Ứng dụng công nghệ blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử tại Trung quốc, Hoa kỳ và khuyến nghị cho Việt Nam

16/10/2023 08:33

(kiemsat.vn)
Chứng cứ điện tử tạo ra thách thức đối với pháp luật tố tụng dân sự nói chung và quy trình thu thập, xử lý, bảo quản,... chứng cứ nói riêng. Do đó, việc ứng dụng một công nghệ mới để lưu trữ chứng cứ điện tử là điều cần thiết bên cạnh Tòa án điện tử và tống đạt giấy tờ. Công nghệ Blockchain với những ưu điểm như không thể bị làm giả và phá hủy, thông tin không thể bị thay đổi…, hứa hẹn có thể được ứng dụng hiệu quả trong việc lưu trữ chứng cứ điện tử.

Khái quát về khả năng ứng dụng công nghệ Blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử

Blockchain (chuỗi khối) là thuật ngữ chỉ công nghệ lưu trữ, truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết theo dạng móc xích và có quan hệ chặt chẽ với nhau; là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Blockchain được xây dựng bằng một số thuật toán như: Chứng cứ công việc (Proof or Work – PoW), chứng cứ cổ phần (Proof of Stake - PoS). Blockchain có 03 phiên bản: Phiên bản 1.0 xuất hiện nhiều với ứng dụng về tiền điện tử, phiên bản 2.0 xuất hiện trong các hợp đồng thông minh, còn phiên bản 3.0 tham gia vào các vấn đề phức tạp hơn như pháp luật, hành chính công.

Với những ưu thế vượt trội so với những công nghệ truyền thống như: Không thể bị làm giả và phá hủy, thông tin không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống, có tính “riêng tư” nhằm sàng lọc những người được phép để quản trị sổ cái, Blockchain nhanh chóng trở thành một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, chính phủ điện tử... và cũng hứa hẹn có thể được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực pháp luật như để lưu trữ chứng cứ điện tử.

Theo chúng tôi, công nghệ Blockchain có khả năng ứng dụng cao trong lưu trữ chứng cứ điện tử, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, công nghệ Blockchain giúp xác thực và minh bạch chứng cứ điện tử. Công nghệ Blockchain giúp kiểm soát tính xác thực của chứng cứ dựa trên cơ chế xác thực giao dịch và xác minh khối. Quy trình này chính là khâu kiểm tra xem dữ liệu, chứng cứ điện tử được đưa lên có đúng với nguyên bản lần khởi tạo đầu tiên hay bị thay đổi, biến dạng ở khâu nào không. Trong thực tiễn, điều này cho phép xác thực những chứng cứ cùng loại, đảm bảo tính nguyên gốc, tránh việc chứng cứ điện tử bị biến đổi trong một khâu bất kì của quá trình.

Thứ hai, công nghệ Blockchain giúp bảo mật chứng cứ điện tử. Khi ứng dụng Blockchain, chứng cứ điện tử được ghi lại trong sổ cái kế toán. Sổ cái được lưu trữ thành nhiều bản sao trên một mạng máy tính, được gọi là các “nút” (node). Mỗi lần ai đó muốn truy cập vào chứng cứ điện tử đã được lưu trữ trong sổ kế toán, các nút sẽ kiểm tra để đảm bảo chứng cứ được truy cập là chính xác. Có hai điều khiến hệ thống này không thể bị thay đổi là dấu vân tay mã hóa duy nhất cho mỗi khối và một “giao thức đồng thuận”. Các hàm băm cũng đóng vai trò bảo mật chứng cứ thông qua cơ chế hàm băm của block trước (hash of previous block).

Thứ ba, công nghệ Blockchain giúp bảo quản chứng cứ điện tử và hạn chế thiệt hại. Việc này được thực hiện dựa trên cơ chế lưu trữ phi tập trung và đồng thuận phi tập trung của Blockchain. Cơ chế lưu trữ phi tập trung giúp dữ liệu được lưu trữ phân tán, tránh tình trạng mất dữ liệu cục bộ ở một khối nhất định làm mất toàn bộ dữ liệu. Còn cơ chế đồng thuận phi tập trung giúp ngăn chặn việc chứng cứ điện tử có thể bị tác động bởi các tác nhân khách quan (như bị xâm nhập, thay đổi, phá hủy) và những tác nhân chủ quan (như việc update chương trình, thay đổi cơ sở sử dụng).

Thứ tư, công nghệ Blockchain giúp kiểm soát, quản lý và khai thác chứng cứ điện tử. Ứng dụng Blockchain giúp sắp xếp tất cả các chứng cứ điện tử có liên quan trong một vụ án ở một nơi và chia sẻ với các bên cần thiết dễ dàng hơn. Ngoài ra, một trong những chức năng cơ bản nhất của việc ứng dụng Blockchain là theo dõi chuỗi hành trình của chứng cứ điện tử. Hệ thống sẽ lập danh mục mọi người đã truy cập các tệp riêng lẻ và liệt kê ngày giờ chứng cứ đã được xem, tải xuống, in hoặc chia sẻ. Việc kiểm soát và quản lý chứng cứ điện tử tốt sẽ làm căn cứ để khai thác thông tin, góp phần giải quyết vụ án hiệu quả.

Quy định của Trung Quốc và Hoa Kỳ về ứng dụng công nghệ Blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử

Pháp luật Trung Quốc: Năm 2012, Trung Quốc đã bổ sung quy định về dữ liệu điện tử (hay chứng cứ điện tử) tại khoản 5 Điều 63 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Theo giải thích của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao về việc áp dụng BLTTDS nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sửa đổi năm 2022, Điều 116 quy định tài liệu nghe nhìn bao gồm tài liệu ghi âm và hình ảnh: “Dữ liệu điện tử là thông tin được hình thành hoặc lưu trữ trong phương tiện điện tử qua email, trao đổi dữ liệu điện tử, lịch sử trò chuyện trực tuyến, blog, blog vi mô, tin nhắn văn bản di động, chữ ký điện tử, tên miền,… Tài liệu ghi âm và hình ảnh được lưu trữ trong phương tiện điện tử được áp dụng theo quy định của dữ liệu điện tử”.

Đây là cách giải thích, liệt kê tương đối rõ ràng và đầy đủ một số loại chứng cứ điện tử thường gặp. Các loại chứng cứ điện tử được liệt kê dưới hai dạng hình thành là do con người và do các thiết bị ghi lại. Một điểm được coi là đi đầu xu thế của Trung Quốc là việc ứng dụng công nghệ Blockchain vào hoạt động tố tụng, song song với việc triển khai Tòa án điện tử.  

Các vấn đề liên quan tới ứng dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động tố tụng được quy định như sau: “Điều 16: Dữ liệu điện tử do các bên nộp làm chứng cứ được lưu trữ thông qua công nghệ Blockchain và được kiểm tra kỹ thuật nhất quán, TAND có thể xác định rằng dữ liệu điện tử đó không bị giả mạo sau khi xích, ngoại trừ chứng cứ ngược lại đủ để lật đổ; Điều 17: Trong trường hợp các bên phản đối tính xác thực của dữ liệu điện tử được lưu trữ trong công nghệ Blockchain và có lý do chính đáng, TAND có trách nhiệm đưa ra phán quyết kết hợp các yếu tố; Điều 18: Trong trường hợp các bên không có tính xác thực trước khi lưu trữ dữ liệu điện tử và cung cấp chứng cứ để chứng minh hoặc giải thích lý do, TAND sẽ xem xét.

Theo trường hợp của vụ án, TAND có thể yêu cầu một bên nộp công nghệ Blockchain để lưu trữ dữ liệu điện tử, cung cấp chứng cứ để chứng minh tính xác thực của dữ liệu trước khi lưu trữ chuỗi trên và kết hợp các nguồn dữ liệu cụ thể, cơ chế tạo, quá trình lưu trữ, công chứng của tổ chức công chứng, chứng kiến của bên thứ ba, dữ liệu xác nhận liên quan…; Điều 19: Các bên có thể nộp đơn xin ý kiến về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc lưu trữ dữ liệu điện tử trong công nghệ Blockchain. Tòa án nhân dân có thể ủy thác cho công nghệ Blockchain xác định tính xác thực của việc lưu trữ dữ liệu điện tử theo yêu cầu của các bên hoặc theo thẩm quyền hoặc thu thập các chứng cứ có liên quan khác để đối chiếu”.

Có thể thấy, Trung Quốc đã đi đầu trong ứng dụng công nghệ lưu trữ Blockchain trong hoạt động tố tụng, không chỉ sử dụng mà còn luật hóa với những quy định tương đối đầy đủ, khi chấp nhận công nghệ Blockchain trong hoạt động lưu trữ chứng cứ điện tử, chứng minh, xác thực giá trị chứng cứ mà đương sự cung cấp. Việc triển khai Tòa án điện tử song song, nhất quán với ứng dụng công nghệ Blockchain để lưu trữ, khai thác chứng cứ điện tử trong bối cảnh Covid đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi giải quyết tranh chấp dân sự; hỗ trợ hoạt động tố tụng trực tuyến.

Pháp luật Hoa Kỳ: Việc áp dụng công nghệ chuỗi khối vào hoạt động tư pháp đang là một xu thế chung của toàn thế giới, đặc biệt khi nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ công nhận giá trị pháp lý của công nghệ chuỗi khối, hợp đồng thông minh và chữ ký số. Những thay đổi về mặt pháp luật cho thấy sự chấp nhận ngày càng tăng đối với các công nghệ mới và tiềm năng.

Năm 2018, tiểu bang Arizona thông qua Đạo luật giao dịch điện tử, trong đó quy định về bằng chứng chuỗi khối, hợp đồng thông minh và chữ ký số. Đạo luật cũng định nghĩa công nghệ Blockchain như một công nghệ sổ cái phân tán, dữ liệu trên sổ cái được bảo vệ bằng mật mã, không thể thay đổi, có thể kiểm tra và cung cấp chính xác mà không cần kiểm duyệt; quy định cụ thể một hợp đồng thông minh là một chương trình dựa trên sự kiện đầu vào được chạy trên sổ cái công nghệ Blockchain và có thể hướng việc chuyển giao tài sản trên sổ cái đó. Sự sửa đổi này cho phép các hợp đồng thông minh và các chữ ký số thông qua Blockchain có cùng hiệu lực pháp lý, tính hợp lệ và khả năng thực thi như các bản sao bằng giấy của chúng.

Trong cùng năm 2018, bang Ohio đã phê duyệt Đạo luật giao dịch điện tử thống nhất, thừa nhận Blockchain là chứng cứ điện tử.

Năm 2019, tiểu bang Washington thông qua Dự luật công nghệ sổ cái phân tán (SB 5638), công nhận giá trị pháp lý của hồ sơ điện tử được lưu trữ trên chuỗi khối. Dự luật quy định công nghệ sổ cái phân tán hoặc chuỗi khối như một loại hồ sơ điện tử có thể được sử dụng làm chứng cứ trước Tòa án và cho các mục đích pháp lý khác; đồng thời, làm rõ khả năng chấp nhận chứng cứ dựa trên chuỗi khối trong thủ tục pháp lý và giúp thiết lập khung pháp lý cho việc sử dụng công nghệ chuỗi khối ở bang Washington.

Năm 2020, tiểu bang Illinois phê duyệt Đạo luật công nghệ chuỗi khối, trong đó quy định rõ ràng rằng: “Trong một thủ tục tố tụng pháp lý, không được loại trừ chứng cứ về hợp đồng thông minh, hồ sơ chuỗi khối hoặc chữ ký điện tử chỉ vì một chuỗi khối được sử dụng để tạo ra, lưu trữ hoặc xác minh hợp đồng thông minh, bản ghi hoặc chữ ký”.

Bang Wyoming đang trong quá trình thông qua các quy định về điện tử và Blockchain. Vào tháng 2/2019, Hạ viện bang Wyoming thông qua áp đảo hai trong số năm luật Blockchain đầu tiên, hiện đã được chuyển lên Thượng viện. Theo đó: “Biện pháp đầu tiên, HB 19, loại bỏ tiền điện tử khỏi luật chuyển tiền của Wyoming, luật bắt buộc người dùng chuyển tiền điện tử chuyên nghiệp và thương mại phải được cấp phép; mã thông báo chuỗi khối được miễn trừ khỏi quy định chứng khoán truyền thống theo dự luật thứ hai, HB70. Các mã thông báo chuỗi khối này không được coi là chứng khoán và không phải đăng ký với trạng thái như vậy nếu chúng đáp ứng các yêu cầu nhất định. Dự luật 70 cũng miễn trừ các nhà môi giới, công ty phát hành và nhà phát triển khỏi các quy định về chuyển tiền của Wyoming”.

Bằng chứng chuỗi khối, hợp đồng thông minh và chữ ký số có hiệu lực pháp lý, các luật trên giúp loại bỏ bất kỳ sự không chắc chắn nào liên quan đến khả năng chấp nhận của chứng cứ đó trong thủ tục tố tụng tại Tòa án. Có thể thấy, Hoa Kỳ có rất nhiều luật tiểu bang kiểm soát tính hợp pháp của công nghệ chuỗi khối. Tuy nhiên, quy định của các tiểu bang về Blockchain không chi tiết và chưa có luật pháp quốc gia thống nhất về Blockchain. Nhìn chung, những phát triển này chứng minh tiềm năng của công nghệ chuỗi khối có tác động đáng kể đến các khía cạnh khác nhau của xã hội, bao gồm hệ thống pháp luật; nhiều tiểu bang và quốc gia đã công nhận giá trị pháp lý của chứng cứ dựa trên chuỗi khối và hợp đồng thông minh.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về ứng dụng công nghệ Blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chưa quy định cụ thể về vấn đề lưu trữ để đảm bảo giá trị chứng minh đối với chứng cứ điện tử. Theo khoản 4 Điều 107 BLTTDS năm 2015 về bảo quản tài liệu, chứng cứ: “Nghiêm cấm việc hủy hoại tài liệu, chứng cứ”; khoản 1 Điều 110 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trường hợp chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được thì đương sự có quyền đề nghị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp cần thiết để bảo toàn chứng cứ. Đề nghị của đương sự phải thể hiện bằng văn bản. Tòa án có thể quyết định áp dụng một hoặc một số trong các biện pháp niêm phong, thu giữ, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phục chế, khám nghiệm, lập biên bản và các biện pháp khác”.

Có thể thấy, hai điều luật trên đều quy định chưa đầy đủ về lưu trữ chứng cứ điện tử. Hiện nay, trong quá trình tố tụng, chứng cứ điện tử dễ bị từ chối do đặc tính của nó, vai trò của chứng cứ điện tử chỉ được phát huy khi đã được hữu hình hóa dưới dạng sao chụp, lập thành vi bằng. Như vậy, nhìn nhận từ công nghệ Blockchain cũng như kinh nghiệm của Trung Quốc và Hoa Kỳ, việc ứng dụng công nghệ này trong hoạt động lưu trữ có thể xem là một bước tiến đúng và xa cho hoạt động tư pháp nước ta. Ứng dụng này không chỉ mang lại hiệu quả thực tế với sự gia tăng các vụ án dân sự liên quan tới chứng cứ điện tử, mà còn có thể áp dụng, hình thành việc xét xử trực tuyến sử dụng chứng cứ điện tử từ Blockchain. 

Sau khi nghiên cứu quy định của các quốc gia nêu trên, tác giả kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm ứng dụng hiệu quả công nghệ Blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử như sau:

Thứ nhất, bổ sung vào BLTTDS năm 2015 các quy định về tiêu chí xác thực, bảo quản, khai thác chứng cứ điện tử từ công nghệ Blockchain. Do pháp luật Việt Nam chưa có điều luật riêng biệt điều chỉnh hoạt động liên quan đến việc sử dụng, ứng dụng công nghệ Blockchain vào quá trình tố tụng, nên cần xây dựng hoặc bổ sung các quy định mới để công nhận Blockchain là một công nghệ lưu trữ đáng tin cậy.

Thứ hai, đối với các hoạt động tố tụng có yếu tố nước ngoài khi phải sử dụng chứng cứ điện tử được lưu trữ bởi công nghệ Blockchain mà các quốc gia khác cung cấp, thì cần xem xét tạo cơ chế giống với chứng cứ truyền thống trong hoạt động xét xử và ủy thác tư pháp.

Thứ ba, xây dựng chế tài đối với việc phản bác lại chứng cứ lưu trữ bằng công nghệ Blockchain để đảm bảo sự khách quan tại Tòa án.

Thứ tư, đảm bảo tính xác thực của chứng cứ trước khi xâu chuỗi. Việc lưu trữ trên chuỗi bằng chứng chuỗi khối có tính năng theo giai đoạn. Việc tự chứng nhận công nghệ chuỗi khối chỉ đóng một vai trò trong giai đoạn hậu chuỗi và không liên quan, cũng như không đảm bảo tin cậy cho nội dung của chứng cứ trước chuỗi.

Thứ năm, xây dựng hệ thống siêu dữ liệu của công nghệ Blockchain trong việc lưu trữ chứng cứ điện tử. Một trong những ứng dụng của Blockchain vào hoạt động lưu trữ chứng cứ điện tử là xây dựng hệ thống siêu dữ liệu nâng cao (advanced metadata system) cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong tố tụng dân sự.

Như vậy, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử ở Việt Nam còn nhiều thách thức, nhưng sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Các quốc gia trên thế giới đang dành sự quan tâm lớn tới Blockchain và vấn đề lưu trữ chứng cứ điện tử, từ đó giúp phát triển công nghệ Blockchain và để lại bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định về công nghệ Blockchain, lưu trữ chứng cứ điện tử, ứng dụng công nghệ Blockchain trong lưu trữ chứng cứ điện tử. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong vài năm tới, Blockchain sẽ trở thành một công nghệ có tiềm năng ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực pháp luật cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác ở nước ta.

VKSND tỉnh Nghệ An ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai

(Kiemsat.vn) - Qua công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án dân sự, VKSND tỉnh Nghệ An phát hiện UBND huyện Q có vi phạm trong hoạt động cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó đã ban hành kiến nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Q nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn.

Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm tham nhũng

(Kiemsat.vn) - Pháp luật hình sự Việt Nam quy định về các tội phạm tham nhũng ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của các hành vi tham nhũng, cũng như yêu cầu của tình hình mới, cùng các cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, các quy định về nhóm tội phạm này vẫn còn những hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang