VKSND tỉnh An Giang: Giải pháp hạn chế án trả hồ sơ để điều tra bổ sung
(kiemsat.vn) Chế định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung là một hoạt động tố tụng được quy định tại Điều 245, Điều 280 BLTTHS và được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Phóng viên kiemsat.vn có buổi trao đổi với Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang xung quanh vấn đề này.
PV: Xin Viện trưởng cho biết tình hình trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong năm 2018 ở tỉnh An Giang như thế nào?
Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang Lê Xuân Hải: Năm 2018, Viện kiểm sát hai cấp đã trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung 03 vụ 04 bị can trên tổng số 659 vụ 957 bị can đề nghị truy tố, chiếm tỷ lệ 0,46%, tăng 01 vụ so với năm 2017. Lý do trả: Do thiếu chứng cứ và có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội.
Tòa án hai cấp trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung 07 vụ/35 bị cáo. Số vụ án Tòa án trả được Viện kiểm sát chấp nhận là 04 vụ/30 bị can trên tổng số 853 vụ 1260 bị can Viện kiểm sát đã truy tố, chiếm tỷ lệ 0,47%, giảm 08 vụ so với năm 2017 (04/12 vụ). Lý do trả: Thiếu chứng cứ.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ năm 2018 cho Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành Kiểm sát nhân dân. |
PV: Thưa Ông, với thực trạng trên thì Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến việc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh An Giang trong thời gian qua (bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan)?
Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang Lê Xuân Hải: Về nguyên nhân chủ quan: Có thể nói có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung vào một số nguyên nhân: Một số Điều tra viên thụ lý điều tra vụ án chưa làm hết trách nhiệm để bảo đảm việc điều tra khách quan, toàn diện đúng thời hạn theo quy định, mà giao cho cán bộ điều tra nhưng không kiểm tra, dẫn đến sai sót trong quá trình điều tra làm rõ vụ án, như: Thu thập tang vật có dấu vết nhưng không niêm phong, tang vật thu được không theo trình tự tố tụng...
Ý thức trách nhiệm của một số Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án chưa cao, chưa bám sát việc kiểm sát điều tra ngay từ đầu, đề ra yêu cầu điều tra sơ sài, không bám sát nội dung vụ án, không theo dõi tiến độ điều tra nên không phát hiện được hồ sơ cần điều tra thêm những vấn đề gì về chứng cứ, thủ tục tố tụng để yêu cầu điều tra toàn diện, sát đúng với thực tế vụ án. Bên đó, có phần do Kiểm sát viên do trình độ năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong việc điều tra xử lý các vụ án hình sự, chậm phát hiện những vi phạm thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu; Kiểm sát viên (ở cấp huyện) phải kiêm nhiệm giải quyết nhiều công việc hình sự, dân sự, thi hành án... nên không quán xuyến hết công việc được giao.
Lãnh đạo một số đơn vị chưa chủ động phối hợp tốt với Thủ trưởng Cơ quan điều tra, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tố tụng, để Kiểm sát viên tiếp cận hồ sơ một cách thuận lợi ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin tội phạm và vụ án mới khởi tố, từ đó chủ động đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án hoặc có những ý kiến định hướng điều tra đúng trọng tâm, dẫn đến thiếu sót, vi phạm tố tụng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trách nhiệm của một số Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm, đôi lúc do nhiều việc, nên chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; nhận thức trong đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, dẫn đến có nhiều nội dung yêu cầu điều tra bổ sung chỉ là những thiếu sót giản đơn có thể khắc phục được tại Tòa, không cần thiết phải trả hồ sơ, nhưng Tòa vẫn trả hồ sơ, dẫn đến Viện kiểm sát không chấp nhận giữ quan điểm truy tố, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Về nguyên nhân khách quan: Tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn phạm tội tinh vi, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thường là những vụ án phức tạp, các chứng cứ tài liệu ban đầu chưa rõ ràng. Trong quá trình điều tra, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án hoặc những nội dung có mâu thuẫn mà chỉ tập trung thu thập các tài liệu buộc tội.
Hệ thống văn bản dưới luật còn nhiều mâu thuẫn, dẫn đến cách hiểu khác nhau nên việc thực hiện chưa thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng.
Quan điểm đánh giá chứng cứ, tội danh, đường lối xử lý của một số Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chưa thống nhất, còn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc trả hồ sơ không đúng, không cần thiết.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 20 đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2018 |
Năm 2018, VKSND tỉnh An Giang là một trong 20 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
PV: Xin Viện trưởng cho biết các giải pháp để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong các vụ án hình sự ?
Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang Lê Xuân Hải: Một là, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
Hai là, nâng cao trách nhiệm, vai trò của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, nhất là thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử theo Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT ngày 22/12/2017 của Liên ngành Trung ương, quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT ngày 19/10/2028 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ba là, nâng cao trách nhiệm, vai trò của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
Bốn là, tăng cường nghiên cứu, tổng kết đúc rút kinh nghiệm về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
PV: Bên cạnh những giải pháp đưa ra, thì viện trưởng có những đề xuất kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả trong công tác điều tra, truy tố và xét xử những vụ án hình sự ?
Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang: Đề nghị Liên ngành Trung ương và Viện kiểm sát dân tối cao hướng dẫn một số nội dung sau: Theo Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT ngày 22/12/2017 của Liên ngành Trung ương, quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung có quy định để chứng minh “đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định lý lịch của bị can, bị cáo (điểm h khoản 2 Điều 3 của Thông tư) mà nếu thiếu chứng cứ này thì xem xét trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Thực tiễn có bị can, bị cáo phạm tội (chủ yếu phạm tội về ma túy, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) là người nước ngoài (có quốc tịch Campuchia) rất khó xác định về nhân thân, không làm rõ được tiền án, tiền sự, quá trình hoạt động của bị can, bị cáo tại nước mà họ mang quốc tịch và việc tương trợ tư pháp trong những trường hợp này hầu như không có kết quả, nên gặp khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.
Sớm có hướng dẫn thống nhất việc áp dụng một số tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm, như: Tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” trong tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015; cơ sở xác định khối lượng chất ma túy để định khung hình phạt trong trường hợp chất ma túy thu giữ là viên nén có từ 02 chất ma túy trở lên nhưng không được quy định chung trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thường xuyên mở các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác pháp luật (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán...); cũng như các thông báo rút kinh nghiệm, để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, trình độ nghiệp vụ và đề cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Xin cảm ơn đồng chí Viện trưởng!
-
1Một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép
-
2Cần hoàn thiện quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
-
3Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
-
4Quy định về đương nhiên xóa án tích - bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
5VKSND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến vụ án dân sự phúc thẩm “Đòi quyền sử dụng đất nhà thờ họ”
-
6VKSND huyện Phú Hòa kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính
Bài viết chưa có bình luận nào.