Về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

21/09/2022 08:00

(kiemsat.vn)
Quy định về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã khắc phục được vướng mắc trong trường hợp hết thời hạn kiểm tra, xác minh nhưng chưa đủ cơ sở để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn một số bất cập liên quan đến căn cứ tạm đình chỉ, thẩm quyền phục hồi sau khi tạm đình chỉ… cần sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tiễn.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây viết tắt là BLTTHS năm 2015), khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (20 ngày kể từ ngày tiếp nhận; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng; trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh, Viện kiểm sát có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng), cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải ra 01 trong 03 quyết định: Khởi tố vụ án hình sự; không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Quy định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết nguồn tin về tội phạm trường hợp đã áp dụng đầy đủ các hoạt động kiểm tra, xác minh nhưng chưa đủ căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự; tuy nhiên, quy định này vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Một số tồn tại, hạn chế

- Về căn cứ tạm đình chỉ:

Theo khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015, tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố khi có căn cứ thuộc một trong các trường hợp: (1) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; (2) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả; hoặc (3) Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Vậy khi không có căn cứ tạm đình chỉ, nhưng cũng không có căn cứ để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án thì giải quyết thế nào? Ví dụ: Cơ quan điều tra (CQĐT) chưa xác định được người bị tố giác, đã thông báo truy tìm nhưng chưa có kết quả, do vậy không thể triệu tập để lấy lời khai. Khi chưa triệu tập và lấy được lời khai thì chưa có căn cứ xác định dấu hiệu của tội phạm để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự; cũng không có căn cứ tạm đình chỉ theo khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015.

Theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ Công an về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (Thông tư số 28/2020), trong trường hợp trên, CQĐT sẽ có công văn trao đổi, thống nhất quan điểm tạm đình chỉ với Viện kiểm sát. Nhưng thực tế, vẫn có Viện kiểm sát không thống nhất với lý do không có căn cứ tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật vì Thông tư số 28/2020 không phải là Thông tư liên tịch, đối tượng áp dụng chỉ bao gồm CQĐT và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, không bao gồm Viện kiểm sát và CQĐT trong Quân đội nhân dân. Do vậy, Viện kiểm sát và CQĐT trong Quân đội nhân dân khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không chịu sự điều chỉnh của Thông tư này.

Để giải quyết vấn đề này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Hướng dẫn liên ngành số 2010/HDLN ngày 18/5/2021 giải đáp vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, vụ việc tạm dừng giải quyết (Hướng dẫn liên ngành số 2010). Theo tiểu mục 2, Mục I Hướng dẫn này thì: “Về nguyên tắc, trường hợp hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo nguyên tắc có lợi cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.

Như vậy, giữa Thông tư số 28/2020 và Hướng dẫn liên ngành số 2010 có sự không thống nhất. Nếu Thông tư số 28/2020 hướng dẫn tạm đình chỉ thì Hướng dẫn liên ngành số 2010 hướng dẫn không khởi tố. Trường hợp này cũng chưa được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2021). Do đó, đây là vấn đề vướng mắc trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Về thẩm quyền phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm sau khi tạm đình chỉ:

Điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; khoản 1 Điều 148 quy định Viện kiểm sát có quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 149 BLTTHS năm 2015 thì: “Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.

Như vậy, thẩm quyền phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chỉ bao gồm CQĐT và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và ra quyết định tạm đình chỉ thì cũng không có thẩm quyền ra quyết định phục hồi. Đây là bất cập trong quy định của BLTTHS năm 2015.

- Về số lần tạm đình chỉ:

Khoản 1 Điều 149 BLTTHS năm 2015 quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi. Vấn đề đặt ra là: Hết thời hạn 01 tháng, CQĐT vẫn chưa đủ căn cứ để làm rõ; việc chưa làm rõ được là do nguyên nhân khách quan và xuất hiện căn cứ tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật thì có tiếp tục tạm đình chỉ hay không?

Ví dụ: Cơ quan điều tra tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác về tội phạm do đã yêu cầu định giá tài sản nhưng chưa có kết quả. Trước khi tạm đình chỉ, CQĐT đã thu được mẫu giám định nhưng chưa thu được mẫu so sánh do người có mẫu so sánh đang ở nước ngoài. Trường hợp này CQĐT chưa thể ra quyết định trưng cầu giám định. Sau khi tạm đình chỉ việc giải quyết, người có mẫu so sánh từ nước ngoài trở về Việt Nam, CQĐT phải phục hồi việc giải quyết mới được thu mẫu so sánh. Tuy nhiên, thời hạn giải quyết sau phục hồi là 01 tháng, trong thời hạn này vẫn có thể chưa có kết luận giám định do thời hạn giám định có thể kéo dài đến 03 tháng. Vậy, hết thời hạn giám định nhưng chưa có kết luận giám định thì CQĐT có được tạm đình chỉ tiếp hay không? Nếu được thì số lần tạm đình chỉ là bao nhiêu?

Theo quy định của BLTTHS về căn cứ, thẩm quyền tạm đình chỉ (Điều 148) và thẩm quyền, thời hạn giải quyết sau khi phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 149) thì không giới hạn số lần tạm đình chỉ. Tiểu mục 5 Mục I Hướng dẫn liên ngành số 2010 cũng giải đáp: “Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định số lần tạm đình chỉ giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Việc tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần phải thực hiện đúng quy định tại Điều 148, Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”. Tuy nhiên, nếu tạm đình chỉ sau đó phục hồi, phục hồi rồi lại tạm đình chỉ sẽ dẫn đến việc giải quyết kéo dài, hoặc xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.

- Về số lần hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ:

Theo khoản 2 Điều 148 BLTTHS năm 2015, trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết. Thời hạn giải quyết tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày cơ quan thụ lý nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.

Vấn đề đặt ra là hết thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ lần đầu của Viện kiểm sát, cơ quan thụ lý có được tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ trong các lần tiếp theo khi có căn cứ tạm đình chỉ hay không? Hoặc quyết định tạm đình chỉ trong các lần tiếp theo không có căn cứ thì Viện kiểm sát có tiếp tục hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để giải quyết tiếp hay không?

Như đã phân tích, BLTTHS không giới hạn số lần tạm đình chỉ, cơ quan thụ lý có thể tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ sau khi Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, và cũng không giới hạn số lần Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ nếu xét thấy quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ. Tuy nhiên, nếu tạm đình chỉ sau đó hủy bỏ, hủy bỏ rồi lại tạm đình chỉ sẽ kéo dài thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Từ những vướng mắc trên, để hoàn thiện quy định của BLTTHS về tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng trên thực tiễn, tác giả đề xuất như sau:

Một là, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 nhằm phù hợp với căn cứ tạm đình chỉ điều tra quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015: “Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án”. Cụ thể, bổ sung điểm d tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 với nội dung:

…“d) Đã triệu tập nhưng chưa xác định được hoặc không biết rõ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đang ở đâu mà việc lấy lời khai của họ có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự”.

Hai là, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 149 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Viện kiểm sát là cơ quan có thẩm quyền phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sau khi đã tạm đình chỉ. Như vậy, khoản 1 Điều 149 được sửa đổi thành: “Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, ban hành hướng dẫn giải đáp rõ hơn về số lần tạm đình chỉ và số lần hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhằm áp dụng thống nhất trên thực tiễn, tránh tình trạng tùy nghi./.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang