành vi đánh bạc của các bị can nên cần phải xác định số tiền của đối tượng này để đánh giá, giải quyết toàn diện vụ án.

Theo tác giả, đối với hành vi tổ chức đánh bạc, việc xác định số tiền của những người tham gia cá cược không xác định được lai lịch, thông tin làm căn cứ định lượng để xác định tính chất mức độ hành vi phạm tội tổ chức đánh bạc đối với người phạm tội là phù hợp. Bởi lẽ, khi trận đá gà đang diễn ra thì bị lực chức năng phát hiện và bắt quả tang, tuy người tổ chức đánh bạc không thừa nhận và một số đối tượng đã bỏ chạy, không xác định được lai lịch nhưng số tiền đánh bạc được thể hiện trong giấy ghi biện gà; đồng thời cũng phù hợp với lời khai của 02 người ghi biện gà, vì vậy cần phải xác định tổng số tiền ghi trong “biện gà” để làm căn cứ xác định tội danh đối với các bị can trong Tội tổ chức đánh bạc là đúng quy định.

Vụ 11 VKSND tối cao phát hiện, xử lý một số vi phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự

(Kiemsat.vn) - Nhiều vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án đã được VKSND tối cao (Vụ 11) kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.

VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

(Kiemsat.vn) - Nhận thấy Bản án hành chính phúc thẩm số 641/2018/HC-PT ngày 28/11/2018 của TAND cấp cao tại HN có nhiều vi phạm, VKSND tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKS-HC đề nghị hủy Bản án hành chính phúc thẩm số 641/2018/HC-PT, giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp cao tại HN để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang