Trao đổi về các biện pháp ngăn chặn theo BLTTHS năm 2015

10/12/2021 08:55

(kiemsat.vn)
Biện pháp ngăn chặn (BPNC) là một chế định quan trọng trong luật tố tụng hình sự. Áp dụng các quy định về BPNC một cách đúng đắn, chính xác là sự bảo đảm cần thiết cho việc ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với kẻ phạm tội, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Thời gian qua, trên cơ sở các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật liên quan về BPNC, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo pháp chế và quan trọng nhất đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng các BPNC đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay, trong bài viết của mình chúng tôi xin trao đổi cùng bạn đọc một số vấn đề sau:

Về tạm giữ

Thứ nhất, khoản 1 Điều 117 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã”. Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người phạm tội tự thú, đầu thú theo chúng tôi hiện nay có một số điểm chưa thực sự hợp lý.

Điểm h, điểm i Điều 4 BLTTHS năm 2015 quy định:

“Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”

Việc người tự thú, đầu thú được coi là đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, theo quan điểm chúng tôi cần phải quy định rõ, trường hợp nào cần thiết phải tạm giữ, còn trường hợp nào không cần thiết. Bởi vì, trong thực tế những trường hợp người phạm tội tự thú, đầu thú luôn ở một mức độ khác nhau, có những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng do lỗi vô ý khi phạm tội, người phạm tội có nhân thân tốt... thì không cần thiết phải ra quyết định tạm giữ đối với họ. Hơn nữa một khi họ đã ăn năn hối cải, lương tâm cắn rứt về hành vi phạm tội của mình nên họ đã ra tự thú, đầu thú thì tùy từng trường hợp về hành vi phạm tội ở mức độ nặng nhẹ khác nhau để các cơ quan tiến hành tố tụng lưạ chọn biện pháp ngăn chặn phù hợp nhất áp dụng đối với loại người này.

Thứ hai, vướng mắc về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ

So với Bộ luật năm 2003, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung và quy định chặt chẽ hơn về những người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ, cụ thể tại khoản 2 Điều 117: “Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ. Bao gồm:

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Có thể thấy, thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người ngoài cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn có chủ thể “Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.” Quy định này chưa thực sự hợp lý ở chỗ các chủ thể này không thuộc những chủ thể được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra được quy định trong Điều 9 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, trái ngược với khái niệm quy định tại Điều 109 BLTTHS năm 2015 về quy định chủ thể được áp dụng các biện pháp ngăn chặn chỉ có thể là cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do đó cần phải có những điều chỉnh, bổ sung đối với quy định này để tránh những khó khăn xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật.

Thủ tục bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Tại khoản 1 Điều 114 BLTTHS năm 2015 quy định: Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.. Quy định này chưa thực sự hợp lý ở chỗ mới chỉ quy định ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt mà chưa có quy định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị giữ.  

Một số kiến nghị

Một là, về vấn đề tạm giữ người tự thú, đầu thú, theo chúng tôi BLTTHS 2015 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: Đối với các tội phạm thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và người phạm tội có thân nhân tốt, có nơi cư trú rõ ràng thì không áp dụng BPNC tạm giữ. Trường hợp đầu thú mà người phạm tội phạm tội ít nghiêm trọng và  có thân nhân tốt, có nơi cư trú rõ ràng thì không cần phải tạm giữ.

 Hai là, đối với thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp của người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển rời khỏi sân bay, bến cảng, theo chúng tô, BLTTHS 2015 cần phải có quy định rõ ràng và cụ thể hơn theo hướng:

- Trường hợp nào thì không thể có sự có mặt của chính quyền địa phương, thì cần quy định đối tượng nào có mặt, có điều kiện được chứng kiến và xác nhận vào biên bản bắt giữ thay thế, hoặc trường hợp nào thì không cần.

- Trường hợp tạm giữ khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, rời bến cảng thì cần phải quy định thời hạn tạm giữ cụ thể tối đa là bao nhiêu ngày, trừ đi những ngày tàu biển, tàu bay di chuyển từ địa điểm bắt giữ đến địa điểm thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo ...

Chúng tôi rất muốn nhận được sự trao đổi, góp ý của quý đồng nghiệp và ban đọc để góp phần hoàn thiện hơn các nội dung liên quan đến BPNC tạm giữ nêu trên.

(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang