Trần Thị T có phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” không?

27/10/2016 01:42

Trần Thị T có phạm tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” không?

Nội dung vụ án như sau:

Trần Thị T sinh năm 1989 là chị gái của Trần Quý P (bị can đang bị điều tra trong vụ án “Hiếp dâm trẻ em”). Quá trình tìm hiểu T biết nếu người bị hại trên 13 tuổi thì Trần Quý P sẽ không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Vì muốn em trai mình được nhẹ tội, Trần Thị T đã nhờ Phạm Thị H đi giám định độ tuổi để thay thế Nguyễn Thị Quỳnh N (bị hại trong vụ án hiếp dâm nêu trên) và được Phạm Thị H đồng ý. Trong quá trình làm thủ tục đề nghị giám định tuổi (đơn xin giám định, các thủ tục khám sơ bộ như phim chụp X quang xương đầu, tay, chân và răng tại Bệnh viện đều mang tên Nguyễn Thị Quỳnh N nhưng người được khám, giám định lại là Phạm Thị H). Viện pháp y Quốc gia – Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh đã ban hành “Bản kết luận giám định Pháp y về độ tuổi” kết luận Nguyễn Thị Quỳnh N có độ tuổi từ 14 năm 9 tháng đến 15 năm. Trần Thị T đã làm đơn và giao nộp Bản kết luận trên cho cơ quan tiến hành tố tụng. Kết quả giám định này sẽ có lợi cho bị can Trần Quý P vì tính thời điểm P phạm tội, người bị hại là Nguyễn Thị Quỳnh N có độ tuổi trên 13 tuổi; như vậy, Trần Quý P sẽ không phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Hiện nay có 02 nhóm ý kiến khác nhau về việc xác định hành vi phạm tội của Trần Thị T.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng, hành vi của Trần Thị T đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 BLHS.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, hành vi của Trần Thị T không phạm vào tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 BLHS.

Theo ý kiến của tôi, hành vi của Trần Thị T không phạm vào tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 267 BLHS. Bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 267 BLHS về tội “Làm giả tài của cơ quan, tổ chức”, thì:

Về mặt khách thể của tội phạm: Tội phạm này là loại tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Đối tượng phạm tội là con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả. Tuy nhiên, giấy tờ mà Trần Thị T sử dụng như đơn xin giám định pháp y, các giấy tờ thủ tục liên quan đến giám định pháp y cho Phạm Thị H (là người giám định thay cho Nguyễn Thị Quỳnh N) đều là giấy tờ có thật do Nhà nước ban hành, việc Trần Thị T viết tên người giám định là Nguyễn Thị Quỳnh N chỉ là điền thông tin của người giám định, không phải là làm giả giấy tờ, tài liệu. Bản kết luận giám định Pháp y về độ tuổi do Viện pháp y Quốc gia – Phân viện tại Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành là có thật, chữ ký, con dấu là thật.

Về mặt khách quan của tội phạm: Người phạm tội có một trong hai hành vi sau:
Hành vi thứ nhất là làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: Là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần (tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung…). Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể).

Hành vi thứ hai là sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Đây là trường hợp người phạm tội không có hành vi “làm” giả các đối tượng trên nhưng đã có hành vi “sử dụng” chúng để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân. “Lừa dối” ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.

Về mặt chủ quan: Là lỗi cố ý trực tiếp.

Về mặt chủ thể: Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

Trở lại vụ án nêu trên, Trần Thị T có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, cố ý thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục đề nghị Viện pháp y Quốc gia – Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh giám định tuổi cho người bị hại trong vụ án hình sự đang được các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết; không trung thực khi cung cấp tài liệu biết rõ là không đúng sự thật cho cơ quan tiến hành tố tụng, tuy nhiên, Trần Thị T không tự mình làm ra những tài liệu (giấy tờ, con dấu giả) của cơ quan, tổ chức, mà những giấy tờ, con dấu đó là hoàn toàn có thật, do Nhà nước ban hành, nên hành vi của T không phạm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 267 BLHS.

Trên đây là tình huống có thật, hiện các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm, ý kiến khác nhau, tác giả đưa ra mong được sự quan tâm, trao đổi từ bạn đọc./.

Ths. Nguyễn Thị Lan Hương
Vụ 1, VKSND tối cao

Góp ý về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại

(Kiemsat.vn) – Khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS năn 2015 (ngày 10/3/2017) quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại còn dài và mang tính liệt kê. Do vậy, vần phải sửa đổi theo hướng ngắn gọn và chặt chẽ hơn.

Không nên truy cứu TNHS với trường hợp chuẩn bị phạm tội Cố ý gây thương tích

(Kiemsat.vn) – Theo quan điểm của tác giả bài viết để các quy định của pháp luật có tính khả thi, kết cấu của điều luật được chặt chẽ thì không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội Cố ý gây thương tích.
(0) Bình luận

Bài viết chưa có bình luận nào.

lên đầu trang