Về quy định bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

09/07/2024 13:23

(kiemsat.vn)
Thực tiễn thực hiện các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn những bất cập cần hoàn thiện.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa các quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng hình sự gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng. Thực tiễn thực hiện các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong Bộ luật này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn những bất cập cần hoàn thiện.

Công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các chủ thể tiến hành tố tụng cần giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và vấn đề hạn chế các quyền này theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

1. Thực tiễn việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân cho thấy, các chủ thể tiến hành tố tụng đã góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn hoạt động tiến hành tố tụng, qua đó thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”. Cụ thể như sau:

Một là, các chủ thể tiến hành tố tụng đã tuân thủ triệt để các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và BLTTHS năm 2015, nhất là việc tiến hành các thủ tục pháp lý trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp nói chung và về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng nói riêng vào thực tiễn hoạt động.

Hai là, quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân ngày càng được các chủ thể tham gia tố tụng nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các tổ chức, cá nhân là chủ thể tham gia tố tụng, bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Các chủ thể tiến hành tố tụng đã chú trọng thực hiện các quy định của pháp luật một cách công khai, dân chủ, bình đẳng, thông qua đó, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được giải quyết khách quan, toàn diện, đầy đủ, đúng pháp luật. Vì vậy, vi phạm pháp luật trong việc áp dụng BLTTHS năm 2015 về biện pháp ngăn chặn, khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử từng bước giảm thiểu.

Ba là, nhằm thực hiện hiệu quả các quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Đảng và Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, đổi mới trình tự, thủ tục, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn kinh phí, góp phần nâng cao năng lực của các chủ thể tiến hành tố tụng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp gắn liền với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng và đổi mới hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Bốn là, các chủ thể tiến hành tố tụng thực hiện cơ chế phối hợp bảo đảm khách quan, toàn diện, đầy đủ, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ có hiệu lực, hiệu quả nhất lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là thông qua cơ chế này, các chủ thể tiến hành tố tụng không chỉ phối hợp nhịp nhàng, khoa học để giải quyết vụ án hình sự kịp thời, nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật, mà còn chế ước lẫn nhau để hạn chế việc lạm quyền, lộng quyền, vi phạm pháp luật, thiết thực đưa các quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân vào thực tiễn đời sống xã hội, qua đó khẳng định uy tín, hình ảnh của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân vẫn còn những hạn chế, bất cập như sau:

Thứ nhất, BLTTHS năm 2015 chưa cụ thể hóa đầy đủ những quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Trong giai đoạn hiện nay, các tiếp cận mới, tiến bộ, khoa học hơn đòi hỏi hệ thống pháp luật về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng cần có những đổi mới quan trọng gắn với chủ trương cải cách tư pháp, đồng bộ và thống nhất giữa tư pháp với lập pháp và hành pháp.

Thứ hai, nhận thức của một số chủ thể tiến hành tố tụng đối với các quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân chưa thật sự thống nhất và đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hướng đến “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Thứ ba, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng còn bộc lộ những bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra và chậm đổi mới trong thực tiễn. Hiện nay, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn được sắp xếp theo cấp hành chính từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉ lệ dân cư, trình độ dân trí và nhu cầu tham gia tố tụng khác nhau. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương bị quá tải (như ở các thành phố, thị xã), còn một số địa phương (như miền núi, hải đảo) thì hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng có thể ít hơn. Xét về cả phương diện chủ quan và khách quan, điều này chưa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tố tụng nói chung và quyền con người, quyền công dân nói riêng.

Thứ tư, một bộ phận đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực, chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, còn biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, thậm chí vi phạm pháp luật. Đây là vấn đề nghiêm trọng không những ảnh hưởng đến kỷ cương, trật tự pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà còn trực tiếp hay gián tiếp đe dọa xâm phạm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực này.

Thứ năm, cơ sở vật chất - kỹ thuật, điều kiện tài chính, ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng như: Trụ sở làm việc, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác... có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoặc chậm cấp phát, trang bị, nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thực tiễn cho thấy, hoạt động của một số chủ thể tiến hành tố tụng có nhu cầu rất lớn về cơ sở vật chất, trang bị công nghệ, đòi hỏi tính hiện đại, đặc chủng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động tố tụng đã và đang bị xuống cấp, lạc hậu, nhất là ở cấp huyện, vùng sâu, vùng xa.

Thứ sáu, mặc dù pháp luật tố tụng đã có những quy định về sự phối hợp hoạt động giữa chủ thể tiến hành tố tụng, cũng như giữa chủ thể tiến hành tố tụng với các chủ thể khác, song chưa thật sự đầy đủ, thống nhất và chặt chẽ, nhất là chưa xác định đầy đủ trách nhiệm giữa các cơ quan trong mối quan hệ này. Trong nhiều trường hợp, phối hợp giữa các chủ thể tiến hành tố tụng còn mang tính hình thức.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Từ thực trạng trên, tác giả kiến nghị một số định hướng cơ bản góp phần thực hiện hiệu quả các quy định của BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân như sau:

Một là, quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung và tiếp tục thi hành BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW). Trên cơ sở đặc trưng, các quan điểm, mục tiêu, trọng tâm và nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, cần chú trọng quán triệt nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân với nội dung: “Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Ðảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thực hiện tốt nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Hai là, quá trình hoàn thiện BLTTHS năm 2015 cần quán triệt nghiêm túc nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, với nội dung: “Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước, nhất là: Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị; phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân;...”.

Ba là, cần đặt vấn đề hoàn thiện BLTTHS năm 2015 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013, các bộ luật, luật liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các chủ thể tiến hành tố tụng như: Bộ luật Hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và hệ thống các quy phạm pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Bốn là, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các chủ thể tiến hành tố tụng hình sự các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền công dân được quy định trong BLTTHS năm 2015, nhất là các chủ thể tiến hành buộc tội, kết án người bị buộc tội. Trên cơ sở nhận thức đó, các chủ thể tiến hành tố tụng chuyển hóa thành quyết tâm chính trị, hành động cụ thể khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, nhằm từng bước hiện thực hóa các giá trị cao quý về quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp. Trong đó, các cấp có thẩm quyền cần chú trọng chỉ đạo tập trung triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm là, cần có sự phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các chủ thể tiến hành tố tụng, cũng như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và toàn thể Nhân dân khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng và thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt, cần chú trọng hoàn thiện cơ sở pháp lý, ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của các chủ thể trên đối với người tiến hành tố tụng và giữa các chủ thể tiến hành tố tụng với nhau theo nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, qua đó bảo đảm điều kiện tốt nhất cho việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc có sử dụng công nghệ cao

(Kiemsat.vn) - Từ thực tiễn công tác, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình rút ra một số kinh nghiệm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ; xác định số tiền dùng đánh bạc và xác định tội danh; lập sơ đồ tư duy thể hiện quy trình tổ chức đánh bạc; mối quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin, mạng viễn thông...
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang